Trong những tháng tới đây, bất cứ ai quan tâm đến
và vai trò ngày càng phức tạp của Trung Quốc trong khu vực đều nên để mắt sát sao đến Indonesia. Quốc gia này vừa đảm nhận trọng trách Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ tay Việt Nam. Các đặc phái viên và các nhà phân tích khu vực đang chờ xem những dấu hiệu cho thấy “độ nóng” đã được Hà Nội tạo ra tại Biển Đông thời gian gần đây có thể được tiếp tục duy trì hòng tạo đà thúc đẩy việc giải quyết một trong những vấn đề hóc búa nhất khu vực hay không.
Thách thức lần này là chuyển đổi Tuyên bố chung giữa ASEAN với Trung Quốc năm 2002 về Biển Đông thành một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc về pháp lý, một động thái được đưa ra nhằm duy trì hòa bình ở khu vực cho đến khi nào các tranh chấp về lãnh thổ giữa các bên có thể được giải quyết rốt ráo.
Vào thời điểm đó, tuyên bố này được xem là một bước ngoặc – dấu hiệu tiến bộ hiếm hoi từ nhóm 10 quốc gia Đông Nam Á, từ lâu bị chế giễu như là một nhóm chỉ “nói chuyện chuyên môn” – đã mở đường cho một kỷ nguyên mới trong quan hệ với một Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh. Nhưng những năm gần đây, những hy vọng đã sớm tiêu tan khi mà căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp gia tăng, sự chạy đua vũ trang, những cuộc đụng độ giữa các tàu cá và những nỗ lực kín đáo của Bắc Kinh hòng hất vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của ASEAN.
Không có gì ngạc nhiên, ngay sau bước ngoặc 2002, vẫn còn tồn tại nhiều câu hỏi. Do những nghi ngờ kéo dài giữa các bên tuyên bố chủ quyền, chưa kể đến những hệ thống chính trị và pháp lý hoàn toàn khác nhau, tuyên bố này có là một văn kiện thật sự có trọng lượng? Liệu sự thèm muốn ảnh hưởng sẽ tan biến một cách đơn giản theo thời gian với tính trì trệ cố hữu của ASEAN, đặc biệt là mỗi nước ASEAN lại một lần nữa cân nhắc tầm quan trọng của mối quan hệ giữa mình với Bắc Kinh? Và khi nêu ra hiện trạng của tranh chấp Biển Đông bằng cách bày tỏ lo ngại về những căng thẳng, thì liệu có phải Washington thực sự muốn thấy chính nó bị lôi kéo vào một cuộc chiến hỗn độn tiềm tàng như là một giải pháp không?
Có lẽ đáng ngạc nhiên hơn cả là những cử chỉ được cho là tích cực mới đây, đặc biệt là sau khi hầu như không che giấu ác ý ngoại giao chỉ một vài tháng trước. Trong khi các quan chức Trung Quốc vẫn đang khăng khăng rằng bất cứ tuyên bố chủ quyền biển nào thì cuối cùng cũng phải giải quyết “tay đôi” (một chọi một) với Bắc Kinh, dù sao thì họ cũng tích cực nỗ lực để tiến đến bộ quy tắc. Điều này phản ánh tuyên bố của Thủ tướng Ôn Gia Bảo trước các đối tác khu vực hồi tháng 10 rằng Trung Quốc muốn giúp tạo ra một “vùng biển hòa bình và hợp tác”.
Hai tuần trước, các quan chức Trung Quốc đã tổ chức một cuộc đàm phán với nhóm công tác hỗn hợp gồm các đối tác thuộc ASEAN về bộ quy tắc tại Côn Minh. Rất ít chi tiết được công bố nhưng được biết các cuộc thảo luận tiếp theo đang được lên kế hoạch tổ chức trong hai tháng tới tại Indonesia.
Trong khi một số người trong nội bộ ASEAN vẫn bàn đến khả năng sẽ không có gì thay đổi trong những tháng tới, thì các quan chức Indonesia đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của các tiến bộ trong một thỏa thuận vì lẽ hiện cây gậy chỉ huy đã được chuyển qua cho Jakarta.
Cảnh báo rằng không cho phép Biển Đông trở thành một nơi được ghi dấu bằng “ngoại giao pháo hạm” và “những thế lực chính trị”, Bộ trưởng Ngoại giao trẻ trung và năng động của Indonesia Marty Natalegawa cho biết sự tiến bộ là một ưu tiên của Jakarta và ông muốn cam kết hoàn toàn với Trung Quốc.
Thế sự tiến bộ đó sẽ mang ý nghĩa gì cho quan hệ Trung-Indo? Đó là một trong những câu hỏi hấp dẫn nhất. Trung-Indo là một trong những mối quan hệ nhạy cảm nhất của khu vực, phản ánh một lịch sử đẫm máu của sự bức hại và nghi kỵ mà các cư dân gốc Hoa tại Indonesia đã gánh chịu.
Những năm gần đây, người ta thấy Hoa kiều đã chính thức được chào đón trước một xã hội Indonesia rộng mở hơn – những nỗ lực đó đã giúp họ dễ dàng mở rộng quan hệ hơn với Bắc Kinh. Các hợp đồng thương mại và đầu tư đang được khuếch trương, và chỉ một tuần trước, ba tàu chiến của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) đang trên đường trở về từ chiến dịch tuần tra chống hải tặc Somalia, đã ghé thăm các quần đảo của Indonesia. Một cách ít rõ ràng nhất, đó là các quan chức Trung Quốc cho đến gần đây đã và đang vận động hành lang các đối tác người Indonesia nhằm kéo vấn đề Biển Đông ra khỏi ASEAN.
Nhưng các nhân tố khác cũng đang xảy ra ở Jakarta. Nên nhớ rằng Indonesia đang tích cực tìm kiếm cách đánh bóng tầm cỡ toàn cầu của mình: là một trong những nền dân chủ lớn nhất châu Á và là một quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới.
Việc cố gắng đưa ASEAN hướng tới một tương lai thiết thực và thích đáng hơn, bằng cách bảo đảm một thỏa thuận mang tính cột mốc như là một bộ quy tắc ứng xử cho vấn đề Biển Đông, là một phần của nỗ lực đó.
Greg Torode, South China Morning Post 04/01/2011
Quốc Ngọc dịch từ http://www.viet-studies.info/kinhte/CrackingTheCode_SCMP.htm
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.