Lào đang bị Trung Quốc vắt kiệt?

Trung Quốc và các quốc gia khác đang biến Lào trở thành đồn điền công nghiệp, gây tổn hại đến hệ sinh thái của đất nước này.

Lào là một quốc gia không giáp biển với 6,8 triệu người nghèo. Họ đang tìm cách phát triển đất nước nhờ các khoản đầu tư lớn vào đập, hầm mỏ, đồn điền với hy vọng tạo được công ăn việc làm, tăng thu nhập và lợi nhuận để chấm dứt đói nghèo.

Tuy nhiên, theo bản báo cáo dài 130 trang mới công bố đầu tháng 10/2010 – Phát triển ở Lào: Nghịch lý an ninh lương thực (Development in LAO PDR: the Food Security Paradox) nhà nghiên cứu David Fullbrook thực hiện cho Cơ quan Phát triển và Hợp tác của Thụy Sĩ SDC cho rằng, sự phát triển chủ yếu dựa vào đầu tư của Trung Quốc và nước ngoài đang “hủy hoại môi trường, phá hỏng nền sản xuất lương thực và sinh kế.”

Báo cáo này khẳng định dù phát triển nhanh chóng, an ninh lương thực vẫn đang và sẽ còn nằm ngoài tầm với của nhiều người dân Lào, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Chịu tàn phá nặng nề bởi bom đạn quân đội Hoa Kỳ dội xuống trong thời kỳ chiến tranh, Lào vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất – đứng thứ 135 trên thế giới. Lào có gần 41% dân số dưới 14 tuổi; sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 30% GDP và cung cấp 80% tổng số việc làm (Số liệu của CIA Factbook.)

Nhà nghiên cứu Fullbrook cho rằng: “Lào đang bỏ lỡ các cơ hội đẩy mạnh sản xuất lương thực bền vững cho thị trường trong nước và ngoài nước, từ đó có thể khiến tình trạng mất an ninh lương thực kinh niên không những không suy giảm mà còn diễn biến tăng dù cho các mục tiêu phát triển của chính phủ là ‘đúng đắn và đầy tham vọng’.”

Biến đổi môi trường chắc chắn sẽ diễn ra sâu sắc. Hiện nay cả nước Lào có 10 đập đang hoạt động, tạo ra 669 MW điện. Tám đập khác dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2012, tạo ra 2531 MW điện. Quốc gia này cũng đang dự định xây thêm 19 đập nữa và tiến hành nghiên cứu khả thi thêm 42 đập. Gần như tất cả số đập này đều được tài trợ và phát triển bởi các ông chủ nước ngoài với hy vọng thu lợi nhuận từ việc sản xuất điện.

Theo thông tin từ tháng 12/2006, Thái Lan dự kiến nhập khẩu đến 7000 MW vào năm 2015. Việt Nam sẽ nhập 3000 MW vào năm 2015 và có thể tăng lên 5.000 MW vào năm 2020.

Bên cạnh đó, nhiều nước đang tìm cách khai thác tài nguyên khoáng sản của Lào đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Họ hy vọng có thể khai thác nguồn tài nguyên kali (dùng để sản xuất phân bón) lên tới 50 tỷ tấn ở phía Nam Viêng Chăn. Người ta cũng ước tính Lào có đến 2-2,5 tỷ tấn bô-xit (dùng để sản xuất nhôm.) Quặng bô xít đầu tiên do công ty có cổ đông chính là China Nonferrous International Mining (Tập đoàn Khai thác Kim loại màu Quốc tế Trung Quốc) đứng ra khai thác.

Theo ước tính của chính phủ, khai mỏ có thể chiếm 10% GDP tính đến cùng kỳ năm 2010. Lợi nhuận từ việc khai thác khoáng sản sẽ là nguồn thu chính của ngân sách chính phủ.

Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên trù phú của Lào như cao su, bột giấy, nhiên liệu. Fullbrook nhận xét: sự quan tâm này “đang làm thay đổi bộ mặt cảnh quan, nông nghiệp Lào.” “Kỳ vọng giá cao và thu nhập tốt là hấp lực khiến nhiểu nông dân chuyển từ đáp ứng nhu cầu lương thực cho mọi người sang đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp.”

Công ty Yunnan State Farms của Trung Quốc được cấp phép trồng và khai thác 166.700 ha cao su tại bốn tỉnh phía Bắc Lào. Các quan chức đang định giá 50.000 ha đất trồng sắn sau khi thỏa thuận với ZTE, nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc. Có khả năng ZTE đang tìm kiếm tổng cộng 100.000 ha ở bốn tỉnh phía Nam Lào.

Các nhà đầu tư khác đang thu xếp với chính quyền trung ương và địa phương để được giảm giá mua hoặc thuê đất trồng rừng độc canh cao su, bạch đàn, keo, dầu mè, mía đường, sắn.

Con số ấn tượng 2 triệu ha đất cũng đang được đệ trình lên cơ quan trung ương phê duyệt cho phép trồng các cây công nghiệp là keo và bạch đàn bên cạnh cao su.

Hệ quả tất yếu là rừng công nghiệp chiếm mất dần diện tích đất trồng cây lương thực và phá vỡ hệ sinh thái

Theo Fullbrook, “Lợi ích của các nhà đầu tư trồng cây công nghiệp có thể trùng với mục tiêu của chính phủ, đó là tăng diện tích rừng từ 9 triệu ha (42% diện tích đất) lên 12 triệu ha (53% diện tích đất) trong năm 2010.”

Đến năm 2020, 15 triệu ha (70% diện tích đất) sẽ được trồng cây che phủ.

“Nếu định nghĩa rừng là tổ hợp nhiều loài động thực vật cùng cộng sinh trong một hệ sinh thái đa dạng, linh hoạt và phong phú, thì đây sẽ là điều không thể. Còn nếu định nghĩa rừng là tổ hợp nhiều cây cùng một loài thì mục tiêu này có thể đạt được bằng cách trồng cây công nghiệp, điều này không phải là không có tiền lệ ở những nước khác.”

Tuy nhiên, các hoạt động phát triển ở đập nước, hầm mỏ, rừng công nghiệp đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và cư dân nông nghiệp – những người sinh sống trên chính khu vực này.

Đập nước đang làm thay đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng tới không chỉ ngư nghiệp mà cả nông nghiệp. Nông dân buộc phải chuyển từ trồng lúa nước sang lúa khô. Đất trồng lúa đang biến mất dần dưới nước.

“Nếu xét tương quan giữa tình trạng nghèo đói và tiềm năng tài nguyên to lớn của Lào, ta sẽ thấy lựa chọn đầu tư dựa vào tài nguyên là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, hầu hết các chiến lược tương tự ở một số nước khác đã gặp phải thất bại. Điều này nói lên rằng khả năng thất bại đối với Lào là khá lớn.”

“Những nghi ngờ về tương lai bất ổn của ngành sản xuất lương thực đang đặt ra cho toàn cầu nói chung chứ không riêng gì Lào. Nhập khẩu lương thực vào Lào với một mức giá hợp lý là việc làm mạo hiểm. Những bất ổn xảy ra ở các nước khác có thể sẽ tác động tiêu cực hơn đến an ninh lương thực Lào.”

Hoài Thu dịch theo Asia Sentinel

Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-03-lao-va-loi-nguyen-tai-nguyen

This entry was posted in kinh tế, Môi Trường, Trung Quốc. Bookmark the permalink.