Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Việt Nam, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhấn mạnh trở lại quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải trong vùng vì tình hình căng thẳng phát sinh từ các tranh chấp chủ quyền trên biển đe đọa đến quyền lợi quốc gia của Mỹ và quyền tự do hàng hải quốc tế. Những lời xác định kể trên của đại diện Hoa Kỳ chắc hẳn đã trấn an nhiều nước ASEAN trong đó có Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chèn ép tại Biển Đông
Nếu xếp loại các sự kiện đáng chú ý tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 5 vừa kết thúc ngày 30/10/2010 tại Hà Nội, thì nổi bật nhất có lẽ là các tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton xác định lập trường của Hoa Kỳ trước các tranh chấp vùng biển đang gây căng thẳng trong khu vực.
Trong bối cảnh Trung Quốc, nước trong thời gian qua đã không ngần dùng uy lực của mình để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền đơn phương trên các vùng Biển Đông và biển Hoa Đông, tuyên bố của bà Clinton được xem là thể hiện quan điểm của Hoa Kỳ : Sẵn sàng đứng ra bảo vệ các nước trong khu vực, chống lại các hành động ngày càng lấn lướt của Bắc Kinh.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ thực ra không có gì mới so với những gì bà đã nói tại Diễn đàn An Ninh khu vực ASEAN hồi tháng 7 vừa qua, cũng tại Hà Nội. Bà Clinton đã khẳng định trở lại rằng các tranh chấp chủ quyền trên biển phải tuân thủ luật pháp quốc tế, một lập trường khiến Bắc Kinh tức giận, nhưng làm cho phần còn lại của khu vực khoan khoái.
Thúc đẩy đàm phán đa phương về Biển Đông
Một lần nữa, người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ lại tuyên bố hậu thuẫn cho một giải pháp đa phương nhằm giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Quan điểm này được ASEAN ủng hộ, nhưng lại đi ngược lại với chủ trương của Bắc Kinh, chỉ muốn giải quyết tranh chấp với từng nước một, một phương thức bị giới quan sát cho là để ‘’dễ bắt nạt’’ các nước nhỏ.
Bà Hillary Clinton cũng nhấn mạnh trở lại quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải trong vùng vì tình hình căng thẳng phát sinh từ các tranh chấp chủ quyền trên biển đe đọa đến quyền lợi quốc gia của Mỹ và quyền tự do hàng hải quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại : « Hoa kỳ xem quyền tự do lưu thông hàng hải và hoạt động thương mại trên biển không hạn chế thuộc phạm vi quyền lợi quốc gia của mình. Khi xảy ra tranh chấp lãnh hải, chúng tôi cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trên cơ sở thông lệ quốc tế ».
Một cách cụ thể, liên quan đến tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, bà Clinton đã khuyến khích Trung Quốc đẩy mạnh đàm phán với khối Đông Nam Á để hình thành ra một bộ quy tắc ứng xử thực thụ, mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý. Ngoại trưởng Mỹ nói : « Về vấn đề Biển Hoa Nam (tức Biển Đông), chúng tôi rất phấn khởi với những bước mới đây của Trung Quốc đi vào thảo luận với các nước ASEAN về một bộ quy tắc ứng xử có tính chất ràng buộc và chính thức hơn ».
Những lời xác định kể trên của đại diện Hoa Kỳ chắc hẳn đã trấn an nhiều nước ASEAN trong đó có Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chèn ép tại Biển Đông, nhất là khi tâm trạng bất an của họ đã gia tăng hẳn lên khi thấy phản ứng thô bạo của Bắc Kinh đối với Tokyo sau sự cố vào đầu tháng 9 tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, do Nhật quản lý nhưng bị Trung Quốc nhận là của mình.
Theo Lucie Moulin, thông tín viên ban Pháp ngữ RFI tại Hà Nội, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, dù chỉ là khách mời, trong khi chờ đợi quy chế thành viên chính thức kể từ năm 2011, Hoa Kỳ đã mặc nhiên đóng được vai trò của người bảo vệ khu vực, công khai chống lại Trung Quốc, điều mà bản thân các nước trong vùng không dám làm dù bị Bắc Kinh chèn ép:
« Các nước ASEAN đã tìm được một người bảo vệ. Vào sáng thứ bảy 30 tháng 10 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thúc giục Trung Quốc phải chấp nhận ý tưởng về một Bộ quy tắc ứng xử về các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Bà cũng nhận được cam kết của Bắc Kinh là sẽ làm rõ vấn đề đang nóng bỏng liên quan đến đất hiếm, những khoáng sản mà Trung Quốc hầu như là nhà cung cấp duy nhất cho tất cả các nước.
Trong những tháng gần đây, các nước láng giềng nhỏ của Bắc Kinh rất quan ngại về uy lực ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng họ cố gắng tránh đối đầu trực tiếp bằng mọi giá. Ông Đinh Hoàng Thắng, một cựu đại sứ Việt Nam giải thích :
« Có lẽ là vì họ có chung những mối đe dọa, chứ còn dùng chữ đối thủ ở đây phải rất thận trọng. ASEAN không dại gị chọn Trung Quốc làm đối thủ. Bởi vì nếu chọn Trung Quốc làm đối thủ, ASEAN sẽ thất bại. Cũng giống như Việt Nam, nếu chọn Trung Quốc làm đối thủ, Việt Nam cũng thất bại. Đừng dùng chữ đối thủ mà ở đây là những mối đe dọa chung, bởi vì cách ứng xử của Trung Quốc, cách xử lý của Trung Quốc trong tranh chấp Trung Nhật đã nói với ASEAN nhiều điều ».
Mời được Hoa Kỳ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, ASEAN không còn phải đơn độc trực diện Bắc Kinh. Thế nhưng họ phải đối phó với một nguy cơ mới. Đó là mất quyền kiểm soát cơ chế này và trở thành khán giả đơn thuần của cuộc đối thoại Mỹ – Trung ».
Riêng đối với nước chủ nhà Việt Nam, đối tượng bị Trung Quốc xách nhiễu nhiều nhất trong hồ sơ Biển Đông, hậu thuẫn của Hoa Kỳ rất được hoan nghênh.
Tránh trực diện với Trung Quốc, nhưng tìm cách đối phó khác
Cũng như các nước Đông Nam Á khác, Hà Nội cũng cố gắng tránh trực diện đối đầu với Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong các hoạt động ngoại giao hay quốc phòng của mình, Việt Nam đã nỗ lực tìm cách đối phó với các mối đe dọa trên Biển Đông.
Thông tín viên Lucie Moulin đã đặc biết chú ý đến quyết định mới đây được chính thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng loan báo. Đó là mở cửa cảng Cam Ranh cho tàu hải quân nước ngoài, “kể cả tầu ngầm”. Đối với Lucie Moulin, quyết định này đồng nghĩa với việc mở cửa cho Mỹ trở lại một căn cứ có giá trị chiến lược thiết yếu đối với khu vực Biển Đông. Điều này cũng phản ánh mối quan ngại sâu sắc của Việt Nam trước đà vươn lên của hải quân Trung Quốc.
“Đối với Hà Nội, Cam Ranh là biểu tượng của sự hiện diện quân sự nước ngoài. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, căn cứ này là một trong ba cửa ngõ thâm nhập chính được quân đội Mỹ sử dụng. Đến năm 1975, Cam Ranh trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô ở hải ngoại, và là một trong những vị trí có giá trị chiến lược nhất của thời Chiến tranh Lạnh. Người Nga đã đồn trú tại đó cho đến năm 2002.
Trong tương lai, chính Maxkơva sẽ giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng mới tại Cam Ranh, nhưng mọi dấu hiệu cho thấy là có lẽ người thuê tiếp theo là Hoa Kỳ. Từ nhiều năm nay, Mỹ và Việt Nam đã tăng cường hợp tác quân sự. Thậm chí, vào mùa hè vừa rồi, hàng không mẫu hạm George Washington của Hoa Kỳ còn ghé lại ngoài khơi kẻ cựu thù Việt Nam.
Cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đều đang quan ngại về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở vùng Biển Đông, một khu vực mà Cam Ranh là trạm quan sát hoàn hảo. Về Cam Ranh, trong phát biểu sau Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, thủ tướng Việt Nam còn nói rõ là tất cả các tàu hải quân sẽ được chào đón, “kể cả tàu ngầm””.
Việt Nam thành công trong việc “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông
Trong một chừng mực nào đó, với sự can dự liên tục của Hoa Kỳ vào hồ sơ Biển Đông từ đầu năm đến nay, có thể nói là Việt Nam đã thành công trong việc nêu bật và quốc tế hóa vấn đề này trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của mình. Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, Việt Nam đã thu hút được sự chú ý của công luận quốc tế đến vấn đề
Biển Đông, cũng như những hành động thái quá của Trung Quốc. Thế nhưng Việt Nam cần phát huy thêm thành công này bằng nhiều hành động cụ thể để chứng tỏ rằng Việt Nam là một nước cởi mở hơn Trung Quốc về phương diện chính trị, qua đó duy trì được hậu thuẫn trong cố gắng bảo vệ chủ quyền của mình.
T. N.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20101101-thuong-dinh-dong-a-hoa-ky-bao-ve-khu-vuc-chong-lai-bac-kinh