Báo trong nước đưa tin đại diện của Công ty Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) chính thức nhận trách nhiệm trong vụ lũ bùn đỏ ở Cao Bằng.
Ông Phùng Mạnh Đắc, Phó Tổng giám đốc TKV được báo Tuổi trẻ trích lời nói rằng, “chúng tôi hỗ trợ tạm người dân bị thiệt hại từ 3 đến 6 triệu đồng mỗi hộ”.
Quan chức TKV coi sự cố tràn bùn ở Cao Bằng “không phải là vấn đề lớn, nghiêm trọng”.
“Chỉ có một vài vấn đề phải xử lý và đang được xử lý”, ông Đắc nói.
Tuy nhiên người địa phương có cái nhìn khác. Bà Lê Thị Oanh là người dân bị ảnh hưởng bởi lũ bùn đỏ trong mấy ngày qua ở xã Duyệt Trung, tỉnh Cao Bằng. Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 8/11, bà nói tai nạn tràn bùn lần này là to lớn, hậu quả để lại lâu dài.
Lê Thị Oanh: Gia đình tôi bùn chỉ vào đến giếng và vườn thôi. Những gia đình khác bị bùn đỏ tràn vào nhà thì vất vả quá. Bây giờ đất không cào được ra, có chỗ bùn ngập trong nhà tới một mét. Gỡ ra khó lắm. Và không biết gỡ ra đưa về đâu. Cần phải giúp những người dân này, khắc phục sạch bùn cho họ . Có những hộ đến bây giờ chưa bước chân được vào nhà. Và cũng không làm cách nào để cào ra được. Làm thế nào để giúp những người khó khăn ấy thoát ra khỏi cái bùn. Bùn kinh khủng luôn.
BBC: Thưa bà bùn đỏ mùi gì, có độc hại không?
Lê Thị Oanh: Không có mùi gì nhưng nó keo kinh khủng luôn. Chân dính xuống kéo lên, lấy xà phòng rửa một nước không bao giờ sạch được.
BBC: Ví dụ bùn tràn vào vườn và giếng nước thì làm cách nào để làm sạch, thưa bà?
Lê Thị Oanh: Bây giờ cũng chịu thôi. Công ty môi trường người ta không cho cào ra suối. Nhà tôi có suối đằng sau, nhưng họ nói là không được đổ ra suối, để nguyên để công ty luyện kim khắc phục hậu quả. Ở sau vườn nhà tôi có chỗ bùn ngập đến 1 mét. Hầu như nhà nào cũng vậy. Không biết đẩy đi đâu. Nói chung dân gặp khó khăn nhiều.
BBC: Bà nói đến cuộc sống của người dân gặp khó khăn trong những ngày qua, vậy khó khăn ở chỗ nào, thưa bà?
Lê Thị Oanh: Thứ nhất là ruộng vườn không làm được gì cả. Có những người cấy xong rồi người ta bao quanh hết ruộng để trồng rau. Thế mà bây giờ nước bùn đỏ tràn vào nó kéo hết cả rau, cả những cái tường bao đi. Nói chung là họ thiệt hại nhiều. Cái vụ này nó sâu như thế, bùn ngập một mét thì làm thế nào để khắc phục được.
BBC: Thế nơi ở của họ có bị ảnh hưởng không?
Lê Thị Oanh: Những nhà nào bùn tràn vào mình vận động họ tự khắc phục thì họ sẽ khắc phục. Không khắc phục được thì mình phải di dời họ ra đâu, chứ ở cạnh suối họ làm thế nào. Bùn đỏ quánh như bột vậy. Xong nó keo lại. Rửa khó lắm. Nó có hóa chất, người ta rửa quặng xong – đất rơi ra đó là bùn đấy ông ạ.
BBC: Nó có gì độc hại không, thưa bà?
Lê Thị Oanh: Có chứ. Trước đây chỉ cần nước đục tràn vào ruộng lúa thôi, là coi như cây lúa không lên được. Trước đây có tình trạng tràn vào ô ruộng mà họ phải đền bù cho dân ba năm liền đấy. Chưa nói đến kiểu bùn đặc sệt như bùn hôm nay. Quá kinh khủng.
BBC: Tính ra bao nhiêu hộ bị ảnh hưởng thưa bà?
Lê Thị Oanh: Ô nhiều lắm. Tính ra cái xã Duyệt Trung bị ảnh hưởng gần hết, hai bên khe suối, ruộng, rồi nhà dân.
BBC: Nghe nói trước đây đã có vài lần nước màu đỏ tràn ra nhưng không nặng như bây giờ?
Lê Thị Oanh: Hàng năm mỗi dịp mưa nhiều, cái bãi quặng khi họ làm xong nhân đà mưa thì họ xả theo, thì nó ra bùn nhưng ra không đáng kể. Chỉ ngập đến mắt cá thôi nhưng rửa đã thấy khó khăn lắm rồi. Bây giờ có chỗ sâu 1 mét, chỗ sâu hơn, trung bình thì 1 mét. Vậy phải chở đi đâu cho nó hết cái bùn đó.
BBC: Xí nghiệp khai thác khoáng sản Cao Bằng nói họ bồi thường cho dân mỗi hộ từ 3 đến 6 triệu đồng, như vậy có đủ không thưa bà?
Lê Thị Oanh: Biết thế nào cho đủ. Đối với những nhà phải bỏ của chạy lấy người, họ mất mát nhiều thứ lắm, gia súc gia cầm chẳng hạn. Ba triệu đồng chẳng thấm gì đối với gia đình người ta mất nhiều.
BBC: Vậy những gia đình sống gần chỗ rửa quặng của công ty luyện kim coi như chấp nhận cuộc sống trong đó tai họa lúc nào cũng rình rập?
Lê Thị Oanh: Vâng đúng rồi. Ngày xưa các ông còn vô trách nhiệm nữa cơ. Khi họp dân, các ông dặn rằng khi báo động nước to, nghe thấy tiếng “ào” là bà con phải chạy. Tôi ở ngay sát khu rửa quặng đây, nếu nước tràn lúc đêm hôm làm sao chúng tôi chạy được. Nghe không lọt lỗ tai ông ạ. Khi họp hành bọn tôi cũng nói nhiều. Kiểu ăn nói với dân như vậy là hơi vô trách nhiệm đấy. Đây này có thửa ruộng bùn ngập hàng mét ngay cạnh nhà tôi. Hai vợ chồng người chủ lấy máy bừa xăng để gỡ bùn đi, ba bốn ngày hôm nay, rồi cả người làm giúp thêm nữa mà vẫn không gạt hết bùn ra khỏi cái thửa ruộng ấy.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/11/101109_caobang_toxicsludge_iv.shtml