Vì sao người biểu tình yêu nước phẫn nộ với công an tại cổng Trại Lộc Hà chiều tối 2 tháng 6 năm 2013?

Chiều tối ngày 2 tháng sáu, một cảnh tượng chưa từng có đã diễn ra tại cổng Trại Phục hồi Nhân phẩm Lộc Hà (Trung tâm Lưu trú Lộc Hà): những người đi biểu tình chống cuộc xâm lăng của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc (gọi tắt là Trung Cộng) bị giam giữ từ sáng, vừa được thả cùng với những người đi đón họ (từ đây gọi chung là người biểu tình) nằm ra đường để đấu tranh với công an.

Nhìn bề ngoài dễ lầm tưởng đây là hành vi quá khích của người dân với cơ quan nhà nước.

Nhưng những người trong cuộc (kể cả phía công an) và những người dân chứng kiến từ đầu thì hiểu rõ nguyên do. Tôi là một trong số người đi đón bạn, chứng kiến cảnh đó, xin kể qua diễn biến và suy nghĩ của mình như dưới đây.

Nguyên nhân sâu xa của cuộc đối đầu căng thẳng đó là vì những người đi biểu tình chống Trung Cộng sáng ngày 2-6-2013 bị bắt và bị giam một cách vô lý, trái pháp luật. Nhiều người còn bị đánh. Tệ hại hơn, trong khi bị giam giữ phía công an luôn bắt họ phải thừa nhận hành vi “gây rối trật tự công cộng”, trong khi ai cũng biết sự thật (những người công an càng biết rõ hơn): đây là những người yêu nước, đi biểu tình để phản đối những hành động vi phạm chủ quyền ngang ngược của Trung Cộng đối với Việt Nam, trực tiếp là hai vụ vừa qua – vụ bắn cháy ca bin một tàu cá và đâm hỏng một tàu cá khác của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông.

Nguyên nhân trực tiếp, đó là sự giam giữ dằng dai một số người, khiến những người được thả trước và người đi đón bồn chồn không yên, vừa sốt ruột vì trời tối dần, vừa lo lắng cho tính mạng người còn bị giam giữ. Đã thế, tại cổng, công an đặt biển cấm: cấm đứng, cấm quay phim chụp ảnh. Và tấm biển cấm này cứ được dịch dần ra để đẩy người đứng chờ xuống vệ đường. Lực lượng công an được tăng cường ngày càng đông bằng công an xã và an ninh mặc thường phục chỉ cốt để xua đuổi người đứng chờ. Những hành vi rất đẹp để đón chào người vừa được thả như bắt tay, ôm hôn, luôn bị nhắc nhở và cản trở.

Cả hai lý do trên làm cho nỗi bức xúc của người biểu tình nóng lên và lời qua tiếng lại giữa hai bên gay gắt dần. Thực ra thì người biểu tình cũng chỉ giải thích cho những người công an hành vi sai trái của họ. Nhưng trong khi những người công an xã mặc sắc phục có thái độ ôn hoà thì chính những thanh niên an ninh mặc thường phục lại có thái độ bặm trợn, căm tức người biểu tình ra mặt. Từ lời qua tiếng lại dẫn đến cãi cọ và xô đẩy, rồi từ cãi cọ và xô đẩy, họ cậy thế đông và có võ nghệ, đã lao vào đánh anh Chí Đức và Nguyễn Văn Phương. Họ kéo lê Chí Đức dọc theo lề đường đá dăm, từ cổng trại Lộc Hà đến cổng một cơ quan khác (hình như là một đồn công an), trên quãng đường dài khoảng mấy chục mét. Chí Đức bị đưa vào đồn. Nguyễn Văn Phương thì bị nhốt vào xe thùng kín mít, và chiếc xe này chuẩn bị lao đi.

Trước tình hình bất ngờ và nguy hiểm đó, người biểu tình với tay không yếu mềm không còn cách nào khác là nằm chặn chiếc xe đó lại. Khoảng 15 phút sau, công an buộc phải thả Chí Đức và Nguyễn Văn Phương. Nguyễn Chí Đức bị vỡ kính, bị rách tan tành áo sơ mi, lưng bị tướp nham nhở, rớm máu.

Lợi dụng lúc mọi người tập trung đấu tranh cho Đức và Phương ở phía dưới, công an khiêng anh Trương Văn Dũng (người bị giam cuối cùng) ném ra vệ đường từ lúc nào. Anh Dũng nằm chơ vơ trên đống đá dăm trong tình trạng bị đánh đau. Vết thương ở đỉnh đầu còn đỏ máu.

Trước cảnh đau thương của anh Dũng và thái độ vô trách nhiệm, vô nhân đạo của công an, sự bức xúc của người biểu tình vừa lắng xuống nay bùng phát trở lại. Người biểu tình yêu cầu công an phải đưa anh Dũng đi bệnh viện và có người của công an đi cùng. Chỉ thế thôi, nhưng hàng trăm công an có mặt ở đây đã làm lơ. Người biểu tình buộc lại tiếp tục nằm ra đường gây áp lực.

Hiện tượng công an bắt giam người trái phép, đánh bị thương trong đồn rồi lạnh lùng vứt ra đường, rồi vẫn nhởn nhơ đi lại ở xung quanh, có thể nói không thể tìm thấy ở bất cứ chế độ nào trên thế giới hiện nay. Trong khi ở chế độ này, thật mỉa mai, họ được vinh danh là “công an nhân dân”, là “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”!

Tôi cố gắng tìm lấy một anh công an xã đeo phù hiệu có nét mặt hiền lành, yêu cầu anh phải can thiệp. Anh ta lắc đầu cuồi cuội: “Cháu không biết. Cháu không có trách nhiệm gì trong việc này”. Tôi bảo: “Này anh, đã là người mặc sắc phục công an, thì trong bất cứ sự cố nào mình gặp phải, dù là gặp ngẫu nhiên trên đường, đều phải có trách nhiệm. Trường hợp này chí ít anh phải gọi xe cấp cứu và báo cho cấp trên của anh biết để xử lý”. Anh công an đổi giọng khiêm tốn: “Vâng, vâng, cháu sẽ gọi xe cấp cứu. Các bác chờ một tí”. Đây có lẽ là một anh công an tử tế nhất, dù chức phận của anh có lẽ là bé nhất ở đây.

Rồi một xe cấp cứu đến (chẳng rõ anh công an nói trên gọi hay do người biểu tình gọi). Cô cán bộ y tế xuống xem qua rồi bảo khiêng anh Dũng lên xe. Chúng tôi đề nghị các cô ráng chờ ít phút để có một công an đi cùng, vì nạn nhân là người bị công an đánh trong trại rồi vứt ra đây.

Các nhân viên y tế đứng chờ.

Các công an áo xanh và các an ninh chìm (vừa đánh Đức và Phương) ra về dần. Cuối cùng chủ yếu còn lại là công an xã (đứng coi người biểu tình) và công an giao thông (đứng phân luồng).

Các nhân viên y tế chờ lâu quá, họ cũng bỏ đi luôn.

Trời nổi dông gió, cơn mưa đang kéo đến. Lác đác đã có hạt mưa. Chúng tôi hoàn toàn thất vọng sẽ có công an đến làm nhiệm vụ, cho nên thảo nhanh một cái biên bản ghi lại sự việc rồi phân công người đưa anh Dũng đi bệnh viện. Lúc ấy đã gần 8 giờ tối.

Từ lâu tôi đã ý thức được mình đang sống trong một xã hội hết sức tồi tệ. Tôi cố gắng để vừa chấp nhận nó, vừa làm những gì có thể để góp phần thay đổi nó. Nhưng những gì xảy ra hàng ngày, nhất là những gì tận mắt chứng kiến, vẫn luôn làm tôi sốc. Như việc này, tôi bị sốc nặng. Tôi thông cảm một phần những người cán bộ an ninh do “quần nhau” suốt một ngày với người biểu tình yêu nước, luôn bị người biểu tình dồn vào những lẽ phải không thể chối cãi được, cho nên đầu óc căng thẳng, đầy mặc cảm “bán nước”. Tuy nhiên tôi không thể nghĩ những thanh niên tuấn tú, được đào tạo bài bản bằng tiền của nhân dân đóng góp kia, lại ác đến thế, mất nhân tính đến thế. Phải chăng họ vì tiền lương cao, bổng lộc nhiều mà sẵn sàng chà đạp lên lòng yêu nước của nhân dân, chà đạp lên mọi giá trị thông thường? Hay là họ đã bị nhồi sọ, rằng họ chỉ có nhiệm vụ bảo vệ chế độ này, coi đó là lý thưởng thiêng liêng và sẵn sàng “tử vì đạo”, cho nên coi những người dân yêu nước muốn bảo vệ Tổ quốc trước hoạ xâm lăng của Trung Cộng, là kẻ thù không đội trời chung?

Đ.T.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in Tố Cáo. Bookmark the permalink.