“Chữ Nhẫn gồm có chữ Tâm và chữ Đao. Chữ Đao đâm xuống trái tim. Tức là phải chịu đau đớn một mình… để cuộc đời trôi qua …êm ả”
Những ngày qua, tình cảm trong tôi diễn biến khá phức tạp. Chưa bao giờ, sự ra đi của một người, lại gây sóng gió trong lòng người Việt đến thế, bởi kẻ yêu người ghét có lẽ chẳng kém gì nhau. Dăm ngày qua, những hàng người xếp hàng vào nhà cụ Võ Nguyên Giáp, để viếng cụ vẫn kéo dài không dứt, cứ như thể thi hài cụ đang thực sự hiện diện ở đó. Ngày nào cũng thế, người ta xếp hàng từ sáng sớm, cho đến đêm khuya. Lớp người có tuổi đến viếng đã đành, nhưng trong dòng người ấy còn có rất nhiều thanh thiếu niên, chỉ tầm tuổi cháu chắt của cụ, họ biết và hiểu gì về cụ?
Đã có lúc tôi nghĩ đơn giản đó chỉ là sự tò mò, hiếu kỳ. Mặc dù tôi cũng đã đến viếng cụ, nhưng tình cảm chi phối tâm tư mình trong suốt cuộc viếng cơ hồ như không có gì đặc biệt hơn mọi cuộc viếng thăm những con người bình thường khác một khi họ về bên kia thế giới. Nghĩa là cũng xúc động, cũng rơi nước mắt. Cũng có người nói, không hẳn là có tình cảm gì đặc biệt lắm, nhưng đây là một cơ hội hiếm hoi, phải đến một lần vừa là để viếng, vừa là để thăm nơi con người được nhiều người cho là một huyền thoại, đã sống hơn nửa thế kỷ tại đây. Nói thế thôi chứ khó lý giải lắm trước những hiện tượng đó. Giải thích cách gì cũng là phiến diện.
Tôi đã định không viết gì, trước hết vì đôi lúc nói ra sự thật khá nguy hiểm. Nó không chỉ động chạm đến người đã khuất, mà đến cả những người còn đang sống. Chỉ vì chuyện yêu ghét, khen chê mà nhiều người đang là bạn bè lại quay lưng lại với nhau sau những cuộc tranh cãi gay gắt, hoặc biết là không thể tranh luận, nên chỉ thất vọng về nhau trong im lặng. Có người vốn chẳng bao giờ quan tâm đến mọi sự kiện xảy ra quanh mình, bèn dửng dưng nhìn tất cả những chuyện ồn ào đó, bảo cả đất nước đang “lên đồng yêu”, “lên đồng ghét”, lôi chuyện cũ ra bới móc mà quên đi cái thực tại, như ở Văn Giang và Trịnh Nguyễn đang dầu sôi lửa bỏng sự kiện bi hài nông dân giữ đất.
Tôi như kẻ ba phải, ngơ ngác đứng giữa những hỗn loạn thông tin, những quan điểm trái chiều, thấy ai cũng có lý của họ. Họ cãi nhau và không ai đặt được mình vào địa vị của người khác, kể cả của người vừa mới nằm xuống. Cứ gì cụ Giáp, bất cứ mỗi sự ra đi của một người nào có ảnh hưởng đến xã hội như hai nạn nhân trong vụ bắn cán bộ địa chính ở Thái Bình, cũng đều chia dư luận ra làm hai phe. Nhiều khi người ta tán thành, đồng ý, nhưng lại kèm theo chữ “nhưng mà” phía sau. Đúng là chuyện đời không đơn giản chỉ là “Yes” or “No”, mà còn “But” hay “If” nữa!
Khi một người nằm xuống, đó không phải là thời điểm thích hợp để lôi quá khứ ra mổ xẻ. Nhưng vì cả cuộc đời cụ Võ Nguyên Giáp gắn liền với một chế độ, mà không ai thống kê ra được là có bao nhiêu người yêu, bao nhiêu người ghét, bao nhiêu người sung sướng, bao nhiêu người bất hạnh vì nó, nhất là cụ lại ở một vị trí đặc biệt như vậy thì khó tránh khỏi chuyện mổ xẻ kia. Thôi thì cũng đừng ai bức xúc quá về những bức xúc của người khác. Hãy công bằng cho họ được yêu, được ghét đi.
Thế thì cũng cho tôi bày tỏ chút ít. Những năm gần đây, tôi không còn thần tượng cụ Giáp như trước kia, không phải vì cụ nhẫn nhịn nhận cái chức “Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch”, mà vì cụ không lên tiếng bảo vệ các tướng lĩnh và người thân tín cấp dưới khi họ bị thanh trừng. Tuy chỉ là dân thường, nhưng tôi luôn coi trọng cái nghĩa hơn cái tài. Thế nên, tôi rất buồn vì những thông tin thâm cung bí sử có liên quan đến cuộc đời của cụ, mà chỉ vào thời đại internet mới được hé lộ bởi những người tạm coi là người trong cuộc. Giờ đây, chỉ cần gõ vào google là ra rất nhiều bài viết về điều này. Có thể nó không hoàn toàn chính xác và khách quan, nhưng đáng tiếc là tôi lại tin vào điều đó.
Rất nhiều năm trước, đã có những xì xầm bàn tán, những bài viết chuyền tay nhau trong xã hội, về những vụ “thanh trừng” người nào dám phản đối đường lối chính sách của đảng, mà họ cho là sai lầm. Cho dù những người đó là bậc công thần cỡ nào như cụ Hoàng Minh Chính, cụ Trần Xuân Bách, cụ Nguyễn Mạnh Tường, cụ Trần Độ… Trong bối cảnh đó, cụ Giáp muốn tồn tại buộc phải “Nhẫn”?
Ít ra cho đến bây giờ, người đời vẫn có kẻ trách cụ “nhẫn” quá thành “nhục”. Sau này những người được cho là hãm hại cụ hoặc đã về bên kia thế giới, hoặc cũng đã “về vườn”, lớp lãnh đạo trẻ kế tục cũng không khá gì hơn. Bề ngoài họ vờ vĩnh kính trọng cụ, nhưng mọi ý kiến đóng góp của cụ trước những vấn đề hệ trọng của đất nước thì họ đều phớt lờ.
Có ai nghĩ rằng, cái “Nhẫn”của cụ Giáp cũng là một sự hy sinh không?
Cái “Nhẫn” của cụ là để cho lịch sử thấy cách đối xử của những người cộng sản với nhau như thế nào?
Ví dụ ngay bản thân tôi, chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt, cũng không thích chịu ơn của kẻ mình khinh bỉ. Thế nên họ đểu cáng tôi lại thấy thanh thản, vì đã không mắc nợ họ điều gì.
Nếu cụ Giáp cáo lão từ quan, để tỏ rõ khí phách anh hùng thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chắc gì cả thiên hạ đã hoan nghênh cụ? Có khi lúc đó thiên hạ lại kết tội cụ là một người lính đào ngũ, bỏ trống trận địa cho gian thần bách hại công thần?
Hình như chưa một ai trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất, lại thực sự về vườn một cách đúng nghĩa. Không hẳn là vì họ tham quyền cố vị, mà có lẽ có một cơ chế nào đó, giống như vòng kim cô chẳng hạn, để họ khống chế lẫn nhau. Thế nên nếu cụ Giáp mà có ý từ quan thì đâu có dễ?
Vậy là cụ chịu nhẫn để ở lại với đời. Cụ như một tượng đài sống mà cả hai phía cùng muốn duy trì để lợi dụng. Một người bạn giải thích cho tôi, “Chữ Nhẫn gồm có chữ Tâm và chữ Đao. Chữ Đao đâm xuống trái tim. Tức là phải chịu đau đớn một mình… để cuộc đời trôi qua …êm ả”. Tôi thích cách giải thích này.
Khôn ngoan không lại với trời, họ chơi xấu cụ thì thiên hạ mới thấy cái tâm địa xấu xa của họ được chứ? Ngay cái cách họ không nghe lời cụ, nhưng lại tỏ ra hiếu thảo với cụ đã tố cáo đó là trò hề. Bản thân họ cũng rối như gà mắc tóc, không biết xử trí thế nào ngay cả trước sự ra đi của cụ. Nào đâu cần họ đứng ra tổ chức Quốc tang, việc người dân tự nguyện đến viếng tại nhà cụ đã đủ làm họ ghen tức nổ ruột. Có ý kiến còn cho đó là sự phản kháng ngầm, có ý thách thức của dân chúng. Có lẽ nhìn khối người này, cũng lắm anh ngán lắm. May họ không giở cái bài cấm tụ tập đông người ở đây.
Thậm chí cho rằng dân chúng lên đồng đi, tôi vẫn dám chắc trong tất cả những người cộng sản, không có một ai được dân chúng tiễn đưa khi về bên kia thế giới như cụ Giáp. Đó mới chính là nỗi hận khó nuốt trôi của những người từng ganh ghét, hãm hại cụ. Buộc phải tổ chức Quốc tang, họ phải ngậm bò hòn làm ngọt. Thôi! Đó cũng là cách trả thù ngọt ngào rồi các bác ạ.
Mặc kệ ai tung hô, phong thánh. Mặc kệ ai chửi bới hay nguyền rủa, cụ ra Vũng Chùa đảo Yến nghỉ, cách xa mọi ồn ào của trần thế. Mấy ai ra đó được để mà quấy quả cụ. Người đời nay hay đời sau phán xét công hay tội thì cụ cũng đi xa rồi. Một trăm linh ba năm gánh nặng cuộc đời, đã quá đủ đối với một con người, phải không ạ.
Kính cụ về nơi yên giấc ngàn thu.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ ĐÁM TANG ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Xếp hàng dài tới tận vòng xuyến gần Lăng – trong những đêm viếng Đại tướng
U19 Việt Nam về muộn, khi đã hết thời hạn viếng thăm. Nhìn cảnh này, gia đình Đại tướng đã phải can thiệp với Ban tổ chức cho các cháu vào viếng. Người dân dù không được vào, cũng hoàn toàn ủng hộ.
Theo một người đi viếng về nói: “Toàn bộ lực lượng an ninh đã vây kín nhà tướng Giáp vì… sợ BẠO LOẠN”. Có lý lắm khi đọc bài dưới đây.
http://news.zing.vn/Dam-tang-bien-thanh-dai-bieu-tinh-chong-chinh-phu-post325557.html
Nhưng không có lý vì họ chả hiểu gì dân ta cả.
P. B.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.