Sau sự cố vỡ đập, Chính phủ Hungary quyết định từ bỏ công nghệ thải bùn đỏ ướt, chuyển sang sử dụng công nghệ thải khô, để giảm thiểu ô nhiễm nếu xảy ra vỡ đập một lần nữa. Còn ở Việt Nam, những người có trách nhiệm vẫn khăng khăng bảo công nghệ sử dụng cho việc sản xuất alumina ở Tây Nguyên là “tiên tiến”, nên dĩ nhiên, không việc gì phải thay đổi. Tại sao Chính phủ Hungary không qua Việt Nam học tập TKV, dù tập đoàn này chưa có một ngày kinh nghiệm sản xuất alumina trong khi Hungary có bề dày những 100 năm?
Than ôi! Thực chất của chủ trương kiên quyết đi theo công nghệ thải ướt chẳng qua là để giảm giá thành. Cái lối tư duy ấy của TKV chẳng đã từng lộ rõ qua vụ bùn đỏ ở Cao Bằng đó sao? Công ty con của TKV muốn “tiết kiệm” tiền xử lý chất thải, kết quả đổ ô nhiễm lên đầu người dân!
Nhưng vụ bùn đỏ Cao Bằng chỉ là con muỗi nếu xảy ra sự cố vỡ đập bùn đỏ bauxite Tây Nguyên. Chất thải độc hại với khối lượng lớn gấp 100 lần so với vụ Hungary cộng với độ dốc cao của Tây Nguyên sẽ là một thảm họa cho hàng chục triệu dân cư. Đến lúc đó, thì để con cháu chuyển sang công nghệ thải khô vậy. Lo gì!
Bauxite Việt Nam
– Chính phủ Hungary đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở ba hạt phía tây sau khi một bể chứa bùn độc bị vỡ ngày 4/10. Thảm họa vỡ bể chứa bùn từ nhà máy sản xuất nhôm Ajka đã khiến cơn lũ bùn đỏ tràn ngập các khu dân cư, gây nguy hiểm tới hệ sinh thái của các sông, hồ ở khắp 12 nước châu Âu.
Sau cơn lũ bùn đỏ, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tới thăm khu vực xung quanh nhà máy. Ông cho rằng “sự lơ đễnh của con người” đã gây nên thảm họa sinh thái tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước khi khoảng 1 triệu mét khối bùn tràn ra ngoài hồ chứa của nhà máy. Ủy viên Cơ quan đối phó thảm họa Gyorgy Bakondi nói trong một cuộc họp báo rằng, luật pháp quy định bên chịu trách nhiệm gây ra thảm họa sẽ phải trả chi phí làm sạch các khu vực chịu nạn bùn tràn.
Trách nhiệm thảm họa
Hơn hai tuần sau khi xảy ra lũ bùn đỏ, một cuộc thăm dò do hãng Szazadveg tiến hành cho thấy, phần lớn người dân Hungary hài lòng với cách giải quyết của chính phủ với thảm họa này.
36% người được hỏi tin rằng, chính phủ giải quyết hậu quả lũ bùn đỏ “rất xuất sắc” hoặc tốt (50%).
97% người tham gia cuộc thăm dò nhất trí với việc thiết lập một quỹ hỗ trợ, 92% ủng hộ quyết định xây dựng đập mới bảo vệ hồ chứa, và 85% người tán thành quyết định tài sản của công ty sản xuất nhôm Ajka nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước.
99% người được hỏi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bảo vệ người dân trong khu vực khỏi một thảm hoạ tương tự tái diễn, 98% nói tới sự cần thiết bồi thường cho các nạn nhân lũ bùn đỏ và đảm bảo việc làm cho công nhân nhà máy nôm, 97% ủng hộ việc tìm ra người chịu trách nhiệm gây nên thảm hoạ. Chỉ có 4% người tham gia thăm dò coi đây là một thảm họa tự nhiên.
Trong chuyến thị sát các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ bùn đỏ, Thủ tướng Hungary tuyên bố, người chịu trách nhiệm gây ra thảm họa khiến 10 người chết, hàng trăm người phải nhập viện, phá hủy các cộng đồng cư dân, làm ô nhiễm đất đai, môi trường sinh thái, sẽ bị trừng phạt.
Ông Orban cam kết, chính phủ sẽ không bỏ rơi bất cứ một người dân nào vùng thảm họa. “Tất cả Hungary đều bị ảnh hưởng, tất cả người Hungary đều tổn thương cho dù họ sống ở bất cứ nơi đâu”, ông khẳng định. Lãnh đạo Hungary thừa nhận, nguy cơ chưa qua và còn quá sớm để ước tính tổn thất lũ bùn đỏ.
Ông tuyên bố, bất kỳ ai không muốn trở lại ngôi nhà của họ bị hư hỏng vì bùn đỏ có thể nhận được những nơi ở mới theo chương trình tái định cư sau thảm họa.
Kể từ ngày 5/10, trang web chính phủ Hungray đã lập hẳn một chuyên trang bằng hai thứ tiếng Hung – Anh cập nhật mọi thông tin về thảm họa môi trường này. Ngày 9/10, website này dành hẳn một trang thường trực giải thích về bùn đỏ, các triệu chứng nhiễm độc lẫn cách ngừa và điều trị tác hại khi tiếp xúc với bùn đỏ.
Thông tin gần nhất đăng trên trang web là vào ngày 3/11, với nội dung về công ty sản xuất nhôm MAL Zrt (sở hữu nhà máy Ajka). Trang web nhấn mạnh, hiện MAL Zrt. nằm dưới sự giám sát của nhà nước, đã hoạt động để đảm bảo việc làm và cung cấp nguồn tài nguyên hỗ trợ cho nỗ lực giảm nhẹ thiệt hại sau thảm họa cũng như ngăn chặn sự việc tương tự xảy ra.
Đặc biệt, trang web nhấn mạnh, MAL Zrt đang chuẩn bị chuyển sang sử dụng công nghệ thải khô thay vì thay vì công nghệ thải bùn đỏ ướt phòng nếu có sự cố vỡ bờ bao hồ chứa bùn thì chất thải không đe dọa các dòng sông.
Cùng ngày, trang web còn đăng tin về chi tiết con đập an toàn mới tại Kolontar. Theo đó, sau thảm hoạ vỡ hồ chứa bùn đỏ ngày 4/10, một con đập khẩn cấp đã được xây dựng tại khu vực này để bảo vệ các vùng thấp.
Tái thiết cuộc sống
Một tháng sau khi lũ bùn đỏ tàn phá Kolontar, thị trấn ở phía tây Hungary đang vật lộn để vượt qua những mất mát và tổn thất.
Trong khi các công nhân làm việc với máy móc hạng nặng để nạo vét và di dời chất thải bùn đỏ ăn da ở khắp thị trấn, người dân cố gắng tái thiết cuộc sống.
Katalin Holczer, chồng cô và hai đứa con đã quyết định dọn đồ đạc, tìm kiếm cuộc sống mới ở một nơi nào khác. Cô nói, họ đã quá tổn thương vì thảm họa 4/10 khi bùn đỏ tràn xuống phá hủy ngôi nhà của họ, còn chân cô thì bị bỏng hóa chất. “Con tôi đã ở cùng mẹ khi lũ bùn xảy ra, tới bây giờ đôi khi trong giấc ngủ vẫn còn hét lớn: “không thể, không thể”, Katalin kể.
Những người khác thì hy vọng trở lại cuộc sống bình thường, kể cả khi ngôi nhà của họ đã bị thảm họa chôn vùi. “Cháu tôi nói, cảm giác vui vẻ của tôi đang trở lại”, Erzsebet Veingartner đang trông hai đứa cháu, cho biết. “Tôi thấy không nên nhìn về phía sau, chỉ hướng tới con đường phía trước, và luôn nghĩ rằng, tôi vẫn tồn tại”.
Chỉ bốn tuần trước đây, rất khó tìm thấy sự lạc quan như thế ở Kolontar cũng như tại các thị trấn Devecser và Somlovasarhely – những nơi hứng chịu 700.000 mét khối bùn đổ tràn xuống từ hồ chứa.
Giờ đây, nỗi sợ hãi đã lắng dịu hơn. Các cơ quan môi trường giám sát sông Danube tại Hungary thông báo không có tổn hại đáng kể nào với đời sống sinh thái. Vết rạn nứt trên các bức tường hồ chứa bùn chỉ rộng thêm vài milimet trong các tuần qua.
Công việc dọn sạch vùng thảm họa vẫn tiếp tục, với các xe tải lớn chở đầy bùn đỏ tới các hồ chứa khác trong khu vực. Xe rửa đường được điều động từ Thủ đô Budapest.
Theo quan chức Hungary, kế hoạch dài hạn là khôi phục khu vực trở lại tình trạng trước khi xảy ra lũ bùn đỏ bằng cách cạo bỏ lớp đất ô nhiễm trên gần 1.000 ha đất ở và đất trồng.
Hungary đã khánh thành cây cầu mới, được quân đội xây dựng trong sáu ngày bắc qua dòng Torna có đủ tải trọng cho xe tải. Cây cầu nối kết phần lớn Kolontar với các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lũ bùn.
T. A.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201011/Hungary-an-dan-sau-tham-hoa-bun-do-947263/