Thử nhìn một cách lạc quan câu chuyện trong điện có biệt thự, có tennis, có bikini.
Lại là cái tên EVN. Lại là đầu tư ngoài ngành. Lại là lỗ. Lại kêu gào tăng giá bán điện. Những điệp khúc đến hẹn lại lên mỗi khi doanh nghiệp nhà nước có thanh tra. Nhưng lần này, mới hơn, là chuyện trong giá thành điện, có biệt thự, có sân tennis, có bể bơi.
Kết quả thanh tra tại EVN do Thanh tra Chính phủ tiến hành công bố những sự thật y như câu chuyện hài.
Ngót 600 tỷ cho biệt thự, bể bơi, sân tennis… được nhét các dự án nguồn điện để hạch toán vào giá thành điện.
2.195 tỷ đồng tiền lỗ, khi mà “Quả đấm sắt độc quyền” dùng 121.000 tỷ đầu tư ngoài ngành vào ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
Các công ty con, chẳng hạn riêng Tổng công ty Điện lực miền Nam, được giao kế hoạch lỗ trên dưới 1.200 tỉ đồng.
Hóa ra, người dân mỗi khi bật công tắc điện là đã phải trả tiền để cán bộ EVN diện Bikini đi bơi mỗi chiều.
Hóa ra, trong giá thành điện được cấu thành bởi những rủi ro cho những khoản đầu tư ngoài ngành bản chất không khác gì “đánh bạc”.
Còn kế hoạch lỗ, một lý do chính đáng để đòi tăng giá điện, để khóc thương nhân viên ngành điện 7 triệu là không đủ sống.
Nhưng điện hoàn toàn không phải là một ngoại lệ, ngoảnh sang giá sữa, chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu, hai bộ Tài chính, Y tế mới ngồi lại với nhau, và cũng chỉ mất có một buổi, để tháo gỡ “cơn điên” của giá sữa tồn tại từ ngay sau ngày…Luật Giá có hiệu lực.
Một lon sữa cứ qua biên giới là lãi từ 150 đến 900%. Làm gì có thứ kinh tế thị trường, dù chưa đầy đủ nào hàm chứa sự bất hợp lý đến bất công như vậy. Hay là vì trong sữa có hoa hồng?
Nếu câu chuyện “trong điện có bikini” đang cho thấy cơ chế độc quyền doanh nghiệp khiến người dân phải trả tiền cho những bất hợp lý, yếu kém của DNNN thì chuyện “trong sữa có hoa hồng” cho thấy sự yếu kém trong quản lý, (ước gì nguyên nhân chỉ là sự yếu kém), khiến một mặt hàng thông dụng trên phạm vi toàn thế giới hoàn toàn có thể tạo “độc quyền mặt bằng giá” ở Việt Nam.
Trước đề án tái cơ cấu DNNN, vấn đề hiệu quả đã được nhắc tới, đầu tư ngoài ngành đã được chấn chỉnh, lỗ đã được cảnh báo mà bài học mang cái tên Vinashin, Vinalines đến giờ còn chưa hết thời sự.
Còn bây giờ thì sao?
Thời báo Kinh tế Việt Nam dẫn “bản báo cáo mới được hoàn thành ngày 3.10.2013” của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết đề án “Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được trình.
Vai trò chủ đạo là không đổi, dù Bộ KH và ĐT cũng nêu “một số quan điểm đáng chú ý”. Chẳng hạn: Cần làm rõ hơn vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong tiến trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cần xây dựng và thực hiện lộ trình tách bạch nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận với các nhiệm vụ an sinh xã hội khác không vì mục tiêu lợi nhuận. Hay yêu cầu “Cần loại bỏ và giảm thiểu độc quyền, trừ một số trường hợp đặc biệt trong các lĩnh vực tồn tại độc quyền tự nhiên”; “Cần hạn chế tối đa các trách nhiệm chính trị xã hội đối với các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời giao lại các nhiệm vụ này cho chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội để đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình”.
Lằng nhằng quá phải không! Thôi, giải thích một cách đơn giản thì là người dân sẽ còn phải đợi. Tất nhiên là như thế. Và trong khi đợi, thì cứ hẵng kiên nhẫn đóng thuế, bình tâm mà trả tiền điện.
Nếu phải nhìn nhận để có chút gì đó lạc quan thì có lẽ, câu chuyện “Trong điện có bikini” của ngày hôm nay, ít nhất cũng giúp những thường dân bình dị hoàn toàn xa lạ với kinh tế học, hàng ngày vẫn còng lưng đóng thuế đều như vắt chanh có thể tự trả lời câu hỏi vì sao các DN “Quả đấm thép” lợi thế tài nguyên trong tay, mà phải mất đến 9,3 đồng để tạo ra 1 đồng giá trị tăng thêm, vì sao càng DN nắm nguồn lực tài chính “vô biên cương” thì lại làm gì cũng lỗ. Và vì sao giá thành các mặt hàng thiết yếu của chúng ta lại luôn chỉ như “con chốt”, chỉ tăng chứ không lùi.
Đ. T.
Nguồn: http://daotuanddk.wordpress.com/2013/10/12/trong-dien-co-bikini/#more-2587