KTS Trần Thanh Vân là người lạc quan. Được quen biết chị tôi mới biết trong đời mình, nhiều phen chị đã bị dồn đến đường cùng. Số mệnh trớ trêu cũng như sự tàn bạo của những kẻ bất lương dựa vào kẽ hở của luật pháp và bọn người thi hành luật bất lương, những tưởng đã đoạt đi của chị tất cả: hạnh phúc gia đình và mảnh vườn gần Hồ Tây mà chị đã chắt chiu kiếm được để dựng lên một căn nhà đơn sơ từ những năm 90 thế kỷ trước. Có thể nói chị đã trắng tay trông thấy. Thế nhưng, niềm tin mãnh liệt trong chị, nhất là cuộc sống tâm linh phong phú như một sức mạnh nâng đỡ, đã giúp chị không gục ngã, cuối cùng còn mở ra những cơ hội bất ngờ, như có luồng sáng nhân văn rọi tới, bù đắp lại cho chị đứa con một đã mất và trả về lại cho chị căn nhà và mảnh vườn cũ y nguyên mà chị quyết không dùng đến cái biện pháp tệ hại nhất trong các mối quan hệ thường có hôm nay: đồng tiền.
Bài viết dưới đây cho phép ta nhìn chị ở một khía cạnh khác: cuộc đấu tranh lâu dài vất vả cho một quy chế xây dựng nền kinh tế trang trại mà chị tiến hành trong mấy chục năm, không phải chỉ nhằm bảo vệ cái ý tưởng giữ lấy môi trường tự nhiên cho một vùng rừng núi bao bọc phía Bắc Thủ đô – Sóc Sơn – để biến nơi này thành một khu du lịch sinh thái đẹp đẽ, mà còn nhằm bảo vệ người nông dân vốn là chủ nhân của đất đai rừng núi ở đây đang có nguy cơ bị chính quyền cấp huyện và thành phố Hà Nội lừa gạt đẩy vào một tình trạng thất nghiệp, đói rách, sau khi bán hết đất rừng cho bọn người lắm tiền nhiều bạc kéo nhau ồ ạt lên mua lại để làm giàu bằng đủ cách, trong đó có việc xây sân Golf, dồn họ vào các lô đất vẻn vẹn 80 m2, sống chen chúc theo hàng lối giống y như các khu phố nhem nhếch ở thành phố. Xin gọi chị là người mang sứ mạng thức tỉnh và cầu chúc cho sứ mạng của chị không nửa đường đứt gánh.
Nguyễn Huệ Chi
Trước tết Canh Dần mấy ngày, có hai vị cựu chiến binh gọi điện thoại tìm tôi, họ nói rằng tướng Đồng Sĩ Nguyên muốn nói chuyện gì đó với tôi, nên họ phải liên lạc trước để biết chắc số điện thoại và địa chỉ của tôi, rồi mới báo cáo với tướng Nguyên.
Tôi hỏi họ:
– “Có chuyện gì không anh?”
Họ trả lời:
– “Có đấy, hệ trọng đấy, chị sẽ tham gia nhé!”
– “Vâng, tôi sẵn sàng nếu việc đó hợp với sức của tôi. Nhờ anh nói với Thủ trưởng Nguyên rằng tôi từng là cấp dưới của Thủ trưởng khi ông là Bộ trưởng Bộ Xây dựng phụ trách công trình Lăng, còn tôi được biệt phái công tác ở Bộ tư lệnh Lăng”.
Mấy ngày sau tôi đọc thấy bài đăng trên mạng BVN của hai vị tướng lão thành Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh cảnh báo về việc cho người nước ngoài thuê rừng đầu nguồn. Hóa ra sếp cũ tìm mình vì việc này? Tôi xúc động thấy ông già đã ở tuổi 80 và một ông nữa đã ở tuổi 95 đã nhiều năm vào sinh ra tử, đã kinh qua rất nhiều công việc mà vẫn minh mẫn sắc bén đến thế.
Tôi chăm chú theo dõi nhiều bài viết, nhiều ý kiến hưởng ứng 2 vị tướng lão thành suốt một tháng qua, có nhiều ý kiến rất sâu sắc và rất chí tình, nên tôi trù trừ không muốn mình nói lại những điều mọi người đã nói. Cho đến hôm nay tôi đọc thấy thông báo chính thức về hồi âm miệng của Thủ tướng với tướng Đồng Sĩ Nguyên. Cho dù mới chỉ là “Hồi âm miệng” nhưng là “miệng nhà quan, có gang có thép”, tôi coi đó là hồi âm chính thức có ấn tín đàng hoàng. Thủ tướng nói rằng “Đã gửi đoàn đi kiểm tra, kết quả thế nào sẽ nói sau”, vậy chúng ta hãy tin ở kết quả kiểm tra. Con số 10 tỉnh đã cho thuê 300 ngàn ha rừng mà 2 vị tướng nêu ra, nếu sự thật chỉ có 9 tỉnh và chỉ mới cho thuê 290 ngàn ha thôi, chắc không làm sự việc kém trầm trọng hơn? Mặt khác ai có quyền tham gia kiểm tra? Phải là các cơ quan có trách nhiệm. Lập trường của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn thì rõ rồi, chúng ta cũng nên tin ở Bộ Tài nguyên & Môi trường nữa, có thể trong số họ có ý kiến này khác, nhưng không có ai dám trơ trẽn chằm chặp bảo vệ cái sai như ông Đoàn Văn Kiển Chủ tịch TVK đâu. Vậy có lẽ khâu yếu nhất và đáng đề phòng nhất vẫn là các quan địa phương ở 10 tỉnh kể trên. Nếu các quan địa phương mà chưa thông do dốt nát hay do xấu tính đều là trở ngại rất lớn cho người dân, kể cả việc hủy hợp đồng cho thuê rừng và bồi thường hợp đồng cho thuê đã ký lúc này và việc giúp dân ta làm giầu trên đất rừng của họ trong tương lai.
Nhân nói đến quan địa phương, xin kể một chuyện về “các quan địa phương” trong một dự án liên quan đến rừng mà tôi vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng như sau:
Năm 1980, tôi đạt điểm cao nhất trong đợt thi tuyển tiếng Anh ở Ủy ban KH&KT Nhà nước và được quyền chọn một trong những khóa học mà tôi thích. Tôi chọn lớp học quốc tế đào tạo sau đại học về quản lý hệ thống sinh thái do UNEP-UNESCO tài trợ, tổ chức tại thành phố Dresden. Lúc đó vấn đề Sinh thái-Môi trường còn lạ lẫm lắm, tôi là Kiến trúc sư VN đầu tiên theo đuổi khoa học này. Lớp học có 17 người đến từ rất nhiều nước và thầy giáo cũng là những Giáo sư danh tiếng đến từ rất nhiều nước. Ở khóa học, chúng tôi được đi tham quan rất nhiều nơi ở nước Đức và ở Châu Âu, từ các thành phố đến nông thôn và ra cả hải đảo. Nhưng tôi thích nhất là những ngày sống trong rừng, có nhiều khu rừng rất đẹp, tôi say mê những trang trại rộng lớn có những người nông dân sau giờ lao động mệt nhọc ban ngày, đêm đến có thể ngồi cùng du khách bên bếp lửa trại uống một cốc rượu vang hâm nóng, hoặc lúc nhàn rỗi có thể lái ô tô chở vợ con vào thành phố đi Shopping. Họ là người sống trong rừng mà tôi không thấy họ “rừng” chút nào. Tôi ước ao mình có một khu rừng như thế để tự xây những cái mình yêu thích và có dịp đi chơi như thế ở một nơi đâu đó trên đất nước mình.
Năm 1992 tôi nằng nặc xin về hưu sớm để lập ra Công ty TNHH Kiến trúc & Môi trường- OIKOS- CO. Ltd. Lương của tôi ở cơ quan nhà nước quá ít, tôi lập ra công ty để được đi làm thuê và có tiền nuôi nhau, nhưng hễ dành dụm được đồng nào là chúng tôi lên mua các khu đồi rừng ở Sóc Sơn để xây dựng trang trại. Đầu năm 1995, chúng tôi đã có 3 khu rừng rất đẹp, một quả đồi thông ở ngay cạnh đền Sóc Sơn, một khu rừng lớn nhất rộng hơn 8ha ở hồ Đồng Trầm, cách đền Sóc 2Km và một khu nữa ở bên hồ lớn Đồng Quan, tổng diện tích là 13ha.
Mở đầu công việc xây dựng “Dự án nhà nghỉ kiểu trang trại”, chúng tôi lên Mai Châu Hòa Bình mua một ngôi nhà sàn rộng 84m2 về lắp dựng bên sườn đồi và treo tấm biển “LONGS’FARM ” – Trang trại những Con Rồng lên đó. Ngôi nhà sàn chỉ mua mất có 14 triệu đồng, diện tích chỉ chiếm 0.1% khu đất, nhưng sau khi lắp dựng xong, chúng tôi trồng cây và trang trí hoa khá đẹp, chúng tôi mời rất nhiều khách trong nước ngoài nước đến tham quan và gửi bản thuyết minh “Proposal on making Soc Son district to become a Green-urbanised prosperous region of Hanoi Capital” đến Tùy viên văn hóa và Tùy viên kinh tế sứ quán CHLB Đức. Ông Đại sứ Đức rất thích đề xuất của tôi, hứa trợ cấp tiền nghiên cứu khoa học cho dự án và sẽ xem xét cho Công ty OIKOS vay khoản tiền ưu đãi để thực hiện dự án mẫu này.
Nhưng ngôi nhà sàn của tôi đã làm ngứa mắt các quan địa phương. Ngay lập tức đội thanh tra xây dựng đến hạch sách chúng tôi, vài hôm sau Thường vụ UBND Huyện Sóc Sơn ra quyết định chúng tôi phải phá giỡ ngôi nhà “xây không phép” đó.
Báo cáo gửi Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên về việc chúng tôi xin lập “Dự án nhà nghỉ kiểu trang trại” gửi rồi, nhưng chờ mãi không có trả lời, nên chúng tôi phải gửi thư trình bày lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ngày 24/6/1995, Văn phòng Chính phủ gửi công văn số 3432/VPCP-ĐPI đến Chủ tịch UBND thành phố, yêu cầu UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu đề xuất của chúng tôi và hướng dẫn chúng tôi lập dự án. Ông Chủ tịch thành phố vẫn giữ im lặng, còn ông Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Đức Trí thì gửi công văn thông báo cho phép ngôi nhà sàn được tồn tại, nhưng buộc chúng tôi phải cất bỏ tấm biển Trang trại bất hợp pháp đi vì theo ông ta thì “kinh tế trang trại chưa được xã hội chấp nhận”.
Hôm giỡ tấm biến ngoài cổng vào treo trong nhà, tôi nói với các cháu nhân viên của tôi rằng “Cất tấm biển cẩn thận, sẽ có lúc cả nước thừa nhận mô hình kinh tế trang trại của ta!!!”. Từ đó, một mặt tôi yêu cầu anh em bảo vệ trông nom bảo vệ rừng nghiêm túc, một mặt tôi gặp gỡ trao đổi với bạn bè trong ngành nông nghiệp và lâm nghiệp, kiên trì ủng hộ việc ban hành chính sách cho phép sử dụng 5% đất rừng để xây dựng nhà ở, cơ sở sản xuất, nghiên cứu khoa học và công trình du lịch.
Theo nội dung đề xuất DỰ ÁN NHÀ NGHỈ KIỂU TRANG TRẠI của tôi, tiền nhàn rỗi trong tầng lớp trung lưu ở thành phố rất nhiều, các chủ rừng lại rất nghèo, chúng tôi muốn tạo điều kiện cho những người chưa giầu và những người nghèo này gặp nhau, giúp họ thành lập nhiều Liên doanh mini, OIKOS- Co.Ltd của chúng tôi sẽ giúp họ làm quy hoạch và đưa ra những mẫu thiết kế thật tốt để họ lựa chọn, Nhà nước sẽ giúp họ cơ sở pháp lý để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho mỗi bên. Sóc Sơn sẽ trở thành một Đô thị du lịch Sinh thái, mà trong đó những người nông dân làm nghề trồng rừng sẽ trở thành những chủ trang trại, họ vừa có chuồng trại chăn nuôi, vừa là quản lý và phục vụ nhà nghỉ cho khách thuê. Những người dân thành phố sẽ không phải hăm hở đi mua đất rừng, rồi phải làm nhà, rồi lại phải thuê người trông nhà đó. Họ chỉ phải ký hợp đồng liên doanh, chọn những mẫu nhà họ thích, rồi đầu tư tiền xây những ngôi nhà đẹp do họ chọn. Hàng năm đến kỳ nghỉ, gia đình những ông chủ đầu tư này được ở trong ngôi nhà của mình nghỉ ngơi thoải mái, những lúc không có nhu cầu đến nghỉ, họ được chia lợi nhuận từ dịch vụ cho thuê nhà.
Thế là 15 năm trôi qua, các bộ Luật đất đai, Luật bảo vệ và phất triển Rừng, Luật bảo vệ Môi trường đều đã được ban hành và “Mô hình trang trại” đã được cả nước công nhận. Tỷ lệ được sử dụng 20% đất rừng vào các hoạt động khoa học, sản xuất và du lịch, trong đó có 5% đất được xây dựng nhà cửa và 15% còn lại được dùng làm đường đi, sân bãi, chỗ dừng xe… đã được quy định trong Thông tư số 99 ra ngày 06/11/2006 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Nhưng lúc này tôi đã già, sức khỏe đã kém, phải làm sao đây?
Mùa hè năm 2008 trong đoàn đi dự Hội nghi Kiến trúc sư quốc tế UIA ở Torino, tôi nói với KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam rằng tôi giao tặng quả đồi thông 3ha ở cạnh đền Sóc cho Hội để xây dựng Trại sáng tác Kiến trúc, trên đồi cao sẽ là các nhà nghỉ nhỏ, giành cho các Kiến trúc sư tự thiết kế và tự xây vài chục căn nhà xinh đẹp, dưới chân đồi có 3.000m2 đất bằng phẳng để xây phòng hội họp chung, khu triển lãm các mẫu thiết kế nhà ở vùng đồi núi giúp dân và các hoạt động nghề nghiệp khác của Hội. Tôi sẽ giúp Hội kiếm nguồn kinh phí xây dựng khu hoạt động chung này. Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn yêu cầu tôi đưa cho anh ấy xem hồ sơ bản đồ rồi sẽ bàn tiếp. Về đến Hà Nội, tôi đem nộp cho Hội hồ sơ và tất cả mọi thông tin có liên quan. Ngày 27/7/2008 Hanoimoi Onlie cử phóng viên lên tận nơi xem xét và đưa tin bài về việc này, nhưng ngày 30/7/2008 UBND thành phố Hà Nội lại ký Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Dịch vụ vui chơi giải trí xây dựng dự án sân Golf rộng 125 ha, trong đó quả đồi 3ha của chúng tôi trở thành khu xây biệt thự cho những Golfer chơi xong thì có chỗ đưa bồ nhí đến nghỉ ngơi.
Chiều ngày 1/4/2009, Trung tâm khai thác quỹ đất của UBND huyện Sóc Sơn mời tất cả bà con nông dân là chủ rừng đến hội trường xã Phù Linh để thông báo kế hoạch thu hồi đất rừng và thông báo sẽ cấp cho bà con đất chia lô mỗi hộ 80m2 để xây dựng khu đô thị nhà tầng. Có một ông già đứng lên hỏi
“Gia đình tôi có cả thảy 10 người, gồm vợ chồng tôi, hai đôi vợ chồng hai thằng con và 4 đứa cháu nội, trước đây tuy nghèo thật nhưng rừng đồi rộng mênh mông, chúng tôi tha hồ nuôi lợn thả gà, nay đuổi chúng tôi đi, chỉ cho mỗi gia đình 80m2 đất chỉ đủ xây chuồng lợn, còn người thì biết sống ở đâu? Còn nếu cứ xây nhà tầng, tiền đền bù hết rồi, không chăn nuôi lấy gì để sống?”
Lúc đó ông Phó chủ tịch Nguyễn Đức Trí (lại vẫn là ông Nguyễn Đức Trí) đứng lên an ủi ông già:
“Chính quyền bao giờ cũng bảo vệ bà con, nhưng pháp lệnh vẫn là pháp lệnh, bà con phải chấp hành, cứ giao đất giao rừng cho dự án, rồi ta sẽ tính”.
Bực quá, tôi đứng lên phát biểu:
“Tôi là một Kiến trúc sư, tôi là người đầu tiên mua rừng, dựng nhà sàn làm trang trại ở đây, tôi lên đây không phải để làm giầu mà để hưởng không khí trong lành và tìm cách giúp bà con làm giầu trên đất rừng của họ. Nhưng tôi đã gặp khó khăn vì cơ chế không cho phép, tôi phải mất hàng chục năm đi đấu tranh xây dựng cơ chế mới. Nay cơ chế đã có, mọi chủ rừng đều có quyền lợi như nhau. Nhưng các vị lợi dụng cơ chế, ủng hộ những người có nhiều tiền đến đây kiếm nhiều tiền hơn, các vị đuổi bà con nông dân lên nhà tầng để họ chết đói trên đó hay sao?”
Ông Phó Chủ tịch Trí lúc đó mới giật mình nhận ra trong đám bà con quê mùa đó có tôi, ông ta vội thanh minh :
“Chị thông cảm, những chuyện đã xẩy ra đều không phải tại em”.
“Tôi biết, không phải tại anh, kể cả việc cấm tôi treo tấm biển Trang trại con Rồng trước cửa nhà sàn của tôi 15 năm trước cũng không phải tại anh, tại cơ chế cũ. Nhưng anh nghĩ sao về việc cơ chế mới có rồi, các anh không nghĩ đến chuyện giúp dân trở thành những chủ trang trại của họ mà lại ủng hộ việc đuổi dân ở đây đi và cho những người giầu có ở nơi khác đến xây trang trại chỉ để hưởng cuộc sống an nhàn? Tôi xin tuyên bố, tôi mà kiện là các anh thua ngay. Nhưng tôi không kiện, nơi đây là đất Thánh, Đức Thánh Ngài thưởng phạt khen chê sẽ rất công minh. Rồi các anh sẽ thấy”.
Nghe nói dự án sân Golf nói trên đã được khởi công. Xin mọi người mở mạng tìm kiếm ra mà xem, sân Golf cao cấp này rộng tới 280ha và đầu tư gần 100 triệu USD đã khởi công ngày 8/3/2010 tại xã Phù Linh huyện Sóc Sơn.
Còn tôi, cách đây 15 năm khi mang hai cây Hoa Đại, một mầu trắng một mầu đỏ và rất nhiều cây quý khác đến trồng trước cổng và trong vườn Đền Sóc, tôi đã tâm niệm rằng tôi đến đó không để làm giàu. Nay hai cây Hoa Đại đã cao ngang trụ trụ cổng, tôi biết tôi sẽ được làm việc gì. Ngay bên cạnh chốn xa hoa của họ, tôi vẫn còn chỗ để làm một vài việc có ý nghĩa hơn mà bà con ở quanh đây và nhiều vùng rừng khác trên đất nước sẽ học theo được.
Tôi viết những dòng này giãi bày với bạn bè gần xa và đặc biệt báo cáo với hai vị tướng lão thành rằng thấy hai vị còn minh mẫn như thế, tôi không được coi mình già yếu để tự bào chữa cho sự lười biếng. Tướng Đồng Sĩ Nguyên thì lâu lắm rồi tôi không gặp mặt, nhưng tướng Nguyễn Trọng Vĩnh 95 tuổi thì tôi vừa được gặp mặt tối hôm qua trong buổi Biểu diễn Ca Trù ở Trung tâm Văn hóa Pháp Việt 24 Tràng Tiền. Vị khán giả già nhất trong khan phòng tối hôm qua giúp tôi niềm tin rằng, noi gương cụ tôi còn sức làm việc dài dài.
TTV
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập