Được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, tôi bàng hoàng, thẫn thờ giây lâu, vô cùng đau xót.
Thế là:
Một ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam đã tắt!
Một người học trò xuất sắc của Bác Hồ đã ra đi!
Một danh tướng trong mười danh tướng thế giới không còn nữa!
Tổ quốc mất một nhân tài kiệt xuất!
Được “Ông Ké” giao cho thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 đội viên, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã xây dựng lực lượng từ nhỏ đến lớn thành những đại đoàn chủ lực mạnh (thời chống Pháp), đến những binh đoàn, quân đoàn (thời chống Mỹ), thành những quả đấm mạnh có sức quyết định chiến trường và kết thúc chiến tranh.
Là Tổng tư lệnh, Đại tướng đã khéo sử dụng phối hợp giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích thích hợp với vai trò của mỗi thứ quân để tiêu hao, tiêu diệt lực lượng địch.
Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, khi còn ở hậu phương, theo ý kiến cố vấn Trung Quốc và được Bộ Chính trị đồng ý phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”, nhưng khi đến thực địa chiến trường, với tư duy độc lập sáng tạo, Đại tướng đã thấy không thực tế và không thực hiện được, đồng chí đã quyết định đổi thành phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, báo cáo về Trung ương, cuối cùng đã thắng trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là người thực hiện thành công ý chí “Lấy ít định nhiều, lấy yếu thắng mạnh” trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Sự tài giỏi của người chỉ huy là tạo được thế bí mật bất ngờ để đánh địch. Trong Tổng tấn công Tết Mậu Thân, ta đã đánh vào nhiều thành phố vào các cơ quan đầu não của ngụy quân Sài Gòn, vào đại sứ quán Mỹ… mà trước đó đối phương không hay biết gì; cũng như mục tiêu chính của quân ta là đánh Buôn Ma Thuột mà Bộ chỉ huy ngụy quân tưởng rằng ta sắp đánh nơi khác, khiến ngụy quân tan tác, rối loạn. Đó cũng là do dưới sự chỉ huy của Đại tướng Tổng tư lệnh mà các cấp dưới thực hiện được như vậy.
Có một điều cần nói nữa là khi chính quyền Sài Gòn lâm vào thế sắp xụp đổ, Đại tướng đã sáng suốt lệnh cho một phân đội nhanh chóng ra chiếm giữ quần đảo Trường Sa, nếu chậm thì sẽ vô cùng phức tạp. Đại tướng rất cảnh giác với người láng giềng phương Bắc.
Đã là chiến tranh thì không tránh khỏi thương vong, bên này bên kia cũng vậy, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tổng tư lệnh rất tiết kiệm xương máu của binh sĩ. Từng trận đánh, ông tính toán rất cẩn thận. Nếu trận tổng tấn công năm 1968, làm cho Mỹ giao động quyết tâm rồi rút quân ra để bảo toàn lực lượng như chủ trương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì đâu đến nỗi “khói lửa ngút trời, sông pha máu; đạn bom dậy đất, gạch lẫn xương” nơi thành cổ Quảng Trị.
Đại tướng cũng là người thân dân, tin dân, biết dựa vào dân: khi chưa có doanh trại thì quân ta đóng trong nhà dân; nhờ dân mà giữ được bí mật; nhờ sức dân to lớn từ nhiều địa phương mới tiếp tế được bộ đội đánh trận Điện Biên Phủ; có dân góp sức mới xây dựng và bảo vệ được “đường mòn Hồ Chí Minh” phục vụ cho vận tải, hành quân, tiếp tế để đánh lớn.
Còn nhiều mưu lược khác nữa của Đại tướng kể không hết được.
Ngoài lĩnh vực quân sự được đảm nhiệm, Đại tướng còn đóng góp ý kiến vào nhiều mặt công tác của Nhà nước. Với kiến thức và tầm nhìn xa, Đại tướng đã kiến nghị với lãnh đạo không phá Hội trường Ba Đình, một di tích lịch sử đặc biệt có một không hai của nước ta; không khai thác bô xít Tây Nguyên, tàn phá môi trường không đem lại lợi ích gì mà còn di họa khôn lường, để cho người Trung Quốc vào địa bàn chiến lược xung yếu đó, rất nguy hiểm; không nên sát nhập cả một tỉnh Hà Tây nông nghiệp vào Hà Nội, rất không thích hợp với một thủ đô hiện đại… Tiếc rằng những ý kiến đúng đắn ấy không được chấp nhận.
Có thể nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài. Là nhà giáo, không học trường võ bị hay lớp quân sự nào mà cầm quân đánh thắng nhiều tướng hàng đầu của Pháp như De Tassigny, Navarre…, của Mỹ như W. Westmoreland, C. Abrahams có đầy đủ quân binh chủng trang bị hiện đại hơn ta rất nhiều lần.
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là vị tướng văn, võ song toàn, trung nghĩa trọn vẹn đã cống hiến công lao to lớn đối với đất nước. Đại tướng mất đi là tổn thất không dễ gì bù đắp, để lại trong toàn dân niềm tiếc thương vô hạn.
Ngày 6/10/2013
|
KHÓC ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Nước non thương tiếc lệ sầu rơi
Đau xót anh Văn đã mất rồi
Yêu nước, hiến dâng không biết mỏi
Thân dân, dựa vững chẳng xa rời
Chiến công bất hủ còn vang dội
Nhân cách thanh cao vẫn sáng ngời
Cây lớn gió nào lay chuyển nổi
Hương thơm còn tỏa mãi trên đời.
N.T.V.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN