Ông Cao Ngọc Oánh: Xin đừng lỡ chuyến tàu lương tâm

Những lý do làm Người tù Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực cả tuần lễ nay và việc ông Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Tổng cục VIII, trả lời về tình trạng sức khỏe của Ông Vũ rất không đúng với thực tế, làm tôi nhớ tới bài báo (không nhớ tên tác giả) đăng trên tờ Pháp luật TP (HCM) ngày 5-10-2007, để đặt tựa đề cho bài viết này

Mọi người quan tâm hẳn còn nhớ: Trước khi xảy ra vụ “bữa ăn” tại khách sạn Mê-li-a, để rồi sau đó, ông Cao Ngọc Oánh phải mang vạ, thì tướng Oánh đã được cơ cấu lên thứ trưởng, sẽ vào Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội X, Đảng Cộng sàn Việt Nam. Sau bữa cơm đắt giá đó, đường quan lộ của ông đang rộng mở, thì rẽ ngoặt vào cái ngõ hẹp. Bài báo đã dẫn trên, có câu nhận xét: Ông đã bị “lỡ chuyến tàu (TÔC HÀNH – tôi chua thêm) của cuộc đời”.

Thú thật, tôi chẳng có “cửa” gì để quen ông, cũng chẳng có tầm để quen Ông Cù Huy Hà Vũ. Biết cả ông và Ông Vũ, là do qua thông tin nhiều chiều. Tôi khâm phục, kính trọng Ông Cù Huy Hà Vũ, và lấy làm tiếc cho ông, khi ông “lỡ chuyến tàu cuộc đời”, là bởi tôi biết ông là người khá “sạch” với địa vị, giỏi về chuyên môn và đẹp với đồng đội, bạn hữu. Tuy vậy, với lon trung tướng công an và chức Tổng cục trưởng Tổng cục VIII, ông vẫn đang yên vị trên chuyến tàu CHỢ, tuy chậm và chất lượng kém hơn, nhưng vẫn là ước mơ của hàng vạn cán bộ trong ngành công an, phải vậy không, thưa ông?

Sự việc Ông Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực, theo tôi được biết, là do cán bộ dưới quyền ông gây ra, và hành vi của họ là sai trái với qui định của pháp luật. Việc chỉ đạo cấp dưới kiểm điểm, kỷ luật, sửa sai … là hoàn toàn thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của ông. Làm được điều đó, trước hết, ông làm cho bộ mặt nhân quyền Việt Nam bớt lem luốc đi chút ít, tạo thêm ít trọng lượng cho cuộc chạy đua vào TTP năm nay và  cái ghế Nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc năm sau. Thế nhưng, đó là trách nhiệm của ông với Nhà nước của ông. Ở đây, tôi chỉ nói về trách nhiệm của ông với riêng Ông Cù Huy Hà Vũ: Ông hãy làm đúng những gì pháp luật đã qui định đối với Ông Vũ, thế thôi, không xin ông ban thêm cái ơn riêng nào cho Ông Vũ, thế thôi!

  Tôi cũng được nghe rằng, đối với những tù nhân “đặc biệt” như Ông Vũ và nhiều người tù “đặc biệt” khác, họ không được đối xử công bằng, đúng pháp luật. Nếu quả đúng như vậy, cái chủ trương này hẳn phải là cấp trên của ông đưa ra, không loại trừ ở cấp cao nhất trong bộ máy cầm quyền, mà ông và thuộc cấp của ông chỉ là người thừa hành “đưa nghị quyết vào cuộc sống” mà thôi.Tôi ít nhiều thông cảm với ông về điều đó. Ở xứ này, khi anh không đồng tình, đồng lõa, Tổ chức sẽ gạt anh ra khỏi cuộc chơi quyền lực ngay tức khắc. Bởi vậy, tôi chỉ xin hỏi ông câu này:

Thưa ông, ở vào độ tuổi tri thiên mệnh, hẳn ông biết giữa quyền lực, chức tước và đạo đức, lương tâm, giá trị nào là tạm thời, giá trị nào là vĩnh cửu? Có “tên tuổi” như ông Lê Đức Thọ, Trần Xuân Bách, Kim Ngọc (đã), bà Trần ngọc Sương (Giám đốc nông trường Sông Hậu), ông Đỗ Hữu Ca (Giám đốc Công an Hải Phòng)… (sẽ) chết theo qui luật tự nhiên nhưng họ để lại cho dân cho đời những gía trị khác nhau như thế nào? Tôi mong ông bớt chút thời gian suy nghĩ về điều đó, chứ không mong được ông trả lời.

Tôi xin mạo muội gửi bức thư ngỏ này tới ông, hi vọng ông đọc nó và có những ứng xử kịp thời trước khi quá muộn (cả với ông và Ông Cù Huy Hà Vũ). Tôi tin nhiều người sẽ biết đến ông với lòng ngưỡng mộ, thậm chí biết ơn ông, nếu ông có những chỉ đạo kịp thời, đúng pháp luật cho thuộc cấp của ông đối với Ông Cù Huy Hà Vũ.

Lần này, xin ông đừng bỏ lỡ chuyến tàu LƯƠNG TÂM. Tôi tin chắc có hàng triệu người Việt Nam yêu nước mong ông bước lên chuyến tàu lịch sử này.

Chúc ông và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, làm được những điều phúc đức là CỦA ĐỂ DÀNH QUÍ NHẤT cho con cháu ông mai sau. Được như vậy, ở lá thư cảm ơn ông, xin ông cho phép tôi viết: Kính gửi Ông  Cao Ngọc Oánh….

Chào ông.

Đ. Q.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in phản biện. Bookmark the permalink.