(Tamnhin.net) – Xung quanh “dự án khai thác bô xít Tây Nguyên” đang được rất nhiều người quan tâm, Tamnhin.net đã có cuộc phỏng vấn nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – GS. TSKH Đặng Hùng Võ về đề tài nóng bỏng này.
Tamnhin.net: Được biết ông là một trong nhiều nhân sĩ, trí thức đã cùng ký vào thư kiến nghị xem xét lại việc khai thác bô xít Tây Nguyên gửi lên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Vậy xin ông khái quát lại quan điểm của mình?
Sau khi phân tích đầy đủ các mặt kinh tế, xã hội, môi trường thì chúng tôi đã kiến nghị là nên dừng lại. Quan điểm của tôi là nên dừng, với một tư duy rằng, tương lai, chúng ta sẽ làm việc này tốt hơn. Hiện tại bô xít cũng không phải là cứu cánh gì cho nền kinh tế Việt Nam mà nhất thiết phải đào lên.
Chúng ta hãy để cho thế hệ sau! Lúc đó có thể là bô xít trên thế giới tăng giá, bởi vì tài nguyên khoáng sản ngày một khan hiếm dần đi, nếu chúng ta để muộn lại thì chắc chắn giá trị sẽ cao hơn. Thứ hai là công nghệ lúc đó có thể tốt hơn, tận thu được nguồn khai thác, và là công nghệ sạch, không ảnh hưởng môi trường.
Tamnhin.net: Nếu nói việc khai thác bô xít có hại nhiều hơn có lợi như vậy, và nhiều người có ý kiến nên dừng, thì theo ông tại sao lãnh đạo nhà nước lại quyết định thực hiện dự án này?
Tôi cho là có thể các cơ quan tham mưu chưa nghiên cứu thấu đáo đã trình lên, việc nghiên cứu tính khả thi chưa kỹ lưỡng. Một hệ thống với nhiều chuyên viên, nhưng cũng đều là con người tính toán, nghiên cứu, thì ở một thời điểm nào đó, nếu có sai lầm thì tôi cho cũng là chuyện bình thường. Tất nhiên một hệ thống quyền lực quyết định mà để sai nhiều thì cũng là điều không phải là hay.
Tuy nhiên theo tôi chuyện sai hay đúng, chúng ta cũng chưa nên đặt vấn đề, mà lúc này là thời điểm chúng ta nên cân nhắc việc quyết định dừng hay tiếp tục. Nếu là tiếp tục thì nên tiếp tục bằng cách nào? Mặt khác chúng ta cần một nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập, đánh giá lại toàn bộ vấn đề, lúc đó chúng ta có thể chỉ ra lợi ở đâu, hại ở đâu. Nếu sau đó, thấy rằng việc nghiên cứu là chưa thấu đáo, thì chúng ta làm lại. Chúng ta có thể giảm bớt được những thiệt hại thì tốt hơn.
Tamnhin.net: Với những ý kiến đó trong thư kiến nghị, thì theo ông đã, đang hoặc sẽ có một ảnh hưởng nhất định nào đó trong quyết định của lãnh đạo Đảng và Nhà Nước về việc nên dừng hay tiếp tục dự án bô xít hay không?
Theo thông tin trên báo chí nói, thì cũng chưa thấy ai, trong các vị lãnh đạo cao cấp, hay các cơ quan quản lý có ý kiến gì về kiến nghị này. Tôi nghĩ là trước một kiến nghị như thế thì có lẽ cũng cần phải nghiên cứu và phải có thời gian.
Tuy nhiên chúng ta cũng không nên đặt vấn đề cho đó là một sự kiện gì. Trước một quyết định mà nhiều người lo lắng rằng có thể xảy ra những hậu quả nghiêm trọng, thì chúng tôi kiến nghị mang tính chất xây dựng để xem xét lại. Sau khi xem xét lại mà các cơ quan quyền lực vẫn quyết định tiếp tục hay dừng lại thì tôi cho rằng điều đó cũng là bình thường. Chúng ta hãy coi đó như một hoạt động xã hội, đừng nên coi đấy là một điều bất thường.
Trong một bài báo, tôi cũng đã từng nói, ở một đất nước, muốn phát triển tốt thì chúng ta cần đạt được sự đồng thuận. Nếu chưa đạt được sự đồng thuận thì hãy thảo luận, phân tích hãy làm chi tiết nó đi, để cuối cùng chúng ta đạt được sự đồng thuận. Nếu quyết định trong trạng thái chưa đạt được sự đồng thuận thì chưa chứng tỏ được đất nước đó là mạnh.
Tamnhin.net: Đã có nhiều quan điểm, nhiều ý kiến, nhiều bài báo phân tích về lợi và hại trong dự án khai thác bô xít Tây Nguyên. Tuy nhiên Tamnhin.net vẫn muốn được nghe đánh giá, quan điểm của cá nhân ông?
Nếu nói về lợi, thì việc chúng ta đưa ra một dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên lên để làm giàu, thì chắc chắn đấy là cái lợi bình thường, mang tính chất chung.
Riêng dự án này, nói về mặt kinh tế, thì các chuyên gia kinh tế đã tính, tổng giá trị đầu tư, kể cả đường sắt, điện nước, tất cả mọi thứ liên quan dự án này và lợi nhuận thu hồi được tính theo mặt bằng giá alumina và nhôm, theo một số người nói, khoảng 330 USD/tấn, thì chúng ta mới nói đến chuyện có lãi. Một số người lại mạnh dạn hơn cho rằng nếu tính tổng giá trị kể cả việc khoan nước, chuyên chở… thì không bao giờ có lãi.
Còn về mặt xã hội, chúng ta thấy rằng, Tây Nguyên là một vùng mà chúng ta cũng chưa thực sự đạt được ổn định, còn rất nhiều vấn đề. Mà những sự cố ở Tây Nguyên chỉ vài năm trước đây thôi, thì chúng ta cũng đã rất đau đầu.
Nếu bây giờ chúng ta làm cho đồng bào ở trong ngưỡng cảnh khai thác, ảnh hưởng môi trường, rồi kể cả những gì lộn xộn thì đồng bào cũng phải gánh chịu. Buộc đồng bào phải thu hẹp lại diện tích đất mà trước đây mình đang được hưởng. Chắc chắn là chúng ta đang làm một điều không thuận lợi cho đồng bào Tây Nguyên.
Tôi nhớ trong một bài báo cũng từng có viết, trong số lượng công nhân mà thu hút được vào đấy thì có mấy người là đồng bào dân tộc. Điều đó có nghĩa là việc thực hiện dự án cũng không giải quyết gì về đời sống cho đồng bào dân tộc cả.
Về môi trường, thì sự cố lũ bùn đỏ ở Hungary cho chúng ta thấy rằng, nếu ai đấy có nói rằng dự án bô xít Tây Nguyên 100% an toàn, thì tôi cho rằng, đó là những lời nói khó có thể bảo đảm được. Bởi vì các chuyên gia ở Hungary cũng có ai nói rằng đê chắn bùn của họ sắp vỡ đâu? Thảm họa môi trường không chừa ở đâu cả. Đấy là tôi chưa kể, chúng ta có thể gặp phải động đất, với những cái đê như vậy thì chỉ cần động đất cỡ 4 – 5 richter là có thể vỡ.
Nhất là địa thế của Tây Nguyên còn khác ở Hungary, nằm trên cao 800 m, nếu vỡ đập chắn bùn đỏ ấy thì có thể xả xuống ngay vùng Đồng Nai, Bình Thuận… mức độ ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều với việc hàng triệu mét khối bùn đỏ đổ xuống.
Nhiều người nói rằng vùng núi này chắc chắn, khó vỡ, thì tôi cho rằng chúng ta hãy thận trọng với những cam kết đó bởi những lời cam kết đó là điều chúng ta phải giữ chữ tín với dân, chúng ta không thể xem thường chuyện đó mà muốn nói gì thì nói.
Tôi coi những ý kiến chúng tôi đã nói là mang tính xây dựng, có thể đôi khi cũng mạnh mẽ một chút, bởi vì chúng ta cũng cần phải nói cho rành mạch để đây cũng là những lời tâm huyết với mong muốn các cơ quan lãnh đạo có nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, có những quyết định thỏa đáng hơn.
Xin cảm ơn ông!
H.V – N.D.
Nguồn: http://tamnhin.net/Diemnhin/5725/GSTS-Dang-Hung-Vo-Khai-thac-boxit-o-Tay–Nguyen-nen-dung-lai.html