GS TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường bàn cách giải quyết những bất cập từ việc cho nước ngoài thuê rừng, sau khi Thủ tướng có chỉ đạo rà soát và ngừng cấp phép mới cho các dự án FDI trong lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản.
Ngày 10.3, Thủ tướng chỉ thị Ủy ban nhân dân các tỉnh không được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không ký hợp đồng cho thuê đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong trong lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đợi Chính phủ rà soát.
Như vậy, Chính phủ đã có phản hồi nhanh chóng sau lá thư của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cảnh báo những nguy cơ từ việc 10 tỉnh cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ.
Đây là một tín hiệu tích cực từ cơ quan điều hành đất nước trước một vấn đề đang gây quan ngại sâu sắc trong dư luận.
Với tư cách một người có hiểu biết về tình hình quản lý và sử dụng đất ở nước ta, tôi cho rằng cần bàn thêm để đóng góp cho cách giải quyết tình trạng này.
Vi phạm cần được xử lý nghiêm
Tôi cho rằng câu chuyện xử lý này cần những biện pháp mang tính nguyên tắc hơn, dựa trên cơ sở pháp luật và quy hoạch. Trước hết, 10 tỉnh đã ký hoặc đang làm thủ tục ký cho người nước ngoài thuê đất rừng phải báo cáo cụ thể các thủ tục đã thực hiện, hiện trạng vùng dự án gắn với bản đồ tỷ lệ 1/10.000.
Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường áp vào quy hoạch hiện tại, đề xuất điều chỉnh hợp lý quy hoạch lại rừng phòng hộ và rừng sản xuất (trên nguyên tắc kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh và dự tính lực lượng chủ yếu để bảo vệ và phát triển rừng).
Những diện tích đã ký cho thuê nếu thuộc vùng rừng sản xuất thì được tiếp tục triển khai, nếu thuộc vùng rừng phòng hộ thì phải rút ngay lại địa điểm thực hiện dự án và chuyển dự án sang vùng rừng sản xuất khác trên địa bàn tỉnh (nếu phải bồi thường cho nhà đầu tư thì cũng phải làm).
Những diện tích đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục dự án (chưa ký cho thuê) hoặc đang trong kế hoạch cho thuê của lãnh đạo tỉnh thì đều phải dừng lại chờ điều chỉnh quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Một điều nữa cần làm là xử lý những sai phạm của lãnh đạo tỉnh khi ký cho người nước ngoài thuê rừng phòng hộ, nhất là những trường hợp đã có ý kiến không đồng thuận của cơ quan công an, bộ chỉ huy quân sự tỉnh.
Theo pháp luật về đất đai nước ta, dự án đầu tư phát triển rừng chỉ được thực hiện trên vùng rừng sản xuất. Công việc bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là do các Ban quản lý rừng kết hợp với nhân dân địa phương thực hiện. Những vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm, giữ kỷ cương cho hôm nay và cho mai sau.
4 giải pháp dài hơi
Khi những xử lý trước mắt đã tạm ổn thì cần thực hiện 4 giải pháp dài hơi, bao gồm: một là quy hoạch lại đất rừng trên nguyên tắc kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh và dự tính lực lượng chủ yếu để bảo vệ và phát triển rừng; hai là xác lập các hàng rào kỹ thuật đối với đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trên nguyên tắc bảo đảm an ninh quốc gia song hành với bảo đảm bình đẳng về quyền và lợi ích của các nhà đầu tư; ba là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của bộ máy hành chính, công tác giám sát của hệ thống cơ quan dân cử và khuyến khích người dân tham gia quản lý; bốn là sử dụng công nghệ cao (nhất là ảnh chụp từ vệ tinh) để giám sát chặt chẽ hiện trạng rừng và các hoạt động có liên quan đến rừng.
Nhà nước ta đã nỗ lực rất lớn trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng. Chương trình 327 trước đây và Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng hiện nay là những minh chứng cho điều đó.
Chủ trương của Nhà nước thật rõ ràng về bảo vệ và phát triển rừng, không chỉ thể hiện trách nhiệm cao với dân mà đó còn là trách nhiệm đóng góp giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu.
Trong thực tế triển khai, vấn đề bảo vệ và phát triển rừng đang còn rất nhiều bức xúc. Ngay trong chính sách giao đất, giao rừng, chúng ta cũng vẫn chưa tìm ra cơ chế phù hợp để tạo động lực thực sự. Có địa phương đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, có địa phương chủ trương giao cho cộng đồng dân cư quản lý, có địa phương muốn giao cho doanh nghiệp lâm nghiệp, có địa phương lại muốn sử dụng đầu tư nước ngoài trực tiếp, có địa phương thực hiện giao cho các đơn vị quốc phòng.
Về mặt phân loại rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề xuất nên chuyển một phần diện tích rừng phòng hộ ở những nơi không xung yếu sang rừng sản xuất nhằm phát triển rừng bằng động lực thị trường.
Trên thực tế, công việc quản lý còn đầy bề bộn mà lâm tặc vẫn hàng ngày phá rừng đầu nguồn, tai biến lũ lụt do mất rừng đầu nguồn ngày càng thường xuyên hơn. Cơn lũ vừa qua ở Miền Trung cuốn trôi gỗ khai thác lậu từ đầu nguồn về cửa sông mới cho ta biết rừng đầu nguồn bị phá nhiều đến thế.
Mỗi người đều không thể không suy nghĩ về những cách thức làm sao cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tốt hơn. Những kinh nghiệm của hơn 20 năm thực hiện kể từ khi bắt đầu Đổi Mới cũng đủ để đưa ra những kết luận xác đáng.
Quy hoạch lại cho đúng
Thứ nhất, vấn đề bảo vệ và phát triển rừng không thể chỉ nhìn dưới góc độ kinh tế và môi trường, mà cần phải nhìn trước hết dưới góc độ quốc phòng, an ninh. Các góc độ này phải được thể hiện đầy đủ trong khâu quy hoạch không gian đối với các loại rừng sau khi phân tích cụ thể các yếu tố địa chính trị, địa kinh tế.
Đối với rừng phòng hộ ở những vị trí quan trọng, cần giao cho các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang để bảo vệ và phát triển. Từ đây, có thể thấy cần xem xét lại đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy hoạch lại rừng phòng hộ và rừng sản xuất, quy hoạch lại cho đúng hơn là cần thiết nhưng phải xem xét trên nguyên tắc kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh và dự tính lực lượng chủ yếu để bảo vệ và phát triển rừng (hộ gia đình, cá nhân hay cộng đồng dân cư hay doanh nghiệp hay lực lượng vũ trang).
Quy hoạch này cần được xây dựng chi tiết, thẩm định cẩn thận và được Quốc hội quyết định.
Lo an ninh để Việt Nam độc lập tồn tại
Thứ hai, trong thời kỳ triển khai mạnh hội nhập kinh tế quốc tế trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới, chúng ta phải tuân thủ “luật chơi” chung về sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Khi đã là rừng sản xuất thì nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước được quyền tiếp cận như nhau. Chúng ta không thể đặt rào cản pháp luật để hạn chế hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng ta có thể đặt rào cản kỹ thuật (khi cần thiết) như hàng rào về quy hoạch, về môi trường, v.v.
Cách thức này đòi hỏi những tư duy dài hạn và những dự báo có độ tin cậy cao, chất lượng quản lý cần được nâng cao hơn nhiều lần.
Chúng ta cần tăng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, cần hội nhập sâu hơn với kinh tế quốc tế để phát triển, nhưng điều quan trọng hơn cả vẫn là an ninh quốc gia để đất nước được độc lập tồn tại.
Đẩy mạnh giám sát
Thứ ba, trong quản lý hiện nay, công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan hành chính cấp trên đối với cấp dưới còn yếu, hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử đối với các cơ quan hành chính đã được đẩy mạnh nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, việc khuyến khích người dân tham gia vào quản lý đã có nhưng chưa được nhiều.
Bằng mọi cách, các hoạt động này cần được đẩy mạnh để tạo nên hệ thống quản lý vững chắc, cấp trên luôn biết được cấp dưới làm gì và có quyết định điều chỉnh kịp thời. Phân cấp quản lý là cần thiết nhưng cũng cần có lộ trình phù hợp với tính hoàn chỉnh của hệ thống và năng lực thực hiện của từng cấp.
Thứ tư, số liệu thống kê hiện trạng rừng hiện nay vẫn được thực hiện theo quy trình dưới lên: xã báo cáo lên huyện, huyện báo cáo lên tỉnh, tỉnh báo cáo lên Trung ương. Độ tin cậy của cách làm này không cao, ngay kể cả trường hợp không xẩy ra gian dối số liệu.
Trên thực tế, ai cũng biết rằng rừng ở nước ta bị phá rất nhiều nhưng theo số liệu chính thức thì ta vẫn có trên 15 triệu ha rừng.
Ở các nước người ta thường sử dụng ảnh vệ tinh là một kênh kỹ thuật thứ hai để thống kê số liệu do các cơ quan kỹ thuật ở Trung ương thực hiện độc lập. Bằng kênh này có thể không chỉ kiểm tra được số liệu của các địa phương, mà còn phát hiện được những nơi rừng đang bị tàn phá, khai thác, cháy, v.v.
Năm 2008, nước ta đã hoàn thành dự án xây dựng trạm thu ảnh vệ tinh hiện đại (theo ODA của Chính phủ Pháp) đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường với đầy đủ tính năng kỹ thuật để giám sát hiện trạng tài nguyên và môi trường (trong đó có tài nguyên rừng). Rất tiếc, cho đến nay trạm đã vận hành được hơn 1 năm nhưng chưa thực hiện được việc kiểm kê bất kỳ loại tài nguyên nào.
Đầu tư xây dựng trạm là một việc, nhưng đầu tư để khai thác trạm vào mục đích quản lý là việc còn quan trọng hơn. Quản lý hiện trạng rừng bằng ảnh thu thường xuyên từ trạm này là một việc cần thiết cho đất nước hơn lúc nào hết.
Những suy nghĩ trên đây chỉ là những việc chúng ta có thể làm ngay, trong khả năng chúng ta làm được. Mọi cân nhắc quá phức tạp trong quản lý tài nguyên rừng đều luôn là muộn so với những lời kêu cứu của rừng.
Nguồn: tuanvietnam.net