Ra đi
Ngày 4/6/2009, không hiểu sao do một sự sắp đặt ngẫu nhiên nào mà một người bạn lại rủ tôi uống cà phê ở quán Rita đường Nguyễn Văn Cừ ngay đối diện xéo với khu Bộ Công an. Trong đó có trại tạm giam an ninh điều tra B34 của Bộ Công an, mà sau này tôi mới biết tên và đó cũng chính là trại giam của Phủ Đặc ủy trung ương tình báo chế độ Sài Gòn trước đây. Trong đó có người bạn thân, người đồng chí, người lãnh đạo hàng đầu của phong trào dân chủ, nhân quyền Việt Nam – Trần Huỳnh Duy Thức – đang bị giam giữ. Khi uống cà phê, chúng tôi nói nhiều về người bạn mình bị giam đâu đó trong kia, không biết bao giờ mới được thả.
Khoảng sau 5 giờ chiều tôi đi về nhà bằng xe máy. Vừa đi được một quãng ngắn, qua khỏi ngã tư Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Trãi đột ngột xuấn hiện hai thanh niên thường phục lực lưỡng trên một xe mô tô ép tôi vào sát lề và gằn giọng nói: “Anh có phải là Lê Thăng Long? Yêu cầu anh lên xe về cơ quan an ninh!”. Ngay lúc đó, một xe ô tô bảy chỗ trờ tới và họ đẩy tôi lên xe đã có sẵn mấy người an ninh. Tôi bị đe dọa và khống chế ngay lập tức. Xe quay đầu lại chạy về khu an ninh điều tra, Bộ Công an ngay gần đó, gần đối diện với chỗ tôi vừa uống café. Tại đó, mấy chục an ninh thường phục và quân phục đang đứng chờ và nhìn tôi soi mói. Một sĩ quan an ninh nói: “May quá, anh uống cà phê ngay đây, anh làm chúng tôi đỡ phải huy động người đi bắt anh ở xa!”.
Họ tiến hành đọc lệnh bắt khẩn cấp và sau đó đưa tôi về công an phường nơi tôi ở. Họ kêu công an phường, tổ trưởng dân phố và đưa tôi về nhà để khám xét và xác nhận với gia đình và địa phương việc bắt giữ.
Má tôi và ba tôi đã đau xót chứng kiến cảnh bắt giữ tôi ở nhà. Ông bà hoàn toàn sốc và bất ngờ. Tôi bình tĩnh động viên ba má mình. Trong lúc đó, bên an ninh đi kèm theo mấy người cả quân phục và thường phục. Họ dùng máy quay phim và chụp ảnh ghi lại từng chi tiết quá trình bắt giữ, khám xét với thái độ đầy đe dọa. Má tôi gom vội cho tôi mấy thứ đồ dung cá nhân. Chắc mọi người không ngờ tôi sẽ chỉ được gặp lại gia đình mãi ba tháng sau đó và ở tù luôn đến đúng ba năm mới trở về nhà. Đêm đó, những nhân viên an ninh đã quần tôi để lấy những lời khai đầu tiên tới gần sáng.
Tạm biệt
Trước hai ngày khi tôi được trả về nhà, chiều 02/06/2012 tôi được thông báo sẽ được trả về nhà vào ngày 04/06/2012. Đúng ba năm kể từ khi bị bắt.
Ngày hôm sau, tôi làm các việc chia tay với các anh em bạn tù. Tìm đủ mọi cách, tôi đã xuống được khu giam riêng chúng tôi và anh Thức trước đây để chia tay anh Thức. Bây giờ quay lại đây là một điều cực kỳ khó. Cách đây hai tháng, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và tôi đã được chuyển lên ở chung với khu tù hình sự. Bây giờ dưới khu giam giữ đặc biệt này chỉ còn lại hai người là anh Thức và anh Trịnh Ngọc Thái – một cựu đảng viên cộng sản bị buộc tội Điều 88. Sau này tôi mới hiểu là họ muốn cho tôi nếm trải cuộc sống của tù hình sự trước khi trở về, nhưng muốn giữ bí mật không cho tôi biết điều đó. Nguyễn Hoàng Quốc Hùng về sau lại được chuyển xuống ở chung với khu giam riêng với anh Thức, cùng với nhạc sỹ Việt Khang vừa chuyển về.
Trong không khí xúc động, anh Thức dặn dò tôi lần cuối những gì cần phải làm. Tôi biết rằng tôi đang nhận một trọng trách rất lớn với anh và với mọi người. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau và cố nén lòng để không khóc. Không biết bao giờ tôi sẽ gặp lại anh, người bạn thân, người đồng nghiệp và người đồng đội của mình! Chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau để truyền cho nhau niềm tin và nghị lực. Anh hướng mắt nhìn theo mãi cho đến khi tôi đi khuất!
Thời gian hai tháng cũng giúp tôi hiểu thêm nhiều điều về mặt sau của cuộc sống những người tù hình sự và nguyên nhân nào khiến họ bị đẩy vào con đường tù tội và tại sao tù hình sự ngày càng nhiều đến thế trên đất nước Việt Nam. Tôi được đưa vào ở chung trong phòng có 50-60 tù hình sự thuộc loại dữ dằn nhất của phân trại 1, trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai. Đa số họ bị tù chung thân, án vài chục năm, hoặc bị đi tù 2-3 lần. Tiếng lóng trong tù gọi là 2-3 “khóa”.
Đồ dùng cá nhân tôi chia lại hết cho các anh em tù ở lại. Họ rất trân trọng những người tù chính trị, tù nhân lương tâm như chúng tôi. Trong suốt 2 tháng, tôi đã kịp tìm hiểu và chia sẻ với nhiều anh em ở đây. Mỗi người một hoàn cảnh, từ các em vị thành niên đến những người già trên 60 tuổi; từ giết người, cướp của, trộm cắp đến buôn ma túy, lừa đảo… Một mặt họ rất dữ dội mang phần “con”, một mặt họ đầy yêu thương của phần “người”. Họ chia sẻ với tôi, đặt niềm hy vọng ở những người như tôi để có thể giúp họ có tiếng nói ra bên ngoài và có một sự thay đổi nào đó tốt đẹp hơn trong tương lai. Tôi hiểu rằng, nếu được sống trong tình yêu thương, quan tâm lẫn nhau thực sự thì đa số họ sẽ không phải vào đây và họ sẽ trở thành những người hữu ích cho cộng đồng.
Trở về
Sáng sớm 4/6: khoảng 6 giờ tôi đã được gọi ra ngoài cổng trại.Tôi yêu cầu được xuống chia tay với anh Thức nhưng công an dứt khoát không cho. Tôi kịp vẫy tay chào chú Năm Thơ, đạo Hòa Hảo – một tù nhân lương tâm. Tôi gặp lại viên trung tá công an phụ trách an ninh phân trại 1. Ông nói giọng thiếu thiện cảm về anh Thức rằng nếu như anh Thức không “biết điều” thì sẽ ở tù đến hết án. Tôi biết đây là một lời đe dọa và thực sự ông ta nghĩ như vậy. Nhưng tôi vững tin rằng mọi sự sẽ thay đổi rất nhanh và không lâu nữa ông ta sẽ hiểu ra nhiều điều.
Xe trại giam đưa tôi về đến Công an Quận 1, Sài Gòn. Từ đó họ đưa tôi về phường Nguyễn Thái Bình để làm thủ tục bàn giao quản chế tôi tiếp ba năm với chính quyền địa phương. Tới trưa tôi mới được chở về tới nhà. Nhà trống vắng! Bà ngoại tôi đang nằm trên giường một mình, bà năm nay 97 tuổi, vẫn còn nhận ra tôi tuy đã già yếu lắm. Má tôi đang bệnh nặng và nằm trong bệnh viện. Ba tôi đang vào thăm và chăm sóc má. Vợ con tôi vẫn ở Hà Nội. Tôi điện thoại ngay cho má, bà mừng quá bật khóc!
Một giai đoạn mới bắt đầu. Tôi lại tiếp tục con đường mà chúng tôi đã chuẩn bị và sẽ khởi xướng trong mấy ngày tới: Phong trào Con đường Việt Nam. Con đường trung đạo, yêu thương và trung dung nhằm mục tiêu bảo vệ quyền làm người trên hết và bình đẳng tại Việt Nam. Con đường mà cả ba anh em Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và tôi cùng mọi người đã và đang ấp ú cho dân tộc Việt Nam để vượt qua bao gian khổ, đắng cay đến bến bờ tự do và hạnh phúc.
Sài Gòn, 04/06/2013
L. T. L.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.