Một pho tượng để nói KHÔNG với Trung Hoa và Thái Lan

Đầu tháng 11 vừa rồi, khi khánh thành pho tượng vua Anouvong, biểu trưng cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, đất nước Lào bé nhỏ này dường như muốn gửi tới các nước láng giềng một thông điệp về nền độc lập của mình.

Báo Pháp Courrier International ngày 02.12.2010 – Đăng lại bài của Supalak Ganjanakhundee báo The Nation (Thái Lan)

Tượng vua Anouvong ở Viêng-Chăn, thủ đô nước Lào.

Tượng vua Anouvong ở Viêng-Chăn, thủ đô nước Lào.

Việc dựng tượng vua Anouvong ở Viêng-Chăn, thủ đô nước Lào, có thể được xem như là một sự chống đối trực diện ưu thế của nước Thái Lan láng giềng hoặc như một thông điệp mạnh kêu gọi chế độ đang cầm quyền nước này hãy cưỡng lại những mưu toan thống trị từ khắp tứ phương. Điều làm cho thiên hạ ngạc nhiên, ấy là chế độ Mác-Lê nước Lào lại chọn một ông vua xưa – thay vì một biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản hoặc một anh hùng đương thời – để làm chỗ hiện thân của ý chí củng cố hình ảnh dân tộc mình. Mà cũng có thể là vì người Lào tôn sùng những gương mặt hoàng gia và không bao giờ vinh danh một người nào đó xuất thân bình dân.

Đây không phải là pho tượng nhà vua đầu tiên ở Viêng-Chăn. Ở đây đã trị vì các pho tượng vua Setthathirat, người cách nay 450 năm đã chuyển kinh đô từ Luang Prabang về Viêng-chăn [trước mối đe dọa xâm lăng của Miến Điện], và tượng vua Sisavang Vong, người có vai trò trung tâm trong cuộc dành độc lập cho đất nước từ tay người Pháp. Còn pho tượng mới toanh của vua Anouvong, thì lại nhắc nhớ cuộc đấu tranh anh dũng chống lại những kẻ xâm lược người Xiêm [hoặc Thái Lan] diễn ra dưới triều đại của ngài từ năm 1805 đến năm 1828. Vua Anouvong lên ngôi khi vương quốc Lạn-Xạng vẫn còn thuộc vương quốc Xiêm. Trong cuộc viếng thăm Băng-Kôk, khi chứng kiến cảnh đối đãi tàn tệ với tù binh, ngài đã quyết định rũ bỏ ách đô hộ của người Xiêm. Dù bị thất trận trước người Xiêm đấy, song ngài vẫn được tôn vinh lên hàng anh hùng dân tộc và trở thành kỳ tích của nhân dân Lào, trong khi dưới con mắt người Thái-Lan ngài chỉ là một tên phiến loạn mà thôi. Quân đội Xiêm cướp phá Viêng-Chăn, kéo theo sự suy sụp của vương quốc Lạn-Xạng.

Đang cầm quyền Nhân dân Cách mạng Lào đã dựng pho tượng này để kỷ niệm vị quốc vương vĩ đại đó 182 năm sau và cũng để đánh dấu kỷ niệm 450 năm thủ đô. Tượng cao tám mét hướng về phía Tây và nhìn xa quá sông Mê-Kông về hướng Thái Lan. Tay trái nhà vua vầm một thanh kiếm và cánh tay phải vươn ra nằm theo chiều ngang. Với nhà cầm quyền, pho tượng thể hiện vua Anouvong như một quốc vương dũng cảm không bao giờ lui bước trước uy lực chi phối của nước Xiêm, nhắc nhở người Lào rằng đất nước họ cần có người lãnh đạo tầm cỡ như thế. Trên thực tế, nước Lào vô cùng nhỏ bé lại bị bao bọc bởi các láng giềng to lớn: phía Nam và phía Tây là Thái Lan, phía Đông là  Việt Nam và phía Bắc là Trung Hoa. Muốn tồn tại, Lào phải giữ được thế cân bằng khôn khéo giữa các cường quốc đó. Ngày nay, Trung Hoa đổ vào nước Lào vô vàn tiền của, hỗ trợ tài chính, tín dụng ưu đãi và các khoản đầu tư [đặc biệt đầu tư vào khai thác các nguồn lợi tự nhiên của Lào]. Song song với việc đó, do chỗ hai nước có cùng lịch sử dành độc lập dân tộc, nên cũng khó tránh được uy lực của Việt Nam đến chính quyền Lào. Còn với Thái Lan, nước này có thể nói là một thứ chị em cùng huyết thống với Lào, và từ lâu đã ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn văn hóa, xã hội tới Lào. Nên ta cũng chỉ hy vọng là vua Anouvong đủ sức giúp cho những người Lào dũng cảm giữ gìn được đất nước bé nhỏ của  mình chống lại sức mạnh của các láng giềng đủ sức đè bẹp họ.

Phạm Toàn dịch

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in biên giới, Trung Quốc. Bookmark the permalink.