Có một tiểu Vinashin dưới thời Minh Mệnh

Thuyền chiến thời Tây Sơn. Ảnh:Internet.

Thuyền chiến thời Tây Sơn. Ảnh:Internet.

Nhân vụ Vinashin , tôi xin kể hầu quý vị một câu chuyện tạm gọi là tiểu Vinashin thời Minh Mệnh.

Đầu năm 1819, vua Minh Mệnh bấy giờ đang là Thái tử – Thái tử Phúc Đảm, 28 tuổi – bắt đầu được vua cha cho tham gia xử lý các công việc triều chính. Hàng ngày Thái tử cần mẫn đọc và giải quyết một cách đầy trách nhiệm các bản tấu từ khắp nơi gửi về. Ngày 11/2/1819, một bản tấu của bộ Công được chuyển đến cho Thái tử xem xét. Nội dung bản tấu cho biết, đội hồng thuyền (thuyền rất lớn) của nhà nước gồm 7 chiếc cả sửa chữa và đóng mới được cử đi công cán vừa bị tổn thất nặng nề trên biển: Thuyền Tĩnh Hải do suất đội Lê Viết Tâm cai quản, vào ngày 28 tháng giêng, khi đang neo đậu ở tấn đảo Lý Sơn thì bị giông làm đứt dây neo va vào đá ngầm vỡ chìm. Thuyền Bình Tự vào đêm mùng 8 tháng 2, khi đang trên đường chạy đến tấn Bình Di thì va vào đảo nhỏ nhô lên giữa biển vỡ tan.

Sau khi đọc bản tấu, Thái tử phê: “Thật đáng giận, phải xử nặng” và ban dụ rằng: “Căn cứ bản tấu có thể thấy không phải do sóng gió mà là do thợ lái chạy thuyền bừa bãi và thủy thủ thả neo cẩu thả nên mới đến nỗi như vậy. Truyền phái quan Lang trung bộ Hình là Đỗ Cao Mại và quan Tam đẳng thị vệ Nguyễn Tiến Song đi gấp đến đó tra xét cho rõ sự việc. Nếu quả như vậy thì bắt đích danh thợ lái thuyền Bình Tự chém bêu đầu trên bến, suất đội Lê Viết Tâm truyền cách chức và dùng cùm nặng cùm trên bến chờ chỉ.

Theo phái đoàn bộ Hình đi xem xét về báo cáo thì thực sự cả hai thuyền đều vỡ tan, hiện thủy thủ trên hai chiếc thuyền đó còn đang trôi dạt trên biển chưa vớt được, sự việc liên quan đến Thủy sư đề đốc Vũ Văn Từ do vô trách nhiệm không chịu kiểm tra khi đóng sửa thuyền, không xem xét kỹ việc chọn phái thợ lái, thủy thủ. Thuyền Tĩnh Hải thuộc vệ 5 doanh Tả, thủy thủ do Thự trưởng vệ Vệ một doanh Tả là Đoàn Văn Suất chọn phái. Thuyền Bình Tự thuộc vệ một doanh Trung, thủy thủ do thự trưởng vệ Đoàn Văn Tống chọn phái. Việc chọn phái đều rất qua loa, chỉ cho xong việc nên thợ lái và thủy thủ không thạo nghề lại không được gia tâm huấn luyện nên mới xảy chuyện.

Thái tử sau khi đọc xong báo cáo của quan bộ Hình đã dùng bút son phê (châu phê): “Mới gặp một cơn gió lớn đã như vậy thì đúng là do các viên cai quản không xem xét giám sát kỹ càng việc đóng sửa và chọn phái thợ lái thủy thủ. Việc này phải xử nặng, không thể khinh suất đối với mạng người và tiền của của nhà nước như vậy được”. Rồi ngài ban dụ rằng: “Truyền cho các tỉnh Quảng Ngãi Bình Định Phú Yên tìm kiếm người và các mảnh thuyền trôi dạt xem còn mất thế nào, cho chạy ngựa trạm về cấp báo”.
Các tỉnh rất mau chóng báo cáo tình hình: Thiệt hại không thể cứu vãn được, đúng là do hai nguyên nhân nói trên, không thể đổ tại sóng gió. Lần này khi điều các thuyền đi, việc chọn phái thủy sư và biền binh rất qua loa, chỉ dựa vào gửi gắm, không xem kỹ khả năng.

Sau khi xem kỹ toàn bộ vụ án, Thái tử ban dụ rằng: “Truyền đem các viên cai quản có liên quan ra trị tội, Thủy sư Đề đốc Vũ Văn Từ phải trị tội nặng, không được chối tội. Thự trưởng vệ Đoàn Văn Tống, Đoàn Văn Suất và Thự phó vệ Vệ úy đều cách chức. (Theo Châu bản triều Nguyễn).

Nếu để hoàng đế Minh Mệnh xem xét vụ Vinashin thì không biết sẽ có bao nhiêu kẻ bị chém bêu đầu?

T. K. A.

Nguồn: http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/11/co-mot-vinashin-duoi-thoi-minh-menh.html

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.