Mười ngày trước ông nói: “Vinashin về thực chất đã phá sản nhưng chúng ta không tuyên bố.” Thế rồi, hôm kia ông tuyên bố trước Quốc hội: “Vinashin không phá sản bởi vốn chủ sở hữu vẫn còn.”
Nhà báo hỏi: “Ông giải thích thế nào?”
Ông đáp (xin được trích): “… mô hình phá sản của Mỹ là phá sản qua đêm, nghĩa là doanh nghiệp đó vẫn hoạt động, … nhưng [phải] thay đổi chủ doanh nghiệp… kiểu châu Âu thì [phải] đóng cửa doanh nghiệp, …bán tất cả đi… sau đó có ông nào đó vào mua… xong rối các chủ nợ cơ cấu lại cái nợ đó. Thế nhưng trong trường hợp Vinashin, chủ doanh nghiệp không thay đổi (Chính phủ vẫn là chủ sở hữu)… và mình [nghĩa là Chính phủ] không thể nói là mặc kệ các ngân hàng [tức là chủ nợ] được… [vả lại] 86.000 tỉ đồng là nợ của Vinsashin, … không phải là thất thoát.”
Nhà báo lại hỏi: Ông nghĩ sao khi, “trên thực tế, Vinashin không có khả năng trả nợ, hàng ngàn công nhân không có việc làm, và Chính phủ phải tái cơ cấu các khoản nợ cho Vinashin?”
Ông bèn đáp (cũng chỉ dám trích): “…nó hết sức bình thường. Trong kinh tế thị trường thì một doanh nghiệp có thể vay gấp 4-5 lần vốn chủ sở hữu nhưng nếu nó đạt yêu cầu thì vẫn bình thường.”
Thấy chuyện này không bình thường vì nó (tức là Vinashin) không đạt yêu cầu, một nhà báo khác mớí dè dặt hỏi ông: “… nhiều chuyên gia cho rằng sẽ mất nhiều nămVinashin mới khôi phục được chứ chưa nói gì đến trả nợ, ông nghĩ sao?”
Ông đáp, nhã nhặn mà rất tự tin (tất nhiên, phải trích nguyên văn): “… cho tôi biết tên chuyên gia đó để tôi có thể sẵn sàng trao đổi. Còn các chuyên gia kinh tế của Vinashin tôi đều biết hết trong lòng bàn tay.”
Chắc tin chắc rằng ông cũng có nghe Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết trình Quốc hội tính toán về món nợ của Vinashin: “một tỉnh thu nhập cỡ 1000 tỷ đồng/ năm phải làm quần quật, không mua sắm, ăn uống, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi” nên Nhà báo ấy mới mạnh dạn đề nghị: “Ông có thể tính toán với số nợ hiện nay, Vinashin cần bao nhiêu thời gian để trả không?”
Ông xua tay khiêm tốn đáp rằng (giờ thì đến cao trào rồi, thấy quá hay, không trích nữa mà xin chép toàn văn): “Tôi là đại biểu Quốc hội nên tôi không tính toán, đại biểu Quốc hội là làm vĩ mô, làm cơ chế chính sách.”
Trộm nghĩ, người xưa có câu, nhất dạ sinh bá kế, nghĩa là một đêm sinh ra trăm mưu kế, mà ông đã có bằng Tiến sĩ lại có cả mười ngày để cân nhắc. Vậy xin có thơ rằng:
Là nguyên khí, là nhân tài,
Hôm trước là vậy, hôm nay khác liền.
Phá sản, trước nói: đương nhiên,
Nay đã nghĩ kỹ: vẫn nguyên, vẫn lành
Vả lại, ngay Mỹ, ngay Anh,
Mỗi nơi mỗi kiểu, còn mình khác xa.
Hỏi rằng: Nợ vậy, sao qua?
Đáp rằng: Chuyện ấy chỉ là vi mô.
Việc ông lo những chuyện to
Nợ nghìn nghìn tỉ dân lo được rồi.
K. V. C.
Nguồn: http://trannhuong.com/news_detail/6868/CHUY%E1%BB%86N-%C3%94NG-Kt