GS thật và giả

Phóng ảnh trang web GS - PGS dổm

Phóng ảnh trang web GS - PGS dổm

Tuần trước và hôm qua, có một vài bạn đọc gửi email giới thiệu một trang web có tên rất ngộ nghĩnh là “GS và PGS dỏm Việt Nam”, rồi hỏi tôi có bình luận gì không. Tôi thú thật là hơi bất ngờ trang web này. Bất ngờ từ cái tên và mục tiêu. Trên thế giới chắc hiếm có trang web nào có mục tiêu lập danh sách các “Giáo sư dỏm”! Tôi đoán có thể chủ nhà là các bạn nghiên cứu sinh trẻ (hay không trẻ) bức xúc vấn đề khoa học Việt Nam mình cứ mãi kém cỏi so với các nước trong vùng, hay có lẽ các bạn mất kiên nhẫn vì thấy tình thế chẳng có gì thay đổi tích cực hơn trong thời gian qua, nên đành phải dùng biện pháp này. Vả lại, các bạn đó muốn nêu bức xúc của mình chưa chắc có nơi nào để lên tiếng, nên đành phải dùng đến phương tiện internet. Thành ra, tôi cũng thông cảm cho những người lập ra trang web. Lời lẽ giải thích của họ cũng có lí có tình, phân tích rạch ròi đâu ra đó, tiêu chuẩn rõ ràng và có xem xét đến bối cảnh của Việt Nam. Đó ý cảm nhận cá nhân, chứ tôi nghĩ nhiều người không thích cách lí giải của chủ trang web. “Trung ngôn nghịch nhĩ” mà.
Phân biệt “dỏm” với thật không dễ. Trong thực tế, các Giáo sư được tấn phong bởi những hội đồng khoa bảng, và qui trình cũng như qui định về tiêu chuẩn đều có văn bản hẳn hoi. Đứng trên danh nghĩa như thế thì các Giáo sư này đều là “thật” theo tiêu chuẩn nào đó của Nhà nước. Nhưng người chủ trang web thì có tiêu chuẩn khác, và theo tôi là đơn giản hơn. Theo người chủ trang web, thì “Phó giáo sư dỏm – lửa đảo, made in Vietnam: số lượng công bố ISI <= 03; Giáo sư dỏm – lừa đảo, made in Vietnam: số lượng công bố ISI <= 05”, rồi họ lí giải cho các tiêu chuẩn đó như sau: “Tham khảo: một Tiến sĩ khá = có ít nhất 03 công bố ISI sau 05 năm bảo vệ luận án Tiến sĩ; một Sau Tiến sĩ khá = có ít nhất 05 công bố ISI sau 05-07 năm bảo vệ luận án Tiến sĩ. Chỉ cần lấy tiêu chuẩn trung bình của một Tiến sĩ, Sau Tiến sĩ chất lượng để so sánh với hàm PGS, GS của Việt Nam thì vẫn có thể tìm ra vô số dỏm, trình độ tồi và chỉ là bọn lừa đảo”. Người chủ còn cay đắng (tôi nghĩ vậy) tiên đoán “Dự đoán: Vào năm 2020, Việt Nam sẽ có nhiều đại học đẳng cấp quốc tế nếu thế giới chỉ còn lại hai nước: Việt Nam và Cam-Pu-Chia.” :-)

Tiêu chuẩn để phong Giáo sư dỏm của bạn chủ nhà có thể cần bàn thêm. Tôi nghĩ ở đây, cần phải xem xét đến bối cảnh Việt Nam và vấn đề thời gian. Một Phó giáo sư mà chỉ có dưới 3 công trình, hay Giáo sư với dưới 5 công trình trên các tập san ISI thì phải nói là quá khiêm tốn, nhưng chúng ta khó mà lấy hay dựa vào chuẩn mực của các nước tiên tiến cho Việt Nam được, bởi vì tình trạng đầu tư cho khoa học còn quá khiêm tốn. Ngoài ra, vấn đề thời gian cũng quan trọng, bởi vì muốn công bố nghiên cứu cũng đòi hỏi thời gian. Một người mới tốt nghiệp PhD có 5 năm (ví dụ) rất khó mà đòi hỏi họ có 3 hay 5 công trình trong môi trường làm khoa học ở VN.

Để công bằng hơn về tiêu chuẩn, tôi thử tham khảo các nước trong vùng xem họ làm ra sao, và thấy có vài điều thú vị. Câu hỏi mà tôi đặt ra là: ở các nước trong vùng hay các nước đang phát triển, năng suất khoa học của các Giáo sư như thế nào? Rất hiếm dữ liệu để trả lời câu hỏi này, nhưng tôi cũng có vài tài liệu cũ có thể lấy ra làm tham khảo. Một phân tích trên 203 Giáo sư khoa y thuộc trường American University in Beirut (Lebanon) cho thấy tính trung bình mỗi năm họ công bố được 1.24 công trình, với chỉ số impact factor trung bình là 2.69. Trong số 203 Giáo sư, có 18% chẳng công bố công trình nào trong vòng 6 năm, và chỉ có 20% Giáo sư có 2 bài trở lên trong thời gian đó. Phân tích này còn cho thấy khi các Giáo sư hợp tác với người ngoại quốc thì chất lượng bài báo cũng tăng lên với impact factor là 3.2. Ở Thái Lan, Theo một phân tích của tác giả Ruenwongsa và Panijpan, trong thời gian 10 năm (1985 đên 1994), trung bình mỗi Giáo sư (assistant professor, associate professor, và professor) trong ngành y khoa, sinh hóa, kĩ thuật, nông nghiệp, và khoa học tự nhiên công bố được 3.14 bài (Đại học Mahidol), 0.9 bài (Chulalongkorn), và 0.4 bài (Chiang Mai). Nên nhớ rằng đây là dữ liệu của những 16 năm trước đây, thời mà số bài báo ISI chỉ bằng 1/3 bây giờ. Theo ước tính của tôi, đến nay có thể năng suất trung bình của Giáo sư Thái Lan là 4-5 công trình / 10 năm.

Cũng cần nói thêm rằng số lượng công trình về y khoa của chỉ riêng Trường đại học Mahidol đã hơn hẳn một nước Việt Nam!

Nhưng tiêu chuẩn Giáo sư không chỉ dựa vào số công trình khoa học, mà còn phải xem xét đến giảng dạy và cái mà tiếng Anh gọi là “services”. Services ở đây là phục vụ cho các hiệp hội chuyên môn trong và ngoài nước, là phục vụ trong Ban biên tập các tập san ISI, là được mời làm trong các tiểu ban của hội chuyên môn, v.v… Nhưng muốn phục vụ trong các hiệp hội này tiêu chuẩn tiên quyết là uy tín khoa học của đương sự, và uy tín thì đo lường bằng số lượng và chất lượng công trình khoa học. Cho nên, có lẽ tiêu chuẩn “services” chưa áp dụng được cho Giáo sư VN ta. Có người làm việc ở đại học nhưng họ chủ yếu giảng dạy, không nghiên cứu nhiều, nên xét phong cũng phải dựa vào giảng dạy. Hay như người ít giảng dạy, ít nghiên cứu, nhưng lại có công lớn cho chuyên ngành cũng cần được ghi nhận. Tôi nghĩ đến những tiền bối như các Giáo sư Đào Duy Anh, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, v.v… thật ra họ đâu có công bố quốc tế gì đáng kể, nhưng công của họ thì không thể không ghi nhận được. Tôi thấy ở Úc, có ông nọ là cựu Tổng giám đốc của một tập đoàn báo chí rất lớn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng một đại học lớn của Úc. Ông này chỉ có bằng Cử nhân và Masters (nếu tôi không lầm). Hội đồng khoa bảng trưởng bí quá chẳng lẽ làm hiệu trưởng một trường lớn mà không có chức danh “professor” thì cũng hơi kì, thế là họ phong cho ông ấy chức danh “Giáo sư danh dự”. Tôi muốn nói rằng có lẽ VN nên tạo ra những chức danh danh dự như thế để vừa ghi nhận công lao của họ, vừa phân biệt với những người có thành tích học thuật và khoa bảng nghiêm chỉnh.

Việt Nam chúng ta không phải là Lebanon và chẳng phải là, nhưng có lẽ gần hơn, Thái Lan. Nhìn sang Thái Lan thì tôi thấy tiêu chuẩn mà chủ nhà của trang web “GS và PGS dỏm Việt Nam’s photostream” đặt ra để phong “Giáo sư dỏm” cũng hợp lí. Nhưng tôi chỉ muốn thêm là cần phải cho thời gian 10 năm. Tức là, sau 10 năm mà chỉ có dưới 3 công trình hay dưới 5 công trình đứng tên tác giả đầu hay tác giả chính thì mới đủ tiêu chuẩn để xét phong hàm [nói theo chủ nhà trang web là] “dỏm”. Ngoài ra, cũng nên xem xét đến giảng dạy và phục vụ (nhưng 2 tiêu chí này rất khó định lượng!)

NVT

Tham khảo:

Ruenwongsa P, Panijpan B. Science and technology publications of state universities in Thailand. J Sci Soc Thailand 1995;21:207-214.

Dakik HA, Kaidbey H, Sabra R. Research productivity of the medical faculty at the American University in Beirut. Postgrad Med J 2006l82:462-4.

Nguồn: tuan’s blog

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.