Tôi đã đọc nhiều bài viết có liên quan đến bôxit suốt cả mấy tháng qua, cũng đã có nhiều cảm nhận về những điều cần thiết phải khai thác, cũng như những điều cần thiết phải nên dừng lại. Tương tự như tâm trạng của nhiều người quan tâm đến dự án bôxit, tôi thiên về ý kiến là: Cái gì chưa chắc chắn là thành công thì nên dừng lại. Vì dừng lại không có nghĩa là mất đi, tài nguyên, đất đai vẫn còn đó, đời sau – khi nào có đủ các điều kiện chắc thắng – đời sau sẽ làm. Còn bây giờ nếu vẫn tiến hành khai thác, khi chưa chắc đã lời hay lỗ về kinh tế, chưa chắc đã có hiệu quả hay hậu quả về mặt xã hội, an ninh, quốc phòng, văn hóa… thì quả thật là không nên tiếp tục dự án. Nếu tiếp tục dự án, nó có vẻ như chơi xổ số quá!
Về mặt cá nhân, vì là một người làm công tác kỹ thuật, nên tôi tham gia ý kiến về kỹ thuật. Đó là việc xây dựng hồ chứa bùn đỏ.
Theo cảm nhận của tôi, yêu cầu kỹ thuật của hồ này rất cao, bởi hai tiêu chí: chống thấm triệt để và bền vững vĩnh cửu; chứ không thể lấy tiêu chuẩn để thiết kế cho một khoảng thời gian nào đó 50 năm, 100 năm… như xây dựng một ngôi nhà, một cái cầu… (Tôi nói tiêu chí, không phải là tiêu chuẩn – người viết).
Tôi đã từng thi công hồ chứa, có tiêu chí cũng rất cao – gần tương tự như hai tiêu chí đã nói ở trên – nhưng với qui mô nhỏ hơn rất nhiều lần, và nhận thấy rằng đó là điều không đơn giản chút nào. Tôi xin lược kể lại.
Vào khoảng cuối những năm 1980, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ xây dựng bể chứa bùn khoan. Tức là cái bể chứa tất cả những chất thải độc hại (không loại trừ là có cả chất thải phóng xạ) từ giàn khoan dầu ngoài biển chuyển vào. Bể có diện tích đáy khoảng 50 x 100 m, sâu 5 m, được đặt trên một ngọn đồi thuộc khu vực Núi Dinh, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Kết cấu chính là các lớp bê tông cốt thép, lót các lớp chống thấm, xen giữa là nhựa bitum, giấy dầu, nilon. Năm 1887, thi công xong, tiêu chuẩn chống thấm tuyệt đối thất bại, không đưa vào sử dụng được. Kế đó là hư hỏng sau 3 năm không sử dụng. Năm 1989 bóc hết các lớp, thi công lại; mới xong chưa đưa vào sử dụng, lại bị hỏng do không chịu nổi lực đẩy nổi (lực đẩy Acsimet), đáy và thành bể bung ra. Chờ hết mùa mưa năm 1990, sang năm 1991 tiến hành xây dựng lại. Từ đó đến nay – ít nghe nói tới nữa. Nó vẫn chứa rác độc hại nhưng không có trạm quan trắc chuyên dùng, nhân dân xung quanh sau này không sử dụng nước ngầm, không ai biết nó như thế nào nữa!
Tại sao cái hồ nhỏ, lại bị thất bại sau mấy lần thi công? Khi nghe nói về việc thi công bể chứa bùn đỏ rộng những 110 ha – tôi hãi quá! Nhìn thấy khu đất xây dựng, tôi lại càng hãi (và cảm thấy lo cho ông Trần Văn Trạch – chuyên gia luyện kim – người đã mang cái sự nghiệp bản thân của mình ra mà cá cược), vì kinh nghiệm thi công từ cái hồ nho nhỏ kể trên. Vì sao?
Việc chống thấm tuyệt đối cho những công trình như thế này nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong quá trình thi công: lựa chọn vật liệu, lựa chọn công nghệ hàn mối nối vật liệu chống thấm, lựa chọn phương pháp thi công, qui trình thi công, máy móc thiết bị thi công, con người thi công, qui trình kiểm tra công tác thi công… Quá nhiều yếu tố có thể nói là rủi ro tác động đến công tác chống thấm.
Tôi xin nói là: cái bể chứa tôi đã từng thi công sử dụng vật liệu là bê tông cốt thép hai lớp, ở giữa hai lớp bê tông cốt thép quét nhựa bitum 3 lớp kẹp giữa hai lớp giấy dầu. Với phương pháp thi công, qui trình thi công được giám sát không thể chê vào đâu được. Thế mà tiêu chuẩn chống thấm vẫn chưa đạt. Huống hồ gì cấu tạo của cái hồ “chứa bùn đỏ” kia, nghe mô tả mấy lớp các vị vừa tả, tôi thấy nổi gai ốc lên rồi. Nào là màng nilon, nào là đất sét, á sét, nào là cát đệm… Con người thi công nữa – chả lẽ chỉ vài người như ông Trạch ra thi công…?
Còn về độ bền vững của công trình, tôi xin mô tả cái bể chứa bùn khoan bị phá hủy như thế nào. Khi hoàn thành thi công, chỉ có vài cơn mưa đầu mùa đang còn nhỏ. Phía trong bể chỉ mới có khoảng 20 – 30cm nước ở dưới đáy. Trong khi đó, phía bên ngoài bể đã là một môi trường nước, do nước thấm vào đất chậm chậm, dần dần hình thành áp lực nước từ bên ngoài đã đẩy bung cả đáy lẫn thành bể – mà chúng tôi khi đó gọi là lực đẩy nổi. Sau này, khi thi công lần 3, bên thiết kế đã phải chia cắt thành 6 ô, chấp nhận giảm dung tích chứa để xây tường chống đẩy nổi, bể mới đứng vững.
Huống hồ cái hồ chứa bùn đỏ kia, vật liệu làm tường, làm đáy là đất nện, lại sâu tới 15 – 16 m, rộng 4-5 ha, với mấy lớp nilon chống thấm kia, tôi dám chắc, chỉ vài trận mưa đầu mùa, nó sẽ nổi đáy lên như mấy cái bánh đa nướng cho mà xem. Không tin, các vị cứ thử đi.
Còn ông Viện trưởng Viện Thiết kế Thủy lợi Miền Nam nữa: Động đất cấp 6-7 richter không phải là sàng – lắc để ông nói là đất càng lắc càng chặt! Mà phải nói về động đất là: đứt, gãy, là sụt lún, là thảm họa… Lại có ông nói là thiết kế bể chứa để đạt được động đất cấp 8 – 9 richter. Thật là hết biết các ông! Tranh ảnh các thảm họa này không thiếu – tôi từng được xem nhiều.
Với kinh nghiệm những gì đã trải qua trong hơn 30 năm làm nghề xây dựng, tôi đã ký tên vào Bản kiến nghị tạm dừng Dự án Khai thác bôxit Tây Nguyên.
Xin trình bày mấy ý kiến về một số bất trắc khi xây dựng hồ chứa mà bản thân đã từng gặp, cho những ai quan tâm biết thêm chút chút.
N. V. B.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN