South China Morning Post 01/11/2010
Vịnh Cam Ranh – từng được xem là “chiến lợi phẩm chiến tranh lạnh” (của Liên Xô) – lại một lần nữa được quyết định mở cửa cho các lực lượng hải quân nước ngoài trong động thái mới nhất của Hà Nội nhằm tự bảo vệ chống lại sự gia tăng quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo động thái trên trong phiên bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á hồi cuối tuần qua – một hội nghị bị chi phối bởi các vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
“Tại trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp Cam Ranh, Việt Nam sẽ sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của tất cả các nước trên thế giới, kể cả tàu ngầm, khi họ cần những dịch vụ của chúng tôi”, ông Dũng nói.
Ông cũng khẳng định sự trợ giúp của Nga trong việc xây lại cảng và sửa chữa các cơ sở vật chất để có thể cho thuê với giá thị trường. Nga đã cam kết xây dựng các tiện nghi cho việc sửa chữa như là một phần của khoản 2,2 tỷ USD hợp đồng cung cấp 6 chiếc tàu ngầm Kilo cho Việt Nam đã được công bố đầu năm nay.
Mặc dù bình luận rất ôn hòa của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về Biển Đông được đưa ra tại hội nghị, Bắc Kinh vẫn tiếp tục phải đối mặt với áp lực ngoại giao để buộc chấp nhận một giải pháp hòa bình khu vực đối với tranh chấp lâu đời này.
Và, một đòn khác có khả năng giáng vào Bắc Kinh, hội nghị thượng đỉnh lần này cũng đã chính thức đưa ra kế hoạch dài hơi đó là lời mời Washington và Moscow tham gia vào những cuộc họp Đông Á hàng năm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Một khi cơ sở sửa chữa được hoàn thành ở Vịnh Cam Ranh, các nhà phân tích quân sự cho rằng Mỹ và các cường quốc khu vực khác, vốn là những khắc tinh của Trung Quốc, sẽ là những khách thường xuyên.
Trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam, Cam Ranh được quân đội Hoa Kỳ xây dựng như là một căn cứ hải quân và không quân trọng yếu. Sau chiến thắng, Hà Nội đã trao cảng lại cho Moscow sử dụng vào cuối những năm 1970 khi mối “quan hệ anh em” với phương Bắc đang biến thành xung đột.
Đây là quân cảng lớn nằm gần các tuyến đường biển chiến lược trên Biển Đông và quần đảo Trường Sa đang tranh chấp nhất. Sau đó, Liên Xô đã biến thành nó thành nơi trú ẩn xa bờ lớn nhất cho tàu bè, bảo vệ các tàu ngầm nguyên tử và một cơ sở gián điệp điện tử tại Cam Ranh. Những người Nga cuối cùng đã rời nơi này vào năm 2002.
Từ lâu, Việt Nam đã khẳng định không bao giờ cho phép một căn cứ hay lực lượng nước ngoài nào đóng trên đất của mình hòng tấn công nước khác – đó là lời cam kết được nước này lặp đi lặp lại trong các cuộc gặp gỡ với Bắc Kinh. Nhưng gần đây, Việt Nam đã mở rộng hợp tác quân sự với một loạt các cường quốc, những động thái được xem như chống lại sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Và tương lai của Cam Ranh sẽ là trung tâm của các cuộc đàm phán tương tự.
Hiện nay chỉ có khách du lịch đáp máy bay xuống Cam Ranh do sức thu hút của các khu nghỉ mát ven biển đang mọc lên như nấm ở Nha Trang.
Việt Nam đang nhắm đến các hợp đồng sửa chữa và tiếp tế hải quân với Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nga – những giao dịch có thể dễ thất bại, nhưng chúng ta vẫn thấy sự gia tăng đáng kể các chuyến thăm hữu nghị hải quân đến vùng nước này.
Hồi tháng Tư, báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng đưa tin tàu hải quân trọng tải 40.000 tấn USNS Richard E Byrd đã được sửa chữa ở gần vịnh Vân Phong – động thái này được xem như một thử nghiệm bước đầu quan trọng cho các hợp tác nêu trên.
Các quan chức Trung Quốc chưa bình luận gì về phát biểu của ông Dũng, nhưng một bản tin trên Tân Hoa Xã ghi nhận ý kiến từ một quan chức cao cấp của Nga tại hội nghị thượng đỉnh rằng Moscow đã từ chối đàm phán với Hà Nội về việc thiết lập một căn cứ hải quân Nga tại Việt Nam. Các lực lượng hải quân khác, gồm Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng được cho là đang ngắm nghía Cam Ranh.
Một tùy viên hải quân châu Á có quan hệ gần gũi với liên minh an ninh Hoa Kỳ nói: “Đó là tài sản hải quân hấp dẫn nhất có thể có nếu sự hợp tác hải quân trong khu vực là nhằm gia tăng sức mạnh để đối mặt với sự bành trướng của Trung Quốc”. Với một lối vào hẹp, cảng nước sâu và được bao bọc bởi các dãy núi, Cam Ranh từ lâu đã được coi là cảng trú ẩn tự nhiên cho tàu bè tốt nhất ở Đông Á. Ngay cả trước khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam cách đây 15 năm, các sỹ quan hải quân cao cấp Hoa Kỳ vẫn luôn sẽ thèm thuồng khả năng được “trở về” Cam Ranh.
Khi được hỏi về các căn cứ cũ, một trong các phái bộ đầu tiên của Lầu Năm Góc đến Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, dí dỏm: “Chúng tôi luôn luôn đi tìm một cảng tốt”.
Quốc Ngọc dịch
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN