Chín năm qua, talawas đã góp phần khiêm tốn của mình vào sự hình thành và phát triển một công luận độc lập, một ý thức tự do tư tưởng, một tập quán sinh hoạt tinh thần đa nguyên cho người Việt trong và ngoài nước.
Hoàn cảnh đặc thù của những tờ báo và diễn đàn Internet tiếng Việt điều hành tại hải ngoại như talawas luôn đặt những người chủ trương trước câu hỏi: “Làm thế nào để tồn tại?” Câu hỏi ấy đương nhiên đi liền với câu hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của mình. Hơn ai hết, chúng tôi mong đến ngày talawas không còn cần thiết nữa. Ngày ấy, nền báo chí tự do của Việt Nam sẽ do những nhà báo chuyên nghiệp, sống với nghề báo và sống bằng nghề báo, đảm nhiệm.
Ngày ấy tuy còn chưa đến, chính quyền Việt Nam hiện thời vẫn tiếp tục áp dụng chính sách kiểm duyệt báo chí và trấn áp tự do ngôn luận như một trong những công cụ then chốt để duy trì quyền lực toàn trị trong chế độ hậu cộng sản, nhưng quang cảnh báo chí và truyền thông Việt Nam trong những năm gần đây đã có những thay đổi quan trọng.
Bất chấp tham vọng cũng như các cơ chế kiểm soát và chỉ đạo tư tưởng của chính quyền, báo chí chính thống tại Việt Nam, đặc biệt là các tờ báo mạng, đã ngày càng tự mở rộng giới hạn cho phép. Nhiều bài, nhiều tác giả dăm năm trước chỉ có thể xuất hiện trên báo chí hải ngoại, nay có thể công khai hiện diện trên những tờ báo trong nước có đông đảo độc giả. Đáng kể hơn nữa là sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng blogger Việt Nam mà chủ lực là những tác giả, học giả, những nhà báo và nhà hoạt động văn hóa, chính trị có tên tuổi trong công luận. Trong một thời gian ngắn, cộng đồng này đã chứng tỏ sức mạnh của mình và trở thành một quyền lực ngày càng độc lập với guồng máy tuyên truyền chính thống, có khả năng phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả trước những sự kiện thời sự nóng bỏng. Và đặc biệt là sự ra đời đầy ấn tượng của một số trang mạng độc lập do các trí thức trong nước chủ trì, mà tiêu biểu là trang Bauxite Việt Nam. Như thế, không gian phản biện của những người quan tâm đến các vấn đề của Việt Nam đã được mở rộng hơn rất nhiều so với thời điểm mà talawas bước vào hoạt động và một số năm sau đó.
Xu thế này là khó có thể đảo ngược, song đường tiến tới một nền báo chí tự do cho Việt Nam còn rất dài.
Hệ thống chính trị Việt Nam hiện thời, với những thành tích đàn áp và triệt tiêu mọi ý kiến bất đồng trong quá khứ và ngay cả trong những ngày này, chắc chắn không thay đổi qua đêm. Kinh nghiệm của giai đoạn “Trăm hoa đua nở” đầu những năm 50, của giai đoạn “Đổi mới” cuối những năm 80, cho thấy khoảng không gian tự do ngôn luận vừa giành được đó có thể bị rút lại bất kì lúc nào, bịt miệng những tiếng nói độc lập là điều kiện sống còn của chế độ độc tài tư tưởng. Song ngay cả trong trường hợp chế độ ấy tan rã thì hậu quả và di tích của nó cũng đặt những người làm báo trước những nhiệm vụ khổng lồ.
Chúng tôi cho rằng bối cảnh hiện tại này đòi hỏi một mô hình hoạt động khác, dựa trên những nền tảng khác, mà talawas – xuất phát từ điều kiện và nhu cầu của những năm qua – không còn phù hợp.
Nói lời chia tay sau 9 năm tồn tại, chúng tôi thiết tha hi vọng vào sự ra đời của những mô hình báo chí và truyền thông mới, thực hiện bởi những người được trang bị những khả năng và phương tiện mà chúng tôi đã không thể có, với cùng một nhiệt thành phấn đấu cho một nền báo chí tự do cho Việt Nam.
Chúng tôi chân thành cảm ơn sự cộng tác bền bỉ, chí tình của hàng trăm tác giả, dịch giả suốt 9 năm qua cũng như tình cảm, sự gắn bó và sự hỗ trợ tài chính của các độc giả và thân hữu. Chúng tôi đặc biệt tri ân những đóng góp tận tụy thầm lặng của các chuyên viên kĩ thuật đã giúp talawas đứng vững sau nhiều đợt tấn công của tin tặc.
Quý vị và các bạn là những người làm nên talawas. Toàn bộ kho lưu trữ bài vở của Diễn đàn talawas 2001-2008, talawas blog 2009-2010, talawas chủ nhật và tạp chí talawas, được bảo quản và duy trì trên mạng, là tài sản chung của cộng đồng mạng chúng ta.
Chào tạm biệt.
Ban biên tập talawas 2001-2010
Bùi Duy Dzy, Cao Việt Dũng, Cổ Ngư, Dietmar Erdmann, Đào Tuấn, Đinh Bá Anh, Đỗ Kh., Hà Vũ Trọng, Hòa An, Hoài Phi, Hoàng Hưng, Hương Trà, La Thành, Lê An, Lê Trọng Phương, Lý Đợi, Mai Chi, Ngô Hải, Nguyễn Khánh Hưng, Nguyễn Phú Thịnh, Patrick Raszelenberg, Phạm Thị Hoài, Tiểu Hằng Ngôn, Trịnh Hữu Tuệ, Trương Hồng Quang, Vy Huyền