Báo VNexpress ngày 5/11/2010 đưa tin:
“Suốt cả ngày hôm qua (5/11/2010), hàng nghìn người dân ở khu đô thị mới Vạn Tường và xã Bình Trị, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) lại tiếp tục cảm thấy ngạt thở, tức ngực vì hít thở phải khí độc do Nhà máy lọc dầu Dung Quất xả ra”.
Sự việc trên đã được cảnh báo trước từ năm 2001.
Tham gia góp ý cho Đại hội Đảng IX 4-2001, tôi có viết bài “Để xây dựng nhanh và ổn định lâu dài cho khu công nghiệp Dung Quất” đăng trên báo Khoa học phổ thông số 11(930) ngày 23/3/2001. Trong đó có viết:
“Chúng ta cũng cần quan tâm đến môi trường của thành phố Vạn Tường. Gió khu vực Quãng Ngải chịu ba hướng chính: Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc. Trong đó hướng gió chính là hướng Tây Bắc vì gió Đông Bắc khi vào miền Trung gặp dãy Trường Sơn nên chuyển thành gió Tây Bắc. Theo quy hoạch của Bộ Xây dựng: thành phố Vạn Tường, khu chuyên gia, khu công nhân viên và Trung tâm giao dịch đều nằm phía dưới gió nhà máy lọc dầu 5 km. Vì vậy không khí vùng Vạn Tường sẽ bị ô nhiễm và nước mưa vùng này bị ảnh hưởng. Vị trí hồ chứa nước của nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ cách không quá 3 km về phía Tây Nam nhà máy lọc dầu là nằm trong tầm bị ô nhiễm khi có gió Đông Bắc. Vì vậy khu nhà ở và nguồn nước Dung Quất hoàn toàn bị đe dọa.
Do đó, vùng Vạn Tường chỉ nên trồng rừng để bảo vệ môi trường. Thành phố cho Khu công nghiệp Dung Quất nên đặt tại phía Tây Dốc Sỏi. Vị trí này có các thuận lợi sau:
– Không ảnh hưởng không khí từ nhà máy lọc dầu Dung Quất.
– Vùng phía Tây Dốc Sỏi có cao độ thuận lợi trong việc chống lũ lụt và có cự ly an toàn với sân bay Chu lai.
– Việc cung ứng nước ngọt lấy từ Hồ Phú Ninh, Quảng Nam như vậy chúng ta hoàn toàn yên tâm nhu cầu nước ngọt lâu dài cho Khu công nghiệp Dung Quất…”.
Rất tiếc những ý kiến trên không được quan tâm và hôm nay những người dân sống ở thành phố Vạn Tường bắt đầu nhận hậu quả về môi trường với những loại hóa chất không thể cân đong đo đếm được. Không khí và nước ô nhiểm là nguồn tạo bệnh tật và rút ngắn tuổi thọ của con người.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN 2010, tại Đà Nẳng đã phát biểu về chiến lược xây dựng cộng đồng ASEAN như sau:
“…Một cộng đồng đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia, các dân tộc ASEAN; chia sẻ, đùm bọc và rộng mở, không ngừng thu hẹp khoảng cách và xây dựng bản sắc chung ASEAN. Một cộng đồng trong đó lấy con người làm trung tâm, luôn hướng tới phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống và sự phát triển của con người; tăng cường phúc lợi và bảo trợ xã hội; bảo đảm công bằng xã hội và các quyền cơ bản của con người; bảo đảm tính bền vững và thân thiện với môi trường…”.
Mục tiêu của Chính phủ rất trong sáng là vì con người, nhưng hành động thì ngược lại.
Các nhà tư vấn cho Chính phủ đã trở thành những con bạch tuộc rút tiền ngân sách một cách hợp pháp nhưng đem lại cho đất nước những sản phẩm dịch vụ quá kém và tiềm tàng hiểm nguy cho con người. Mô hình nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được trình trước Quốc hội, nhưng chúng ta đã để lọt lưới những sai lầm mà xã hội không cần các kiến thức thâm sâu vẫn có thể phát hiện được.
Thiết nghĩ đây là một bài học nhãn tiền cảnh báo cho việc bảo thủ, cố chấp, quyết định đẩy nhanh việc luyện bô-xít tại Tây Nguyên. Kẻ dốt nhất cũng biết hố bùn đỏ sẽ đến lúc đầy! Dù rằng hố chứa bùn đỏ có rộng, có chia nhiều ô hay nhiều tầng, nhưng cái thời điểm đầy ắt sẽ đến. Thời điểm đầy không phải là đời con thì sẽ là đời các cháu của chúng ta. Khi đó thế hệ các cháu của chúng ta sẽ xoay sở làm sao với quả bom hóa học rất độc hại treo lơ lửng trên đầu?!
D. M. D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN