“Hiện tại mẫu bùn thải đã được cơ quan chức năng Cao Bằng đem đi xét nghiệm. Từ kết quả đó mới có thể đánh giá tính chất và mức độ hậu quả mà doanh nghiệp gây ra”, Ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết.
– Sau sự cố lũ bùn do vỡ đập chắn nước thải của Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng (thuộc Công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng), xin ông cho biết công tác xử lý trách nhiệm cũng như khắc phục hậu quả của sự cố trên cho tới thời điểm này đã được tiến hành ra sao?
– Ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã thường xuyên tiến hành trao đổi với cơ quan chức năng tại địa phương để cập nhật tình hình. Rõ ràng ở đây Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Nùng có nhiều sai phạm. Trước hết, họ đã không thực hiện Báo cáo tác động môi trường (DTM) theo đúng quy định nên đã không được cơ quan chức năng thông qua, sau đó bản thân xí nghiệp này cũng không làm lại. Thứ hai, đơn vị này không có thiết kế kỹ thuật của các công trình đang hoạt động. Thứ ba, không có giấy phép xả thải. Trước đó, Chi Cục Bảo vệ môi trường Cao Bằng cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và đã 2 lần xử phạt. Bộ TN-MT xếp xí nghiệp này vào nhóm doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chính vì thế trách nhiệm trước hết phải thuộc về xí nghiệp khi gây ra hậu quả này. Xét về nguyên nhân, hậu quả vụ việc và tình tiết vi phạm kéo dài, Tổng cục Môi trường đang trao đổi với Sở TN-MT Cao Bằng để tính tới phương án đóng cửa doanh nghiệp này. Mặt khác, trách nhiệm của chủ đầu tư lẫn chính quyền địa phương trong vụ việc này cũng được xem xét để đưa ra kết quả xử lý theo từng mức độ cụ thể.
Đối với công tác khắc phục và đền bù thiệt hại sẽ do các bên bao gồm: cơ quan chức năng Cao Bằng, người dân bị thiệt hại, Công ty luyện kim Cao Bằng và Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Nùng đánh giá và tiến hành giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, loại bùn thải từ khai thác quặng sắt chứa chất độc hại, tuy nhiên chính quyền địa phương lại cho rằng không độc. Quan điểm của Tổng cục Môi trường như thế nào?
Để xác định bùn đỏ có phải là chất độc hay không, Chi cục BVMT Cao Bằng đã lấy mẫu bùn này đi xét nghiệm và sẽ sớm công bố kết quả. Có điều chúng ta cũng phải thông cảm với điều kiện Cao Bằng hơi xa nên việc vận chuyển mẫu cũng phải mất một khoảng thời gian.
Về mặt khách quan cho thấy, đơn vị khai thác không dùng hóa chất mà chỉ dùng nước với phương pháp cơ học tẩy rửa đất bám quanh quặng. Do vậy bản chất của bùn thải trên cơ bản giống với bùn thông thường, không có tính chất độc hại như bùn đỏ của bauxite… Song cho dù thành phần không độc nhưng với nồng độ đậm đặc như thế vẫn ảnh hưởng nhiều tới đời sống của người dân, đặc biệt tác động nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu…
Từ trước tới nay đã có công trình nghiên cứu chính thức nào về tác hại cũng như phương pháp khắc phục lâu dài của bùn thải từ khai thác quặng sắt chưa thưa ông?
Theo tôi được biết, hiện chưa có công trình nào nghiên cứu về lĩnh vực này đã hoàn thiện. Chúng ta đang tính tới phương án lâu dài là tái sử dụng bùn từ quặng. Tuy nhiên, do hàm lượng vi sinh vật, chất mùn trong loại bùn thải này là không cao nên việc tái sử dụng rất khó khăn.
Tuyết Trịnh (thực hiện)