|
Hôm nay là giỗ đầu anh Trần Xuân Bách. Chúng tôi xin thành kính gửi gắm những tình cảm sâu nặng tới anh, một chí sỹ đã dành trọn những năm tháng cuối cùng của cuộc đời cho ý tưởng trong sáng vì sự phát triển của đất nước.
Vào cuối năm 1989, trong quá trình chuẩn bị Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), chung tôi nhận được giấy mời đến Văn phòng Trung ương ĐCSVN để làm việc với anh Trần Xuân Bách. Chúng tôi được tập hợp thành một nhóm nghiên cứu gồm 5 người: Lê Hồng Tâm, nhà kinh tế, tên thật là Phó Bá Tòng, em ruột của Giáo sư Phó Bá Long (Ông Phó Bá Long trước 1975 là Hiệu trưởng Trường Chình trị Kinh doanh, Đại học Đà Lạt, sau là giáo sư Đại học Georges Town, Hoa Kỳ); Vũ Cao Đàm, viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; Bùi Thế Vĩnh, viện trưởng Viện Hành Chính học, Học viện Hành chính Quốc gia; Nguyễn Mạnh Tôn, chuyên viên Ngân hàng Ngoại thương và Nguyễn Thanh Sơn, chuyên viên Ban Công nghiệp Trung ương ĐCSVN. Hai người lớn tuổi nhất, là anh Tâm và anh Sơn đã mất. Ba người còn lại chúng tôi đều đã lần lượt bước qua tuổi bảy mươi, vì vậy, chúng tôi mong muốn được ghi nhận lại một vài cảm nghĩ, với tư cách là những cộng sự và nhân chứng trực tiếp, về những điều anh Bách trăn trở trong suốt những năm cuối đời của anh.
Sau nhiều buổi trao đổi để “phát hiện” chúng tôi, anh Bách đã giao cho mỗi người chúng tôi phụ trách một chuyên đề: Lê Hồng Tâm nghiên cứu về chính sách kinh tế để phục hưng đất nước; Bùi Thế Vĩnh – biện pháp giải phóng lực lượng sản xuất; Vũ Cao Đàm – hệ thống chính trị trong tiến trình cải cách kinh tế; Nguyễn Thanh Sơn – chính sách phát triển nhân lực; Nguyễn Mạnh Tôn – biện pháp chống lạm phát. Công bằng mà nói, nhiều nội dung chúng tôi bàn thời đó còn khác lạ so với những điều được công nhận ngày nay, nhưng ngược lại cũng có nhiều biện pháp cải cách ngày nay đã vượt rất xa những điều chúng tôi bàn thời đó; tuy nhiên, do anh Bách luôn mạnh dạn gọi sự vật bằng tên thật của nó, cho nên đã dẫn đến những hệ luỵ như chúng ta đã chứng kiến.
Toàn bộ những nghiên cứu của chúng tôi đã được anh Bách xem xét rất thận trọng và cuối cùng anh đã tóm lược (rất kín kẽ) như sau:
Thứ nhất, cần mạnh dạn thực hành chính sách kinh tế theo kiểu chính sách kinh tế mới của Lênin, và anh Bách đã nói theo cách đã sử dụng từ Đại hội ĐCSVN lần thứ VI, là “kinh tế thị trường”, với sự tham gia của mọi thành phần xã hội;
Thứ hai, theo kinh tế quyết định luận của Marx, đã đa thành phần kinh tế, mà anh gọi là “đa nguyên kinh tế”, thì tất yếu sẽ dẫn đến “đa thành phần” trong xu hướng chính trị, mà anh cũng thẳng thắn gọi là “đa nguyên chính trị”. Chúng tôi muốn lưu ý, anh chưa một lần nào nói đến hai chữ “đa đảng”;
Thứ ba, anh đưa ra nhận định khái quát “Thị trường và đa nguyên là những thành tựu nổi bật của nhân loại”.
Thứ tư, anh luôn nhắc đến ý tưởng hàn gắn vết thương dân tộc. Chúng tôi nhớ mãi một lần anh nói, đấu tranh cho công bằng xã hội là lý tưởng cao cả của các nhà cải cách xã hội, nhưng đáng tiếc, cải cách ruộng đất và cải tạo tư sản lại là hai cuộc vận động đã mắc những sai lầm dẫn tới sự chia rẽ dân tộc lớn nhất trong lịch sử nước nhà.
Về kinh tế thị trường, anh Trần Xuân Bách luôn khẳng định, đó là con đường duy nhất dẫn đến dân giàu nước mạnh; về đa nguyên chính trị, anh luôn khẳng định, đó là một đảm bảo thực tế cho việc hình thành một nền kinh tế thị trường thực thụ, và là con đường tất yếu khắc phục sự mất dân chủ trong xã hội, xóa bỏ những nhóm độc quyền thao túng chính quyền.
Trong suốt những ngày làm việc với anh Bách, chúng tôi học được ở anh tấm gương làm việc nghiêm túc. Anh đọc và trao đổi ý kiến rất tỉ mỉ về tất cả những công trình của các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước mà chúng tôi giúp anh sưu tầm. Anh rất thích những tài liệu nguyên gốc bằng tiếng Pháp, chẳng hạn, những bài viết về kinh tế thị trường trong chủ nghĩa xã hội của Boukharin; những bức thư đầy tâm huyết, với những dự báo sắc sảo về sự diệt vong của nhà nước soviet của nhóm Kameniev và Zinôviev chống quan điểm độc tài trong đường lối tổ chức chính quyền của Lênin. Anh luôn luôn tự viết tất cả những bài anh cần phát biểu trên các diễn đàn.
Sau một thời gian thảo luận trong nhóm chúng tôi, anh Trần Xuân Bách có hai lần đưa quan điểm của mình thảo luận trong khuôn khổ những diễn đàn rộng hơn: một lần với các nhà khoa học tại phòng họp của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam ở số 53 phố Nguyễn Du, Hà Nội, một lần cũng với các nhà khoa học tại Phòng họp của Ban Khoa Giáo Trung ương Đảng ở số 10 phố Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội. Trong lần họp ở Liên hiệp các hội KH&KT, một người nào đó đã viết bài tường thuật đăng trên một tờ báo chính thống, sau đó không thấy có bài phản bác hoặc ủng hộ nào chính thức trên công luận.
Trước khi khai mạc Hội nghị BCHTƯ lần thứ VII của Đảng CSVN dự định vào cuối năm 1989, anh Trần Xuân Bách chuẩn bị bài phát biểu, trong đó đề cập hai nội dung về kinh tế thị trường và đa nguyên chính trị. Anh đưa bài phát biểu cho nhóm chúng tôi thảo luận để đóng góp ý kiến. Khi đó, anh Vũ Cao Đàm có nêu câu hỏi: “Anh cân nhắc thêm, xem phát biểu bây giờ liệu có quá sớm không?”, anh Bách đã trả lời ý là “Không quá sớm và cũng không quá muộn”. Cuối cùng anh vẫn quyết định trình bày quan điểm của mình tại Hội nghị Trung ương lần thứ VII, và kết cục như chúng ta đã thấy, anh bị khai trừ khỏi Ban Chấp hành Trung ương, và sau đó là khai trừ khỏi Đảng CSVN.
Tuy là những người có nhiều cơ hội làm việc với các nhà lãnh đạo, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng vì cách làm việc của anh: khi anh cần gặp riêng một người nào đó trong chúng tôi, anh hầu như không cho thư ký gọi chúng tôi lên văn phòng, mà chính anh đến tận nơi chúng tôi làm việc, với chiếc xe Peugeot 404 đã cũ, không có bảo vệ và cần vụ đi cùng (cần vụ là cách gọi những người phục vụ sinh hoạt cho các nhà lãnh đạo), mặc dầu khi đó anh đã là nhà lãnh đạo rất cao cấp của ĐCSVN. Những lần làm việc như thế, thường khi anh ngồi riêng với chúng tôi cả buổi, cũng không có thư ký, không có bảo vệ và cần vụ, chỉ một mình anh. Có lần ngồi quá trưa, chúng tôi lo anh đói, hỏi anh có muốn ăn chút gì không, và anh đã rất hào hứng ăn nắm xôi gói lá dong riềng mà các chị trong cơ quan chúng tôi ra phố mua ở các quán bán xôi dành cho dân nghèo.
Sau khi anh nhận kỷ luật của Đảng, có một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng mời anh ra làm cố vấn, anh đã cáo lỗi khước từ. Anh từ chối tất cả những đề nghị phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài. Anh cũng đã nhanh chóng trả ngôi biệt thự sang trọng trên phố Phan Đình Phùng, dọn về ở khu Trung Tự. Anh chị cùng gia đình ở một phần, còn một phần sử dụng để mở lớp mẫu giáo và chính anh chị trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy các cháu cho đến khi anh qua đời.
Trong số những kỷ niệm còn lưu đọng mãi trong chúng tôi, là hồi tết nguyên đán năm 1990, anh chị mời chúng tôi đến biệt thự mà anh chị được Văn phòng Trung ương Đảng bố trí trên phố Phan Đình Phùng (thời Pháp có tên là phố Carnot, một trong những phố đẹp nhất của Hà Nội hiện nay). Chúng tôi vô cùng sững sờ: Trong căn biệt thự sang trọng, chúng tôi nhận ra toàn một loại đồ gỗ tồi tàn, mà thời đó được gọi là bàn ghế “tài chính”, tủ “tài chính”, giường “tài chính”, nghĩa là những đồ gỗ do Bộ Tài chính đóng hàng loạt bằng gỗ tạp để phân phát đồng loạt cho cán bộ nhà nước các cấp từ khi vào tiếp quản các thành phố lớn, năm 1954. Chúng tôi nhìn quanh bàn làm việc của anh, thấy dán chi chít những bài thơ mộc mạc với nét chữ nắn nót mực tím của các cháu viết tặng bố mẹ. Chúng tôi được anh chị tiếp đón với những món mứt đơn sơ truyền thống, nhưng thật ấm áp như những người trong nhà. Tuy là vợ một nhà lãnh đạo cao cấp, nhưng chị xử sự thật khiêm nhường, chị giản dị xưng “em” với chúng tôi, không thể hiện chút gì là cao xa theo kiểu các mệnh phụ phu nhân.
Nhân ngày giỗ đầu của anh, chúng tôi xin được thắp một nén nhang kính cẩn tưởng nhớ anh, con người đã dành trọn những năm tháng cuối đời cho một tư tưởng cải cách xã hội chưa thành đạt của anh.
Tháng 1/2007
V. C. Đ., B. T. V., N. M. T.
Bài do các tác giả gửi trực tiếp cho BVN.