Thư ngỏ gửi Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chiến – Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi

Kính gửi Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chiến – Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi.

Kính thưa Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chiến.

Cũng như rất nhiều người dân Việt Nam khác, tôi rất lo lắng sự an toàn của các hồ chứa bùn đỏ tại các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên trong tương lai. Bởi lẽ, bùn đỏ bauxite tràn tới đâu thì nơi đó trở thành đất chết là một sự thật đã được kiểm chứng rõ ràng.

Sau khi đọc qua hai bài báo Không tiếc tiền đảm bảo an toàn cho bô xít Tây Nguyên Thuê tư vấn nước ngoài thẩm định lại hồ bùn đỏ đăng trên www.vnexpress.netwww.laodong.com.vn cách đây ít ngày (1 & 2), sự lo lắng của tôi không những giảm bớt mà còn tăng lên rất nhiều.

Qua lá thư ngỏ này, tôi xin được gửi đến Giáo sư những điều đã làm tôi lo lắng sau khi đọc hai bài báo trên. Kính mong Giáo sư giải thích để cá nhân tôi và nhiều người quan tâm được tỏ tường.

Thứ nhất. Trong bài “Những điều phản cảmđăng trên mạng bauxite, tác giả Nguyễn Trung Chính đã ghi rõ trong buổi đối thoại trực tuyến về các dự án khai thác bauxite do www.vnexpress.net chủ trì, ông Nguyễn Mạnh Quân của Bộ Công thương đã ba lần trả lời rằng các hồ bùn đỏ có thể chịu được động đất cấp 7 và cấp 9!

– Ông Nguyễn Mạnh Quân: Chúng ta không thể dự báo chính xác động đất ở Tây Nguyên là bao nhiêu. Theo Viện Vật lý địa cầu người ta dự báo động đất ở Tây Nguyên cấp 5, chúng tôi thiết kế cấp 7. Và mới đây đã nâng lên cấp 9.

Hồ bùn đỏ Tây Nguyên được thiết kế với hệ số an toàn cao, chịu được động đất cấp 7… Vừa qua Bộ Tài nguyên Môi trường yêu cầu chủ đầu tư phải thiết kế theo cấp động đất 9 để nâng cao độ an toàn lên mức gần như tuyệt đối…

…Ví dụ hồ bùn đỏ, người ta yêu cầu thiết kế động đất tối đa cấp 5 nhưng chúng tôi nâng lên cấp 7, bây giờ Chính phủ còn yêu cầu phải chịu được cấp 9…. (3)

Tôi đã kiểm chứng và những lời nói trên đây của ông Nguyễn Mạnh Quân là có thật. Xin được hỏi rằng Giáo sư đã được xem qua chi tiết bản vẽ thiết kế, vật liệu sử dụng, cùng dữ liệu phân tích của cái hồ bùn đỏ mà qua lời ông Nguyễn Mạnh Quân thì “có thể chịu đựng được động đất cấp 7 và cấp 9” hay chưa?

Theo bài báo đăng trên www.vnexpress.net thì Giáo sư có nói rằng “Tôi quan tâm hơn cả là độ an toàn của chân đập. Tuy nhiên, chúng tôi đã thử và tính toán độ an toàn của đập với nhiều trường hợp khác nhau, kể cả khi hồ đang làm việc mà xảy ra động đất, kết quả cho thấy an toàn kể cả với động đất cấp 7, dù ở Tây Nguyên chỉ động đất tới cấp 5″!

Vì lý do gì mà Giáo sư không có cùng quan điểm (hay không đồng ý) với ông Nguyễn Mạnh Quân là “hồ bùn đỏ có thể chịu được động đất cấp 9”?

Thứ hai. Khi Giáo sư nói rằng “Tuy nhiên, chúng tôi đã thử và tính toán độ an toàn của đập với nhiều trường hợp khác nhau…. Xin được hiểu “chúng tôi” ở đây như thế nào? Đây là kết quả tính toán độc lập cũa Giáo sư hay là kết quả tính toán chung giữa Giáo sư, TKV và Bộ Công thương?

Kết quả của những việc “thử và tính toán” này có được nhờ dựa vào:

-Tính toán trên giấy tờ.

-Tính toán miệng.

-Tính toán dựa trên những mô hình với kích cỡ nhỏ.

Theo sự hiểu biết nông cạn của tôi thì muốn tính được kết cấu của một công xây trình xây dựng như là cầu, con đập có chịu đựng được động đất cấp 6 trở lên thì người ta không chỉ dựa vào tính toán trên giấy tờ, hay tính toán miệng, mà phải dựa vào những mô hình kích cỡ nhỏ. Phương pháp sau cùng cho kết quả chính xác nhưng cũng tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, và công sức. Những hình ảnh sau đây là phương pháp tính toán bằng phương pháp này (4).

Hình 1: Mô hình cây cầu chịu được động đất cấp 8

Hình 1: Mô hình cây cầu chịu được động đất cấp 8

Hình 2: Mô hình cây cầu chịu được động đất cấp 8 và những máy móc kiểm tra

Hình 2: Mô hình cây cầu chịu được động đất cấp 8 và những máy móc kiểm tra

Để có được những tấm hình trên và kết quả cây cầu nhỏ này có thể chịu đựng được động đất cấp 8, một đội ngũ gồm nhiều giáo sư và kỹ sư đã miệt mài làm việc trong nhiều tháng trời. Chi phí cho toàn bộ cuộc nghiên cứu chỉ tốn có 2 triệu đô la. Khi được chạy thử, ngoài nhóm giáo sư và kỹ sư tham gia, còn có 50 kỹ sư, đại diện cho các ngành công nghiệp, đại diện Bộ Giao thông Công chánh của tiểu bang Naveda có mặt tại chỗ, còn có 100 người trong nước Mỹ xem trực tuyến qua mạng.

Thưa Giáo sư. Nếu “chúng tôi đã thử và tính toán” trên đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Giáo sư –TKV và Bộ Công thương không dính dáng vào –, thì Giáo sư đã thực hiện nghiên cứu này vào lúc nào? Chắc hẳn Giáo sư có lưu lại tài liệu, hình ảnh, cũng như những đoạn phim ghi lại cuộc thử nghiệm của Giáo sư chứ? Chi phí cho nghiên cứu này là bao nhiêu? Có thể nào Giáo sư công bố những tài liệu, hình ảnh, phim ra trước công chúng để mọi người thưởng ngoạn để mọi người có thể an tâm được chăng?

Còn nếu “chúng tôi đã thử và tính toán” trên đây là kết quả nghiên cứu chung của Giáo sư – TKV và Bộ Công thương thì thiết nghĩ Giáo sư – TKV và Bộ Công thương cũng nên công bố tất cả để mọi người yên lòng khi thấy được con đập của hồ bùn đỏ có thể chịu đựng được động đất cấp 7 hay cấp 9 – như lời của ông Nguyễn Mạnh Quân.

Thưa Giáo sư. Không phải tôi có ý nghi ngờ gì ở đây cả. Nhưng ngay cả những công ty xe hơi nổi tiếng như BMW, Mercedes… của Đức với một bề dày lịch sử cả trăm năm, nổi tiếng về chất lượng hàng đầu trong ngành công nghiệp xe hơi, và một đội ngũ tiến sĩ và kỹ sư thượng thặng nhưng khi làm ra mẫu xe mới thì các công ty này cũng phải “ủi” cả vài chục chiếc mới biết độ bền, độ an toàn của nó ra sao (5). 1000 chiếc xe kém chất lượng thì giỏi lắm cũng giết chết 10.000 người. Như vậy, một cái đập hồ chứa bùn đỏ có thể ảnh hưởng cả vài chục triệu người mà chỉ tính toán trên giấy hay tính toán trên miệng thì e rằng khó chấp nhận.

Thứ ba. Theo bài báo đăng trên www.vnexpress.net thì “Tham gia đoàn khảo sát liên ngành, giáo sư Nguyễn Tiến (Chiến?), Viện trưởng Viện kỹ thuật công trình cho rằng 3 yếu tố quan trọng liên quan tới sự an toàn của hồ bùn đỏ, thứ nhất là nước vào hồ sẽ xử lý thế nào, khi thấm nước từ hồ ra bên ngoài sẽ xử lý như thế nào và vấn đề thứ ba là chân đập

Thưa Giáo sư. Động đất là do vỏ trái đất di chuyển với những tốc độ khác nhau, có thể tạo ra những khe nứt rộng lên đến cả chục mét, dài cả hàng chục km, và sâu cả km. Dưới đây là tấm hình chụp khe nứt gây nên trận động đất ở Haiti năm nay (6).

Hình 3. Khe nứt của trận động đất ở Haiti

Hình 3. Khe nứt của trận động đất ở Haiti

Như vậy, động đất cấp 7 có thể làm sụp cả một ngọn đồi. Cái hồ bùn đỏ có diện tích hơn 100 ha. Có nghĩa là mỗi bề là 1km. Như vậy, nếu động đất xảy ra dưới đáy hồ bùn đỏ thì cho dù con đập có an toàn, liệu kết cấu của đáy hồ với một lớp đất sắt nện, vải địa kỹ thuật, lớp chống thấm có thể ngăn cản bùn đỏ thoát theo khe nứt do động đất tạo ra được chăng?

Nếu diện tích cái hồ bùn đỏ là 100 ha (1km x 1km) thì ít nhất cái đập dài cũng cả hơn 100 mét. 100 mét là đã nhờ vào 3 mặt là đồi úp bát. Nếu khe nứt của động đất (dài 3km, sâu 500 mét, rộng 1 mét) ngay dưới chân đập thì làm sao cái đập này khỏi đổ, khỏi vỡ? Lại thêm cái hồ nước cả mấy chục triệu mét khối lúc nào cũng muốn thoát ra ngoài. Vậy thì, nếu động đất cấp 7 xảy ra thì làm sao cái hồ và con đập có thể chịu được?

Thưa Giáo sư. Động đất là điều mà không ai muốn có. Và sẽ không có gì phải bàn cãi nếu như Giáo sư, TKV, và Bộ Công thương nói rằng:

-Tây Nguyên chỉ có động đất cấp 5. Do vậy, khả năng vỡ hồ bùn đỏ do động đất cấp 5 là không thể. Vì động đất cấp 5 không có sức tàn phá này.

Nhưng cả Giáo sư, TKV và Bộ Công thương đều nói rằng hồ bùn đỏ có thể chịu đựng được động đất cấp 7 (cấp 9 –lời của ông Nguyễn Mạnh Quân) mà đến nay thì mọi người không thấy được những tính toán, phân tích khoa học để khẳng định điều này thì quả là đáng lo hơn là đáng mừng.

Thứ tư. Theo bài báo từ mạng http://www.laodong.com.vn

[…] Tuy nhiên, để khách quan hơn, Bộ Công Thương tiếp tục giao cho TKV khẩn trương lựa chọn tổ chức tư vấn độc lập nước ngoài có uy tín để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ của hai dự án. Trả lời câu hỏi của GS-TS Đặng Vũ Minh, GS-TS Nguyễn Chiến – Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi – đơn vị được Bộ Công Thương chỉ định thẩm định thiết kế hồ bùn đỏ – cũng khẳng định: Với thiết kế và giải pháp kỹ thuật của nhà thầu thì đảm bảo vượt ngưỡng tiêu chuẩn an toàn.

Thưa Giáo sư. Xin được hỏi rằng “Với thiết kế và giải pháp kỹ thuật của nhà thầu thì đảm bảo vượt ngưỡng tiêu chuẩn an toàn” là thiết kế nào? Thiết kế từ miệng của ông Nguyễn Mạnh Quân chăng? Còn giải pháp kỹ thuật của nhà thầu là giải pháp nào mà có thể “đảm bảo vượt ngưỡng tiêu chuẩn an toàn”? Có nghĩa là Giáo sư đồng ý với TKV và Bộ Công thương rằng “hồ bùn đỏ có thể chịu đựng được động đất cấp 9”! Ngưỡng an toàn là cấp 7. Do vậy, vượt ngưỡng an toàn đồng nghĩa trên cấp 7 và cũng có nghĩa là lên đến cấp 9!

Một cái hồ bùn đỏ với kết cấu bằng đất sắt nện, vải địa kỹ thuật, màng chống thấm, và một lớp cát dày đủ chống chọi với động đất cấp 7, cấp 9 thì rất khó thuyết phục được mọi người. Tuy nhiên, có thể vì cả nể hay vì những lý do tế nhị nào đó thì vẫn có người tin điều này là đúng. Nhưng tôi thì tôi không tin. Đơn giản, nếu kết cấu nền móng đơn giản như vậy mà chịu được động đất cấp 7 thì những trận động đất cấp 7 đã không cướp đi cả trăm ngàn nhân mạng của con người trong những năm gần đây.

Thay cho lời kết

Thưa Giáo sư. Nếu có thể, kính mong Giáo sư viết một bài báo để công bố những hình ảnh, dữ liệu phân tích của Giáo sư (nếu độc lập) hay là làm chung với TKV để mọi người quan tâm điều biết công trình quý giá này. Mà tôi dám chắc rằng trang mạng Bauxite Việt Nam cũng rất vui lòng đăng tải bài báo của Giáo sư. Tôi thấy trang mạng Bauxite Việt Nam là nơi hội tụ của cả trăm Giáo sư chứ không ít. Thêm một vài bài của Giáo sư thì chắc sẽ thêm phần hấp dẫn và chắc là con tàu Bauxite Việt Nam cũng không đến nỗi phải chìm. Vậy kính mong Giáo sư sớm công bố công trình của mình để mọi người học hỏi.

Kính chúc Giáo sư lời chúc sức khỏe và bình an.

N.Đ.V.X.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

(1) http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/11/3BA2179B/

(2) http://www.laodong.com.vn/Tin-Tuc/Thue-tu-van-nuoc-ngoai-tham-dinh-lai-ho-bun-do/19720

(3) http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/10/3BA223AB/

(4) http://newsroom.unr.edu/2010/06/16/110-foot-concrete-bridge-withstands-8-0-earthquake-simulation-in-lab/

(5) http://www.youtube.com/watch?v=E3oQXXEEJtc

(6) http://www.sciencedaily.com/releases/2010/01/100112170000.htm

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.