Nhiều nước nói “không” với khai thác bô-xít

(VNR500) – Những thông tin liên tiếp về thảm họa bùn đỏ kinh hoàng tại Hungary đã buộc nhiều quốc gia trên thế giới phải đặt lại lên bàn cân lợi ích các dự án khai thác bô-xít của mình.

Sự cố vỡ bể chứa chất thải công nghiệp của nhà máy Ajkai Timfolgyar xảy ra hôm 4/10, đã làm 9 người chết, hơn 100 người bị thương và khiến khoảng 1 triệu m3 bùn đỏ độc hại tràn ra ngoài, gây thảm họa sinh thái và là sự cố hóa chất nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hungary.

Lượng bùn đỏ ở môi trường xung quanh nhà máy đã vượt giới hạn cho phép, khiến hàng trăm người sống quanh khu vực này phải sơ tán hoặc dùng thiết bị bảo hộ, nhiều vùng đất không thể trồng trọt được.

Tờ Libération của Pháp trong bài viết “Bùn đỏ dưới kính hiển vi của Ủy ban Nghiên cứu độc lập về phóng xạ“, cho biết, bùn đỏ trong sự cố vỡ bể chứa chất thải công nghiệp ở Hungary có chứa phóng xạ uranium 238 cao gấp 3 lần độ phóng xạ trung bình của vỏ trái đất (40 bq/kg), và chất thorium 232 cao hơn 4 lần so với độ phóng xạ trung bình của vỏ trái đất.

Những thông tin liên tiếp về thảm họa kinh hoàng này đã buộc nhiều quốc gia trên thế giới phải đặt lại lên bàn cân lợi ích các dự án khai thác bô-xít của mình. Liên tiếp trong các ngày cuối tháng 10 vừa qua, Australia và Ấn Độ đã đóng cửa hai dự án bô-xít lớn vì vi phạm luật bảo vệ môi trường. Giới phân tích cho rằng sẽ còn có nhiều quốc gia theo chân Australia và Ấn Độ.

Không thể đánh đổi môi trường lấy tiền

Hãng khai khoáng Cape Alumina hôm 18/10 đã tuyên bố hủy dự án mang tên Pisolite Hills trị giá 1,2 tỉ USD, do Luật bảo vệ các con sông tự nhiên của chính quyền bang Queensland khiến dự án khó có thể tồn tại.

Một dự án khai thác bauxite ở Australia

Một dự án khai thác bauxite ở Australia

Phát ngôn viên Hội Bảo vệ tự nhiên hoang dã bang Queensland, Glenn Walker tuyên bố, đây là chiến thắng lớn cho môi trường. Ông nói, “những tin tức mới thật tuyệt vời, đây là một trong những chiến thắng lớn nhất của việc bảo tồn môi trường tại Queensland“.

Theo ông, dự án khai thác mỏ bô-xít của công ty bao gồm đề xuất san bằng một khu vực rừng bạch đàn lớn – nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật đang gặp nguy hiểm, trong đó có một loài vẹt mào chỉ có trên bán đảo Cape York. Nó cũng ảnh hưởng tới những vùng cửa sông hoang sơ, với nhiều loài cá quý hiếm.

Trước đó, Cape Alumina đã xem xét lại kế hoạch của họ sau khi chính quyền bang ngày 4/6 tuyên bố, vùng lòng chảo sông Wenlock trên Cape York là một khu vực sông tự nhiên vào diện được bảo tồn theo Luật bảo vệ các con sông tự nhiên. Quyết định này đã ảnh hưởng tới dự án khai thác bô-xít của Cape Alumina.

Wenlock bao trùm khoảng 7435 km vuông, là nơi có số lượng cao nhất các loài cá nước ngọt sinh sống tại Australia và các khu rừng mưa nhiệt đới vây quanh là nơi ở của nhiều loài động vật quý hiếm. Giám đốc điều hành Cape Alumina, Paul Messenger, cho hay, Queensland đã để mất 1,2 tỉ USD cho các hoạt động kinh tế và hàng trăm việc làm mới.

Nhưng ông Walker khẳng định, Queensland được lợi nhiều hơn. “Weipa – thuộc Cape York – có mỏ bô-xít lớn nhất thế giới, và hai cộng đồng cư dân lớn, nhưng không cộng đồng nào được hưởng lợi ích kinh tế, xã hội lớn hơn“, ông nói. “Ngành công nghiệp khai khoáng đã chứng minh rằng, họ không cung cấp điều có lợi cho cư dân bản địa, họ đến đây, phá hủy môi trường địa phương và ra đi với một đống tiền“.

Tiền không phải là vạn năng

Những dự án đầu tư lớn luôn có sức hấp dẫn với những nước đang phát triển như Ấn Độ, nhưng hôm 21/10 vừa qua, Bộ trưởng Môi trường nước này đã từ chối dự án 8,5 tỉ USD của tập đoàn Anh Vedanta Resources để phát triển khu công nghiệp khoáng sản liên hợp bauxite-alumina ở bang Orissa.

Mặc dù rất cần các khoản đầu tư lớn, nhưng Ấn Độ sẵn sàng dừng dự án bô-xít để bảo vệ môi sinh

Mặc dù rất cần các khoản đầu tư lớn, nhưng Ấn Độ sẵn sàng dừng dự án bô-xít để bảo vệ môi sinh

Bộ trưởng Jairam Ramesh cấm Vedanta không được xây dựng mới thêm bất cứ công trình nào ở hiện trường và ấn định nhiều điều kiện khống chế hoạt động của nhà máy luyện alumina sản lượng 1 triệu tấn hiện có ở Lanjigarh, phía đông tiểu bang Orissa. Đề nghị của Vedanta nâng công suất nhà máy điện phục vụ cho nhà máy alumina từ 75 MW lên 300 MW cũng bị bác bỏ.

Trước đó, hồi tháng 8, Vedanta, do tỉ phú Anil Agarwal kiểm soát, đã được chính quyền Orissa cho phép mở rộng nhà máy luyện nhôm Lanjigarh trị giá 375 tỉ rupee (8,5 tỉ USD). Nhà máy nhôm của Vedanta mỗi năm có thể sản xuất khoảng 1 triệu tấn ô-xít nhôm từ bô-xít. Theo nhà hoạt động môi trường Biswajit Mohanty ở Bhubaneswar, thủ phủ bang Orissa, hiện có khoảng 40.000 đợt vận chuyển bô-xít từ ngoài bang đến nhà máy của Vedanta mỗi năm, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Quyết định đình chỉ dự án bauxite của Vedanta là chưa từng có tiền lệ ở Ấn Độ. Lâu nay, các tập đoàn lớn luôn thao túng chính quyền. Ông Jairam Ramesh được xem là vị Bộ trưởng Môi trường đầu tiên làm đúng trọng trách của mình. Phán quyết của Bộ trưởng Ramesh không chỉ làm rúng động ngành công nghiệp Ấn Độ mà còn khiến các chính quyền tiểu bang vốn hăm hở ủng hộ những dự án lớn phải giật mình.

“Quyết định này không hề cảm tính, không hề chính trị, không hề định kiến”, ông Ramesh tuyên bố. “Đây là một quyết định thuần túy pháp lý. Luật pháp đã bị vi phạm”. Trước đó một tuần, một ủy ban điều tra đã ra báo cáo kết luận Vedanta phạm luật và đề nghị khởi tố, bất kể những can thiệp vào phút chót của Naveen Patnaik – người đứng đầu chính quyền bang Orissa.

T. V.

Nguồn: http://vnr500.vn/2010-11-01-nhieu-nuoc-noi-khong-voi-khai-thac-bo-xit

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.