Trà dư tửu hậu
Nhìn lại sử nhà Lê, mặc dù Lê Nhân Tông, ông vua thứ ba sau Lê Thái Tổ cũng là một vua hiền nhưng lại không đủ tôi sáng. Tính ra từ Hội Thề Đông Quan chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của quân Minh đến khi Lê Nhân Tông bị giết bởi người anh ruột trong một cuộc đảo chính tàn bạo mới chỉ có 32 năm! Hào quang cuộc kháng chiến chống giặc Minh và hai đời thịnh trị “Thái Tổ, Thái Tông, con bế con bồng con dắt con mang” không hãm được đà xuống dốc của một triều đại, nếu không chấn hưng thì xem chừng khó chữa.
Sau khởi nghĩa của Lê Thái Tổ đất nước được phục hưng, bờ cõi được giữ vững. Nhưng 32 năm gọi là thịnh trị thời “nguyên phong” ấy cũng là những trang sử mang nét đặc thù “hậu chiến”, đẫm máu công thần và chính sự tha hóa. Bài ký Trung hưng viết năm Quang Thuận (niên hiệu Lê Thánh Tông từ 1460 – 1469) được Đại Việt sử ký toàn thư chép lại đã tổng kết một cách sinh động “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” ấy dưới thời Lê Nhân Tông:
“Nhân Tông mới lên hai tuổi đã sớm nối ngôi vua, Thái hậu Nguyễn Thị là gà mái gáy sớm, Đô đốc Lê Khuyển như thỏ khôn giữ mệnh. Vua đàn bà mắt quáng buông rèm ngồi chốn thâm khuê, bọn họ ngoại lòng tham, khoác lác hoành hành khắp cõi, kẻ thân yêu nắm quyền vị, nạn hối lộ được công khai. Việc văn giáo lặng lẽ như băng hàn, người hiền từ phải bó cánh. Bậc túc nho như Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du thì đẩy vào chỗ nhàn, phường dốt đặc ồn ào như ong đàn nổi dậy, như chó chuột nhe răng. Tể thần như Lê Sủng, Lê Sát thì ngu si không phân biệt sáu loại súc vật, Chưởng binh Lê Điên, Lê Luyện, thì mù tịt, chẳng sao hiểu được bốn mùa một năm. Bậc lương thần như Trịnh Khả, Khắc Phục thì kèn cựa mà giết đi, người tài sĩ như Nguyễn Mộng Tuân thì đẩy vào vòng tai họa. Oan uổng không chỉ kêu xin, mọi việc thảy đều đổ nát. Văn giai như Công Soạn tuổi gần tám mươi, tể thần như Lê Ê không biết một chữ. Bọn trẻ không biết nghĩ, làm bậy ngông cuồng, người già chẳng chết đi, trở thành mối họa. Bán quan mua kiện, ưa giàu ghét nghèo. Hiền tài là rường cột của triều đình mà sạch không như quét đất. Văn chương là khí vận của nhà nước mà im ắng tựa cỏ khô. Bọn xiểm nịnh được tin dùng, kẻ đao bút được tiến cử. Lòng người sôi động, đường sá xôn xao. Bọn tặc thần Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng, Ngô Trang và phương chó lợn hơn 300 đứa, nửa đêm dám cả gan bắc thang trèo tường lẻn vào như là vào chỗ không người. Vua và Hoàng thái hậu đều bị hại, thương thay!” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn hóa Thông tin in lần 3, tập II, trang 216).
Nói theo ngôn ngữ ngày nay cho dễ hiểu, trong cái xã hội được coi là “thái bình” ấy của nước ta cuối triều Lê Nhân Tông có đủ các loại tệ nạn. Văn hóa, đạo đức xuống cấp tệ hại. Kỷ cương phép nước rối mù… Tình trạng ê chề này không phải huyên truyền mà đã được ghi vào chính sử.
Xã hội nhiễu nhương mất tám tháng dưới triều vua đảo chính Nghi Dân. Nhưng công thần và trung thần Lam Sơn vẫn còn đó. Và những người anh hùng Lam Sơn một thuở như Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã phục hưng được kỷ cương, đưa được một minh quân bậc nhất lịch sử là Lê Thánh Tông lên ngôi báu. Nhân dân và đất nước luôn có cơ hội trung hưng. Lê Thánh Tông đã minh oan cho Nguyễn Trãi, giữ gìn được biên cương xã tắc với câu răn để đời: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của vua Thái Tổ để lại”. Nhà vua cũng chăm lo phục hưng kỷ cương phép nước và thuần phong mỹ tục cũng như sự nghiệp văn học nước nhà. 24 điều răn của Lê Thánh Tông quảng bá cho dân tuân theo cùng với việc cho hoàn thiện bộ Lê triều hình luật khởi thảo từ thời Lê Thái Tổ, đã đưa một xã hội nhiễu nhương vào nền nếp thịnh trị. Đặc biệt, hòa bình được thiết lập lâu dài 360 năm cho đến ngày Tôn Sĩ Nghị kéo quân qua biên ải (1428 – 1788), kẻ thù phương Bắc chỉ biết ôm hận Lam Sơn mà không dám nhòm ngó giang sơn Đại Việt. Chưa có triều đại nào giữ được giấc mộng hòa bình dài như thế trước kẻ xâm lược phương Bắc.
Xin đừng ngạc nhiên và sửng sốt. Lịch sử cũng đã từng có những trang u ám. Thịnh suy là vô thường, cũng là lẽ thường. Nhưng xã tắc là trường tồn. Nhân dân là vĩnh viễn. Đọc lại lịch sử để giữ được lòng tin vào chân lý muôn đời ấy.
N. Q. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Đã đăng Thời báo kinh tế Sài Gòn, 24/07/2013.