Nhà tài trợ quan ngại tiền đồng mất giá, lạm phát tăng mạnh


– Trong khi IMF, WB nhận định lạm phát đã tăng mạnh, có thể tăng đến hai con số năm nay, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư cho hay Chính phủ đang nỗ lực để “lạm phát trong tầm kiểm soát” với dự báo ở mức 8,5%.

Áp lực lạm phát gia tăng, sự mất giá của tiền đồng đã làm nóng hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) khai mạc sáng nay (7/12). Các nhà tài trợ lo ngại vấn đề này có thể làm ảnh hưởng lòng tin của họ tới ổn định kinh tế vĩ mô.

Lo tiền “mất giá liên tục”

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho hay đến cuối tháng 11, tỉ lệ lạm phát đứng ở mức 11,1%, 11 tháng đầu năm  9,6%. Lạm phát giá lương thực hàng năm lên đến 14,8%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2009. WB dự báo lạm phát cho cả năm nay sẽ vào khoảng 10,5% – cao hơn mức 8% mà Quốc hội đề ra.

Ảnh: XL

Ảnh: XL

Cùng khẳng định lạm phát đã tăng mạnh, dự kiến có thể tăng hai con số trong năm nay, ông Masato Miyazaki, quan chức khu vực của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bắt bệnh: “Giá lương thực, thực phẩm cao hơn đã góp phần làm tăng lạm phát, cầu nội địa cao cùng với sự mất giá của VND cũng đóng vai trò quan trọng làm lạm phát tăng”.

IMF khuyến cáo Việt Nam thắt chặt chính sách tiền tệ để khôi phục một cách có trật tự các điều kiện trên thị trường ngoại hối và kiềm chế áp lực lạm phát. Trong khi đó, với tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ vượt quá mục tiêu năm nay là 25%, IMF cho rằng đây là mức “quá cao”đối với nền kinh tế. Thâm hụt thương mại tăng lên mức 1,3 tỷ USD trong tháng 11 và mức thâm hụt tài khoản vãng lai (không kể vàng) được dự báo ở mức dưới 7% của GDP vẫn còn rất lớn.

IFM bày tỏ lo ngại việc tỷ giá VND đã phải chịu áp lực “mất giá liên tục” kể từ mùa hè, mặc dù đã được phá giá 2,1% trong tháng 8 và các lãi suất chính sách đã được tăng thêm 100 điểm cơ bản vào tháng 11. Tỷ giá thị trường tự do đã nằm ngoài biên độ của tỷ giá chính thức khoảng 10%.

Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc cho hay “kiểm soát lạm phát và mục tiêu là vấn đề lớn”. “Mục tiêu là kiểm soát lạm phát và con số lạm phát không quá 7%. Trong kỳ họp Quốc hội 8 vừa qua đã thấy vấn đề kiềm chế lạm phát là khó thực hiện và dự báo cả năm nay là 8,5%. Sau đó, do tình hình diễn biến của tháng 10 và tháng 11 do một số hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, rồi tỉ giá, thiên tai, nên ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lạm phát khiến con số đã lên 9,58%. Chính phủ đang cố gắng để lạm phát trong tầm kiểm soát. Và hy vọng 2011 sẽ giữ ở mức 7%”, ông nói.

Lo lắng lạm phát cao cũng như sự mất giá của tiền đồng tạo ra khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn ra đầy bất trắc, Đại sứ Nhật Bản Yasuaki Tanizaki cho rằng “Chính phủ cần thực hiện những biện pháp hiệu quả mạnh mẽ để khôi phục lòng tin của nhà tài trợ vào tiền đồng, sớm ổn định thị trường tiền tệ nội địa”.

Tránh giải pháp “giật cục”

Trước những lo ngại của các nhà tài trợ về lạm phát tăng mạnh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Văn Giàu cho hay đã tiến hành chính sách điều chỉnh lãi suất chủ chốt, bắt đầu thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.

“Chúng tôi mới điều chỉnh một tháng và vẫn tiếp tục theo dõi”, ông Giàu cho hay. Trong bản thảo dài 5 trang lưu hành tại hội nghị, Thống đốc cũng đã đưa ra chi tiết 3 nhóm giải pháp điều hành chính sách tiền tệ.

Ông khẳng định “các công cụ chính sách tiền tệ được sử dụng linh hoạt, góp phần hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát”. Cho rằng “mặc dù có nhiều tiến bộ”,ông Giàu nhận định thị trường tiền tệ, ngoại hối của Việt Nam còn nhiều thách thức phía trước, nhất là tính ổn định để tạo lòng tin vững chắc, lâu dài đối với tâm lý xã hội và tâm lý thị trường.

Ảnh: XL

Ảnh: XL

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng chính sách thắt chặt tiền tệ công bố trong tháng 11 vừa qua “tích cực nhưng chưa đủ”. Việt Nam nên thiết lập một chính sách tiền tệ dài hạn rõ ràng nhằm định hướng đạt được một mức lạm phát gần hơn lạm phát trung bình từ 2 đến 4% của các nước ASEAN trong khu vực.

WB thì cho rằng Việt Nam cần đảm bảo sự nhất quán xuyên suốt các mục tiêu của chính sách tiền tệ như lãi suất, tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, tỷ giá… nhằm tránh tình trạng điều chỉnh vội vàng và các giải pháp “giật cục” khi thực thi chính sách tiền tệ.

Tổ chức này nhận định bản thân mục tiêu hoạch định chính sách của Việt Nam dường như đã có sự “thiên vị cố hữu”, coi trọng mục tiêu tăng trưởng cao hơn là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Khi phải đối mặt với tỉ lệ lạm phát cao hơn dự kiến, thì chính phủ dùng đến các cơ chế hành chính – như kiểm soát giá cả và quỹ bình ổn giá – để kiểm soát lạm phát, mặc dù các biện pháp này không được sử dụng thường xuyên và thường trong các trường hợp cần thiết.

“Khi nền kinh tế trở nên phức tạp hơn, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ cần có các chính sách thân thiện với thị trường hơn để đạt được mục tiêu bình ổn giá, trong đó bao gồm việc sử dụng nhiều hơn chính sách cạnh tranh và chính sách tiền tệ”.

Theo IMF, các lãi suất chính sách vẫn còn rất thấp để có thể ngăn chặn kỳ vọng mạnh mẽ của thị trường về sự giảm giá của VND và lạm phát cao hơn. “Chúng tôi tin là chính phủ nên theo đuổi một gói gắn kết các biện pháp thắt chặt mà nên gồm có sự tăng lãi suất chính sách cao hơn nữa và sự củng cố ngân sách lớn hơn”.

Củng cố ngân sách nhằm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP cũng là cần thiết. “Với hầu hết các biện pháp kích thích kinh tế đã hết hiệu lực vào cuối năm 2009, việc giảm thâm hụt ngân sách tổng thể từ dưới 9% GDP trong năm 2009 xuống khoảng 5,5% GDP trong năm nay là trong tầm tay, miễn là Chính phủ thắt chặt chi tiêu”, quan chức IMF nhận định.

Liệu có Vinashin thứ hai?

Đó là câu hỏi tân Đại sứ Anh Antony Stokes nêu khi quan tâm tới vấn đề quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN). “Làm thế nào để giới đầu tư có lòng tin vào cách Chính phủ phát hiện ra Vinashin và cách hướng dẫn các công ty hoạt động hiệu quả hơn theo cơ chế thị trường? Đó là cách để tăng cường lòng tin và đưa ra thông điệp mạnh mẽ cho giới đầu tư”,Đại sứ phát biểu.

Đại sứ Mỹ Micheal Michalak cũng đặt câu hỏi về kế hoạch của Chính phủ để không có thêm một vụ Vinashin xảy ra cũng như việc cổ phần hóa các DNNN phải mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Giám đốc ADB Konishi cho hay cần đảm bảo tính trách nhiệm, tăng cường giám sát hoạt động của DNNN, quản lý tốt để tránh những rủi ro có thể xảy ra, làm “rào cản” cho sự phát triển kinh tế quốc gia cũng như tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định: “Vinashin là một bài học đau lòng cho Việt Nam. Chính phủ sẽ không để xảy ra trường hợp tương tự nữa. Chúng tôi sẽ tăng cường các văn bản pháp luật, như Luật kiểm toán, nhằm nâng cao vai trò của kiểm toán và yêu cầu công khai, minh bạch thông tin kiểm toán”.
Ông Phúc cũng nói Việt Nam quyết tâm thực hiện lộ trình cải cách DNNN song do thị trường vốn chững lại nên tiến trình cổ phần hoá chậm. Về đầu tư của DNNN, ông cho hay Luật DNNN trước đây khi chuyển đổi có ý tưởng tạo cho DNNN có quyền chủ động trong đầu tư kinh doanh, song “quên” một điều. Đó là tài sản không phải của những người làm giám đốc DNNN mà là tài sản của dân, nhưng lại trao quyền như tài sản tư nhân nên dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan, kém hiệu quả. Nhưng luật này hết hiệu lực từ 1/7 vừa qua.

X. L.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/2359/nha-tai-tro-quan-ngai-tien-dong-mat-gia–lam-phat-tang-manh.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.