Nếu đã xem Trung Quốc làm tiêu chuẩn để bắt chước thì lãnh đạo Việt Nam phải chọn cho đúng bài học lịch sử – tức là các quyết định thao lược quyền biến của Mao và Đặng – thay vì mãi lấn cấn với “16 chữ vàng” và “bốn tốt” vốn không chỉ là sáo ngữ vô duyên mà còn làm thiệt hại đến quyền lợi đất nước.
Họ Mao mời Tổng thống Richard Nixon đến Bắc Kinh năm 1972 để bắt tay với Mỹ gỡ rối cho Trung Quốc trong thế đang bị Liên bang Xô Viết kềm chế và đe dọa. Họ Đặng sang Hoa Kỳ năm 1979 hai tuần trước khi xua quân tấn công vào Việt Nam để tung hỏa mù rằng có sự thoả thuận với Mỹ nhằm phòng hờ trường hợp Hồng quân Xô Viết trả đũa tấn công vào biên giới phía Bắc.
Hai nhà lãnh đạo nói trên đã có những quyết định đột phá vì quyền lợi của đất nước họ. Họ không chậm chạp tiến từng bước để cải thiện bang giao với Mỹ mà chủ động tạo Thời và Cơ, kết quả là loại bỏ được đối thủ chiến lược hàng đầu và đưa Trung Quốc lên thành cường quốc hạng nhì trên thế giới.
Trên bình diện ngoại giao, Mao và Đặng sử dụng chủ nghĩa cộng sản như viên kẹo đường để dụ dỗ các dân tộc khác, còn chính Trung Quốc một khi bị lấn ép đã không ngần ngại vứt bỏ ngay tình đoàn kết keo sơn của vô sản quốc tế để bắt tay với trùm tư bản, vừa nhằm ngăn chận Liên Xô và cũng là tìm cơ hội học hỏi canh tân đất nước.
Cho dù biết rất rõ rằng mục tiêu của Mỹ muốn lợi dụng khai thác mối mâu thuẫn giữa Nga-Hoa nhưng Mao và Đặng không cần che giấu sự rạn nứt trong khối cộng sản, và sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ vì quyền lợi chiến lược tương đồng giữa hai quốc gia ngay trong giai đoạn đó.
Khi đã nói chuyện với Mỹ thì Bắc Kinh không cần gợi nhắc đến các chiến tích như Hồng binh đã đẩy lùi quân đội Liên Hiệp Quốc từ biên giới Hoa Lục xuống đến vĩ tuyến 38 tại Hàn Quốc; hay gián tiếp ngăn chận Hoa Kỳ và quân đội Đồng Minh không được tiến lên trên vĩ tuyến 17 ở Việt Nam. Hình thức khoe khoang nông cạn đó không phù hợp với tư thế của các nhà lãnh đạo khi muốn xoay chuyển bàn cờ quốc tế.
Khó mà phủ nhận những bước tiến nhảy vọt của Hoa Lục trong vòng 30 năm nay cho dù các thành quả tích cực bị lu mờ phần nào bởi tổ chức nhà nước toàn trị, hệ thống tư bản hỗn mang và các mâu thuẩn sâu rộng trong xã hội. Mô hình Trung Quốc không thể xem là kiểu mẫu, nhưng đã muốn bắt chước thì phải chọn đúng bài để học.
Nếu trong những ngày sắp tới vẫn không thấy các bước đột phá và quan hệ Việt-Mỹ chỉ được cải tiến theo nhịp độ bình thường thì tôi cho rằng chuyến đi của ông Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ là một thất bại vì không đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của đất nước.
Đ.H.Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN