Thư phản ánh ý kiến cử tri gửi Quốc hội:
NÊN DỪNG VIỆC KHAI THÁC BÔ-XIT TÂY NGUYÊN
Nguyễn Văn Tuyến
Đại tá, CCB phường Thanh Xuân, Hà Nội
(Thay mặt nhiều cử tri)
Vụ tràn bùn đỏ do khai thác bôxit làm chết người, ô nhiễm một tỉnh ở nước Hungari khiến nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội đề xuất việc Quốc hội cần bàn thảo lại và sáng suốt có quyết định dừng khai thác, chấp nhận bồi hoàn cho chủ đầu tư.
Rất nhiều lý do để nhất thiết phải dừng:
1/ Nói chung, lòng người không thuận. Phải nói ngay tại kỳ họp Quốc hội lần trước cũng không được quyền dân chủ thảo luận, chỉ được nghe thông báo Bộ Chính trị đã quyết định. Trong thực tế, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã ký kết khai thác bôxit Tây Nguyên với Trung Quốc từ lâu. Vậy Quốc hội tuy danh nghĩa là cơ quan quyền lực cao nhất, liệu có quyết định được gì đối với vấn đề quyền lợi của dân tộc? Mặt khác, thực chất nhà thầu Trung Quốc đã đưa hơn 1200 kỹ sư, công nhân người Trung Quốc sang làm việc tại khu mỏ Tân Rai.
2/ Về công nghệ khai thác bôxit của Trung Quốc thì nhiều ý kiến cho rằng đó là công nghệ lạc hậu.
Về khả năng tác hại của bùn đỏ đối với môi trường,thì chưa được tính toán kỹ. Nếu có chuyện xảy ra như ở Hungari thì cái gì bảo đảm cho cuộc sống của dân cư vùng bị ảnh hưởng?
Vừa qua đang họp Quốc hội, để khẳng định việc khai thác bôxit, một đoàn cán bộ của Quốc hội và Chính phủ vẫn phải đến hiện trường để nghiên cứu và để khẳng định cứ tiếp tục làm. Tuy có “chuyên viên luyện kim” Trần Văn Trạch mạnh miệng tuyên bố nếu có sự cố thì xin vào tù, nhưng nếu quả thật sự cố xảy ra, thì đáng vào tù trước hết không phải là cán bộ cấp thấp cỡ ông Trần Văn Trạch!
Bộ Công thương và TKV – chủ đầu tư cần tổ chức hội nghị để các chuyên gia nhiều nguồn khác nhau có dịp trao đổi thông tin nhiều hơn. Trước mắt chưa thể khẳng định bất cứ điều gì “như đinh đóng cột” về sự an toàn của công trình này.
3/ Một vướng mắc mọi người chưa thông là tại sao ngay tại đất nước Trung Quốc có khá nhiều mỏ bôxít họ phải đóng cửa? Thông tin biết được nguyên nhân đóng cửa là do nhân dân đấu tranh bảo vệ môi trường nơi họ sinh sống.
4/ Cuối cùng là vấn đề an ninh, quốc phòng: rất nhiều ý kiến đề xuất rằng các vị lãnh đạo hãy thử tính toán tại sao 18 tỉnh biên giới 70% các nhà thầu Trung Quốc, Đài Loan trúng thầu và các nơi đó họ đều đưa người sang danh nghĩa trồng rừng mới; nhiều địa phương bán cho nhà thầu cả yếu địa an ninh, quốc phòng!
Vùng bôxit Tây Nguyên, được khẳng định là “nóc nhà Đông Dương”, có gọi là vùng yếu địa chiến lược không? Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề cốt lõi, các đồng chí cần đọc lại lời nhắn nhủ của vua Trần Nhân Tông và nên đọc bản Tổng kết “Sự thật 30 năm quan hệ của ta với Trung Quốc” thời đồng chí Nguyễn Cơ Thạch làm ngoại trưởng để suy ngẫm, xử lý.
Cũng cần nói thêm là vừa họp khối ASIAN + 8 nước, bản tuyên bố chung còn chưa ráo mực thì mới đây Trung Quốc lại tuyên bố vùng biển Đông bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa là của họ.
Đó chính là những vấn đề khiến chúng tôi thấy việc khai thác bôxit nên dừng lại.
Đề nghị các đại biểu Quốc hội nên biểu thị thái độ kiên quyết dứt khoát về việc này.
Hà Nội, 12- 11-2010
N. V. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN