Phiên xử phúc thẩm ông Đoàn Văn Vươn

Anh Đoàn Văn Vươn tại phiên xử ở Tòa án Hải Phòng hôm 2 tháng 4 năm 2013. RFA screen capture

Phiên xử phúc thẩm ông Đoàn Văn Vươn,’ người nông dân nổi dậy’ và gia đình, diễn ra hôm nay tại Hải Phòng. Thông báo của tòa cho biết phiên phúc thẩm sẽ kéo dài trong ba ngày.

Công khai và cấm cản

Trước khi phiên xử phúc thẩm diễn ra, hồi ngày 23 tháng 7, hai bà Nguyễn thị Thương và Phạm thị Báu, có thư gửi đến thẩm phán Nguyễn Vinh Quang, Tòa Phúc thẩm Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đề nghị cho gần 20 người thân của những người phải hầu tòa vào ngày 29 tháng 7 được tham dự phiên xử.

Thế nhưng thư đề nghị đó vẫn không được trả lời. Đến sáng ngày phiên phúc thẩm diễn ra chỉ có một vài người thân như mẹ của hai ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, cùng vợ của ông Đoàn Văn Sịnh và vợ anh Đoàn Văn Vệ được cho phép vào phòng xử án mà thôi…

Một nhóm những cựu chiến binh quân đội gồm có đại tá Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Văn Khải, Phan Tất Thành, Nguyễn Anh Dũng hồi ngày 21 tháng 7 cũng có có thư yêu cầu cấp giấy chứng nhận tham dự phiên tòa phúc thẩm vụ Đoàn Văn Vươn. Họ cũng không nhận được trả lời.

Đến sáng ngày phiên phúc thẩm diễn ra chỉ có một vài người thân như mẹ của hai ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, cùng vợ của ông Đoàn Văn Sịnh và vợ anh Đoàn Văn Vệ được cho phép vào phòng xử án mà thôi…

Tuy nhiên vào chiều ngày 28 tháng 7, ông Nguyễn Đăng Quang, cùng một trong 5 luật sư bào chữa tại phiên phúc thẩm là Trần Vũ Hải đã đến gặp ông thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc công an Hải Phòng và được ông này hứa sẽ tạo điều kiện cho 19 thân nhân, 13 đồng nghiệp của các bị cáo và những người muốn tham dự tòa như đại tá Nguyễn Đăng Quang vào tham dự tòa. Thế nhưng ông Nguyễn Đăng Quang vẫn không được cho vào tòa như lời ông này kể lại:

Bà Phạm Thị Hiền (trái) và bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn, phải) cùng chuẩn bị cho phiên toà. Courtasy nld.com

Trước 7:30 sáng nay tôi đến trước Tòa án Nhân dân Thành phố Hải Phòng với hy vọng được vào tham dự phiên tòa phúc thẩm xét xử Đoàn Văn Vươn; nhưng đến nơi lực lượng bảo vệ trong và ngoài tòa không cho tôi và một số người khác vào tham dự phiên tòa với lý do chúng tôi không có giấy mời của tòa. Mặc dù hơn một tuần trước chúng tôi có thư yêu cầu tòa án tối cao cấp giấy cho chúng tôi được tham dự phiên tòa; nhưng thư đó chúng tôi không được hồi âm.

Mặc dù là phiên tòa công khai nhưng chỉ có những ai có giấy mời của tòa mới được vào. Chúng tôi nằm trong số những người không có giấy mời của tòa nên họ lấy lý do đó không cho chúng tôi vào.

Tin cho biết có một số người dân lâu nay phải đi khiếu kiện về những bất công mà gia đình họ phải gánh chịu cũng về Hải Phòng với mong muốn tham dự phiên tòa công khai nhưng đã bị khống chế đưa đi. Bà Vũ Thị Hải đi tàu từ Hà Nội, xuống Hải Phòng từ chiều hôm ngày 28 tháng 7 bị công an theo sát, không cho trú ngụ tại đâu suốt đêm và đến sáng bị bắt lên xe đưa về phường Đằng Giang, thành phố Hải Phòng. Vào lúc gần 1 giờ chiều bà vẫn bị giữ tại đó và cho biết:

Suốt đêm chúng tôi không ngủ được, đến sáng ra chị em chuẩn bị đi ăn sáng; lúc đó công an Việt Nam rất đông và xe biển số 16A-0861 dùng áp lực bắt đưa lên xe về phường Đằng Giang giam giữ ở đó và đến giờ này hơn 1 giờ rồi cũng chưa cho chúng tôi đi ăn. Lúc giam giữ buổi sáng nay họ tra hỏi mọi người chúng tôi như tội phạm.

Nhiều yêu cầu cho phiên phúc thẩm

Tại phiên phúc thẩm ông Đoàn Văn Vươn và các thành viên khác trong gia đình, có 5 luật sự nhận bào chữa miễn phí. Đó là các luật sư Trần Vũ Hải, luật sư Hà Huy Sơn, Luật sư Nguyễn Hà Luân, luật sư Vũ văn Lợi và luật sư Nguyễn Việt Hùng.

Vào ngày 18 tháng 7, luật sư Trần Vũ Hải có văn thư gửi tòa phúc thẩm đề nghị hoãn phiên xử vào ngày 29 tháng 7 để giám định lại các mẫu súng, đạn và tang vật liên quan trong vụ án do bản giám đinh của Viện Khoa học Hình sự chưa có cơ sở, không thể xem là chứng cứ để kết tội các bị cáo về tội giết người.

vào chiều ngày 28 tháng 7, ông Nguyễn Đăng Quang, cùng một trong 5 luật sư bào chữa tại phiên phúc thẩm là Trần Vũ Hải đã đến gặp ông Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc công an Hải Phòng và được ông này hứa sẽ tạo điều kiện cho 19 thân nhân, 13 đồng nghiệp của các bị cáo và những người muốn tham dự tòa như đại tá Nguyễn Đăng Quang vào tham dự tòa. Thế nhưng ông Nguyễn Đăng Quang vẫn không được cho vào tòa

Luật sư Hà Huy Sơn vào ngày 19 tháng 7 cũng có yêu cầu triệu tập giám định viên đến phiên tòa phúc thẩm. Lý do được đưa ra vì một điểm trong bản kết luận giám định hồi ngày 29 tháng 2 của Viện Khoa học Hình sự, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm do giám định viên Lê Viết Cấn thực hiện có dấu hiệu không khách quan, vi phạm luật Tố tụng Hình sự. Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng nếu giám định viên Lê Viết Cấn không thể có mặt ở tòa, phiên phúc thẩm cũng phải hoãn lại.

Trông chờ mong manh

Tại phiên sơ thẩm diễn ra hồi đầu tháng Tư vừa qua tòa tuyên án hai ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quí mỗi người 5 năm tù giam về tội danh giết người. Cũng cùng tội danh này hai ông Đoàn Văn Sịnh bị tuyên án 3 năm rưỡi tù giam và Đoàn Văn Vệ 2 năm tù giam. Bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn bị tuyên 15 tháng tù treo và bà Phạm thị Báu vợ ông Đoàn Văn Quý 18 tháng tù treo về tội danh chống người thi hành công vụ.

Tất cả đều kháng cáo và vào ngày 29 tháng 7 diễn ra phiên phúc thẩm theo đơn kháng cáo đó. Bà Nguyễn thị Thương vào chiều trước khi phiên phúc thẩm diễn ra cũng bày tỏ chút hy vọng mong manh công lý sẽ dược thực thi trong phiên phúc thẩm:

Tôi không hy vọng gia đình Đoàn Văn Vươn sẽ tìm ra được công lý, sẽ nhận được công lý

Đại tá Nguyễn Đăng Quang

Mọi người cũng gọi là hy vọng sao mà để luật pháp, công lý xử cho nhà được công bằng, đúng người đúng tội đừng bỏ sót những người làm nên mà không xử, mà xử dân oan. Thế thì gia đình cũng rất mong muốn làm sao xử cho công bằng và trả lại công bằng, công lý cho gia đình để mọi người thân trở về với gia đình.

Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Đăng Quang, qua những diễn tiến vào sáng ngày đầu của phiên phúc thẩm cho rằng cũng không có hy vọng gì nhiều công lý được thực thi:

Tôi không hy vọng gia đình Đoàn Văn Vươn sẽ tìm ra được công lý, sẽ nhận được công lý.

Tiếp tục đòi hỏi công lý

Trước khi diễn ra phiên xử sơ thẩm vụ án Đoàn Văn Vươn, nhóm ba sinh viên Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh khởi xướng Tuyên Ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn. Nội dung tuyên ngôn nêu ra những luận cứ pháp lý theo luật Việt Nam và quốc tế thì những thành viên trong gia đình họ Đoàn không có tội khi chống lại đoàn cưỡng chế hồi ngày 5 tháng giêng năm 2012.

Đến cuối tuần rồi, số người tham gia ký tên vào Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn được cho biết đạt gần 3000 người. Nhóm khởi xướng Tuyên ngôn Công Lý cho Đoàn Văn Vươn vào ngày 28 tháng 7 tiếp tục kêu gọi ‘Hướng về Công lý, hướng về Đoàn Văn Vươn’. Một trong những kêu gọi là ‘ Chúng ta không cho phép mình làm ngơ trước những bất công. Chúng ta không cho phép mình im lặng khi công lý bị hủy hoại’.

Vụ cưỡng chế đầm nuôi thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn hồi ngày 5 tháng giêng năm 2012 tại Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng từng bị chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay sau đó kết luận là sai phạm.

G.M.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/appeal-tria-of-dvvuon-07292013070221.html

***********************

Xử phúc thẩm vụ Đoàn Văn Vươn

Kiên Trung

– Sáng ngày 29/7, TAND tối cao đã mở phiên xét xử phúc thẩm các bị cáo trong vụ án Đoàn Văn Vươn về tội danh “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ”.

Vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại khu đầm bãi Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vào thời điểm đầu tháng 1/2012.

Ông Nguyễn Vinh Quang (thẩm phán TAND tối cao) được phân công làm Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa; các thẩm phán Nguyễn Đắc Uyên, Đinh Thị Lý (thẩm phán TAND tối cao); đại diện VKSND tối cao, ông Lê Thụ Bình- KSV tham gia HĐXX; thư ký phiên tòa gồm bà Tạ Thị Hương Lý, Thái Thị Thanh Bình (cán bộ tòa phúc thẩm TAND tối cao).

Hội đồng xét xử phúc thẩm sáng 29/7 – (Ảnh chụp qua màn hình TV)

Các bị cáo Đoàn Văn Vươn (SN 1963); Đoàn Văn Quý (SN 1966); Đoàn Văn Sịnh (SN 1957); Đoàn Văn Vệ (SN 1974) bị xét xử theo tội danh “Giết người” quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ Luật Hình sự.

Các bị cáo Phạm Thị Báu (tên gọi khác: Phạm Thị Hiền, SN 1982); Nguyễn Thị Thương (SN 1970) bị xét xử về tội danh “Chống người thi hành công vụ” theo điểm d, khoản 2, điều 257 Bộ Luật Hình sự.

Tại phiên xét xử phúc thẩm, các luật sư bào chữa cho các bị cáo gồm luật sư Trần Vũ Hải; Hà Huy Sơn; Nguyễn Hà Luân; Vũ Văn Lợi; Nguyễn Việt Hùng, Đinh Xuân Nhật, Ngô Văn Thắng.

Luật sư Dương Văn Thành bảo vệ quyền lợi ích cho các bị hại.

Người bị hại trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” gồm các nạn nhân: Lê Văn Mải (bị 8 vết thương trong đó 4 vết ở vùng lưng); Nguyễn Văn Phong (bị 14 vết thương); Đào Văn Đức (bị vết thương ở mặt); Đỗ Xuân Trường (bị 9 vết thương); Vũ Anh Tuấn (bị 23 vết thương); Đào Trọng Dũng (bị 3 vết thương); Lê Văn Ghi (bị 16 vết thương).

Các bị hại này là cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại Công an huyện Tiên Lãng, BCH Quân sự huyện Tiên Lãng được yêu cầu tham gia trong đoàn công tác cưỡng chế.

Tại phiên xét xử phúc thẩm, nhiều bị hại đã có đơn vắng mặt có xác nhận của đơn vị, cơ quan đang công tác.

Cán bộ thuộc Phòng Giám định pháp lý (Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an) được mời đến phiên tòa để đối chất về hồ sơ giám định.

Đến khoảng 9h, HĐXX hoàn tất việc kiểm tra lý lịch các bị cáo, bị hại, người được mời tham dự phiên tòa và phổ biến quyền lợi, nghĩa vụ cho những người tham gia tố tụng.

Các bị cáo, bị hại không yêu cầu thay đổi thành phần HĐXX và luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho mình.

Đại diện các luật sư bào chữa cho bị hại, luật sư Trần Vũ Hải đề nghị HĐXX: Yêu cầu triệu tập các ông Lê Văn Hiền, Nguyễn Văn Khanh, Phạm Xuân Hoa làm rõ việc có cưỡng chế ngoài vùng cưỡng chế 19,3ha hay không, sơ đồ cưỡng chế; ông Lưu Trọng Hân (trưởng đài Phát thanh huyện Tiên Lãng để làm rõ về băng ghi hình ông Hân được giao nhiệm vụ quay toàn bộ trước, trong và sau vụ cưỡng chế để làm tài liệu); Trung tá Lê Văn Nga người ký văn bản thi hành công vụ từ phía các chiến sỹ của BCHQS huyện Tiên Lãng; ông Nguyễn Tất Thành (người có lời khai quan trọng); Lê Thanh Liêm chủ tịch UBND xã Vinh Quang người có lời khai quan trọng…

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 29/7 – (Ảnh chụp qua màn hình TV)

Ngoài ra, ông Hải đề nghị triệu tập 17 nhân chứng do Đoàn Văn Vươn cung cấp; đại diện UBND huyện Tiên Lãng, Công an huyện Tiên Lãng về việc thi hành công vụ; đại diện VTV, ANTV về nội dung phóng sự phát ngày 05/1 về việc tường thuật sự kiện… rất chân thật và đã được công bố công khai; đại diện người ký biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 05/1/2012 để làm rõ các vấn đề trong biên bản; yêu cầu tòa phát đoạn băng ghi hình này;

Đại diện VKSND tối cao đưa ý kiến: về đề nghị của luật sư Trần Vũ Hải, VKSND tối cao cho rằng đủ điều kiện triệu tập đến tòa những bị hại đồng thời là người tham gia công vụ trong vụ cưỡng chế đầm bãi của Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý; không cần thiết triệu tập những người mà luật sư bào chữa cho bị hại yêu cầu.

Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Vinh Quang cho biết, HĐXX đã nhận được đơn, gửi yêu của các bị cáo Đoàn Văn Vươn trước khi phiên tòa được tiến hành.

09h10 phút, HĐXX tạm dừng để hội ý xem xét về yêu cầu của đại diện các luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Khoảng 9h20, sau phần hội ý, HĐXX cho biết: không chấp nhận yêu cầu triệu tập những người mà luật sư Trần Vũ Hải yêu cầu vì không cần thiết.

Kết thúc phần tố tụng, HĐXX chuyển sang phần xét hỏi. Thẩm phán Nguyễn Vinh Quang thông qua nội dung bản án sơ thẩm đã được TAND T.P Hải Phòng tuyên trong phiên sơ thẩm vào đầu tháng 4/2013.

Tại phiên xét xử vào đầu tháng 4/2013, TAND TP Hải Phòng tuyên phạt ông Đoàn Văn Vươn và em trai Đoàn Văn Quý mỗi người 5 năm tù tội Giết người, ông Đoàn Văn Sịnh bị phạt 3 năm 6 tháng tù, ông Đào Văn Vệ lĩnh 2 năm tù. Bà Báu bị phạt 18 tháng tù treo, thử thách 36 tháng, bà Thương bị phạt 15 tháng tù treo, thử thách 30 tháng.Không đồng ý với bản án sơ thẩm tuyên về mức án đối với người thân phạm tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”, bị cáo Phạm Thị Báu đã có đơn kháng cáo. Bị cáo Báu cho rằng chồng mình ông Đoàn Văn Quý chỉ phạm tội phòng vệ chính đánh, còn mình và chị dâu không phạm tội Chống người thi hành công vụ.

(Tiếp tục cập nhật…)

K.T.

Nguồn: http://m.vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/133176/dang-xu-phuc-tham-vu-doan-van-vuong.html

 

 

This entry was posted in phản biện, Pháp Luật. Bookmark the permalink.