Biết lòng dân trước rồi mới quyết chủ trương


Tôi nghĩ chính những đảng viên, đại biểu phải thấy quyền hiến định và luật định để phục vụ nhân dân một cách cao nhất.

Dự thảo Cương lĩnh bổ sung phát triển 2011 khẳng định: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo”. Góp ý cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, hiện là Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng Đảng cần phải đổi mới phương thức lãnh đạo để thực sự là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.

“Chúng ta nói là “ý Đảng lòng dân” thì muốn quyết chủ trương cho phù hợp, nhất là với các chủ trương lớn có liên quan đến vận mệnh quốc gia thì phải biết lòng dân trước” – ông Lê Hiếu Đằng (ảnh) nói.

Đảng không cầm tay chỉ việc

. Thưa ông, Đảng đã nhiều lần nhấn mạnh việc đổi mới phương thức lãnh đạo của mình cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo ông, điều ấy đã được thực hiện thế nào?

ông Lê Hiếu Đằng

ông Lê Hiếu Đằng

+ Quy trình hiện nay chủ yếu là Đảng quyết định trước chủ trương, sau đó Quốc hội (QH), HĐND, MTTQ… để triển khai chủ trương đó. Đó là một quy trình ngược. Nếu không thay đổi điều này thì không phát huy được quyền làm chủ của nhân dân thông qua QH, HĐND và các đoàn thể. Từ đó, dẫn đến chỗ QH, HĐND và các đoàn thể chỉ là hình thức cho có chứ không đại diện cho lợi ích của quần chúng một cách thật sự.

. Theo ông, vấn đề trên sẽ dẫn đến hệ quả gì?

+ Một khi QH, HĐND, Mặt trận… không phản ánh lợi ích của quần chúng một cách thực sự thì các tổ chức này sẽ mất vai trò. Tôi nghĩ Đại hội XI của Đảng phải đặt ra vấn đề này. Các vị lãnh đạo sáng suốt phải tự nhận thấy điều này vì kéo dài là rất nguy hiểm.

. Vậy theo ông, đâu là vấn đề mấu chốt mà Đảng cần nhìn nhận thấu đáo để đổi mới sự lãnh đạo của mình?

+ Đảng lãnh đạo chứ không phải cầm tay chỉ việc trong tất cả lĩnh vực. Đảng cứ lo các sự vụ, làm thay chính quyền là không cần thiết, là tự làm yếu đi sự lãnh đạo của mình vì không đủ thời gian tập trung vào những chiến lược lớn để phát triển.

Người dân TP.HCM xem triển lãm và góp ý quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tại hội trường Thống Nhất. Ảnh minh họa: HTD

Người dân TP.HCM xem triển lãm và góp ý quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tại hội trường Thống Nhất. Ảnh minh họa: HTD

Cán bộ phải sử dụng hết quyền của mình

. QH thời gian qua hoạt động rất sôi nổi với những phiên chất vấn quyết liệt và không ngại đụng chạm. Nhiều người cho rằng không khí dân chủ đã được thể hiện nổi trội ở QH, qua đó cho thấy sự thay đổi ít nhiều trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của QH. Ông nhìn nhận điều này thế nào?

+ Kể từ ngày hòa bình đến nay ta đã có những bước tiến đáng kể về mặt dân chủ nhưng xét đến cùng những bước tiến này phần nhiều do thực tiễn quy định. Xét riêng trong hoạt động của QH, ban đầu chưa thật sự mạnh nhưng dần có những đại biểu ý thức được trách nhiệm của họ và nhiều người đã lên tiếng để thực hiện quyền và trách nhiệm ấy. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nỗ lực cá nhân của các đại biểu QH. Vai trò của QH với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho toàn dân chưa thật sự được phát huy theo như luật định.

Hoạt động của MTTQ cũng thế. Bản thân làm Mặt trận gần 30 năm, tôi thấy sự lãnh đạo của Đảng với Mặt trận không có gì thay đổi. Nghị quyết đưa về rồi triển khai chứ ít có sự trao đổi thảo luận, làm cho tính thụ động của Mặt trận ngày càng lớn. Cũng như QH, Mặt trận có những hoạt động bảo vệ được quyền lợi của người dân là do nỗ lực cá nhân. Tôi nghĩ chính những đảng viên, đại biểu phải thấy quyền hiến định và luật định để phục vụ nhân dân một cách cao nhất.

. Ý ông là vẫn còn nhiều đại biểu của dân và cán bộ chưa sử dụng hết những quyền của mình để phục vụ nhân dân?

+ Đúng, tình trạng này đang tồn tại trong không ít cán bộ của ta. Quyền và trách nhiệm đã được ghi trong luật chính là sự thể chế hóa những đường lối chủ trương của Đảng. Ta cứ dựa trên luật mà đấu tranh, ai chỉ đạo sai là đi ngược lại chủ trương đường lối của Đảng. Chẳng hạn, luật Mặt trận quy định chủ trương chính sách nào liên quan đến quyền lợi quần chúng phải đưa qua Mặt trận lấy ý kiến. Còn anh không đưa là sai, cán bộ Mặt trận phải phản bác.

Không nên đồng thuận giả tạo

. Ông nói “ý Đảng lòng dân” là phải biết lòng dân trước rồi mới quyết chủ trương cho phù hợp. Thế nhưng hiện nay lại có quan niệm “đồng thuận đồng lòng” mới tạo ra sự thống nhất cao độ?

+ Đồng thuận kiểu ấy là thống nhất một chiều, duy ý chí chứ không phải thống nhất thông qua tranh luận. Tôi nghĩ khi chấp nhận kinh tế thị trường, thừa nhận các nhóm lợi ích khác nhau thì hoàn cảnh đã buộc chúng ta phải chấp nhận các xu hướng tranh luận. Đảng trí tuệ là chỗ này đây. Nghĩa là Đảng phải biết chọn lựa để ra quyết định, để tạo ra sự đồng thuận thật sự chứ không phải đồng thuận giả tạo. Một quyết định sau khi đã tranh luận và phản biện thì đó mới là đồng thuận xã hội.

Thậm chí hiện nay còn có tình trạng đưa vấn đề ra cho những người chỉ biết chấp hành để họ phát biểu rồi nói rằng đó là đồng thuận. Như vậy cũng là giả tạo.

. Về lâu dài, ông nghĩ Đảng cần phải giải quyết những vấn đề trên như thế nào?

+ Đảng phải thể chế hóa sự lãnh đạo của mình. Tức là phải phân định rõ Đảng lãnh đạo thế nào, quyền hạn đến đâu. Chẳng hạn, luật phải quy định những vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước và lợi ích toàn dân thì phải đưa ra lấy ý kiến nhân dân.

Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi luật bầu cử, luật Tổ chức QH và HĐND, Luật MTTQ để các cơ quan này thực sự đại diện cho quyền làm chủ của người dân và bảo vệ những lợi ích chính đáng của người dân; để dân thấy Đảng thể hiện chính ý chí nguyện vọng của mình. Ví dụ, tại sao ta không quy định đại biểu QH chỉ chuyên trách thôi? Nếu anh trúng đại biểu QH thì không làm chính quyền nữa. Chỉ một điều như thế đã thay đổi được rất nhiều về chất của hoạt động QH.

. Xin cảm ơn ông.

Cán bộ phải do dân đề cử

Đổi mới tư duy lãnh đạo là tiên quyết nhưng phải gắn liền với đổi mới trong tổ chức cán bộ. Cách tổ chức, lựa chọn cán bộ của ta hiện nay sẽ khó có nhân tài vì quá ưu tiên lý lịch. Con em của cán bộ về địa phương hoạt động, vo mình cho tròn trịa để vào Đảng như là một nấc thang để tiến thân vì biết nếu không phải đảng viên thì không ngoi lên được. Vậy chẳng phải khuyến khích chủ nghĩa cơ hội khi vào Đảng sao?

Cách thức tuyển chọn cán bộ của ta cũng tạo ra sự lạnh lùng, người dân không thấy có ý chí của mình trong chính vị cán bộ hàng ngày được gọi là cán bộ của dân. Thời ông Sáu Dân – cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – đã từng cảnh báo: Bây giờ, nhiều cán bộ sợ Đảng chứ không sợ dân vì Đảng cầm trong tay sinh mệnh của họ từ tăng lương, đề bạt đến mất chức. Muốn thay đổi tình trạng này, cán bộ phải là người do dân đề cử và khi cần thiết thì dân “hạ bệ”. Chứ còn như hiện nay thì nhiều cán bộ tranh thủ sự tín nhiệm của cấp ủy chứ đâu có lo phục vụ dân.

Ông LÊ HIẾU ĐẰNG

Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.

(Trích dự thảo Cương lĩnh bổ sung phát triển 2011
công bố ngày 15-9-2010)

MINH CƯỜNG thực hiện

Nguồn: http://phapluattp.vn/20110105110517401p0c1013/biet-long-dan-truoc-roi-moi-quyet-chu-truong.htm

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.