Chúng tôi đăng bài viết dưới đây của bạn Hà Sơn Tây trao đổi lại với bạn Trần Bích Đăng về những ý kiến Trần Bích Đăng góp ý với bài phỏng vấn GS Regina Abrami trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam với mong muốn cùng nhau đi tới những nhận thức đúng đắn trên các vấn đề đang là “điểm nóng” thuộc phạm vi quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Có thể bạn Trần Bích Đăng xuất phát từ tình hình nội lực thực tế của nước ta, hiểu quá rõ tư thế của người cầm chịch vận mệnh đất nước bấy lâu nay, nên có tỏ ra lo lắng hơi quá mức trước những câu trả lời khách quan của người ngoài cuộc. Đấy cũng là tâm trạng của phần đông kẻ sĩ đang sống trong một không khí mà với trải nghiệm của chính mình, bất kỳ một phát ngôn nào có thể hiểu thành nhiều cách, có thể bị những kẻ nhiều quyền lực nhưng rất thiếu bản lĩnh và đầu óc, hoặc những kẻ “buôn vua” nhan nhản trong xã hội hiện nay, lợi dụng theo ý họ khiến đất nước càng thêm ba bè bảy mối, đều đánh hơi thấy sự bất lợi, phải cảnh giác triệt để. Đó là một sự thực đau lòng nhiều khi vượt ra ngoài nội hàm câu chữ mà hầu hết giới cầm bút chân chính đều rất thông cảm. Dù sao vẫn rất cần nhắc nhau: trong điều kiện giao lưu có tính chất toàn cầu hiện nay, mọi sự vật đều phải được đặt ở một tầm suy xét khách quan, rộng mở, chứ không nên bị bó hẹp vào những hoàn cảnh đặc thù, để tiếp nhận những gì người khác muốn biểu đạt. Thái độ mặc cảm cố hữu lâu nay của chúng ta nên được gạt bỏ trong tranh luận.
Bauxite Việt Nam
Tôi thật sự thất vọng với bài của Trần Bích Đăng (TBĐ), mà Bauxite Việt Nam đăng ở trước bài trao đổi giữa Giáo sư Regina Abrami với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Không kể việc TBĐ viết sai tên bà (Regina chứ không phải Gegina), và cũng không hiểu rằng người ta không gọi một người Âu Mỹ không thân bằng tên mà phải bằng họ (Abrami) hoặc cả tên họ đầy đủ (Regina Abrami, dưới đây sẽ viết tắt là RA), có điều chi không ổn trong những câu hỏi có tính cật vấn mà TBĐ đặt ra cho GS RA.
Toàn bài viết của TBĐ tập trung vào một đoạn trong bài của giáo sư RA, đó là đoạn trả lời câu hỏi của nhà báo Lan Hương “Nhưng theo bà, sự trỗi dậy của Trung Quốc này mang lại nhiều thách thức hơn hay là nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam?” (theo tôi, nếu nhà báo đề nghị GS RA nêu ra những thách thức và cơ hội đối với VN thì hay hơn, nhưng đó là chuyện khác).
Để tiện theo dõi, tôi chép lại dưới đây đoạn đó :
“Câu hỏi này đặt ra không hề mới mẻ và lạ lẫm gì, bản thân người Việt Nam đã băn khoăn về điều này hàng thế kỷ nay. Nhưng trong bối cảnh mới hiện nay, câu trả lời không nằm ở Trung Quốc mà nằm ở chính Việt Nam. Việt Nam coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức thì nó sẽ là thách thức, coi nó là cơ hội thì nó sẽ là cơ hội.
Điều này phụ thuộc vào việc Việt Nam có chính sách như thế nào với những dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, các doanh nhân Việt Nam nhìn nhận thế nào về cơ hội hợp tác làm ăn với người Trung Quốc… Nếu như các doanh nhân Việt Nam nhìn nhận đó là cơ hội để phát triển thì nó sẽ là cơ hội. Bản thân tôi cũng hy vọng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là cơ hội chứ không phải de dọa đối với Việt Nam.
Cũng nên nhìn nhận công bằng là Trung Quốc cũng không khác gì các nhà đầu tư nước ngoài khác khi đến với Việt Nam. Việt Nam có các luật và quy định như thế nào về vốn đầu tư nước ngoài thì cũng nên áp dụng một cách bình đẳng với Trung Quốc, cũng như với các nhà đầu tư nước ngoài khác”.
Tôi không hiểu ý nào của GS RA cho phép TBĐ kết luận rằng “Hai chữ cơ hội nếu hiểu như bà thì đường lưỡi bò Biển Đông sẽ tức khắc là đường biên giới biển của Trung Quốc cướp trắng vùng Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc, cắt đứt con đường sinh lộ của Việt Nam đã bao đời sinh sống với Hoàng Sa, Trường Sa…”.
Bà ấy có “xui” chúng ta hãy thụ động về các mặt ngoại giao, quân sự đâu, có nói rằng các bước đi (khôn ngoan) của VN trong việc quốc tế hóa các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông trước, trong và sau hội nghị ASEAN năm qua… là sai lầm, là gây thiệt hại đến các “cơ hội” làm ăn của VN với TQ đâu?
Còn về kinh tế, khi RA nói “Điều này phụ thuộc vào việc Việt Nam có chính sách như thế nào với những dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, các doanh nhân Việt Nam nhìn nhận thế nào về cơ hội hợp tác làm ăn với người Trung Quốc…” thì bà ấy có “xui dại” VN về một chính sách nào đối với TQ đâu, có gợi ý VN nên chấp nhận tất cả từ phía TQ đâu?
Tôi đọc lại cả bài của GS RA, cũng không thấy bà ấy có ý kiến gì phê phán hay ca ngợi VN trong việc đối xử với TQ. Việc gì mà TBĐ phải đao to búa lớn, gọi cả lịch sử ra để lên án người ta thế nhỉ?
Bình tâm suy nghĩ thì, phải chăng đúng là VN cần và hoàn toàn có thể có những chính sách khôn ngoan đối với vốn đầu tư từ TQ, vừa vẫn tôn trọng các quy định “bình đẳng” của WTO, vừa tạo thêm cơ hội cho kinh tế phát triển? Tôi nhấn mạnh chữ “thêm”, vì chẳng có gì buộc chúng ta coi vốn đầu tư của TQ là duy nhất, thậm chí là chủ yếu. Chẳng hạn, có ai bắt VN phải chấp nhận cho TQ đầu tư khai thác bauxite đâu, nhất là khi họ chỉ mang tới những công nghệ thấp so với thế giới. Có ai buộc chúng ta chấp nhận số công nhân TQ đi theo nhà thầu cao hơn nhiều so với các hợp đồng ta ký với nước khác? VN hàng ngày sử dụng quá nhiều hàng tiêu dùng từ TQ, báo chí đã đánh động nhiều về vấn đề này, nhưng đã có bao nhiêu xí nghiệp liên doanh với TQ để sản xuất các mặt hàng đó tại VN, vừa cho thị trường trong nước vừa xuất khẩu, tạo việc làm cho lao động VN, giảm nhập siêu…? Những chuyện ta đang làm hay không làm đó, chẳng phải là chính chúng ta quyết định ư? Đã đành là họ có sức ép, nhưng sức ép thì đối tác nào mà không làm? Ta có quyền tố cáo những sức ép, những hành vi không thân thiện…, nhưng cuối cùng vẫn đủ lớn để lấy trách nhiệm về công việc của mình chứ? Vậy thì, khi một quan sát viên nước ngoài nói rằng “thách thức hay cơ hội, cái đó tùy ở các bạn”, điều đó có gì sai trái?
TQ trỗi dậy, trước hết là chuyện của họ. Tuy nhiên, khi các chính sách đối ngoại của họ còn nhiễm nặng tư tưởng dân tộc Đại Hán, đó cũng là một mối đe dọa đối với chúng ta. Đây là một thực tế khách quan. Song – kể cả khi những chính sách đối ngoại của TQ được điều chỉnh phù hợp hơn với thế giới hiện nay – trong mọi trường hợp, sự trỗi dậy đó vẫn là một thách thức đối với VN. Thách thức chúng ta phải vươn lên, sớm giải quyết được những vấn đề lớn của xã hội (tham nhũng tràn lan, giáo dục xuống cấp v.v.), tìm được con đường phát triển bền vững của chính mình, và tạo được một thế đứng vững chắc của mình trong thế giới, bạn bè nể phục, đối thủ kiêng dè. Để cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn, không thua kém người, mà cũng chẳng cần cầu cạnh ai, đồng thời để giữ vững độc lập chính trị, kinh tế, văn hóa lâu dài của đất nước bên cạnh anh hàng xóm khổng lồ mà ta chẳng thể dời đi đâu được.
Tôi hiểu câu hỏi của nhà báo Lan Hương trong nghĩa đó (nghĩa của từ thách thức dịch từ challenges của tiếng Anh), và có câu trả lời không khác lắm so với phát biểu nói trên của bà RA: bên cạnh thách thức mà sự trỗi dậy của TQ đặt ra, VN hoàn toàn có thể tìm thấy những cơ hội cho sự nghiệp phát triển đất nước mình; điều đó trước hết phụ thuộc vào chính chúng ta, cả trong đối xử với TQ và với thế giới, nhưng trước hết là giữa chúng ta với nhau, giữa chính quyền và người dân.
Một câu trả lời chung chung, chính vì nhà báo không đề nghị người được phỏng vấn trả lời cụ thể, những thách thức và cơ hội nào.
Vì thế, tôi không thấy một lý do nào để cật vấn GS RA một cách rất thiếu bình tĩnh như TBĐ.
Người Việt Nam dĩ nhiên có lý khi không quên cảnh giác với TQ. Nhưng thật đáng lo ngại nếu chúng ta để cho tinh thần “cảnh giác” đó trở thành một ám ảnh tới mức không còn có thể bình tĩnh suy nghĩ đến gì khác ngoài sự đối đầu với ông bạn láng giềng khó chịu này, tới mức ép mọi đối tác, bè bạn, mọi chính sách vào cái khuôn đối đầu chật hẹp đó.
Nói chung hơn, cũng thật đáng lo ngại nếu mỗi khi nghe bạn bè “thắc mắc” gì về mình (VN nói chung) thì phản ứng đầu tiên của người VN là tìm cách bảo vệ, bào chữa, hay bác bẻ mà ít khi nhân đó để suy nghĩ về những trách nhiệm của chính mình.
H. S. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.