(VEF) – Để hồ bùn đỏ có thể gọi là an toàn cần phải bổ sung rất nhiều trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật cũng như hồ sơ thiết kế thi công. Càng tăng mức độ đảm bảo an toàn của hồ chứa bùn đỏ, càng giảm hiệu quả kinh tế của dự án.
Các phương tiện thông tin đại chúng mấy ngày nay đưa tin, Đoàn công tác nhiều thành phần của Quốc hội vừa đi khảo sát thực địa dự án bô-xít ở Tân Rai, khi làm việc, có một số ý kiến khẳng định sự an toàn của hồ bùn đỏ và hiệu quả kinh tế của dự án bô xít!?.
Chúng ta đều rõ, trước khi quyết định đầu tư vào bất cứ dự án thuộc ngành nào cũng phải xem xét dự án có thuộc danh mục ưu tiên nằm trong quy hoạch hay không. Trong quy hoạch phải có đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC).
Từ đó, đi sâu vào việc đánh giá tổng thể của dự án về hiệu quả kinh tế, đánh giá tác động môi trường của dự án (ĐTM), xem xét các yếu tố về chính trị xã hội, văn hóa, kỹ thuật, công nghệ, an ninh quốc phòng…v..v..
Đối với dự án lớn ảnh hưởng có tính chất quốc gia, liên vùng cần tham vấn sự đồng thuận của các cấp có thẩm quyền và người dân.
Hồ thủy lợi khác hồ chứa chất độc hại
Mục đích của hồ chứa thủy lợi giống như hồ chứa bùn đỏ, có nghĩa là người ta xây đập bằng bê tông hoặc đất đá, có dung tích để chứa nước hoặc bùn đỏ.
Khác nhau ở chỗ áp lực, hồ thủy lợi chứa nước, dung trọng của nước 1 tấn/m3, còn hồ bùn đỏ dung trọng bùn khoảng 1,4-1,5 tấn/m3, có chất độc hại, ăn mòn nguy hiểm đến môi trường nên phải thiết kế độ an toàn cao hơn hồ thủy lợi.
Hồ thủy lợi thường có xả tràn, nước mặt hồ bốc hơi nhanh hơn. Nước chứa trong hồ bùn đỏ chủ yếu gồm dung dịch kèm theo bùn đỏ và nước mưa mang tính kiềm cao.
Hiện nay, không ai biết thành phần hóa học của bùn đỏ Tây Nguyên nên khi tính toán vẫn phải giả định giống như tính chất bùn đỏ của công ty Quảng Tây – Trung Quốc. Nguy cơ thấy rõ là hồ chứa bùn đỏ về lâu dài, do tác dụng của các vi lượng độc tố sẽ ăn mòn lớp vải địa kỹ thuật, dòng chảy thấm sẽ đi xuống lòng đất ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm.
Khi thiết kế hồ thủy lợi hay hồ bùn đỏ đều phải tính ổn định kết cấu như trượt, lật, lún trong điều kiện bình thuờng cũng như có động đất. Tính ổn định thấm qua thân đập, thấm nền, riêng đối với hồ bùn đỏ còn phải tính thêm ổn định do ăn mòn.
Hồ bùn đỏ có an toàn hay không, phải đọc, nghiên cứu sâu về hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hồ sơ thiết kế thi công, đối chiếu với thực địa, phân tích đánh giá đưa ra các bằng chứng cụ thể trên cơ sở khoa học và thực tế.
Qua nghiên cứu thiết kế kỹ thuật Dự án nhà máy Alumin thuộc tổ hợp bô-xít-nhôm Lâm Đồng của Công ty TNHH Công trình quốc tế ngành nhôm Trung Quốc, trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến thiết kế hồ bùn đỏ và bài toán kinh tế của dự án.
Tuy hồ chứa bùn đỏ ở đây không phải là đập cao, nhưng lại chứa dung dịch độc hại nên phải được thiết kế theo tiêu chuẩn đặc biệt. Bùn đỏ là chất lỏng có dung trọng lớn hơn nước, áp lực lên đập lớn hơn áp lực nước, gần bằng áp lực đất, cho nên không thể tính ổn định như đập chứa nước.
Theo tôi, hồ sơ thiết kế hồ bùn đỏ quá sơ sài: Không có tính toán ổn định, hình vẽ chỉ là sơ đồ chứ không phải là bản vẽ kỹ thuật, ngay vẽ mái đập cũng sai, ghi mái đập là 1:3 mà hình vẽ lại thể hiện mái 1:1.
Trong báo cáo thiết kế đập cho biết đây là loại đập đất đá hỗn hợp nhưng không trình bày tính lún, tính trượt và không cho biết hệ số an toàn là bao nhiêu nên không có cơ sở khoa học để khẳng định hồ bùn đỏ an toàn.
Về thủy văn, xin lưu ý năm 1999 đã có trận mưa lớn nhất 325 mm/ngày. So sánh với cách tính trong hồ sơ thiết kế hồ bùn đỏ cho tần suất 2%, trong khi chúng ta lại chưa có quy phạm thiết kế hồ bùn đỏ.
Cần phải tính toán xem xét lại cẩn thận tần suất thiết kế mưa vì điều kiện khí hậu ngày càng bất lợi, nạn phá rừng, lượng mưa sẽ biến đổi mạnh về cường độ theo cả không gian và thời gian.
Hồ sơ thiết kế thi công về phần địa chất càng sơ sài, thiếu rất nhiều so với quy phạm thiết kế của Việt Nam. Ngay việc chọn màng địa kỹ thuật (geomembrane) dày 1,5 mm, tính ra lượng thấm lớn nhất ở trạng thái bình thường là 7.04×10-6 m3/s tức là 0,61 m3/ngày đêm là không thể chấp nhận đối với an toàn của hồ bùn đỏ.
Với lượng thấm lớn như thế này chỉ sau một thời gian, chất kiềm trong bùn đỏ sẽ xúc tác thúc đẩy nhanh hơn quá trình phân hủy của lớp màng địa kỹ thuật ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngầm xung quanh khu vực.
Theo tài liệu của chuyên gia Pháp, cũng như của GS Trần Văn Trị ở hố khoan 21 (ĐắK Nông) phát hiện ra 2 nguyên tố phóng xạ trong các vỏ phong hóa tạo nên bô xít là Uran (U) và Thri (Th) chưa được xem xét trong đánh giá tác động môi trường …v..v..
Để hồ bùn đỏ có thể gọi là an toàn cần phải bổ sung rất nhiều trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật cũng như hồ sơ thiết kế thi công. Càng tăng mức độ đảm bảo an toàn của hồ chứa bùn đỏ thì càng giảm hiệu quả kinh tế của dự án.
Các hồ chứa ở Việt Nam đã bị vỡ xảy ra ở rất nhiều nơi, đặc biệ trong các mùa bão lũ do nhiều nguyên nhân như thiết kế, thi công, vận hành bảo dưỡng… mặc dù khi thiết kế bao giờ chủ đầu tư cũng khẳng định là an toàn.
Ngay hồ chứa nước Nam Du ở Kiên Giang để cung cấp nước sinh hoạt sử dụng vải địa kỹ thuật chống thấm ở đáy hồ, thiết kế an toàn theo lý thuyết nhưng khi vận hành không giữ được nước, phải thiết kế, thi công lại.
Mới đây, đêm 5/11/2010 bùn thải có mầu đỏ tấn công hàng trăm hộ dân xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng vùi lấp hàng chục ha ruộng lúa, hoa màu, tràn vào làm ngập số nhà dân do sự cố vỡ đập chắn nước thải tuyển quặng của Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng, thị xã Cao Bằng.
Ở nước ta từ thập niên 80 đã tuyển luyện pyrite (FeS2) ở Phú Thọ, Hà Sơn Bình để lấy lưu huỳnh làm superphotphat Lâm Thao.
Đến năm 1992 thấy ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và chi phí sản xuất quá tốn kém, sản phẩm làm ra còn đắt hơn rất nhiều so với nhập khẩu nên nhà nước đã đình chỉ khai thác pyrite. Đó là những bài học kinh nghiệm quý báu đối với những người có trách nhiệm về dự án bô-xit Tây Nguyên.
Hiệu quả kinh tế với chủ thể nào?
Trong nguyên tắc đánh giá dự án, có hai phân tích cần được xem xét: (1) Phân tích tài chính gồm đánh giá lợi ích của dự án đối với chủ đầu tư, trong trường hợp này là Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và (2) Phân tích kinh tế , đánh giá lợi ích của dự án đối với quốc gia.
Về cơ bản, hai phân tích này bao gồm trong phân tích dòng tiền một số hạng mục chi phí chung và riêng.
Ví dụ, trong phân tích tài chính có xem xét các loại thuế như là một hạng mục chi phí, tuy nhiên trong phân tích kinh tế thì thuế không được xem xét, vì bản chất của thuế là một khoản chuyển giao (transfer payment) giữa các bên trong một quốc gia.
Ngoài ra, các chi phí mà TKV không trả nhưng nhà nước vẫn phải đầu tư hay các chi phí ngoại ứng (môi trường và xã hội) cũng phải được bao gồm trong phân tích kinh tế.
Trong dự án bô-xít, rõ ràng phân tích kinh tế quan trọng hơn rất nhiều so với phân tích tài chính. Trường hợp điều chỉnh thuế chẳng hạn, có thể đem lại lợi nhuận cho TKV nhưng không có tác động gì đến kết quả phân tích kinh tế.
Vì vậy, để xét đến hiệu quả kinh tế của dự án bô-xit cần nói rõ là hiệu quả đối với chủ thể nào, TKV hay quốc gia.
Vì nếu nó chỉ làm lợi cho một đối tượng trong quốc gia (phân tích tài chính đạt hiệu quả cho TKV) nhưng phân tích kinh tế không hiệu quả (quốc gia không có lợi) thì cũng cần phải dừng dự án.
Tuy chưa được đọc tài liệu tính toán kinh tế dự án của TKV nhưng có thể nhận biết được qua phát biểu của những người trong cuộc.
Trong buổi đối thoại trên VnExpress, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), phát biểu: “Việc tăng vốn đầu tư ảnh hưởng không nhiều đến hiệu quả kinh tế dự án (tăng 25% vốn đầu tư, IRR chỉ tăng 7,12%). Về thuế xuất khẩu alumin có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả kinh tế của dự án do 100% sản phẩm alumin dự kiến xuất khẩu. Nếu thuế xuất khẩu giảm xuống mức 10%, IRR giảm 12%.”
Cách tính của ông Quân có sự nhầm lẫn, và nói ngược với quy luật kinh tế bởi vì vốn đầu tư tăng thì IRR sẽ giảm và thuế giảm thì IRR sẽ phải tăng.
NPV là giá trị hiện tại thuần (net present value) hay nói rõ hơn là giá trị hiện tại của thu nhập nhận được do xuất khẩu alumina trừ đi toàn bộ chi phí cho dự án, từ chi phí đầu tư trong quá trình sản xuất đến chi phí sản xuất và chi phí thương mại và vận tải đưa hàng xuống tầu, kể cả thuế đóng cho nhà nước.
Để tính hiệu quả dự án người ta thường dùng tỷ lệ hoàn vốn nội tại (internal rate of return) gọi tắt là IRR chính là mức lãi suất chiết khấu được chọn làm sao để NPV bằng 0.
Tiêu chuẩn để chọn làm hay không làm một dự án là so sánh IRR của nó với lãi suất sử dụng đồng vốn trên thị trường, cao hơn thì chấp thuận, thấp hơn thì từ chối không làm dự án.
Riêng về công thức tính IRR
NPV = SUM từ 1 đến n [(Cn/(1+r)lũy thừa n]= 0
r là IRR, Cn là dương nếu là thu nhập ròng mỗi kỳ n, âm nếu là chi (như chi vốn đầu tư) mỗi kỳ n. Như vậy vốn đầu tư tăng vào điểm k thì Ck âm. Nếu vốn đầu tư tăng (âm lớn) thì thu nhập sau khi đưa về giá hiện tại phải lớn lên thì NPV mới
bằng 0 được. Như thế r sẽ phải nhỏ đi.
Công thức trên cho thấy khi một dự án tính ra một IRR nào đó, thì nếu tính toán lại thấy cần phải tăng vốn thì IRR nhất định phải nhỏ đi.
Thí dụ nếu bây giờ dự án khai thác bô-xít bị bắt buộc phải bỏ vốn tự xây đường vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm thì tất nhiên IRR sẽ giảm hẳn. Xin lưu ý TKV là toàn bộ công thức nói trên là không có lạm phát. Nếu có lạm phát, thay đổi từng thời kỳ, thì vấn đề tính toán sẽ phức tạp hơn rất nhiều, và tính sai có thể rất lớn khi không dự đoán được lạm phát trong tương lai.
Theo kiểm định của tác giả Nguyễn Vạn Phú, văn bản tính hiệu quả kinh tế của Bộ trưởng Bộ Công Thương năm ngoái lựa chọn giá bán alumin bình quân cho cả giai đoạn tồn tại của dự án là 362 USD/tấn. Tỷ lệ hoàn vốn nội tại (IRR) là 11,4% (Tân Rai) và 10,6% (Nhân Cơ).
Trong khi đó, các con số mới đây lại rất khác, giá bán khi thì tính là 315 USD/tấn alumin (Dự án Lâm Đồng) và 330 USD/tấn alumin (Dự án Nhân Cơ) khi thì đưa ra giá trung bình để tính toán hiệu quả là 335 USD/tấn; khi thì dựa vào dự báo lên đến 340-650 USD/tấn trong giai đoạn 2011-2020; khi thì đưa ra giá bán bình quân thực tế của năm 2010 chỉ là 210 USD/tấn, IRR của Nhân Cơ nay chỉ còn là 8,24%. Như vậy, độ tin cậy về kinh tế của dự án rất thấp.
Theo tôi hiểu, việc đưa ra các kịch bản giá khác nhau cho giá xuất khẩu là cần thiết để phân tích, nhưng phải được trình bày minh bạch. Hơn nữa, cũng phải minh bạch toàn bộ các giả định mà Bộ Công Thương sử dụng.
Thí dụ, cần xác định cho rõ là chi phí có tính đến phí thương nghiệp và vận chuyển cho đến lúc đưa hàng lên tầu chưa? Hay cách tính là dựa vào đồng USD tương đối ổn định hay đồng VN rất mất ổn định vì đang phải đối phó với lạm phát cao? Hay chi phí hoàn thổ có đưa vào tính toán không và ở mức độ nào?
Ở các nước tiên tiến, ngay cả khi nhà máy hết tuổi thọ vẫn phải lo phí tổn duy trì môi trường, đặc biệt là dự án có hồ bùn đỏ.
Nếu là một công ty tư nhân chỉ biết làm lợi nhuận cho chính mình thì lấy tiền công ty thu được hàng năm trừ đi chi phí (kể cả chi phí đầu tư) rồi đưa về giá trị hiện tại thì biết được lời hay lỗ và nếu lãi thì tỷ lệ lợi nhuận là bao nhiêu.
Nếu là một dự án quốc gia như dự án bô-xít Tây Nguyên thì phải tính thêm chi phí xây dựng đường xá vận chuyển sản phẩm và các công trình công cộng khác kể cả các chi phí bảo vệ môi trường phục vụ dự án mà TKV không phải trả trong suốt thời gian hoạt động. Chi phí xã hội này cũng tính theo phương pháp NPV như trên.
Tỷ lệ lời/lỗ của dự án khi tính sẽ so với tỷ lệ lời khi làm đất cho các mục đích sản xuất khác như trồng cà phê, cây công nghiệp… v..v..
Lưu ý là khi tính, phải tính trên cơ sở hiện nay, các kịch bản với giá bô xít khác nhau trong tương lai trên thị trường thế giới.
Người ta chỉ làm khi kịch bản tệ nhất cũng làm ra lãi hoặc lãi rất thấp nhưng xác suất là kịch bản này xảy ra rất thấp.
Hiện nay, Bộ Công Thương thì bảo lãi, nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều tiêu chí, chỉ số chưa được đưa vào bài toán kinh tế của dự án bô-xít, một vài số liệu của TKV đưa ra còn viển vông, do đó, Bộ Công Thương cần công bố chi tiết toàn bộ tính toán để vấn đề có thể được đánh giá một cách khách quan và minh bạch.
Một bài toán chỉ có lời giải chính xác khi mà các tham số được đưa vào tính toán đầy đủ. Liên Hợp quốc (UN) còn đưa ra một tiêu chí rất quan trọng là đảm bảo phát triển bền vững của dự án cho những nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Tại sao ở mức độ UN mà họ lại quan tâm đến các quốc gia như vậy mà chính tại quốc gia mình thì tiêu chí này lại bị xem nhẹ!?
Tôi đã viết nhiều bài báo về dự án bô-xít Tây Nguyên dưới các góc nhìn khác nhau thể hiện rõ quan điểm nhất quán của mình từ khi còn đang làm công tác quản lý Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, cho đến lúc chuyển sang chuyên gia tư vấn độc lập.
Bô-xít nên để dành cho thế hệ sau, khi có đầy đủ khoa học công nghệ cao sẽ khai thác xử lý hiệu quả nhất, còn nếu nhất quyết đòi làm thí điểm, phải đặt nhà máy ở gần cửa biển vừa kinh tế (không phải chuyển vật liệu như xút, than và vôi lên nhà máy nếu đặt ở Tây Nguyên), vừa an toàn hơn về mặt bảo vệ môi trường.
Tôi đồng tình, chia sẻ với ý kiến của GS. Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc của đoàn khi đi kiểm tra thực địa hồ bùn đỏ ở Tân Rai vừa qua.
Ông Minh nói: “Để đi đến thực hiện dự án cần có đảm bảo đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường, và hiệu quả về kinh tế mang lại. Do vậy, chúng ta cần phải phân tích, tính toán, đánh giá dự án trên cơ sở khoa học đảm bảo độ tin cậy cao, thì mới có thể thực hiện dự án được. Điều quan trọng nhất là nhận được sự đồng thuận của nhân dân.”
Hy vọng trong tương lai gần, các nhà quản lý sẽ lưu tâm đến việc phát triển bền vững để tránh tình trạng quá muộn, khi mà chi phí để tái hiện lại nguyên trạng là rất lớn (mà cũng chẳng bao giờ làm được hoàn hảo giống như bát nước đã bị đổ thì khó mà thu lại được) và dẫn tới nước ta đã nghèo thì lại càng nghèo thêm do các bất cập trong đầu tư và phát triển nóng.
Cần phải tạm dừng dự án, thành lập đoàn chuyên gia độc lập để đánh giá lại tổng thể toàn bộ dự án bô-xít, vì đấy là Ý DÂN – LÒNG DÂN.
T. V. T.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vef/201011/Lo-hong-thiet-ke-va-bai-toan-du-an-bo-xit-Tay-Nguyen-946698/