VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HỘI TAM ĐIỂM

Theo một vài dư luận, Võ Nguyên Giáp (VNG) cũng là thành viên hội Tam Điểm thời Đông Dương, một tổ chức tiến bộ của Pháp. Tổ chức này có mặt ở Đông Dương vào cuối thể kỷ 19, khi Pháp chính thức chiếm được toàn bộ Việt Nam để hợp lý hóa cho các thành viên Tam Điểm Pháp có mặt tại Đông Dương sinh hoạt. Hội Tam Điểm đã quy tụ các thành phần ưu tú trong xã hội Pháp lúc bấy giờ, nên nhiều nhà chức trách Đông Dương đều là thành viên Tam Điểm như như Paul Doumer (1857-1932), thành viên Tam Điểm chi nhánh “Liên hiệp Huynh đệ” (L’Union Fraternelle), Doumergue Gaston (1863-1937),  thành viên hội “Tiếng Vang” (L’Écho) thuộc Đại Đông Pháp ở Nîmes, Faure Félix (1841-1899), nhiệm kỳ 1895 – 1899 thuộc chi nhánh “Sự nhã nhặn hoàn hảo” (La Parfaite Aménité) ở Havre. Mittérand (1981-1995) cũng là thành viên của Tam Điểm, Jacques Chirac (1995-2007) thuộc hội Suisse Alpina và nhiều nhà văn, nhà khoa học chính trị lỗi lạc như Napoléon, Đại tướng La Fayette, Talleyrand, Sieyès, Camille Desmoulins, Saint Just, Danton, Marat, Linh mục Grégoire, La Rochefoucauld, Voltaire, Montesquieu… Tại Đông Dương, một số thành phần ưu tú Việt Nam cũng tham gia như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Minh Giám, Cao Triều Phát, Phạm Ngọc Thạch, Trần Văn Lai… Hồ Chí Minh cũng từng là thành viên của hội này khi ông sống và làm việc bên Pháp.

Tên tuổi của VNG gắn liền với trận Điện Biên Phủ- một trận chiến đấu quyết liệt kéo dài chín năm do ông điều khiển, đã đưa Việt Nam giành được độc lập, thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Ông trở thành vị đại tướng đầu tiên của Việt Nam.

Tiểu sử của VNG do những người Pháp – kẻ thua trận viết, và do một số nhà văn, nhà báo Việt Nam ghi lại cùng với cuốn hồi  ký của ông chứng minh rõ ràng vị đại tướng tài ba này không hề tham gia tổ chức này.

VNG sinh 1911 tại Quảng Bình. Theo nguyên tắc vào hội Tam Điểm thành viên phải đạt những điều kiện sau : 1) người được giới thiệu phải 18 tuổi trở lên ; 2) do hai hội viên giới thiệu; 3) và chưa hề có tiền án. Lễ kết nạp chính thức chỉ được cử hành sau sáu tháng hoặc một năm thử thách về phương diện tư cách.

Sự khảo sát tiểu sử của VNG, và những hoạt động của ông chứng minh ông không thể được hội Tam Điểm chấp nhận. Cha của ông là cụ Võ Quang Nghiêm, một nhà nho  thi cử không đỗ đã về làm hương sưthầy thuốc Đông y. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Võ Quang Nghiêm  bị Pháp bắt ở Huế và mất trong tù. Một lý lịch có  người cha bị giam và chết trong tù vì yêu nước khó có thể được hội Tam Điểm bản địa chấp nhận. VNG học hoàn toàn ở Đông Dương – lúc đó là một thuộc địa của Pháp.

Năm 1925, VNG rời trường Tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế  thi vào trường Quốc học Huế (ông đỗ thứ hai sau Nguyễn Thúc Hào). Hai năm sau, tức là 16 tuổi, VNG bị đuổi học cùng với Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (biệt danh Hải Triều), Phan Bôi sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa, vậy ông đã từng bị đuổi học vì tham gia phong trào yêu nước. Vì vậy ông không thể nhập hội Tam Điểm vì không hội đủ tư cách

Năm 1928, khi ông 17 tuổi, ông bắt đầu tham gia hoạt động yêu nước. Năm 1930 khi ông gần 19 tuổi, ông tham gia sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh và bị bắt và bị giam ở nhà lao Thừa thiên Huế. Tại đây ông gặp và kết hôn với người nữ cách mạng Nguyễn  thị Quang Thái (sau cũng bị chết tại nhà tù). Như vậy 19 tuổi VNG đã bị bắt, và bị giam vài tháng. VNG đã có tiền án. Điều lệ của hội Tam Điểm là không kết nạp ai từng có tiền án tiền sự, như trường hợp ông Chinh, một trong những thành viên Tam Điểm VN đầu tiên vào hội đã bị khai trừ ngay lập tức vì bị tòa án thực dân Pháp kết án 5 năm tù. (xem phần trước). Theo điều kiện để kết nạp vào hội Tam Điểm (18 tuổi mới được vào hội, và phải có thời gian thử thách ít nhất 6 tháng, một nămđể chính thức thành hội viên), VNG hoạt động từ 17 tuổi tham gia biểu tình trong trường trung học Huế, và bị đuổi học, 19 tuổi vào tù ngay, đó là những bằng chứng khẳng định VNG ko bao giờ là hội viên của hội Tam Điểm.

Cuối năm 1931, chính Hội Chữ thập đỏ Đỏ của Pháp đã phải can thiệp để trả tự do cho VNG, nhưng ông lại bị Công sứ Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế. Điều đó chứng minh tên của VNG đã vào sổ đen của chính quyền bảo hộ Pháp. Hơn nữa Hội Tam Điểm chỉ kết nạp những người xuất sắc có thành tích trong học tập và làm việc cho Pháp. Về đường học vấn, VNG là một người học trò xuất sắc, thông minh, nhưng ông đã bỏ thi môn Kinh tế nên không được cấp bằng Luật Sư. Theo lời giáo sư Vũ Quốc Thúc (nghe kể lại) VNG đã bị giáo sư Pháp cho điểm không, điểm liệt thì không thể đỗ được, vì VNG tuyên bố không học môn luật kinh tế do Pháp dạy, vì mang tính chất lý thuyết không bảo vệ quyền lợi của người bị đô hộ, của các nước thuộc địa…

Dù không tham gia hội Tam Điểm, VNG là bạn thân của nhiều thành viên Tam Điểm.  Hoàng Minh Giám là một điển hình trong mối liên quan này. Năm 1939 để kiếm thêm tiền học, VNG từng dạy môn sử học ở trường Tư Thục Thăng Long, do một thành viên hội Tam Điểm người Pháp làm giám đốc và Hoàng Minh Giám làm phó giám đốc. Nếu Hoàng Minh Giám không phải là một thành viên Tam Điểm khó có thể đứng ra làm giám đốc trường tư thời đó. Sau khi dẹp Đông Kinh Nghĩa Thục, chính quyền thuộc địa rất lo ngại về các trường tư thục ở bản xứ. Trường học là cái lò để nung nấu lòng yêu nước và thức tỉnh dân trí, đòi tự do của các nước thuộc đia. Do đó chính quyền thuộc địa chỉ giao công việc phụ trách cho người Pháp và những người bản xứ tin cẩn. Việc tham gia hội Tam Điểm là một ưu đãi để những người bản xứ được tham gia trong việc quản lý thuộc địa. Những người Việt Nam nổi tiếng thời đó có chức vụ trong chính quyền bảo hộ hầu như đều là thành viên hội Tam Điểm. Thẩm Hoàng Tín, Trần Văn Lai từng giữ chức thị trưởng thành phố Hà Nội. Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… đều là những thành viên Tam Điểm. Hoàng Minh Giám cũng là thành viên Tam Điểm nên đã được Pháp cho chức phó giám đốc trường tư thục. Dù trường tư là do các thành viên Việt Nam khởi xướng lập, nhưng để được chính quyền Pháp chấp nhận, giám đốc điều hành quản lý vẫn phải là một người Pháp. Người bản xứ dù là sáng lập viên của trường, thành viên hội Tam Điểm cũng chỉ được giữ chức phó giám đốc. Thực chất trường này toàn người bản xứ học, và giảng viên chủ yếu là người Việt, nên chính Hoàng Minh Giám mới là người chủ chốt điều khiển chỉ đạo ở đây. Với một lý lịch từng bị bắt và bị cấm ở Huế, bị ghi vào sổ đen của chính quyền Pháp, việc VNG lại được nhận làm giáo sư dạy môn sử địa không thể đơn giản. Việc này không những chỉ chứng minh mối quan hệ thân thiết giữa VNG và ông Hoàng Minh Giám, mà còn thể hiện tinh thần yêu nước ngầm chảy trong các thành viên Tam Điểm đầu tiên gốc bản xứ ở Đông Dương. Nếu Hoàng Minh Giám không yêu nước, ông đã không đời nào nhận VNG, một thành viên  từng bị tù, và bị quản thúc ở Huế để đứng lên giảng dạy, mà lại dạy môn lịch sử -một môn học mang tính chất chính trị. VNG đang hoạt động, chắc chắn ông sẽ nhân các buổi dạy đó khơi dậy lòng yêu nước cho học sinh. Một năm sau VNG, một người thần tượng hóa Napoléon lên chiến khu. Hoàng Minh Giám sau này tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.  Đồng thanh tương khí, đồng ý tương cầu. Những người cùng lý tưởng đi cùng với nhau. Như vậy tư tưởng tiến bộ tư do dân chủ của Pháp mà nòng cốt là tư tưởng tự do bác ái của hội Tam Điểm  không thể không ảnh hưởng đến VNG.

VNG rất thấm tinh thần dân chủ của Pháp. Kẻ có tài thường có cá tính đặc biệt. Ông triệt để sự dụng sự bình đẳng dân chủ của Pháp ngay trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày. Mặc dù sinh ra ở thời đại mang nặng tư tưởng phong kiến, ông không chịu sự ảnh hưởng nho giáo. Dù ông cũng rất tôn trọng nghi lễ thờ cúng tổ tiên, ông giữ tục thắp hương trước mộ cha mẹ mỗi lần về quê, song ông luôn muốn có sự bình đẳng trong gia đình và xã hội. Vì thế bao năm ông làm con rể Đặng Thái Mai, ông chưa bao giờ gọi Đặng Thai Mai là bố, vì hai ông từng là bạn đồng nghiệp, (Đặng Thái Mai hơn VNG 8 tuổi, từng là bạn tham gia phong trào yêu nước, và dạy ở trường tư thục Thăng long và tham gia hội tuyên truyền học chữ quốc ngữ). Ngôn ngữ xưng hô trong tiếng Việt nặng nề phong kiến, nên VNG thông minh chỉ dùng tiếng Pháp bình đẳng để đối thoại cho dễ xưng hô với bố vợ.. Mối quan hệ thân thiết này đã giúp VNG góa vợ kết hôn với con gái đầu của Đặng Thái Mai, do đó ông Giáp toàn xưng hô « tu, toi » với Đặng Thái Mai mỗi lần họp mặt gia đình. Điều này đôi khi chạnh lòng phu nhân, vì chưa bao giờ VNG gọi Đặng Thái Mai là bố… Dù là người Tây học, ảnh hưởng tư tưởng dân chủ, VNG không bao giờ bỏ tập tục đẹp của dân tộc « thờ cúng tổ tiên »,

VNG thắp hương bên cha.

VNG rất tôn trọng mối quan hệ gia đình, chính kiến tôn giáo, quan điểm riêng của cá nhân Khi mới giải phóng miền  Nam ông đã đến thẳng nhà thờ thăm và đứng ra bảo vệ người em họ làm cha cố ở Nha Trang. Công giáo vẫn là vấn đề nhạy cảm trong xã hội Việt Nam dưới chính quyền cộng sản vì công giáo đã từng  tiếp tay để đưa thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, nhưng VNG không ngần ngại đứng ra bệnh vực những người thực sự chân thành vì tôn giáo, thương dân.

Trở lại mối quan hệ thân thiết giữa ông Giám và ông Giáp, năm 1946 Đảng Xã hội thành lập, ban lãnh đạo chủ chốt có Hoàng Minh Giám – thành viên Tam Điểm, và VNG, người bảo trợ chính trị để đảng Xã hội ra đời.

Theo lời kể của nhà báo Hàm Châu trong bài «GS Hoàng Minh Giám kể về những ngày vận nước “nghìn cân treo sợi tóc”, (Hàm Châu là tổng biên tập báo Tổ quốc nên đã ghi lại lời kể của Hoàng Mình Giám), “Một ngày trong khoảng giữa tháng 9/1945, tôi đang làm việc tại 12 Ngô Quyền (trụ sở Bộ Nội vụ, đồng thời là nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh), một đồng chí cảnh vệ gác cổng vào báo cáo có hai người nước ngoài xin gặp một quan chức Việt Nam. Được cho vào, hai người kia nói: “Chúng tôi là hai sĩ quan Pháp, giúp việc ông Sainteny, gặp đại diện của Chính phủ Việt Nam để trao đổi ý kiến về vấn đề quan hệ giữa hai nước”.

“Họ nói tiếp: “Ông Sainteny hiện đang ở trong phủ toàn quyền, nhưng quân đội Nhật không cho phép liên lạc với bên ngoài. Hai chúng tôi phải đánh lừa bọn lính Nhật, mới đến được đây. Từ nơi chúng tôi bị giam lỏng, chúng tôi đã theo dõi cuộc mít-tinh ngày 2/9 của các ông, rất đông người dự, nhưng rất trật tự, để lại cho chúng tôi một ấn tượng sâu sắc.”

“Tôi ghi tên hai người Pháp, và bảo họ tôi sẽ trả lời sau.

“Tôi báo cáo với Bác Hồ và anh VNG (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) và nói thêm rằng tôi đã nghe nói về Sainteny: Y là con rể của Albert Sarraut, nguyên toàn quyền Đông Dương; tên thật của y là Jean Roger, và y cũng đã là chủ của một hãng bảo hiểm ở Hải Phòng.

“Bác nói: “Chú Giáp có thể cho anh ta gặp, xem anh ta nói gì”.

“Tôi báo cho Sainteny đến gặp anh Giáp, và sau đó, anh Giáp cho biết: “Thái độ của Sainteny là mềm mỏng, nhưng lập trường của anh ta thì không khác lập trường của tuyên ngôn ngày 24/3 của De Gaulle”.

Như vậy Jean Roger, con rể của toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, là một tình báo ngầm, một nhà chính trị, lấy mật danh là Sainteny, và theo tài liệu «Biên niên bí mật ở Đông Dương», Sainteny là thành viên hội Tam Điểm  được cử sang Đông Dương năm 1929 thành lập và phụ trách văn phòng cố vấn bảo hiểm. Ông từng bị bắt làm tù binh khi tham gia chống Phát xít Đức, và 1946, ông đã quay lại  làm cao ủy của chính phủ thuộc địa Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ… để thương thuyết với Hồ Chí Minh. Lần đó Sainteny  đã trực tiếp gặp VNG (lúc đó là Bộ trưởng Bộ nội vụ) để làm việc. Sự giúp đỡ ngầm của hội Tam Điểm là rất rõ trong việc gặp gỡ này. Hoàng Minh Giám thành viên hội Tam Điểm là cầu nối cho VNG, Hồ Chí Minh gặp sainteny đúng như lời kể của Hoàng Minh Giáp với nhà báo sau này.

VNG đã tranh thủ sự giúp đỡ ủng hộ của những người Pháp tiến bộ (đặc biệt các thành viên của hội Tam điểm thời đó hầu như giữ trọng trách trong chính quyền bảo hộ) để đòi độc lập và giải phóng thuộc địa. Hoàng Minh Giám chính là người trung gian để những người đứng đầu Việt Minh (VNG và Hồ Chí Minh) liên lạc với những người Pháp tiến bộ trong Tam Điểm. Vì những cuộc gặp gỡ phải hết sức bí mật và được tin cẩn nên Hoàng Minh Giám phải hết sức thận trọng.

VNG không phải Tam Điểm, nhưng ông và Hồ Chí Minh (cựu thành viên Tam Điểm) biết sự hiện diện và sức mạnh cùng ảnh hưởng của hội này trong chính quyền Pháp. VNG và Hồ Chí Minh đã  sử dụng Hoàng Minh Giám, một Tam Điểm yêu nước làm trung gian. Trong cuốn «Những Biên niên bí mật ở Đông Dương» trang 828, tập 2, David dựa trên nhật ký của Louis Vidal, một thành viên Tam Điểm, đã khẳng định Sainteny gặp VNG, và khuyên VNG đừng nóng lòng tấn công …  Hoàng Minh Giám lúc đó đã là phát ngôn viên của Hồ Chí Minh, nên ngầm ngầm tổ chức thương thuyết giữa Hồ Chí Minh, VNG với Sainteny. Sainteny là cầu nối liên thông giữa chính phủ Pháp với chính quyền lâm thời do Hồ Chí Minh đứng đầu. Hồ Chí Minh đã đề nghị VNGp gặp Sainteny để nhận định cho chính xác thêm về tình hình Đông Dương và thái độ của chính quyền Pháp về vấn đề thuộc địa.

Sainteny ngồi sau, Hồ Chí Minh gặp gỡ một đại diện chính quyền Pháp

VNG ngày 30/08/1945  ký lệnh cử Hoàng Minh Giám làm Đổng lý văn phòng Bộ trưởng cho chính phủ VN lâm thời. Chính vì thế những thông tin bí mật Hoàng Minh Giám biết, ông đã từng bí mật cho người đến báo Pham Huy Lục phụ trách hội Khổng Phu Tử rời Hà Nội để tránh sự hiểu lầm không cần thiết. Sau này qua Pháp định cư, ông Phạm Huy Lục đã kể lại ơn của ông đối với huynh đệ Hoàng Minh Giám, vì luật của hội Tam Điểm là trong bất kỳ hiểm nguy là phải cứu huynh đệ dù ở chi hội khác nhau. Sự nhân đạo và tình huynh đệ rất rõ ở các thành viên của hội. Chính vì thế sự gặp gỡ của Hoàng Minh Giám với Sainteny và một số người đứng đầu chính quyền bảo hộ rất dễ, vì cùng là thành viên của Tam Điểm. VNG và Hồ Chí Minh đã sử dụng đúng con bài tình huynh để và tự do bình đẳng của hội Tam Điểm để khai thác phần có lợi cho công cuộc giải phóng thuộc địa. Chính nhờ có vai trò nhân vật Tam Điểm Hoàng Minh Giám nên chiều ngày 6-3-1946, tại số 38 đường Lý Thái Tổ, Hà Nội, Hồ Chí Minh, với tư cách chủ tịch chính phủ Liên hiệp kháng chiến, ký thỏa ước Sơ bộ với đại diện Pháp là Sainteny. Theo thỏa ước nầy, Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do (état libre), có chính phủ riêng, nghị viện riêng và tài chính riêng trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp (điều 1); Việt Nam sẵn sàng tiếp đón quân đội Pháp đến thay thế quân đội Trung Hoa để giải giáp quân đội Nhật (điều 2). Sau 20-12-1946, Hồ Chí Minh viết thư ngắn cho đại diện Pháp là Sainteny yêu cầu Sainteny thương thuyết với thứ trưởng ngoại giao Việt Minh là Hoàng Minh Giám.

Hoàng Minh Giám thứ trưởng Bộ Nội Vụ đang đọc lại lần cuối bản Hiệp định sơ bộ 6/03/1946

Hồ Chí Minh chụp chung với Jean Sainteny tại phi trường bên Pháp trên đường đi vận động liên quan tới hội nghị tại Fontainebleau.

Trong cuộc kháng chiến giải phóng thuộc địa, VNG và Hồ Chí Minh đã từng cử Nguyễn Văn Huyên đại diện lực lượng Việt Minh tham dự cuộc họp bí mật với FB3 – Đông Dương, tổ chức do đại đa số thành viên Tam Điểm tham gia lãnh đạo,  để nắm tình hình và xin viện trợ vũ khí. Khi thắng lợi VNG và Hồ Chí Minh đã gửi thư cám ơn Hội Tam Điểm FB3 –Indochine (xem phần trước)

Qua nghiên cứu về tiểu sử VNG, Hoàng Minh Giám và mối quan hệ giữa VNG, Hồ Chí Minh, Hoàng Minh Giám, Sainteny, sự đóng góp của một số thành viên hội Tam Điểm, người Pháp nói chung và các thành viên Tam Điểm Việt Nam đầu tiên trong công cuộc giải phóng thuộc địa, nâng cao dân trí, và phổ biến chữ quốc ngữ cùng với tinh thần yêu nước của họ là không thể phủ nhận được. VNG vị tướng tài ba đã thông minh liên kết với những lực lượng tiến bộ của Pháp tại Đông Dương và những người Việt trí thức yêu nước ở mọi tổ chức để giành độc lập dân tộc. Mối quan hệ này chứng minh mọi sự  thành công giành độc lập đều là  công lao và sức mạnh của lòng ái quốc ở nhân dân ở mọi tầng lớp, đặc biệt là tầng lớp trí thức. Những người trí thức yêu nước mới có đủ trí tuệ tài ba để thuyết phục mọi người, mọi tầng lớp tham gia bảo vệ nước dưới mọi hình thức và dùng trí để chiến thắng kẻ ngoại xâm mạnh hơn về quân sự.

TS Trần Thu Dung

Trích trong cuốn «Hội Tam Điểm với những đóng góp của các thành viên Việt Nam đầu tiên trong công cuộc giải phóng thuộc địa & bảo tồn văn hóa ngôn ngữ dân tộc, nxb Sáng Iluminati, 2013»

Nguyễn Thái Sơn bên cạnh Võ Nguyên Giáp là chủ tịch hội Interface Paris và Sáng Illuminati, người đỡ đầu cho cuốn sách trên ra đời.

T.T.D.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.