Trong không khí tranh cãi về việc nên hay không nên xây nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, nhiều luận cứ được đưa ra từ các nhà khoa học trong nước cũng như của chuyên gia Việt kiều từ nước ngoài gửi về phân tích, chứng minh rằng hiệu quả kinh tế của một nhà máy điện hạt nhân không đủ để bù đắp vào sự cố mà nó gây ra.
Hiểm họa được biết trước
Biến cố Chernobyl trước đây tại Nga và Fukushima hồi gần đây của Nhật đã làm không ít người hiểu được sức tàn phá ghê rợn khi một nhà máy điện nguyên tử gặp sự cố kỹ thuật. Bất kể do sơ sót của con người hay thiên tai mang lại, viễn cảnh một vụ nổ của nhà máy hạt nhân Ninh Thuận đã khiến cuộc tranh luận dần đi vào góc tối nhất của thảm họa không thể nào tránh khỏi nếu cứ khăng khăng thực hiện nhà máy này.
Cuộc tranh luận ấy tuy vẫn diễn ra nhưng sức thuyết phục của nó đối với cơ quan có quyền quyết định xem ra vẫn chưa tiến tới một lắng nghe nào. Báo chí quốc doanh vẫn đăng bài xác định lập trường xây dựng nhà máy trong khi mạng lưới Internet toàn cầu lại cho thấy sự chống đối vẫn rất quyết liệt của giới làm khoa học.
Còn văn nghệ sĩ thì sao? Liệu đề tài đang gây tranh cãi này có trở thành niềm cảm hứng cho nhà văn muốn thử nghiệm một tác phẩm xã hội mang tính hiện thực rõ rệt như vậy đang xảy ra trần trụi trên đất nước Việt Nam hay không?
Câu hỏi đã có lời giải khi mới đây, ông Inrasara, một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm cũng là cây bút văn học phê bình lý luận đã hoàn thành tác phẩm viết về sự kiện này.
Ninh Thuận cũng là quê hương của nhà văn nên từ đó ông thẩm thấu nhiều hơn cái trăn trở của người trong cuộc trước hiểm họa biết trước này.
Tiểu thuyết mang tên Tcherfunith ra đời nhưng tác giả của nó không chắc rằng độc giả có thể đọc được nó hay không. Đã có ít nhất ba nhà xuất bản đọc tác phẩm, tuy thích thú và đánh giá rằng chắc chắn cuốn sách sẽ là best seller, nhưng như thường lệ, đề tài được xem là nhạy cảm đã làm cho họ chùn tay không còn ý định xuất bản cuốn sách này nữa.
Để tìm hiểu thêm về cuốn sách chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Inrasara. Trước tiên ông cho biết lý do ông chọn cái tên rất khó đọc này “Tcherfunith”:
Chữ này là viết tắt từ 3 chữ Chernobyl, Fukushima với Ninh Thuận tương lai. Tôi cảm nhận về hiểm họa đó và tôi đặt tên cho cuốn tiểu thuyết là Tcherfunith, đó là rút gọn lại từ 3 từ trên.
– Ô. Inrasara
Inrasara: Đây là một cuốn tiểu thuyết mà tôi có thể viết tắt từ 3 chữ. Đó là chữ Tcherfunith, chữ này là viết tắt từ 3 chữ Chernobyl, Fukushima với Ninh Thuận tương lai. Tôi cảm nhận về hiểm họa đó và tôi đặt tên cho cuốn tiểu thuyết là Tcherfunith. Đó là rút gọn lại từ 3 từ trên.
Mặc Lâm: Vâng, cách giải thích tên cuốn sách với hai địa danh lịch sử đã xảy ra và những hậu quả kinh hoàng của các nhà máy điện hạt nhân có lẽ sẽ gây ấn tượng rất lớn cho người đọc. Thưa anh, anh bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết này vào lúc nào? Phải chăng là từ khi có dự định thành lập nhà máy điện hạt nhân hay là anh đã ấp ủ nó từ trước đó, thưa anh?
Inrasara: Ngay khi tôi biết tin là Ninh Thuận sắp được nhà nước làm dự án điện hạt nhân tôi cũng có ý định rồi. Sau đó trong hai năm, tôi đã thai nghén và đọc rất nhiều tài liệu về điện hạt nhân, tài liệu của các chuyên gia trong nước và thế giới nói về điện hạt nhân. Sau khi Fukushima bị đổ vỡ và nó tạo một khủng hoảng rất là lớn cho người Nhật cũng như cho nhân loại. Tôi có thể nói chính mình là người tập trung hoàn toàn sức lực về chuyện này. Sau đó vào tháng Tư, khi có trại sáng tác do Văn nghệ Quân đội tổ chức ở Tuy Hòa, tôi đã viết quyển tiểu thuyết này trong 14 ngày. Cứ mỗi ngày tôi viết một chương.
Mặc Lâm: Dạ thưa anh, ở nước ta vấn đề hạt nhân rất mới mẻ vì chưa có một nhà máy điện hạt nhân nào ở đất nước chúng ta được thành lập. Anh tìm hiểu những chi tiết, những vấn đề kỹ thuật cũng như mọi sự chung quanh nhà máy điện này chỉ thông qua tài liệu của ngoại quốc, như vậy liệu có phù hợp với một tác phẩm xã hội hiện thực, trong đó các thông số khoa học hay dữ liệu cần phải chính xác, thưa anh?
Inrasara: Sau khi Quốc hội bỏ phiếu tán thành xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận I và Ninh Thuận II, có rất nhiều ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước. Họ toàn là những chuyên gia hàng đầu của thế giới, tôi dựa vào những ý kiến đó và có nhận định riêng, có cách nhìn riêng về dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Đương nhiên khi cấu trúc một tác phẩm thì không thể dựa vào thực tiễn được. Tôi đưa ra một nhân vật khi nhà máy điện hạt nhân tiến hành làm thì ông ta ý thức được chuyện nguy hiểm và bắt đầu đào hầm để chống lại điện hạt nhân.
Có ba xu hướng trong xã hội Chăm. Một xu hướng là bỏ đi vào Sài Gòn hoặc bỏ đi đâu đó cho xa. Một xu hướng nữa là họ tin vào sự an toàn hoặc là họ giả vờ tin (mình không hiểu được nhưng cứ tạm cho là như thế). Xu hướng còn lại là không thể bỏ đi và cũng không tin vào sự an toàn của điện hạt nhân.
Có một câu trong quyển tiểu thuyết mang tính quyết định, đó là khi người phụ trách điện hạt nhân đến làng Chăm để gặp các trí thức Chăm họp hành, nhiều người có ý kiến này nọ lên tiếng chống đối rất nhiều nhưng có một nhân vật lại nói “Tôi không chống đối”. Khi ấy người ta rất là ngạc nhiên, tuy nhiên ông ta yêu cầu có một câu thôi, đó là: “Khi nó bị xì thì phải thông báo gấp cho chúng tôi”. Mọi người rất là ngạc nhiên và hỏi tại sao? “Tại vì tôi tin là chính phủ có thể giấu đi khi có sự cố bởi vì ngay cả Nga cũng giấu thông tin đó”.
Ông ta cũng nói, khi mà chính phủ đã quyết định rồi thì không thể thay đổi được và ông ta chỉ yêu cầu là khi có sự cố phải thông báo nhanh, gấp cho làng Chăm và từ đó ông bắt đầu công việc đào hầm để tránh thảm họa.
Nhân vật chính của tôi trong cuốn tiểu thuyết này là người đào hầm để trốn hạt nhân và chống hạt nhân. Ông tin là hầm này có thể giải quyết được vấn đề. Đương nhiên niềm tin của ông ta rất là mơ hồ và có thể nói là rất thê thảm, bi đát. Chính cái bi đát đó làm cho nhân vật này sống động và cuốn tiểu thuyết của tôi xây dựng chung quanh nhân vật này.
Nội dung nhạy cảm?
Mặc Lâm: Vâng, như vậy cuốn tiểu thuyết của anh xây dựng trong cộng đồng người Chăm không thôi hay là lan ra cả người Việt nữa, thưa anh?
Tác phẩm cũng rất hấp dẫn và viết với lối văn, lối cấu trúc tiểu thuyết rất là lạ nhưng vì lý do nhạy cảm nên chúng tôi không thể in được. Ba nhà xuất bản đã trả lời dứt khoát như vậy.
– Ô. Inrasara
Inrasara: Chỉ trong cộng đồng người Chăm không thôi và chỉ trong một làng thôi. Tôi lấy làng của tôi làm hoàn cảnh và xuất phát điểm chương trình đào hầm của nhân vật chính. Có một nhân vật nữa đó là bố của nhân vật đào hầm. Khi ông nghe tin như vậy thì ông vốn là người đi hoang rất là nhiều, đến nỗi làng không biết mặt ông, cuối cùng ông lại quyết định tự thiêu. Ông tự thiêu ngay tại lò điện hạt nhân Ninh Thuận I nhưng lại bất thành. Khi tự thiêu bất thành, ông ta tự tử bằng cách nuốt Cyanure. Ông ta bỏ đi rất lâu đến nỗi đứa con này từ chối theo cha nhưng mà khi hai bố con gặp nhau là lúc mở được nút thắt cho tiểu thuyết phát triển.
Mặc Lâm: Thưa anh, sau khi anh viết rồi, theo chúng tôi được biết thì tác phẩm đã hoàn thành vào tháng 4 năm 2012. Như vậy lẽ ra nó đã được đưa đi xin giấy phép hay là được in ấn rồi chứ phải không?
Inrasara: Tác phẩm này tôi viết trong 14 ngày thôi, rất là nhanh và gần như là tôi không sửa lại. Tác phẩm có thể nói là đã chuẩn. Mặc dù tác phẩm chưa in nhưng có nhiều bài báo cũng đã viết về nó. Tôi đã trả lời một vài phỏng vấn trên báo Sài Gòn Tiếp Thị về các vấn đề xung quanh tiểu thuyết này. Có nhiều nhà xuất bản tò mò muốn in nó nhưng khi tôi gởi đi thì cả ba nhà xuất bản đều từ chối in sau hai tháng họ đọc và họ trao đổi với nhau là tác phẩm này không thể in được.
Mặc Lâm: Thưa anh, cái không thể in được đó nó căn cứ trên nội dung,hay là nhà xuất bản căn cứ trên cái cách mà nó có hấp dẫn bạn đọc, hay là họ lo ngại nó nhạy cảm trong hoàn cảnh chính trị hiện nay?
Inrasara: Các ban biên tập họ nói là chúng tôi rất là muốn in tác phẩm này: thứ nhất là do tên tuổi của Inrasara, thứ hai nữa là tác phẩm cũng rất hấp dẫn và viết với lối văn, lối cấu trúc tiểu thuyết rất là lạ nhưng vì lý do nhạy cảm nên chúng tôi không thể in được. Ba nhà xuất bản đã trả lời dứt khoát như vậy.
Mặc Lâm: Khi không được nhà xuất bản in như vậy thì anh có dự tính là sẽ công bố nó bằng phương tiện gì không ạ?
Inrasara: Cũng có một số trang mạng họ muốn in ở dạng e-book nhưng tôi cũng chưa đồng ý. Có thể tôi sẽ chỉnh sửa lại. Có một bài báo mang tính quyết định: nó gợi hứng cho tôi viết một chương cuối cùng. Chương gọi là chương “coda” (cuối) của tác phẩm và tôi đang chuẩn bị viết chương đó. Tôi thấy chương này mở ra một cái gì đó rất là hay cho tương lai, giống như một thông điệp gởi cho các nhà lập dự án của Việt Nam .
Mặc Lâm: Dạ vâng, xin anh một câu hỏi cuối: bên cạnh tác phẩm này thì anh nhận thấy tình hình của người dân Chăm nói chung ở tại Ninh Thuận, địa phương của anh họ có để ý lắm đến dự án điện hạt nhân trong đời sống hiện thực hay không? Họ có lo ngại, họ có chia sẻ những thông tin trên báo chí cũng như trong cộng đồng hay không?
Inrasara: Sau cuốn tiểu thuyết này tôi cũng có một cuốn tiểu thuyết khác gọi là “Play có gì lạ không em” tức là “Làng của mình có gì lạ không em?”. Tôi đặt bối cảnh một người ở Sài Gòn và một người ở Phan Rang mỗi ngày viết thư cho nhau và họ điện cho nhau để xem ở làng có gì lạ không. Trong đó có một chương gọi là “Dường như bà con mình đã quên điện hạt nhân rồi, em yêu ơi”.
Gần như bề mặt thì họ quên vì người ta lo làm ăn buôn bán, người ta lo nuôi con, người ta làm tất tần tật mọi chuyện và người ta quên đi cái đe dọa từ xa. Cái đe dọa còn rất xa, có thể chưa xảy ra. Đó là một chương của tiểu thuyết nói lên hiện thực như thế. Thật ra trong sinh hoạt của cộng đồng Chăm, người ta luôn luôn cảm thấy bất an và lo sợ. Đương nhiên có một số người với một số phát biểu mà tôi có đưa lên trang blog của tôi rằng là an toàn và nên an tâm. Tuy nhiên, ở chiều sâu của mỗi con người, đại đa số là người Chăm mà tôi gặp thì họ rất bất an và luôn lo sợ mặc dầu họ không nói ra.
Mặc Lâm: Một lần nữa, xin cảm ơn nhà nghiên cứu văn học Inrasara đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin về cuốn sách của anh.
M. L.