Không phải thủy điện mà là con người


Anh Nguyễn Đình Quân ở Nha Trang vừa gửi cho Sáu Nghệ tôi ý kiến này và theo tôi, là một ý kiến khách quan. Tôi đề xuất và anh Quân đồng ý, xin được gửi đến trang Bauxite Việt Nam để có thể trình với quý độc giả một chính kiến của người trong cuộc giữa cơn lũ Nam miền Trung đang diễn ra. (Sáu Nghệ)

Người dân Tây Hòa - Phú Yên chạy lũ sau khi các hồ thủy điện xả nước. Ảnh: NGUYỄN QUYỀN

Người dân Tây Hòa - Phú Yên chạy lũ sau khi các hồ thủy điện xả nước. Ảnh: NGUYỄN QUYỀN

Sáng 3-11, mẹ vợ tôi đang chữa bệnh ở TP. Hồ Chí Minh nghe người ta nói, thành phố Tuy Hòa sắp thành biển nước do thủy điện xả lũ. Lo quá, bà gọi về cho mấy đứa em tôi ở Tuy Hòa, giục chạy lũ. Chúng cười, chứ mẹ là dân Tuy Hòa, có nhớ chợ Tuy Hòa phải dọn lên Ngã Năm tránh lụt bao lần không, có nhớ bao lần phải dọn hết lên lầu ở mấy ngày không? Nhiều quá, sao tao nhớ. Đó, mẹ yên tâm đi, lần này chợ phải dời lên Ngã Năm thì cũng như những lần trước thôi. Mà lũ thủy điện năm nay chưa làm Tuy Hòa ngập bằng mấy trận lũ hồi chưa có thủy điện đâu, mẹ ơi. Bà nhạc cười, vậy hả, thì tao thấy báo chí nói ghê quá, tao lo…

Thực tế “lũ thủy điện” ở Tuy Hòa năm nay lớn cỡ nào? Nha Trang chẳng có “lũ thủy điện”, nhưng mức độ ngập có phần còn hơn Tuy Hòa. Đợt mưa vừa qua, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Phú Yên khoảng 600 – 700mm, tại TP Tuy Hòa – theo Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Phú Yên – chỉ từ 19g tối 3-11 đến 15g30 ngày 4-11, lượng mưa đo được lên đến 268mm. Tuy Hòa sẽ ra sao với lượng mưa đó, khi không có các hồ thủy điện?

Dịp này năm ngoái, mưa lũ do cơn bão số 11 (Mirinae) làm chết 81 người ở Phú Yên. Tại Quốc hội, hai đại biểu Quốc hội người Phú Yên, đang sinh sống tại Phú Yên là Võ Minh Thức và Trịnh Thị Nga lớn tiếng đổ lỗi cho thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ, gây thiệt hại lớn về nhân mạng. Họ làm như không biết, trong số 81 người chết có 76 người ở huyện Đồng Xuân, huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu, những nơi lũ sông Ba không thể tràn tới. Năm nay, ông Phó Chủ tịch Phú Yên lại lớn tiếng lên án thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ, nghĩ không có gì lạ!

Có thể, thư này khiến mọi người nghĩ tôi “bênh” thủy điện. Nhưng, chuyện ồn ào quanh việc thủy điện xả lũ không có gì mới. Ngày 19-11-2009, báo Tiền Phong đã đăng bài Công bằng với thủy điện của tôi và xin phép trình ra ở dưới đây. Ta có trái tim nóng, nhưng theo tôi, không nên tất cả mọi chuyện cứ quy hết cho một nguyên nhân nào đó ngoài con người, đặc biệt ngoài những người có trách nhiệm tại đại phương, vì như thế có khi sẽ không tìm ra nguyên nhân đích thực để giải quyết vấn đề dân sinh.

Công bằng với thủy điện (*)

“Hậu quả nặng nề do lũ lụt gây ra sau hai cơn bão số 9 và số 11 vừa qua đối với miền Trung, Tây Nguyên rõ ràng có nguyên nhân của sự mất rừng, trong đó có phần mất rừng do xây dựng các công trình thủy điện từ lớn tới nhỏ, và cách vận hành xả nước chệch choạc vào thời điểm lũ của một số nhà máy thủy điện”. Báo Tiền Phong số ra ngày 17/11 dẫn lời Tiến sĩ Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Kiểm lâm.

Trách nhiệm của thuỷ điện trước những mất mát về sinh mạng và tài sản trong các trận lũ vừa qua là không thể phủ nhận, né tránh. Tuy nhiên, dòng lũ phê phán thuỷ điện hiện nay đã thật sự chỉ gồm những tiếng nói công bằng, khách quan?

Người dân TP Tuy Hoà không xa lạ với chuyện lội nước bạc, khi TP bị nước lũ dâng ngập, chợ trung tâm phải dời lên Ngã Năm. Dăm ba năm lại có một lần Tuy Hoà chịu cảnh ngập lụt nặng, có chỗ lút cổ. Từ ngày có thuỷ điện Sông Ba Hạ, người Tuy Hoà nói riêng và hạ lưu sông Ba nói chung hy vọng, không phải chịu cảnh đó nữa. Nên khi mưa to nhưng chưa to hơn mọi năm, mà lũ về không nhỏ hơn mọi năm, dân tình thất vọng, nhiếc móc thủy điện, là điều có thể hiểu được.

Nhưng có người lại quy luôn trách nhiệm cho thủy điện đối với các thiệt hại trong trận lũ vừa qua ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và huyện Đồng Xuân. Có thể, người nơi khác không biết, nước lũ sông Ba không thể tràn được về ba địa phương này, ở đó cũng không có đập thủy điện nào. Đổ lỗi cho thủy điện xả lũ gây thiệt hại ở Sông Cầu, Tuy An và Đồng Xuân, là không công bằng.

Ở ba địa phương này, có 75 người chết trong tổng số 80 người chết của tỉnh Phú Yên trong cơn bão số 11, riêng vùng dọc sông Kỳ Lộ có tới 61 người chết. Nếu thượng nguồn sông Kỳ Lộ có một đập thủy điện, thiệt hại về sinh mạng có lớn như vậy? Tại sao không ai đặt câu hỏi đó?

Theo một chuyên gia thủy văn, luận tội thủy điện xả lũ, phải dựa trên số liệu khoa học. Với lượng mưa A trên nguồn, lưu lượng nước đổ về hồ thuỷ điện là B. Nếu lúc đó hồ thủy điện xả lũ xuống hạ lưu với lưu lượng C nhỏ hơn hẳn B, nó đã điều tiết được lũ.

Nếu hồ thủy điện xả lũ xuống hạ lưu với lưu lượng C lớn hơn B, nó đã góp thêm lũ nhân tạo vào lũ tự nhiên. Còn nếu lưu lượng xả lũ bằng hoặc kém hơn một chút so lưu lượng lũ về hồ, không thể nói rằng hồ thủy điện tạo thêm lũ. Trong trường hợp này, lỗi của hồ thủy điện chỉ là không cắt được, không điều tiết được lũ.

Trong các nguyên nhân gây tổn thất nặng nề ở các trận lũ vừa qua, có những nguyên nhân từ con người. Hồ thủy điện xả lũ chệch choạc chỉ là một trong những nguyên đó. Nếu không khách quan đánh giá, nhìn nhận thấu đáo được hết các nguyên nhân gây thiệt hại do con người, làm sao sau này có thể hạn chế được những thiệt hại tương tự.

Nguyễn Đình Quân

(*) http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/177897/Cong-bang-voi-thuy-dien.html

This entry was posted in giao thông, Môi Trường. Bookmark the permalink.