Dân Thụy Điển có món cheese (pho-mat) khá nổi tiếng. Người Việt nếu ăn lần đầu thấy bốc mùi khó chịu. Tương tự, nếu mời món đậu phụ chấm mắm tôm, người Bắc Âu phải bịt mũi. Tuy thế, cả cheese và mắm tôm đều là quốc hồn của mỗi nước.
Có người nói, Thụy Điển giúp Việt Nam về minh bạch và chống tham nhũng cũng khó như bắt dân ta ăn cheese. Có vị quan bên phía ta còn thách, đem mắm tôm cho dân Bắc Âu, liệu họ có dám ăn không?
Mỗi lần đi qua Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội), tôi không thể không ngước nhìn khu nhà của Đại sứ quán Thụy Điển lợp tôn mầu đỏ hồng. Sau bao năm, mái nhà ấy vẫn giữ được vẻ tươi tắn như hồi mới xây.
Những người bạn Thụy Điển luôn thủy chung bên cạnh chúng ta trong những năm tháng đen tối nhất của chiến tranh. Tôi chợt nghĩ, mầu đỏ hồng kia chẳng bao giờ phai nhạt như tình hữu nghị 40 năm giữa hai quốc gia này.
Sáng qua, một bạn đồng nghiệp gọi điện báo tin, tòa nhà này sẽ đóng cửa. Lý do chính thức đưa trên thông tin đại chúng như Đại sứ Herrström tại Hà Nội cho biết: “Cắt giảm ngân sách do Quốc hội quyết định đã dẫn tới việc Chính phủ chúng tôi phải đóng cửa các Đại sứ quán, trong đó có Đại sứ quán ở Hà Nội – trong vòng năm 2011”.
Đại sứ gọi là “ngày đen tối nhất trong năm” khi thông báo về thời hạn đóng cửa tòa Đại sứ.
Trong ngoại giao, ý tại ngôn ngoại (ý trong lời ngoài), nói ít hiểu nhiều, nói vậy mà không phải vậy. Ngoại đạo như HM thì càng không hiểu phía bên trong cánh cửa của tòa đại sứ Thụy Điển còn chứa đựng những bộ xương bí mật nào.
Chợt nhớ đến cựu Thủ tướng Olof Palme, người bạn lớn của Việt Nam. Ở châu Âu và đặc biệt là ở Thụy Điển, người ta nhắc đến thế hệ Việt Nam (Vietnam generation), những người lớn lên khi chiến tranh Việt-Mỹ đang ở giai đoạn quyết liệt những năm 1960. Hàng triệu người xuống đường biểu tình vì Việt Nam chính nghĩa, lên án Mỹ xâm lược Việt Nam.
Olof Palme là một trong những người thuộc thế hệ đó. Chính ông cũng xuống đường phản đối chiến tranh vào những năm 1960-1970 và bị CIA theo dõi từng bước.
Thời gian khó sau chiến tranh, người Thụy Điển đã đến với chúng ta đầu tiên. Hà Nội có bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, hiện đại vào loại bậc nhất nhì trong khu vực lúc khánh thành. Rồi bệnh viện khác ở Quảng Ninh, nhà máy giấy Bãi Bằng và nhiều dự án hữu ích khác.
Thời hội nhập, nhận thấy Việt Nam bị đánh giá có độ minh bạch thấp, tham nhũng cao, họ đã bỏ ra những khoản tiền lớn nhằm giúp ta xây dựng thể chế tốt hơn, mong muốn giúp Việt Nam vượt qua cái bẫy của nước thu nhập trung bình.
Cái tình của người Thụy Điển đối với Việt Nam kể mãi không hết.
Người bạn chat yahoo messeger với tôi đưa ra vài câu hỏi và anh tự trả lời.
- Quốc gia phương Tây nào thân nhất với Việt Nam: Thụy Điển
- Quốc gia phương Tây nào có sứ quán đầu tiên tại Việt Nam: Thụy Điển
- Dân tộc ở châu Âu nào chống Mỹ mạnh nhất trong chiến tranh Việt Nam: Thụy Điển
- Nước nào bỏ qua embargo của Mỹ để giúp Viêt Nam xây dựng sau chiến tranh: Thụy Điển.
- Vân vân và vân vân…
Người bạn có cô người yêu cũ – anh yêu cô ta thì đúng hơn – đang sống với chồng con bên Thụy Điển. Mẹ nàng sang thăm và kể bên đó sướng lắm, bà chưa từng thấy quốc gia nào hạnh phúc như thế. Chủ nghĩa cộng sản của ông Mác-Lê cũng đến vậy thôi.
Sống tại thiên đường mà người ta vẫn nghĩ đến Việt Nam nghèo khổ. Thật kỳ lạ.
Tâm sự với mẹ nàng, người bạn hối tiếc, ngày xưa sao cô bé lại rời bỏ mình. Bà mẹ cười, khi người yêu bỏ thì thường lỗi thuộc về người ra đi, ít ai nghĩ người ở lại cũng có vấn đề.
Ngẫm mà thấy bà nói đúng. Anh ấy già rồi, tầm suy nghĩ rất bảo thủ, không chịu thay đổi. Cô bé kia còn trẻ, anh hơn nàng tới 16 tuổi. Nàng ưa những gì hiện đại, thời cuộc, cell phone đời mới, không thích nghe những điều lão già lẩm cẩm kể lể về thời quá khứ hào hùng, từng đi bộ đội, từng đi tây, có bằng cấp, những chuyện xảy vào lúc nàng chưa sinh ra.
Bà mẹ còn đùa, nếu anh ta thay đổi cho kịp với thời đại thì may ra kiếp sau “em nó” sẽ quay về.
Bỗng nhiên tôi nhớ đến những người bạn Thụy Điển vừa đóng cửa sứ quán. Họ rời bỏ chúng ta như cô người yêu bé nhỏ của người bạn vì lý do… kinh tế.
Có lẽ chẳng có gì hệ trọng ở đây. Đôi khi nguyên nhân đơn giản chỉ là “chuyện nội bộ của Thụy Điển” như bà Phương Nga của Bộ Ngoại giao tuyên bố. Dẫu thế nào chăng nữa thì chúng ta đã mất một người bạn tốt nhất.
Mẹ cô bạn trên còn kể rằng, món cheese của Thụy Điển cũng khó ăn thật. Nhưng ăn lâu thấy ngon và bổ, chống được bệnh loãng xương.
Cheese được sản xuất theo một chuẩn rõ ràng về vệ sinh thực phẩm và có chứng chỉ quốc tế. Nó cũng giống truyền thống minh bạch, chế độ ít tham nhũng nhất thế giới của Thụy Điển có từ 300 năm nay.
Mắm tôm Việt Nam được sản xuất bằng một qui trình không rõ ràng, vì cách làm của nông dân ta, tiện cách nào pha chế cách đó. Chưa ai cấp patent (bản quyền) cho mắm tôm Việt Nam. Vì thế, ăn mắm tôm hay bị đau bụng.
Nếu cứ khăng khăng mắm tôm của ta ngon hơn cheese của Thụy Điển, thì một lúc nào đó, người ta sẽ bịt mũi bỏ đi.
Rồi đây mái nhà hồng đỏ tại số 2 Núi Trúc sẽ bị phai màu sau khi đóng cửa. Liệu rằng tình hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển có phôi pha theo, dù đã từng thắm thiết trong suốt 40 năm qua.
H. M. Noel 2010.
Nguồn: http://hieuminh.org/2010/12/25/cheese-thuy-dien-va-mam-tom-vn/