Bình Dương, ngày 18 tháng 7 năm 2013
Kính gởi: BỘ CHÍNH TRỊ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM.
Chúng tôi là những công dân có đất đang sử dụng hợp pháp, bị chính quyền tỉnh Bình Dương thu hồi, bồi thường và cưỡng chế trái pháp luật để lấy làm khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị. Chúng tôi đã gởi cho tập thể và từng Ủy viên Bộ Chính trị thư thứ nhất đề ngày 1-6-2013, đến nay hơn một tháng vẫn chưa có một hồi báo nào cũng như chưa có dấu hiệu gì về sự quan tâm của các ông. Vì vậy, chúng tôi xin gởi tiếp thư này, cũng trước tiên là qua đường bưu điện, kế đến là bằng thư điện tử và sau đó là nhờ các trang mạng đăng công khai cho mọi người biết. Xin có mấy ý kiến như sau:
1. Đảng CSVN định hướng để Quốc hội thông qua Hiến pháp và Luật đất đai quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” là hoàn toàn không hợp lý. Công lao khai phá, gìn giữ, bồi bổ của nhiều đời người tích tụ trong ruộng đất là một thứ tài sản được tạo lập chính đáng và hợp pháp của mỗi gia đình không ai được quyền phủ định. Mục tiêu đấu tranh giành độc lập để “người cày có ruộng” do Đảng CSVN đề cao trước đây không thể bị phản bội một cách trắng trợn. Cho người dân có quyền sử dụng đất, nhưng không có quyền sở hữu, thì quyền sử dụng có thể bị chấm dứt một cách vô điều kiện bất cứ lúc nào. Đó là sự bất công, vô lý đối với nông dân, làm cho nông dân chúng tôi trở thành trắng tay, mất hết tài sản, công ăn việc làm.
Trên thực tế, “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” đã phát sinh không biết bao nhiêu tệ nạn tùy tiện, tham nhũng, lãng phí trong quan chức nhà nước, và không biết bao nhiêu người dân phải lâm vào cảnh cơ cực, đói nghèo, tù tội, oan sai, chết chóc.
Tiếp tục duy trì chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là duy trì và tạo điều kiện để phát triển tệ nạn tùy tiện, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước
Chúng tôi cực lực phản đối chủ trương “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” và hoàn toàn ủng hộ kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức đã gởi cho Quốc hội.
2. Những nội dung không đúng và không hợp lý trong hiến pháp và pháp luật hiện hành thì phải sửa. Nhưng có những điều đã quy định rõ ràng mà cán bộ, cơ quan nhà nước không làm theo, gây thiệt hại cho dân thì phải xử lý.
Luật quy định phải có quy hoạch sử dụng đất và dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được thu hồi đất. Chưa có gì cả mà thu hồi đất là làm trái pháp luật; tại sao không xử lý?
Luật quy định thu hồi đất thì phải bồi thường bằng giá đất thực tế tại thời điểm thu hồi. Tỉnh Bình Dương ra quyết định thu hồi đất căn cứ vào nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 mà lại bồi thường theo nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ. Ban hành quyết định bồi thường năm 2009, mà lại tính giá bồi thường theo một quyết định đã ban hành từ năm 2003. Bồi thường không đủ diện tích đất, tính thiếu tài sản, hoa màu, cây trồng trên đất… người dân chưa chịu nhận tiền giao đất là do sai sót của chính quyền. Như vậy mà ra quyết định rồi tổ chức cưỡng chế, đập phá nhà cửa, san ủi vườn tược, thu giữ tài sản đồ đạc của người dân để giải phóng mặt bằng. Như vậy là làm trái pháp luật; tại sao không xử lý?
Lấy đất để người dân không có nhà ở, không còn đất sống; thu hồi rồi bỏ hoang hàng ngàn hecta đất. Như vậy là làm trái pháp luật, ngược lại với chủ trương hiện hành; tại sao không xử lý?
Nhà nước làm ngang ngược, bất chấp pháp luật hiện hành; dân ngăn cản thì bắt bỏ tù vì “chống người thi hành công vụ”; dân đi khiếu kiện thì phải ra tòa vì “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”; khiếu kiện mà cơ quan nhà nước chẳng quan tâm giải quyết kịp thời thỏa đáng nên phải đi đông người, khiếu kiện kéo dài thì bị quy vào tội tập trung đông người,… có tính chất chính trị. Cơ quan công quyền làm như vậy là trái với tinh thần dân chủ; tại sao không xử lý?
Pháp luật đặt ra là để quy vào đó mà o ép, xử tội người dân còn cán bộ, cơ quan nhà nước làm sai thì không tội vạ gì cả.
3. Lâu nay chúng tôi tưởng lầm rằng những việc làm sai trái của địa phương, do lãnh đạo Đảng và nhà nước chưa biết nên chưa xử lý. Nay thì đã rõ. Sự im lặng của những người lãnh đạo cao nhất khi nhận được đơn thư của chúng tôi chứng tỏ là các ông giành lấy quyền lực, nhưng các ông không nhận lấy trách nhiệm trước nhân dân. Pháp luật của đất nước này là thứ đặt ra để trị dân còn cán bộ, đảng viên, cơ quan nhà nước thì được quyền sống và làm việc ngoài vòng pháp luật.
Không có thế lực thù địch nào, hay tổ chức phản động nào xúi giục chúng tôi cả; mà chính cách giải quyết của những người có trách nhiệm đã khiến chúng tôi càng lúc càng có thái độ gay gắt, quyết liệt với những người có trách nhiệm trong việc cướp mất tài sản của mình.
Chúng tôi nghĩ rằng trong lúc này, việc xử lý tham nhũng và trả lại sự công bằng cho người dân; việc tôn trọng đúng mức những nguyện vọng chính đáng của nhân dân (như vấn đề sở hữu đất đai), có một ý nghĩa quan trọng. Đất nước đang đứng trước tình trạng nước sôi, lửa bỏng, thì đây là một trong những vấn đề gây nên tình trạng nước sôi lửa bỏng đó. Không thể, bỏ qua hay gác lại để giải quyết vào lúc khác được.
Mong các ông quan tâm.
32 hộ dân đồng ký tên. Địa chỉ liên lạc: Ông Thái Văn Dậu, 85 tuổi, cư ngụ KP 3 – Phường Phú Tân – TP Thủ Dầu Một – tỉnh Bình Dương.
Các hộ dân bị cưỡng chế gửi trực tiếp cho BVN.