Hé lộ cái chết tức tưởi của một người tại UB xã

VietNamNet – Cuối tháng 2/2010 tòa soạn báo VietNamNet có nhận được lá đơn kêu cứu của gia đình bà Nguyễn Thị Hào ở thôn Đoàn Khê, Tiên Động, Tứ Kì, Hải Dương. Trong đó có nêu về cái chết tức tưởi của con bà tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Tiên Động sau khi bị “bắt” lên xã làm việc và hàng loạt các quyết định chưa thấu tình đạt lý của các cơ quan tiến hành điều tra, tố tụng. Chúng tôi đã tiến hành điều tra độc lập, vén bức màn bí ẩn của vụ việc này.

“Đã khóc ra máu”

Bà Hào và đứa cháu nội ngơ ngác thương cha (Ảnh: T. Phan)

Bà Hào và đứa cháu nội ngơ ngác thương cha (Ảnh: T. Phan)

Nhà bà Hào nghèo, gian nhà lợp bằng những tấm ngói xi măng xiêu vẹo, những cánh cửa xộc xệch và trong nhà có hai cái giường từ ngày con mẹ mất trống hơ trống huếch.

Năm nay bà Hào đã 66 tuổi. Năm ngoái bà vẫn còn 2 con mắt, nhưng cuối năm một mắt phải bỏ đi. Người ta bảo bà lắp mắt giả hoặc thay mắt, nếu lắp mắt giả thì phải bỏ công sức để giữ vệ sinh, còn thay mắt thì tốn tiền. Cả hai việc đó bà đều không thể làm vì nhà nghèo. Bà phải chịu cảnh một mắt còn, một mắt mất…

Bà Hào kể lại: Tôi có 4 người con trai, bởi nhà nghèo nên 3 đứa đầu mỗi đứa một phương, riêng người con út là anh Đặng Trung Trịnh thì sống cùng nhà. Tuy thỉnh thoảng có uống rượu nhưng Trịnh là lao động chính trong nhà. Ngày thường chỉ buổi sáng Trịnh có thể theo trâu cày hết 2 sào ruộng…

Vào ngày 28/11/2009 sau khi uống rượu, Trịnh có giẫm vào vài viên gạch xỉ (một kiểu vật liệu đóng bằng vôi và đá để xây tường) của người anh họ phơi ven đường. Xót của, anh ta báo lên công an xã. Mấy người công an viên xã đến tận nhà bà, họ “đấm vỡ một mảng cửa” rồi xông vào nhà, dù Trịnh đã xin lỗi nhưng vẫn bị “mời bằng miệng” lên xã làm việc.

Theo chứng kiến của 7 người dân trong xã thì anh Trịnh được các công an viên trói dây thừng mang đi. Cô Vũ Thị Loan (xóm 3, thôn Đoàn Khê) kể lại: Hôm đó tôi đi vào nhà bà Vinh người cạnh nhà bà Hào lấy thuốc đau đầu, tôi thấy anh Trịnh bị 3 công an viên giải đi, tay anh ta bị trói bởi những sợi dây của gầu tát nước”.

Chỉ mấy tiếng sau khi Trịnh bị công an giải đi thì bà Hào về nhà, khi đang nhờ người mang cơm và mấy bộ quần áo cho con thì bà nghe tin con mình chết. Trịnh chết để lại người vợ là chị Vũ Thị Phương (25 tuổi) và 2 đứa con thơ (lớn 4 tuổi, bé 3 tuổi). Đau xót trước cái chết của con mình, bà đã khóc rất nhiều. Khi phóng viên VietNamNet tìm đến nhà, bà kể lại câu chuyện trong tiếng nấc và tiếng khóc, ở cả hai mắt bà khóc như có máu.

“Bắt” người, người chết…

Chúng tôi tìm đến Ủy ban nhân dân xã Tiên Động để tìm hiểu lý do của vụ việc. Trả lời về vụ việc này ông Phạm Văn Thanh (Trưởng công an xã Tiên Động) cho biết: Anh Trịnh giẫm vào gạch và đốt rạ của gia đình anh Đặng Trung Thịnh trong thôn cháy sang cây chuối hàng xóm. Anh Thịnh đi báo công an viên ở thôn, công an viên báo lên xã… Công an xã đến để giải hòa nhưng không được. Nhưng lúc đó là thứ 7 là ngày nghỉ nên nghĩ đưa lên cho xong đã, sau đó đưa lên không “giải quyết việc” thì công an viên về…

Khoảng 17 giờ kém 10 (tức 5 giờ kém 10 phút giờ chiều) tôi được báo cáo là anh ta ngất đi rồi. Cấp cứu không được… đã tắc thở rồi. Lúc đó tôi điện thoại báo lên huyện.

Chỉ vì mấy viên gạch, một ít rơm rạ bị đốt, nhưng công an đã đưa anh Trịnh về xã, “đưa lên cho xong việc”, sau đó anh Trịnh chết tại trụ sở của công an xã Tiên Động.

Về phía gia đình anh Đặng Trung Trịnh, bức xúc về việc bắt người, việc anh Trịnh chết đột ngột đã gửi đơn thư đi nhiều nơi “tố cáo Công an xã Tiên Động có hành vi bắt người trái pháp luật và đánh chết tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã”.

Công văn trả lời của Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Tứ Kì đã trả lời đơn có nội dung chính như sau: Anh Trịnh được mời lên xã làm việc, do anh Trịnh chưa tỉnh táo nên được đề nghị vào phòng thường trực để chờ. Vào thời điểm 17h10 phút, anh Đặng Văn Đáng công an xã vào và thấy anh Trịnh chết đã gọi điện cho trưởng công an xã là Phạm Văn Thanh và tiến hành hô hấp nhân tạo và cấp cứu. Lý do anh Đặng Trung Trịnh chết là do: “Xuất huyết mạch mạc treo ruột, chảy máu ổ bụng do xơ gan”. Trong giấy báo tử của anh Trịnh, có nêu lý do là “đột tử”.

Chính vì những lý lẽ này nên công an huyện Tứ Kì ra quyết định không khởi tố vụ án vì không có sự việc phạm tội xảy ra (dựa theo khoản 1 điều 107  Bộ luật hình sự).

Tuy nhiên trong công văn trả lời của công an huyện Tứ Kì có nhiều mốc thời gian khác với chính lời của Trưởng công an xã trả lời phóng viên, thiếu nhiều nhân chứng chứng kiến trực tiếp việc “mời” đầy khiếm nhã của công an xã và còn nhiều kết luận không rõ ràng gây khúc mắc trong người nhà và nhân dân trong xã.

Rõ ràng xã có mời anh Trịnh lên làm việc, theo chứng kiến của nhiều nhân chứng anh còn bị trói tay bằng dây thừng mang đi. Như vậy việc anh Trịnh bị giữ trong phòng chờ của công an xã, sau đó chết là có liên quan đến trách nhiệm của xã… Trong ngành công an, việc “mời” một công dân đến phòng làm việc là vấn đề chuyên môn, có lẽ do chuyên môn yếu nên đã “vô ý làm chết người”. Cho nên việc “bắt” người, người chết thì cán bộ xã không thể vô can.

Khám nghiệm tử thi sẽ vén “bức màn” bí mật?

Chị Vũ Thị Loan người trực tiếp chứng kiến anh Trịnh bị trói bằng  dây thừng của gầu tát nước khi bị bắt lên xã (Ảnh T. Phan)

Chị Vũ Thị Loan người trực tiếp chứng kiến anh Trịnh bị trói bằng dây thừng của gầu tát nước khi bị bắt lên xã (Ảnh T. Phan)

Việc anh Trịnh bị chết bí ẩn là băn khoăn của nhiều người dân ở Tiên Động. Bà Hào trong tiếng nấc vẫn tự hỏi: “Chỉ vì tôi không có người nhà làm công an nên con tôi phải chịu oan khuất ư?”.

Phủ nhận trách nhiệm liên quan đến cái chết của anh Đặng Trung Trịnh thế nhưng có một “điều lạ kì” và rất “nhân văn” mà xã Tiên Động làm với gia đình anh Trịnh đó là hỗ trợ gia đình 20 triệu đồng và toàn bộ tiền mua đồ khâm liệm, vòng hoa, áo quan… cho đám tang của anh Trịnh. Số tiền này được lấy từ ngân sách của xã

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiên Động Đinh Văn Xuyên lý giải về khoản tiền 20 triệu này: “Xã hỗ trợ vì gia đình có đơn đề nghị”.

Phóng viên đặt câu hỏi: Hộ gia đình anh Trịnh có thuộc diện hộ nghèo không? Ông Xuyên phân tích, hồi năm 2008 gia đình anh Trịnh là hộ nghèo nhưng đến 2009 anh xin tách hộ thì không còn là hộ nghèo nữa. Chỉ có riêng khẩu của bà Hào là vẫn ở diện nghèo. Tổng số hộ nghèo ở  xã năm 2010 là 200 hộ (theo tiêu chuẩn mới).

Có phải tại địa phương “ai nghèo khi mất cũng được hỗ trợ”? Ông Xuyên không trả lời câu hỏi này của phóng viên và lái sang vấn đề khác.

“Lý do tế nhị” nào dẫn đến cái quyết định hỗ trợ gia đình của xã hẳn là một “câu hỏi” của quan xã Tiên Động dành cho bạn đọc.

Chúng tôi tìm đến Công an huyện Tứ Kì để tìm hiểu về những văn bản thông báo đối với dân, Trưởng công an huyện Trần Văn Thường chỉ đạo xuống Phó trưởng Công an huyện là ông Đỗ Công Phúc. Ông Phúc cho rằng việc giải thích và khiếu nại về văn bản do chính ông ký phải là ông Thường. Hết trọn một ngày làm việc và chờ đợi công an huyện với lý do họp hành, người giữ hồ sơ đi vắng, chúng tôi không được tiếp cận với những văn bản điều tra để làm căn cứ trả lời công dân… Nhiều sự thật uẩn khúc dường như được “đùn đẩy” và “che chắn” từ phía Công an huyện Tứ Kì.

Câu chuyện “ngoài lề” với Bác sĩ giám định pháp y

Theo một ngả khác, chúng tôi tìm đến Phòng giám định pháp y của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương để gặp trực tiếp Bác sĩ đã mổ khám nghiệm cho trường hợp anh Đặng Trung Trịnh. Truyền đạt nguyện vọng tha thiết của mẹ Hào, tìm hiểu rõ nguyên nhân chết của Trịnh, để không phải “đào bới” lên một lần nữa.

Dù được chỉ đạo từ Ban Giám đốc Bệnh viên Đa khoa tỉnh nhưng anh Cải vẫn từ chối trả lời. Mật hiệu “vụ ấy” được trao đổi giữa Bác sĩ Đặng Cải với đồng chí Tâm (Cơ quan điều tra công an tỉnh Hải Dương), đề nghị phóng viên “muốn tìm hiểu thông tin đề nghị sang Phòng giám định pháp y Công an tỉnh”.

Trong câu chuyện trao đổi ngoài lề, Bác sĩ Cải cho hay: Ngay khi nạn nhân được đưa đến bệnh viện, tôi cũng là 1 trong 3 người tiến hành mổ pháp y. Đầu tiên, tôi thấy trong bụng nạn nhân chứa nhiều máu, dấu hiệu bên ngoài thấy tím những vết máu đọng … Lúc đó tôi phỏng đoán là gan đã vỡ hết rồi.

Sau đó kiểm tra kĩ mới thấy không phải do gan vỡ mà các mạch máu xung huyết, gan có nhiều vết xùi do bệnh xơ gan có thể do nạn nhân uống nhiều rượu.

Kiểm tra trên đầu nạn nhân, tôi thấy viết thương tụ máu sau tai, đó là vết máu bầm tím dưới da đầu nhưng vết thương đó không thể gây ra cái chết của nạn nhân.

Kiểm tra trên người, ngực và tay tôi có thấy những vết trầy xước, có thể do nạn nhân đánh nhau hay va chạm trước khi chết.

Những dấu hiệu bệnh lý nào (ngoài việc máu chảy quá nhiều) dẫn đến “phỏng đoán” gan bị vỡ? Liệu có phải là tác động lực từ bên ngoài còn để lại trên da nạn nhân? Vết máu bầm sau đầu nạn nhân và những vết trầy xước từ đâu mà xuất hiện, từ va chạm với công an hay đối tượng nào khác? Hẳn là tình tiết pháp y cần được chú ý khi khám nghiệm tử thi của anh Trịnh và là căn cứ để làm rõ hơn tình tiết của vụ việc.

Rất nhiều điều khác thường ở vụ việc này, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc một cách công tâm một lần nữa.

TP

Nguồn: VietNamNet, thứ Năm 11/3/2010

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.