Bô xít Tây Nguyên: màn kịch lừa phỉnh vẫn tiếp tục!

Kính gửi ông Trần Văn Trạch, chuyên gia luyện kim độc lập

Không ngờ rằng sau 18 tháng kể từ bài phản biện đầu tiên đăng trên Bauxite Việt Nam (tháng 4/2009) tôi vẫn phải ngồi viết tiếp về nỗi bức xúc trước thực trạng đau buồn của sự kiện Bauxite Tây Nguyên.

Nhân đọc bài “Bổ sung thiết kế an toàn cho hồ bùn đỏ” đăng trên Tuổi trẻ ngày 7/11/2010, lời tuyên bố sống sượng của ông Trần Văn Trạch, kỹ sư luyện kim, làm tôi sửng sốt:

…”Với tư cách một chuyên gia độc lập, ông Trạch cho rằng không cần phải lo xa chuyện vỡ đập. “Nếu cho phép đảm bảo với Quốc hội, tôi đảm bảo nếu vỡ hồ thì tôi sẵn sàng đi tù” – ông Trạch tuyên bố“…

”][Theo TS. Nguyễn Thành Sơn, thì khối lượng bùn đỏ ở Tây Nguyên không phải là 945.000m3, mà là 8.000.000 – 9.000.000m3.  Còn theo ông Dương Văn Hòa, phó tổng giám đốc trực tiếp phụ trách dự án bôxit của TKV, thì hai nhà máy chế biến bôxit Tân Rai và Nhân Cơ mỗi năm sẽ thải ra khoảng 1.300.000m3 bùn đỏ. Chú thích của BVN]Tôi có cảm tưởng ông Trạch muốn làm anh hùng cái thế, nguyện đem thân xác ra hy sinh cho đại cuộc. Nhưng ở thời đại khoa học kỹ thuật tiên tiến này, những lời tuyên bố oang oang rỗng tuếch đó chỉ làm cho người ta thấy rõ tính chất ba hoa của người nói. Chẳng lẽ khi xảy ra đại hoạ bùn đỏ dâng tràn, gây ô nhiễm trầm trọng cho toàn thể miền đồng bằng sông Đồng Nai, chính quyền bắt ông bỏ tù thì sẽ giải quyết được vấn nạn môi trường sao? Thiết nghĩ, điều mà mọi người đang mong chờ ở ông là kiến thức kinh nghiệm chuyên môn ông dùng để lý giải cho sự an toàn của hồ bùn đỏ. Ông đừng quên hàng trăm ngàn người cũng có kiến thức khoa học cơ bản  đang lắng tai nghe ông giãi bày và thuyết phục đấy. Tôi không hiểu bao nhiêu chuyên gia, tiến sĩ, giáo sư viên chức của Nhà nước đâu mà để cho một ông “chuyên gia độc lập” tuyên bố tràn cung mây với báo chí truyền thông như vậy?

Tôi có cảm tưởng ông chỉ biết nói lại những gì mà nhà thầu TQ (hay cán bộ TKV) dự tính cho cái hồ bùn đỏ, ông chỉ làm phận sự một nhà tiếp thị quảng cáo hàng mà thôi. Tôi xin phép nêu vài chi tiết kỹ thuật để ông kiểm chứng:

1- Theo dự kiến của TKV và nhà thầu TQ, hồ chứa bùn đỏ tương lai khoảng 110 hecta, có nghĩa là diện tích 1.100.000 m2 (Rộng bao nhiêu mét? Dài bao nhiêu mét?). Có hai khả năng:

a) Nếu lợi dụng thung lũng sâu 10-12 m gần nhà máy, thì không cần đào bới nhiều, chỉ cần khai hoang (chặt cây, phát cỏ), đào lớp đất bên trên tới độ sâu cần thiết 14 m so với mặt bằng nhà máy. Cho đến giờ phút phái đoàn lên tham quan, vẫn chưa thấy nhà thầu sửa soạn thi công? Thế thì chờ đến bao giờ mới làm để kịp ngày khai trương (tháng Ba 2011) sắp tới? Sử dụng bao nhiêu xe ủi đất, cào đất, xúc đất, chở đất, phải mở một con đường cho xe chở đất di chuyển? Rồi lại phải dự kiến một bãi đất hoang để tiếp nhận?

b) Nếu cần phải đào bới bãi bãi đất cạnh nhà máy xuống độ sâu 14 m để tạo một cái hố vĩ đại thì khối lượng đất đá đào lên khoảng 16 triệu mét khối đem đổ đi đâu? Cần bao nhiêu tháng để thực hiện công đoạn này? Trong khi nhà thầu thiếu nhân công và thiết bị để hoàn tất công trình!

2- Sau đó bắt đầu trải đều một lớp đất sét dày khoảng 250 mm (0,25 x 1.100.000 = 275.000 m3). Khối lượng đất sét vĩ đại này lấy từ nơi nào ra để đem lên cao nguyên vậy ông Trạch? Chuyên chở dưới dạng gì (ướt hay khô)? Tiếp theo phải trải lên hai lớp vải kỹ thuật, một lớp màng chống thấm HPDE, mỗi lớp có diện tích hơn một triệu mét vuông. Nhà thầu đã đặt đơn tìm mua chưa? Nơi nào sản xuất? Phải ghép và nối từng miếng vải lại với nhau thật kín, để bảo đảm dung dịch xút NaOH không rò rỉ thấm vào mạch nước ngầm, bằng phương pháp gì vậy? Đề nghị ông Trạch cung cấp thêm chi tiết.

3- Sau cùng là lấp một lớp cát thô mịn dầy khoảng 60 cm (0,6 x 1.100.000 = 660.000 m3), tìm đâu ra? Chắc phải xuống biển hay đồng bằng xúc cát chở lên! Khi sử dụng xe cơ giới hạng nặng để đổ cát phân bố đều lên ba lớp vải này, làm sao tránh được hư hại, rách nát vải, nhờ ông Trạch, chuyên gia luyện kim, giải thích hộ. Trong thời gian thi công khoảng 3-4 tháng, nếu gặp mưa lũ tràn về thì nhà thầu có biện pháp gì để bảo vệ nhân công, máy móc đang làm việc trong thung lũng?

4- Còn nữa, đào một con kênh bao bọc xung quanh hồ, sâu 2 m, rộng 2 m và xây nhiều con đập ngăn hồ thành tám khoang. Vì tám khoang ngăn cách biệt lập, cho nên phải cần đến một hệ thống di chuyển ống thoát bùn đỏ từ khoang này sang khoang khác nối với trạm máy bơm từ khu công nghiệp. Ông Trạch có nắm chi tiết gì về hệ thống này không? Ông thử làm con tính xem con kênh chống tràn 2m x 2m xung quanh hồ có dung tích là bao nhiêu và thời gian báo động là bao lâu sau khi hồ bùn đỏ bị tràn vì lũ? Chi tiết này quan trọng đấy ông!

5- Theo dự kiến, hồ bùn đỏ được đặt trong một thung lũng xung quanh là đồi núi, dĩ nhiên trong mùa mưa đó là chỗ trũng thấp nhất để tiếp nhận nước lũ tràn từ trên cao, vậy thì ông đã tính toán khả năng chứa của hồ trong mùa lũ lụt chưa, cộng thêm với 8 triệu mét khối bùn đỏ? Đề nghị ông Trạch trình bày địa thế thung lũng này để mọi người chiêm ngưỡng xem có thật đây là khu lòng chảo bị núi non vây chặt không lối thoát. Thiết tưởng nếu không có lối thoát thì thung lũng này đã biến thành một cái hồ thiên nhiên từ lâu rồi, hoặc có độ thẩm thấu cao để nước ngầm chảy xuống đồng bằng.

Tôi chỉ có bấy nhiêu nghi vấn, vì băn khoăn trước hiểm hoạ môi trường khôn lường mà tôi đành phải mạo muội lên tiếng, đề nghị ông Trần Văn Trạch, chuyên gia luyện kim độc lập, giải thích cặn kẽ. Từ đó đề nghị ông tính nhẩm giùm xem chi phí đào và xây một cái hồ vĩ đại và phức tạp như thế sẽ ngốn hết bao % trong ngân sách Nhà nước. Có lẽ vì vậy mà “người ta” còn chần chừ chưa ai dám lấy quyết định… và công trình cứ bị đình trệ dài dài, tôi thầm nghĩ thế!

Kính chào ông,

L. Q. T.

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.