Thư ngỏ của nhà khoa học Thái Văn Cầugửi PGS TS Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam
Thưa Giáo sư,
Trước hết chúng tôi xin cám ơn Giáo sư đã trình bày quan điểm về quá trình đàm phán và phân giới cắm mốc Việt-Trung, qua cuộc trò chuyện với TuanVietnam.net, lên mạng ngày 30/12/2010 vừa qua.1
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của Giáo sư rằng “[…] biên giới là vấn đề thiêng liêng của mọi quốc gia, dân tộc. Đối với dân tộc Việt Nam thì vấn đề chủ quyền lãnh thổ lại càng thiêng liêng cao cả. Dân tộc ta từ nghìn xưa đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và khát khao mong muốn được sống trong hòa bình, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng… Lịch sử chỉ xảy ra có một lần, nhưng viết về lịch sử thì nhiều lần, bởi nhiều người để đi đến có cái hiểu thống nhất về lịch sử.”
Vừa qua, khi tiếp các thành viên Ban Chấp hành Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng nói: “Lịch sử là phải đúng sự thật, trung thực và chính xác […]”.2
Dựa trên tinh thần tôn trọng lịch sử và chủ quyền lãnh thổ, chúng tôi mong muốn trao đổi với Giáo sư vài điều sau.
Về thác Bản Giốc, theo Giáo sư,
“Thác Bản Giốc gồm 2 phần: phần thác phụ và phần thác chính. Theo hồ sơ lưu trữ của Việt Nam và Pháp, khi Công ước Pháp – Thanh 1887/1895 được kí kết cũng đã không giải quyết trọn vẹn vấn đề thác Bản Giốc; nhưng đã ghi rõ đường biên giới sẽ đi theo trung tuyến sông Quây Sơn.
Theo Hiệp ước 1999, đường biên giới được xác định theo nguyên tắc trung tuyến dòng chảy chính nhưng chưa thể hiện đường biên giới chính thức (chỉ ghi nhận hai đường nét đứt thể hiện quan điểm hai bên).
Với một thác nằm ở đường biên giới, theo luật quốc tế sẽ được 2 bên sử dụng như nhau, biên giới đi theo đường trung tuyến dòng chảy ở những nơi tàu thuyền không qua lại được hoặc theo đường trung tuyến luồng ở những nơi tàu thuyền qua lại được. Đó là nguyên tắc cũng từng được chúng ta áp dụng để giải quyết vấn đề biên giới với các bạn Lào, Campuchia.
Giải pháp Việt Nam và Trung Quốc đã thoả thuận là đường biên giới đi từ mốc 53 cũ, qua cồn Pò Thoong, đến điểm giữa của mặt thác chính, theo trung tuyến dòng chảy chính trên sông Quây Sơn. Như vậy, phần thác phụ hoàn toàn thuộc phía Việt Nam, còn phần thác chính đổ thẳng xuống sông Quây Sơn là sông chung biên giới, được phân chia theo trung tuyến dòng chảy chính.”
Đối chiếu với chứng cứ lịch sử:
1. Bị vong lục do Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố ngày 15 tháng 3 năm 1979 và và ngay trong năm này được NXB Sự Thật xuất bản thành sách mang tựa Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ở trang 11-12 viết:
“Đơn phương xây dựng các công trình ở biên giới lấn sang đất Việt Nam.
Trên đoạn biên giới đất liền cũng như ở các đoạn biên giới đi theo sông suối, tại nhiều nơi, phía Trung Quốc đã tự tiện mở rộng xây dựng các công trình để từng bước xâm lấn đất.
Tại khu vực mốc 53 (xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Quy Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 20 tháng 2 năm 1970 phía Trung Quốc đã huy động trên 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên sông và ở cồn Pò Thoong, và ngang nhiên nhận cồn này là của Trung Quốc.”
2. Hồi ký Au Tonkin et sur la frontière du Kwang-si, par le Commandant Famin, Vice-Président de la Commission d’Abornement des Frontières Sino-Annamites en 1894. Paris, Auguste Challamel, Editeur, Librairie Coloniale, 1895, ở trang 12-13 viết:
“Trên vùng phía Bắc (vùng II Quân-Sự), sông Qui Thuận chảy qua Trùng Khánh Phủ. Ðây là một phụ lưu của sông Tây Giang (Si-Kiang). Có chiều rộng khoảng 60 thước, chảy vào Tonkin qua cửa Ải Lung và chảy vào lại đất Tàu ở gần công sự Tàu, có tên Nam-Ton, sau khi đã tưới một thung lũng rộng lớn và rất trù mật. Hai cây số trước khi rời khỏi đất Tonkin, sông này chảy xuống một bậc đá và tạo thành một cái thác tuyệt đẹp cao khoảng 40 thước. Từng cột nước khổng lồ, trước hết rơi xuống vang rền trên một trũng nước, sau đó dội ngược lên thành những chùm tua đầy bọt nước, chảy trên những bậc thềm đá bóng láng. Vào mùa mưa, thác này mang một hình thái tuyệt trần, tiếng động của nó âm vang ra tận ngoài thật xa, dội vào vách núi đá nghe như là sấm động, trong lúc những đám mây hơi nước được tạo thành ở các bên bờ tan ra tạo thành một đám mưa lâm râm thật sự.
Con sông này có một phụ lưu, là con suối Bản Tước. Suối chảy dọc theo con đường từ Hà Lang đến Trùng Khánh Phủ. Trước khi tới công sự ghi trên không lâu, con đuờng và dòng suối đi vào một hang động, song song nhau trong khoảng 300 thước, dưới một vòm đá, có lúc khá cao. Con đường ra khỏi hang bằng những bậc thềm tạo thành một cầu thang, đẽo vào đường rãnh của một tảng núi đá hầu như thẳng đứng, trong lúc dòng suối thì chảy khuất vào trong đá và chỉ lộ ra khá xa trong đồng bằng.”.3
Famin là Phó Chủ tịch Ủy ban Phân giới năm 1894 và đã hoàn tất công tác phân giới vùng Cao Bằng/Lạng Sơn tiếp giáp với Quảng-Tây.
Chứng cứ lịch sử cho thấy:
– Thác Bản Giốc nằm cách biên giới Việt-Trung 2 kilômét
– Trung Quốc cho xây dựng công trình và sửa ký hiệu mốc 53 đặt nằm giữa cồn Pò Thoong (sâu trong lãnh thổ Việt Nam) 40 năm trước để đòi một phần thác Bản Giốc
Có thể nào chứng cứ lịch sử nêu ra ở trên trùng hợp với quan điểm của Giáo sư về vị trí biên giới tại thác Bản Giốc ?
Về khu vực Hữu nghị quan, theo Giáo sư,
“Theo các tài liệu lịch sử đang được lưu giữ, Trấn Nam Quan hay còn gọi là Ải Nam Quan đều nằm bên phía Trung Quốc, đường biên giới nằm phía nam Trấn Nam Quan. Theo “Đại Nam Nhất thống chí” của Viện Khoa học xã hội Việt Nam dịch Hán Nôm, giới thiệu năm 1962, Trấn Nam Quan được xây dựng từ thời nhà Minh; sau đó, đời Nhà Thanh cho tu bổ lại. Dấu tích lịch sử quan trọng của khu vực cửa khẩu Hữu nghị còn lại là mốc 19 cũ do Pháp Thanh cắm năm 1894.
Vừa qua Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành cắm mốc 1117 trùng với vị trí mốc 19 cũ, đường biên giới đi qua Km số 0, mốc 19 cũ đến điểm cách điểm nối ray hiện tại 148m về phía Bắc.
Như vậy có thể khẳng định đường biên giới tại cửa khẩu Hữu nghị vừa được phân giới cắm mốc là phù hợp với lịch sử, với Hiệp ước 1999 và thực tiễn quản lý ở khu vực này.”
Đối chiếu với chứng cứ lịch sử:
1. Bị vong lục do Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố ngày 15 tháng 3 năm 1979 và được NXB Sự Thật xuất bản thành sách mang tựa Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ở trang 10 viết:
“Lợi dụng việc xây dựng các công trình hữu nghị để đẩy lùi biên giới sâu vào lãnh thổ Việt Nam.
Năm 1955, tại khu vực Hữu Nghị Quan, khi giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt từ biên giới Việt-Trung đến Yên Viên gần Hà Nội, lợi dụng lòng tin của Việt nam, phía Trung Quốc đã đặt điểm nối ray đường sắt Việt Trung sâu trong lãnh thổ Việt nam trên 300 m so với đường biên giới lịch sử, coi điểm nối ray là điểm mà đường biên giới giữa hai nước đi qua. Ngày 31 tháng 12 năm 1974, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà đã đề nghị Chính phủ hai nước giao cho ngành đường sắt hai bên điều chỉnh lại điểm nối ray cho phù hợp với đường biên giới lịch sử nhưng họ một mực khước từ bằng cách hẹn đến khi hai bên bàn toàn bộ vấn đề biên giới thì sẽ xem xét. Cho đến nay họ vẫn trắng trợn nguỵ biện rằng khu vực hơn 300 m đường sắt đó là đất Trung Quốc với lập luận rằng “không thể có đường sắt của nước này đặt trên lãnh thổ nước khác”.
Cũng tại khu vực này, phía Trung Quốc đã ủi nát mốc biên giới số 18 nằm cách cửa Nam Quan 100 m trên đường quốc lộ để xoá vết tích đường biên giới lịch sử, rồi đặt cột kilômét số 0 đường bộ sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100 m, coi đó là vị trí đường quốc giới giữa hai nước ở khu vực này.”
2. “Theo biên bản 21-4-1891, cắm mốc từ ải Chí Mã đến Trấn Nam Quan (tức cắm từ đông sang tây), cột mốc số 19 là cột mang số tạm 24 (cột 18 tại Nam Quan mang số 25), vị trí cột mốc được xác định nguyên văn tiếng Pháp như sau : “Sur le sommet, placée en face du fort chinois Kouei Tao (3 chữ Hán là Khôn Long Lĩnh)”. Tạm dịch tiếng Việt : cắm trên đỉnh, đối diện với một công sự Trung Hoa tên Kouei Tao (Khôn Long Lĩnh). Đỉnh ở đây là đỉnh một trái núi nhỏ (lĩnh).”.4
Chứng cứ lịch sử cho thấy:
– Biên bản phân giới hơn 100 năm trước sử dụng mốc 18 và mốc 19, không phải “cột kilômét số 0” để xác định đường biên giới
– Trung Quốc cố tình đặt điểm nối ray hơn 300 mét (sâu trong lãnh thổ Việt Nam) khi giúp Việt Nam khôi phục đường sắt năm 1955. Bị vong lục của Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam năm 1979 khẳng định điểm nối ray là đường biên giới chứ không thể là “điểm cách điểm nối ray hiện tại 148m về phía Bắc”.
Có thể nào chứng cứ lịch sử nêu ra ở trên trùng hợp với quan điểm của Giáo sư về vị trí biên giới tại khu vực Hữu nghị quan?
Chúng tôi tâm đắc với câu kết của Giáo sư trong bài phỏng vấn, “Chúng ta phải phấn đấu, phải có chiến lược bài bản, không tự ti, sánh vai cùng các cường quốc năm châu trong tiến trình hội nhập và phát triển.”
Để hội nhập và phát triển, sự trung thực là yếu tố tối cần thiết.
Trong thời đại tin học, khi hơn 25 triệu người dân Việt Nam ngày nay sử dụng internet, thông tin không còn là độc quyền của riêng ai.
Những bất cập liên quan đến chứng cứ lịch sử và chủ quyền đất nước, dù nhỏ bé đến đâu chăng nữa, sớm hay muộn cũng được phát hiện và dẫn đến niềm tin bị đánh mất.
Qua đối thoại thẳng thắn và xây dựng, chúng tôi luôn nghĩ rằng, mọi khoảng cách về quan điểm đều có thể rút ngắn, mọi khiếm khuyết hay sai sót đều có thể khắc phục khi đặt sự thật lịch sử và quyền lợi Tổ quốc trên tất cả.
Được như vậy, chúng ta mới có hy vọng tiến bước, vai ngang vai với bè bạn khắp nơi trong khu vực châu Á cũng như trên toàn thế giới.
Kính thư,
Thái Văn Cầu
Chú thích:
2. http://vtv.vn/Article/Get/Lich-su-la-phai-dung-su-that-10f38dc308.html
3. http://tuoitrevnnet.com.invisionzone.com/index.php?showtopic=41938
4. http://vn.360plus.yahoo.com/truongnhantuan/article?mid=344