Bên trong Triều Tiên


Đi cùng phái đoàn của đặc sứ Mỹ Bill Richardson tuần trước đến Triều Tiên có hai nhà báo. Trong sáu ngày ở đó, họ đã tận mắt chứng kiến cuộc sống bên trong quốc gia nổi tiếng mà bí ẩn này.

Bài viết dưới đây đăng trên The New York Times, của nhà báo Sharon LaFraniere.

Một đội bóng đá nữ của học sinh thi đấu quyết liệt trong sân thể chất rộng mênh mông. Hai cô dâu trẻ, một cô váy trắng, cô kia váy hồng sẫm, làm lễ cưới trên quảng trường đầy tuyết. Cha mẹ kéo các em bé ngồi chơi trong những chiếc xe nhựa. Nhiều người xếp hàng trước các quầy bán khoai lang nướng.

6 ngày ở Bình Nhưỡng, thủ đô của Triều Tiên, cho tôi cơ hội được nhìn ngắm – dù là dưới sự giám sát kỹ lưỡng – một cuộc sống như trong một thế giới khác. Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nguy cơ bất ổn chính trị hay sức khỏe yếu ốm của nhà lãnh đạo ở Bình Nhưỡng, tuy nhiên chuyến thăm ngắn ngủi và hiếm hoi cho tôi hiểu vì sao Triều Tiên đặc biệt cần thêm viện trợ và thương mại từ cộng đồng quốc tế.

Cảnh đám cưới trên một quảng trường ở Bình Nhưỡng. Ảnh: NYT.

Cảnh đám cưới trên một quảng trường ở Bình Nhưỡng. Ảnh: NYT.

Trong gần bốn năm qua, bộ máy tuyên truyền của chính phủ đã cam kết rằng Triều Tiên sẽ thịnh vượng và mạnh mẽ vào năm 2012, dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà lãnh đạo khai quốc Kim Nhật Thành, cha của chủ tịch nước hiện nay, Kim Chính Nhật.

18 tháng đã trôi qua. Giờ đây khó mà dùng từ thịnh vượng để mô tả những nhà máy đóng cửa, những vụ mùa nghèo nàn và đám trẻ con còi cọc.

Có lẽ là đứng trước thời hạn đã đặt ra, các nhà lãnh đạo Triều Tiên mới đây đã đưa ra một nhượng bộ nhằm giảm bớt tình trạng bị cô lập của mình. Bình Nhưỡng tuyên bố cho phép cởi mở hơn thông tin về chương trình nguyên tử, cho các thanh sát viên trở lại nhà máy hạt nhân của họ.

Bên cạnh đó, dù thề rằng sẽ trả đũa mạnh mẽ cuộc tập trận bắn đạn pháo của Hàn Quốc gần vùng nước tranh chấp, thì cho đến nay đòn phản công của Bình Nhưỡng mới chỉ dừng lại ở những lời lẽ mà thôi.

Trong số dân 24 triệu, có 3 triệu người ở Bình Nhưỡng, phần lớn là thuộc tầng lớp tinh hoa. Ở Triều Tiên, bạn phải có giấy phép mới được ở Bình Nhưỡng. Tuy thế, những biểu hiện của sự khổ cực vẫn hiện diện ở thủ đô.

Trên những chiếc xe điện già lụ khụ, hành khách nêm chật cứng như cá hộp. Các khách bộ hành trên phố còng lưng cõng những gói to nhỏ trên lưng, trong đó có lẽ là các món hàng họ đưa ra chợ trời – nguồn cung hàng hóa quan trọng cho người dân thay cho những cửa hàng mậu dịch quốc doanh trống trơn. Họ hầu hết là phụ nữ, có người sụp xuống trên vỉa hè vì sức nặng của cái balo.

Các nhà kinh tế cho biết sản lượng than của Triều Tiên hiện chỉ bằng một nửa mức của 10 năm trước, và Bình Nhưỡng rơi vào cảnh thiếu điện thường xuyên. Tại trường chuyên ngoại ngữ mang tên Cách Mạng, học sinh sưởi ấm quanh các bếp than hoặc củi. Một phần lớn của thành phố chỉ có điện dùng 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Một số tòa nhà cao tầng, có lẽ là công sở, mọc lên duyên dáng giữa trung tâm thành phố. Tuy nhiên, tòa khách sạn 105 tầng Ryugyong Hotel vẫn chỉ là một bộ khung xương suốt 25 năm qua kể từ khi nó được bắt đầu xây dựng. Chỉ đến gần đây nó mới được đắp lớp kính ở bên ngoài, nhưng trên những con đường ngoại ô vẫn còn nhiều công trình đang dang dở.

Nhiều người dân cho biết ở những nơi khác, nhất là các tỉnh phía bắc, nhiều trẻ em phải ăn xin ngoài đường, công nhân lĩnh những khoản lương rất khiêm tốn. Lương ở Bình Nhưỡng thì được cho là cao hơn.

Điều đó có lẽ là đúng nếu nhìn trên đường phố Bình Nhưỡng. Một số khách bộ hành vừa đi vừa nói chuyện qua điện thoại di động – thứ mà trước đây hai năm còn hầu như chưa được biết đến ở Triều Tiên. Koryolink, nhà cung cấp dịch cụ mạng điều hành bởi một hãng Ai Cập, hiện có 310.00 thuê bao Triều Tiên, và mạng lưới của họ đang ngày một mở rộng. Người dân Bình Nhưỡng cho biết gần đây có nhiều ô tô và đèn giao thông trên đường hơn, nhưng nhìn chung phố xá rất vắng.

Những người đi trên đường phố trông đều có vẻ đủ ăn. Tình trạng suy dinh dưỡng đã được cải thiện nhiều trong 10 năm qua, nhưng vẫn có một phần ba số trẻ em nước này còi cọc, một phần năm bị nhẹ cân, theo số liệu của Chương trình Lương thực Thế giới. Khu vực Bình Nhưỡng là nơi có điều kiện dinh dưỡng tốt nhất Triều Tiên.

Sự cô lập của Triều Tiên có thể được nhận thấy ngay ở sân bay. Với phi đội 40 chiếc máy bay hầu hết do Liên Xô chế tạo, hãng hàng không quốc gia Air Koryo có hai chuyến xuất ngoại mỗi ngày, một đến Bắc Kinh và một đến Vladivostok thuộc Viễn Đông của Nga. Du khách được quyền mang laptop vào, nhưng điện thoại di động thì bị giữ.

Các nhà báo hiếm khi được cấp visa vào Triều Tiên, một trong những quốc gia bí mật nhất thế giới. Bình Nhưỡng cho phép hai nhà báo đi cùng đoàn của ông Bill Richardson trong chuyến công cán cá nhân của ngài. Ông là nhà ngoại giao kỳ cựu và từng nhiều lần giải quyết các khúc mắc làm giảm căng thẳng liên Triều, cũng như đã kiên trì kêu gọi Triều Tiên giải giáp hạt nhân. Ông có cuộc gặp với nhiều quan chức cấp cao ở Bình Nhưỡng.

Đến Bình Nhưỡng, người ta có cảm giác như một kẻ từ bên ngoài đến thăm một thế giới khác thực. Nhân viên theo dõi kè kè một bên. Quy định ở dây rất rõ ràng: không phỏng vấn nếu không được phép. Không ai được bén mảng ra ngoài khu vực đỗ xe của khách sạn.

Mỗi vị khách đều được theo dõi cẩn mật bằng những cách thức như từ thời Chiến tranh Lạnh. Đối diện mỗi căn phòng rộng thênh của mỗi phóng viên trong khách sạn Potonggang vắng hoe là những người đàn ông tay mang vali tài liệu, khóa phòng họ để đung đưa trong ổ, và họ thay ca thường xuyên. Một vài vị khách bảo nhau rằng các bàn phòng ăn đều có “bọ” và rằng tấm tường đá màu đen bóng loáng kia thực chất là chiếc gương hai chiều. Điện thoại đi Mỹ bị khóa. Điện thoại đi nước khác giá 8,27 USD mỗi phút.

Tuy thế Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng có lúc linh hoạt đến ngạc nhiên, cho phép các phóng viên đến thăm trường chuyên ngữ, đến một nhà ga điện ngầm đông đúc hay vào chơi trong nhà máy dệt sợi tơ. Những khách lâu năm của Bình Nhưỡng nói rằng họ ngày càng cởi mở với báo chí.

Trong các cửa hàng mậu dịch quốc doanh, các kệ trống trơn cho thấy tình hình kinh tế khó khăn, và cũng cho thấy những người có tem phiếu chính phủ cấp đã nhanh chóng tận dụng lợi thế mua hết hàng giá rẻ. Chỉ được nhìn thôi đấy – các nhà báo được thông báo như vậy khi qua cửa hàng.

Những cái chợ trời, nơi hàng hóa phong phú hơn, cũng đang phát triển bành trướng ra. Hàng trăm cái chợ đã mọc lên khắp đất nước, nhưng giới chức phẩy tay cho rằng chúng không quan trọng, bởi chúng đi ngược lại cương lĩnh của một xã hội xã hội chủ nghĩa.

Có một cái chợ rất sôi động ở Bình Nhưỡng, đó là chợ mái vòm mang tên Thống Nhất, nơi có lớp lớp quầy hàng. Những người buôn bán ở đó cho biết ba phần tư lượng hàng hóa đến từ Trung Quốc.

Với tình trạng mùa màng kém, giá lương thực tăng là bài toán kinh niên. Tháng trước, Chương trình Lương thực Thế giới cho biết giá một kg gạo ở chợ trời Bình Nhưỡng là 10 USD, cao gấp 10 lần ở Bắc Kinh. Theo tổ chức này, với mức thu nhập trung bình của hộ dân ở đây, mỗi người chỉ có thể ăn hai hoặc hai bát rưỡi cơm mỗi ngày, nếu anh ta không có thêm nguồn thu nào khác.

Người Triều Tiên tự hào với truyền thống juche, tức là tự lập, và các quan chức chính phủ chào đón ông Richardson với tuyên bố về một xã hội đang trên đà thịnh vượng.

“Mọi thứ đều tốt đẹp”, Phó chủ tịch nước Kim Yong–dae khẳng định với vị thống đốc Mỹ và các phóng viên trong một cuộc gặp. “Nhờ có khả năng răn đe mạnh mẽ của quân đội, chúng tôi có thể yên tâm mà phát triển” và sẽ thịnh vượng vào năm 2012.

Nhưng theo ông Richardson, khi nói riêng với nhau thì các quan chức chủ nhà cho biết họ đang vô cùng thiếu nhiên liệu, lương thực và tha thiết muốn thoát khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế mà Triều Tiên phải chịu sau khi thử hạt nhân và tên lửa. Những lệnh đó đã được áp dụng gần 5 năm trước. Một số nhà phân tích chuyên về Triều Tiên e rằng nếu không có tiền, nước này có thể sẽ chào bán công nghệ và nguyên liệu hạt nhân cho các nước khác.

Những cuộc phỏng vấn gần 20 người Triều Tiên chạy sang Trung Quốc cách đây 6 tháng cho thấy rằng nhiều người hy vọng nhà lãnh đạo đang lên Kim Jong–un, con trai của đương kim chủ tịch Jong–il, sẽ thay đổi chính sách. Tuy nhiên phần lớn người dân Triều Tiên vẫn ủng hộ chính sách 15 năm qua của ông Jong–il, “quân sự trước hết”. Họ coi Mỹ là kẻ thù không đội trời chung và Hàn Quốc là công cụ của Mỹ và bị Washington cấm không cho thống nhất với Triều Tiên. Họ cho rằng với 35 năm bị Nhật Bản đô hộ, sau đó là cuộc chiến Triều Tiên, họ cần có lực lượng phòng vệ bất khả chiến bại.

Các bảng cổ động, những bài ca yêu nước, báo chí và phim ảnh liên tục củng cố ý nghĩ đó. Mỗi người đàn ông Triều Tiên dành khoảng 10 năm phục vụ quân đội. Tôi được chứng kiến những binh sĩ làm việc trên các công trình xây dựng, hoặc giúp dân chúng ở làng bản, trong khi loa phóng thanh treo trên cây cao phát rộn rã những bài ca ái quốc.

“Cho dù chúng tôi thiếu ăn, chúng tôi cũng đưa hết cho quân đội những gì tôi có”, một cựu giáo sư ngành nhân văn học ở thành phố Chongjin ở miền bắc Triều Tiên, nói. Người này giờ làm giúp việc ở Trung Quốc và có kể hoạch trở vể nhà. “Có vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ không bị xâm lược. Tôi thực sự muốn nói thế đấy. Sẽ không ai dám động đến chúng tôi”.

Tại một nhà ga điện ngầm ở Bình Nhưỡng, ga Thịnh Vượng, hành khách đọc tin tức về nguy cơ xung đột quân sự với Hàn Quốc trên báo dán trên tường. “Chúng ta muốn hòa bình”, một người đàn ông hét lên đầy nhiệt thành. “Nhưng chúng ta không sợ chiến tranh. Chúng ta sẵn sàng cho mọi tình huống”.

Ngoại trừ câu hét ấy, thái độ của người đàn ông và những hành khách khác đối với các nhà báo chúng tôi đều rất thân thiện. Các nhân viên hộ tống của chính phủ Triều Tiên cũng vậy. Sau sáu ngày, chúng tôi chia tay nhau bằng một tiệc nhỏ có cô–nhắc trong quán karaoke của khách sạn. Những ca khúc được hát gồm “You are my destiny” (Anh là định mệnh đời em) và nhiều tình khúc Triều Tiên.

Những ngày ở Triều Tiên, tôi chứng kiến người dân tụng ca Kim Jong–il. Anh Choi Hyok, 43 tuổi, gầy đét như que củi, quản đốc máy ở nhà máy dệt Kim Jong–suk, tên của mẹ nhà lãnh đạo, kể về chuyến thăm của nhà lãnh đạo tháng 1/2009. “Tôi cảm giác như mình vừa bước ra khỏi đêm đen, đến với ánh sáng chói lòa”, Choi nói.

Nam Dae–yong, 20 tuổi, sinh viên địa lý trường đại học Kim Nhật Thành, sung sướng với 2.000 máy tính mới được lắp đặt ở trường. “Đây là quà tặng của Kim Chủ tịch”, cô kể.

Nhà máy dệt nói trên hoạt động trơn tru với 2.000 nữ công nhân mặc đồng phục hồng và xanh lam, đội khăn xanh lục. Trong khi đó các chuyên gia kinh tế thì nói có đến ba phần tư số nhà máy ở Triều Tiên đang đắp chiếu do thiếu điện và nguyên liệu.

“Mọi người đều biết”, cựu giáo sư ngành nhân văn ở thành phố Chongjin nói. “Không điện, không đèn, không sưởi. Chính phủ không cung cấp được mọi thứ, vì thế chúng tôi phải xin tiền bố mẹ”.

“Mọi người nói về sự thịnh vượng vào năm 2012, khi chúng tôi thành một đất nước giàu có”, một người bán hàng 45 tuổi ở tỉnh Hwanghae nói. “Nếu chúng tôi phát hiện được một mỏ vàng, tôi nghĩ điều đó có thể thành sự thực”.

Mai Trang (lược dịch)

Nguồn: http://vnexpress.net/GL/The–gioi/Tu–lieu/2010/12/3BA24B6E/

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.