BÁC ĐƠN BÁC THUYẾT
Sớ bác Thuyết thuyết không được việc
Thôi cầm lòng bác Thuyết ấy ơi
Trên trời còn có ông trời
Thôi thì cũng hiểu lòng người nông sâu
Biết đâu rồi đến mai sau
Sớ bác còn nhắc như câu chuyện buồn…
Trường Nhân
Trong công văn hỏa tốc trả lời ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết chiều qua (11/11) về đề xuất lập Ủy ban điều tra trách nhiệm vụ Vinashin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nêu rõ: Sau khi cân nhắc kỹ nhiều mặt, UBTVQH thống nhất chưa cần thiết trình Quốc hội thành lập ủy ban này.
Công văn viết: “Căn cứ điều 27 Luật tổ chức Quốc hội; căn cứ điều 7, điều 12 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội; căn cứ vào điều 26 quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin đang được các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước xem xét, trong đó có việc cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra”. Vì lý do trên, nên “cân nhắc nhiều mặt”, UBTVQH đã chính thức “bác” đề xuất của ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết.( Theo ViệtNamnet)
Đây là kết cục dễ thấy trước, ai cũng có thể đoán được. Vì sao như thế? Đọc bài dưới đây ta cũng hiểu phần nào lý do của nó:
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC: “NHIỀU LẦN LÊN KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN VINASHIN NHƯNG ĐỀU BỊ CẮT”
Lê Nhung
Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ cho hay, cơ quan này từng nhiều lần lên kế hoạch kiểm toán Vinashin nhưng rồi đều bị cắt đi để tránh trùng lặp với Thanh tra Chính phủ.
Từng không dưới 3 lần nêu tại Quốc hội về các sai phạm của Vinashin, trong đó có cả việc thanh tra đã hoãn đi hoãn lại việc thanh tra tập đoàn này, Trưởng đoàn ĐBQH Hưng Yên Vũ Quang Hải cho hay, ngay khi Ủy ban Kiểm tra TƯ công bố sai phạm ở Vinashin, ông đã gửi chất vấn lên Tổng Kiểm toán Nhà nước và Tổng Thanh tra Chính phủ.
Ông Hải nêu vấn đề: “Chính kết luận vừa rồi của Bộ chính trị đã khẳng định từ 2006 – 2009 đã có tới 11 lần kiểm toán, thanh tra. Vậy trách nhiệm các đoàn kiểm toán sẽ được xem xét đến đâu? Do trình độ chưa tương xứng hay có tiêu cực nào khác trong các đoàn kiểm toán này?”.
ĐB Vũ Quang Hải đã nhận được câu trả lời của Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ sớm 1 tháng trước khi khai mạc kỳ họp. Riêng Tổng Thanh tra Chính phủ đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Tổng Kiểm toán Nhà nước giải thích, vì số lượng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước rất lớn nên chu kỳ kiểm toán thường 4 – 5 năm mới thực hiện được một lần.
Ông Huệ cũng cho hay, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) từng nhiều lần lên kế hoạch kiểm toán, ngay từ khi Vinashin còn chưa nâng cấp lên Tập đoàn.
Từ lúc Vinashin đi vào hoạt động (2006) đến nay, KTNN đã hai lần xây dựng kế hoạch kiểm toán đối với tập đoàn này.
Cụ thể, năm 2008, KTNN đã lên kế hoạch kiểm toán báo cáo tài chính của tập đoàn, nhưng do Thanh tra Chính phủ đã đưa Tập đoàn Vinashin vào kế hoạch thanh tra năm 2009 – nhưng rồi lại hoãn – nên theo quy chế phối hợp và để tránh trùng lặp, KTNN đã đưa ra ngoài kế hoạch và lùi sang năm 2010.
Tuy nhiên, kế hoạch này lại tiếp tục bị “trì hoãn” bởi không được phê duyệt.
Cụ thể, khi gửi cho Thanh tra Chính phủ, thì ý kiến của cơ quan này là: “Thanh tra Chính phủ thấy có sự trùng lặp về một số lĩnh vực và đối tượng kiểm toán”.
Nhưng rồi, chính Thanh tra Chính phủ cũng không được Thủ tướng chấp nhận kế hoạch thanh tra Vinashin với lý do “để doanh nghiệp tập trung phát triển sản xuất, chống suy giảm kinh tế, Thủ tướng đề nghị điều chỉnh sang kế hoạch thanh tra năm 2010″.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng bổ sung: “Kiểm toán Nhà nước nên phối hợp với Thanh tra Chính phủ để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán và hoạt động Thanh tra, tránh trùng lặp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thành tốt cả nhiệm vụ phục vụ kiểm toán, thanh tra theo quy định, cũng như tập trung thời gian chuyên môn và sản xuất”.
Ngay cả Ủy ban Thường vụ QH cũng cho rằng: “Nên xem xét, cân nhắc chưa đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2010 các tập đoàn, tổng công ty mà Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính đã có quyết định thanh tra năm 2009 nhưng tạm dừng thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng”.
Ngoài ra, như báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, được cho là tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, thì “với một số tập đoàn, tổng công ty mà Thanh tra đã có kế hoạch thì kiểm toán có thể xem xét đưa ra ngoài kế hoạch để tránh chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp”.
“Căn cứ ý kiến Thanh tra Chính phủ, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, KTNN lại tiếp tục rút tên Vinashin khỏi kế hoạch”, ông Huệ cho hay.
Như vậy, từ 2006 đến nay, KTNN đã hai lần xây dựng kế hoạch nhưng rồi chưa thực hiện được việc kiểm toán Vinashin là do cơ chế phối hợp và tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Ông Vương Đình Huệ giải thích, từ 2006, Vinashin đã thuê các công ty kiểm toán độc lập (tập đoàn kiểm toán quốc tế KPMG) tiến hành kiểm toán.
“Mà việc quản lý nhà nước với các công ty kiểm toán độc lập, kể cả công ty quốc tế là trách nhiệm Bộ Tài chính. Do không nói rõ là loại kiểm toán gì nên có thể dư luận hiểu nhầm là KTNN. Như vậy, kể từ năm 2006 đến nay, không có việc KTNN đã tiến hành kiểm toán Vinashin mà không phát hiện và có cảnh báo với Tập đoàn”.
“Chung quy do cơ chế”
“Tính từ 2005 đến giờ có tất cả 13-14 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát.
Đáng tiếc là khi xảy ra khủng hoảng thì cả lãnh đạo TƯ cũng như bộ ngành đều cho rằng phải giảm bớt áp lực về thanh tra để đơn vị này tự xử lý khó khăn về kinh tế.
Thứ hai, tránh chồng chéo. Vì DN cứ kêu là thanh tra dày đặc. Nên hễ cứ có kiểm toán thì thanh tra không làm. Mà hễ thanh tra làm thì kiểm toán không làm.
Cứ lo tránh chồng chéo như vậy nên nhiều việc bị chậm chứ không phải là buông lỏng.
Chung quy lại là do cơ chế này có vấn đề mà tới đây phải rút kinh nghiệm, phải có sự phân công rành mạch”. (Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền).
Theo ĐB Trần Văn Hằng (Nghệ An): “Chính phủ lập nhiều đoàn thanh tra mà rồi “chỉ mỗi báo cáo của Bộ KH&ĐT là lên đến Ủy ban Kiểm tra TƯ”, còn lại báo cáo của thanh tra các bộ ngành đều nằm gọn trong ngăn bàn các bộ chứ không lên được đến “trên”.
Tổng Kiểm toán Nhà nước nói thêm: “KTNN luôn xác định việc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, nhất là việc quản lý, sử dụng tiền và tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Trong chiến lược phát triển đến năm 2020 đã được Ủy ban Thường vụ QH phê duyệt, KTNN sẽ tăng cường kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cả về diện và chiều sâu, nhất là kiểm toán tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc sử dụng tiền và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp”.
(Nguồn: Vietnamnet)
Chừng đó ta cũng đủ hiểu vì sao kiến nghị của Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết không được chấp thuận. Buồn. Không chỉ buồn vì một vụ việc, một vấn đề, có khi đó là nỗi buồn đời người, một nỗi buồn thăm thẳm.
N. Q. L.
Nguồn: http://quechoablog.wordpress.com/2010/11/12/ru-mai-ngan-nam/#more-7510