Tham nhũng là quốc nạn

Theo những ý kiến từ người dân tới các nhà lập pháp, thì tệ nạn tham nhũng ở VN không những không giảm mà còn đang trên đà phát triển mạnh theo chiều hướng “tinh vi, xảo quyệt” hơn, tiếp tục ám ảnh đất nước, dân tộc.

RFA photo. Ảnh minh họa

RFA photo. Ảnh minh họa

Qua báo cáo mới đây về việc phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2010, Chính phủ VN bày tỏ lạc quan rằng số vụ tham nhũng trong năm nay giảm 31% so với năm ngoái.

Lên tiếng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, diễn ra ở Hà Nội hồi cuối tháng rồi, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng cho rằng với quyết tâm cao và nỗ lực cao, công tác phòng chống tham nhũng hiện đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả. Theo quan chức này thì tham nhũng hiện đã được kiềm chế trong một số lãnh vực, góp phần củng cố sự tin tưởng của nhân dân, giúp nâng cao uy tín của VN trên trường quốc tế.

Ngày càng tinh vi

Nhưng nhận định lạc quan ấy xem chừng như không thuyết phục được công chúng và các đại biểu Quốc hội. Chẳng hạn như, Giáo sư Trần Khuê luôn ưu tư cho vận nước lên tiếng như sau:

“Không phải riêng tôi nhận xét mà tất cả mọi người đều thấy là tình trạng tham nhũng ngày càng trầm trọng thêm. Trầm trọng lắm. Trước kia thì tham nhũng chỉ có năm – ba tỷ, mươi tỷ đồng. Còn bây giờ không phải hàng trăm tỷ mà hàng nghìn tỷ đồng; nó không phải 1 nghìn tỷ mà 86 nghìn tỷ đồng. Thậm chí có đại biểu Quốc hội công bố lên tới 120 nghìn tỷ. Đấy mới chỉ một Vinashin, chứ thực ra còn nhiều Vinashin khác nữa, từ Tập đoàn sông Đà đến Tập đoàn Tameco.

Tiền đồng VN. AFP photo

Tiền đồng VN. AFP photo

Mặc dù hầu hết các tập đoàn quốc gia hiện nay chưa được kiểm toán công khai, nhưng các đại biểu và nhân dân thấy rằng rõ ràng là tình hình tham nhũng hiện trầm trọng quá, không còn che giấu được nữa. Không thể nào ai có thể nói là nó không trầm trọng”.

Tại nghị trường mới đây, nhiều đại biểu cũng không đồng ý với báo cáo vừa nói của phía chính phủ. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho rằng trên thực tế, tình hình tham nhũng không có chuyển biến tích cực.

Đại biểu Trần Văn Kiệt nhận thấy phong trào chống tham nhũng thoái bộ khi các các loại tội phạm còn nhiều và ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Trong khi đại biểu Đặng Văn Xướng nhận thấy bức tranh phòng chống tham nhũng không sáng sủa như báo cáo của chính phủ, và ông nêu lên nghi vấn rằng tham nhũng ở trung ương được cho là chỉ chiếm có 0,3%, như vậy phải chăng trên ít tham nhũng, hay do thủ đoạn tinh vi của cán bộ cấp cao nên không xử lý được?

Theo GS Trần Khuê thì diễn tiến như vậy tại nghị trường – dù có thể là khởi điểm – cũng giúp mang lại khí thế nào đó cho đất nước. GS Trần Khuê nhận xét:

“Về tình hình tham nhũng như thế nào, trước đây các đại biểu ít người dám nói. Nhưng bây giờ có nhiều đại biểu nói mạnh lắm rồi. Tôi thấy từ thời điểm mốc khi có 208 vị đại biểu bỏ phiếu chống lại việc xây dựng đường cao tốc, thì tôi cho là Quốc hội có 208 vị “liều mình châm đuốc” – mà từ trước không ai chịu “châm đuốc” cả – khiến nghị trường bớt phần “robot”. Bây giờ người ta thấy trước tình hình nhân dân như thế, tất cả tầng lớp đều ưu tư cho vận mệnh đất nước như thế thì các đại biểu Quốc hội không thể nào không lên tiếng được, không thể nào nói khác ý dân được”.

… chính các đồng chí phụ trách tham nhũng giờ cũng phải công nhận là chỗ nào cũng có tham nhũng, mà tham nhũng càng ngày càng trầm trọng.

Giáo sư Trần Khuê

Trong khi không chí nghị trường có chuyển biến như vậy thì phía cầm quyền của Hà Nội ra sao, có thế bưng bít quốc nạn này được không? Giáo sư Trần Khuê nhận xét:

“Về tình hình tham nhũng thì chính các đồng chí phụ trách tham nhũng giờ cũng phải công nhận là chỗ nào cũng có tham nhũng, mà tham nhũng càng ngày càng trầm trọng. Chính các lãnh đạo Hà Nội phải xác nhận như thế. Chứ không phải ai bịa ra hay nói thêm về việc này cả”.

Đúng như nhận xét của GS Trần Khuê, các viên chức cao cấp, từ ông Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho tới ông Trương Vĩnh Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bị thư Trung ương Đảng kiêm Phó Thủ tướng, đã phải nhìn nhận và báo động về quốc nạn này tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội 10 của Đảng diễn ra ở Hà Nội hồi cuối tháng rồi.

Khó kiểm soát

Theo ông Trương Tấn Sang thì tệ tham nhũng là một trong những thách thức lớn, là một trong những nguy cơ mà Đảng luôn cảnh báo. Hiện diện tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng lưu ý rằng ngoài những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng của VN vẫn còn nhiều “hạn chế, yếu kém, bất cập”, chưa tạo nên biến chuyển đáng kể. Và ông Trọng nói thêm rằng hiện tệ nạn tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, ở nhiều lãnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp.

Ông Trương Hoà Bình, Chánh án Toá án Nhân dân Tối cao, nhân dịp này cũng đề cập tới tình trạng gọi là “án treo” tham nhũng khi đa số bị can tại tòa không phải là kẻ chủ mưu, mà là những người thừa hành. Ông Bình nhân tiện đề cập đến tình trạng đảng viên tham nhũng, đề nghị rằng cần áp dụng biện pháp đặc biệt để kịp thời phát hiện, ngăn chận, xử lý tội phạm tham nhũng đảng viên, nhất là “tránh trường hợp để lâu dẫn tới việc tội phạm kịp thời che chắn hành vi của mình”.

Một tiệm kinh doanh vàng ở VN. AFP photo

Một tiệm kinh doanh vàng ở VN. AFP photo

Chính Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM, trong buổi tọa đàm mới đây chủ đề “Thực trạng tình hình và những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng tại TP HCM” cũng lưu ý rằng người phạm tội tham nhũng không hề gặp khó khăn về kinh tế, và nhìn nhận rằng hiện nay tội phạm tham nhũng ngày càng phức tạp, phổ biến ở mọi ngõ ngách xã hội; tội phạm ngày càng tinh vi khiến việc phát hiện, xử lý khó khăn.

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cũng vừa cảnh báo rằng tệ nạn tham nhũng ở VN hiện có dính líu tới các quan chức có trách nhiệm bao gồm nhiều cơ quan nhà nước khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Theo TS Nguyễn Đình Quyền, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, thì tình hình tham nhũng đặc biệt trong lĩnh vực đất đai hiện ngày càng phức tạp, tinh vi và nghiêm trọng.

Về tham nhũng liên quan đất đai, Đại sứ Thụy Điển Staffan Herrstrom lên tiếng hồi tháng rồi trong chương trình đối thoại về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh rằng VN cần bảo đảm tính minh bạch, như minh bạch về tài liệu liên quan, về phiên xử và quá trình đưa ra quyết định thì mới có thể đạt được mục tiêu phòng, chống tham nhũng.

Mới đây, bà Samantha Grant, Điều phối viên chương trình của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đặc trách khu vực Đông Nam Á đã lên tiếng với Đài ACTD, nhận xét rằng:

Chiến lược chống tham nhũng của chính phủ đến năm 2020 đã nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề này. Mặc dù đã có cố gắng, nhưng theo các chuyên gia thì Việt Nam vẫn chưa có tiến bộ nào.

Bà Samantha Grant

Điểm số của Việt Nam năm ngoái là 2,7 và năm nay vẫn vậy. Điều này có nghĩa là theo các chuyên gia và các nhà nghiên cứu, tham nhũng ở Việt Nam vẫn chưa giảm xuống. Chiến lược chống tham nhũng của chính phủ đến năm 2020 đã nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề này. Mặc dù đã có cố gắng nhưng theo các chuyên gia thì Việt Nam vẫn chưa có tiến bộ nào“.

Ông James Anderson, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới đề nghị rằng để góp phần phòng, chống tham nhũng, VN cần thực sự bảo vệ người dân tố cáo tham nhũng.

Có lẽ đây cũng là điểm cũng trong chiều hướng mà Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng diễn ra ở Hà Nội như vừa nói đã đề cập tới qua kết luận rằng công cuộc đấu tranh diệt trừ tham nhũng chỉ mang lại kết quả thực sự nếu biết dựa vào dân và phát huy cao độ vai trò của cả hệ thống chính trị và “người đứng đầu các cấp dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng”.

Nhưng trên thực tế, nhiều người dân đứng ra tố cáo quan chức tham nhũng đã bị trù dập, như vậy thì có còn ai dám đứng ra chung vai với nhà nước trong công cuộc chống tham nhũng nữa hay không?

T. Q.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/corruption-emains-haunting-vietnam-and-worse-tq-12032010212428.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.