13 năm trước, Quốc hội khóa X ra nghị quyết đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất.
Đến nay, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XII, mà phần nhiều trong số đó không tham gia vào quyết định khởi động kia, phải xem xét kiến nghị của Chính phủ: Công nhận kết thúc công trình quan trọng quốc gia này.
Tại phiên thảo luận tổ sáng 11-11, nhiều ĐBQH tỏ ra băn khoăn về trách nhiệm “đóng dấu bảo hành” của mình đối với dự án NMLD Dung Quất bởi những thông số về hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án vẫn còn mù mờ.
Hiệu quả: Chưa thấy và mờ mịt
ĐB Dương Bạch Mai (Tây Ninh) nói dự án Dung Quất trễ tiến độ những chín năm, làm tăng tổng mức đầu tư lên rất nhiều nhưng hiệu quả kinh tế tính toán lại thế nào, báo cáo của Chính phủ cũng như thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) chưa làm rõ.
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng “giá như năm ấy, NMLD đầu tay của ta làm ở Vũng Tàu, 3-4 năm là xong, thì giờ đã có tiền lãi và kinh nghiệm để làm dự án khác”.
Ông Xuân phân tích: “Đầu tư hết 3 tỉ USD, vay rẻ nhất cũng 7%/năm, thì mỗi năm phải trả lãi trên 200 triệu USD. Khấu hao theo thông lệ quốc tế 20 năm thì mỗi năm mất 150 triệu USD. Nhưng theo tính toán của các NMLD trên thế giới, quy mô như Dung Quất không thể làm ra được 360 triệu USD/năm, vậy hiệu quả thế nào?”.
ĐB Nguyễn Đình Xuân đề nghị QH bàn cho ra nhẽ, công khai rõ về mặt kinh tế của dự án, cũng như hiệu quả tổng hợp chính trị-xã hội.
Quyết sao khỏi bị lịch sử phán xét
Dự án NMLD Dung Quất, như nhận xét của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Văn Pha, là “công trình điển hình dùng ý chí chính trị can thiệp vào kinh tế”. ĐB Dương Bạch Mai cho rằng những yếu kém trong quá trình quyết định và triển khai dự án Dung Quất là bài học xương máu về công tác giám sát của QH. Còn ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) yêu cầu Chính phủ, Ủy ban KHCN&MT cung cấp thêm cơ sở đánh giá hiệu quả dự án để “đại biểu chúng ta sau này không bị lịch sử phán xét”.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến nhanh nhất phải tháng 12 tới mới có báo cáo quyết toán. Mà chưa có quyết toán tài chính thì chưa thể biết tổng mức đầu tư thực là bao nhiêu và càng không thể tính toán chính xác hiệu quả kinh tế của dự án. Cũng vì vậy, khó có cơ sở để đánh giá về hiệu quả chính trị-xã hội của đại công trình này. Vì vậy, ĐB Nguyễn Thanh Toàn (Thừa Thiên-Huế) đề nghị QH kỳ họp này chưa vội ra nghị quyết công nhận kết thúc dự án.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị kiểm toán độc lập dự án để QH có cơ sở đánh giá hiệu quả dự án. Trường hợp nếu nhất quyết phải ra nghị quyết công nhận kết thúc công trình, ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) đề xuất đưa vào nghị quyết này nội dung buộc Chính phủ năm 2011 phải có báo cáo kiểm toán, tổng kết rút kinh nghiệm dự án để báo cáo QH khóa sau.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Nghiêm Vũ Khải cho biết QH đã nhiều lần duyệt chủ trương các dự án, công trình quan trọng quốc gia, song đây là lần đầu tiên QH phải xem xét công nhận kết thúc một công trình lớn. “Việc này chưa có tiền lệ và luật quy định cũng không cụ thể. Do đó việc công nhận kết thúc Dung Quất phải được xem xét kỹ càng, là khuôn vàng thước ngọc cho các dự án lớn tới đây như thủy điện Sơn La, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận…” – ông Khải nhấn mạnh.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc:
Phân tâm và thiếu quyết tâm Ý tưởng xây dựng NMLD Dung Quất là từ 1980. 1993 thì có dự định đặt ở miền Trung, ý là gây dựng một ngành kinh tế lớn, làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế miền Trung phát triển. Tuy nhiên, cụ thể vị trí thì nhiều ý kiến khác nhau, làm cho phân tâm, chỉ đạo không thống nhất. Ban đầu, thấy lực mình có hạn, nên chỉ đạo liên doanh, mời những công ty hàng đầu của phương Tây vào. Bàn suốt 1995-1996, họ nói không hiệu quả kinh tế nên rút lui. Đến đó, mình quyết định tự làm nhưng ngay trong Chính phủ vẫn có ý kiến khác nhau… 1997, nhân cớ khủng hoảng kinh tế, thiếu vốn…, vậy là lại quyết định liên doanh. Giờ nghĩ lại, tôi cho là nếu quyết tâm, lúc ấy ta vẫn tự làm được. Nhưng rồi mời Nga vào, một loạt các vấn đề tỉ lệ ăn chia, chỉ định nhà thầu… không thống nhất được, thế là liên doanh tan. Và thế là lần thứ tư thay đổi chủ trương, ta lại tự làm. Bài học là nếu chúng ta quyết tâm lớn ngay từ đầu, quyết tự làm, dù khó khăn nào cũng cố vượt qua thì dự án đã xong lâu rồi, vốn đầu tư cũng ít hơn. Cho nên, công trình quan trọng quốc gia nào mà đã đưa ra QH bàn thì trước hết phải bàn đến nơi đến chốn. Và đã quyết làm thì phải quyết tâm cao chứ đừng do dự, thay đổi. Vấn đề này có trách nhiệm của cả QH, Chính phủ. |
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn: http://phapluattp.vn/20101111103832865p0c1013/chua-an-tam-dong-dau-bao-hanh-du-an-dung-quat.htm