“Vụ Vinashin: Không lẽ không dám kỷ luật ai?”

Vinashin nợ không phải 86 ngàn tỷ, mà là 120 ngàn tỷ! Đó có phải là con số cuối cùng hay không? Đến mức này mà đại biểu Quốc hội có người vẫn dè dặt nói “Không lẽ không dám kỷ luật ai?”, vẫn dè dặt khuyên như một vấn đề đạo đức: “Tôi cho rằng những cá nhân liên quan đến vụ việc này phải từ chức. Đây có lẽ là một cơ hội để thể hiện văn hoá từ chức”. Không! Trước hết phải nhìn nhận vấn đề ở góc độ pháp lý. Lẽ ra, là cơ quan quyền lực cao nhất, Quốc hội phải ngay tức khắc nhóm họp để thảo luận về việc bất tín nhiệm Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Ở Đan Mạch, một lô dâu tây tung ra thị trường làm người dân ngộ độc, đã đủ buộc Bộ trưởng Thực phẩm phải từ chức cơ mà!

Bauxite Việt Nam

Thảo luận tại tổ về kinh tế – xã hội sáng nay (22/10), Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Văn Hằng đặt câu hỏi: “Quan trọng nhất là tiếp sau Vinashin sẽ là ai?”. Một số ĐBQH khác cho đây là cơ hội “thể hiện văn hóa từ chức”.

Sai phạm ở Vinashin đã được một số đại biểu Quốc hội ở nhiều tổ nêu ra như một dẫn chứng cho những tồn tại trong quản lý kinh tế, yếu kém ở khu vực DNNN mà các báo cáo lâu nay mới chỉ nói theo kiểu chung chung “có nơi, có chỗ”.

“Việc gì cũng giao hết lên Thủ tướng thì vất vả quá”

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Quang Bình nhẹ nhàng dẫn bài học về thể chế dân chủ và bầu cử ở Đan Mạch mà vừa rồi QH cử cán bộ sang nghiên cứu.

Đại biểu QH tổ Thái Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục thảo luận thêm ở hành lang. Ảnh: Lê Nhung

Đại biểu QH tổ Thái Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục thảo luận thêm ở hành lang. Ảnh: Lê Nhung

Rằng, mỗi việc đều được giao cho một người chịu trách nhiệm.

Ông Bình kể, có 1 lô dâu tây tung ra thị trường. Người dân ăn và bị ngộ độc. Chuyện được cử tri phản ánh đến tai đại biểu và họ đã đem chất vấn Bộ trưởng Thực phẩm về trách nhiệm quản lý.

Phiên chất vấn dẫn đến một tình huống là Quốc hội ngày hôm sau có thể sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm ông bộ trưởng.

Để giữ uy tín cho đảng cầm quyền và cho QH nên ngay đêm hôm đó, ông Bộ trưởng đã làm đơn xin từ chức trước.

Cầm trên tay báo cáo Chính phủ về Vinashin, Viện trưởng VKSND tỉnh Nguyễn Bá Thuyền cũng nói thẳng: “Tôi cho rằng những cá nhân liên quan đến vụ việc này phải từ chức. Đây có lẽ là một cơ hội để thể hiện văn hoá từ chức”.

Chính những thông tin trong báo cáo về việc “Chính phủ nhiều lần thanh tra”, rằng “mọi quyền lực tập trung vào lãnh đạo tập đoàn, đang ngày càng trở nên gia trưởng, độc đoán” cũng đã dấy lên tranh luận trong nhiều tổ QH về xác định trách nhiệm cá nhân để ngăn ngừa những “Vinashin” tương tự.

Nói như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung: “Vinashin phá sản rồi. Chẳng qua không ai thừa nhận”. Đáng quan ngại là không rõ ai chịu trách nhiệm quản lý chính.

Nói như Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Tạ Ngọc Tấn, nếu việc gì cũng giao hết quyền lên cho Thủ tướng thì “vất vả cho Thủ tướng quá”.

ĐBQH Hà Minh Huệ bổ sung: “Những cá nhân sai phạm phải được xử lý trách nhiệm rõ, như các nước vẫn có văn hoá từ chức. Còn ở ta, có nhiều vụ việc đụng đến rồi cũng chưa chắc đã nhận trách nhiệm ngay”.

Không lẽ không dám kỷ luật ai?

Tính nghiêm trọng của câu chuyện được làm rõ thêm khi nguyên Bí thư Nghệ An Trần Văn Hằng đưa ra con số, trận lũ lụt chưa từng có trong lịch sử Hà Tĩnh và Quảng Bình đã xóa sổ 20 xã, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Tương đương với “xóa sổ” cả một tỉnh.

Vậy nhưng, so với thiệt hại 86 nghìn tỷ đồng mà Vinashin gây ra thì chưa thấm vào đâu.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Ủy ban Kiểm tra TƯ đã kiểm điểm trách nhiệm của chúng tôi là không kiên trì bảo vệ quan điểm đến cùng. Ảnh: LAD

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Ủy ban Kiểm tra TƯ đã kiểm điểm trách nhiệm của chúng tôi là không kiên trì bảo vệ quan điểm đến cùng. Ảnh: LAD

Đáng lo ngại là dù Chính phủ lập nhiều đoàn thanh tra mà rồi “chỉ mỗi báo cáo của Bộ KH&ĐT là lên đến Ủy ban Kiểm tra TƯ”, còn lại báo cáo của thanh tra các bộ ngành đều nằm gọn trong ngăn bàn các bộ chứ không lên được đến “trên”.

Ông Hằng đặt câu hỏi: “Quan trọng nhất là sau đây xử lý thế nào? Tiếp sau Vinashin sẽ là ai?”.

Ở tổ Thanh Hóa, ông Lê Quang Bình nêu vấn đề, với các bộ được cho là “phát hiện sai phạm” và đã gửi ý kiến, nhưng lại không chịu bảo vệ đến cùng những cảnh báo nhìn thấy trước thì cũng phải chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc “thanh minh” ngay: “Bộ Kế hoạch – Đầu tư có chức năng tham mưu Chính phủ về quy hoạch, kế hoạch phát triển. Ủy ban Kiểm tra TƯ cũng đã kiểm điểm trách nhiệm của chúng tôi là không kiên trì bảo vệ quan điểm đến cùng”. Câu trả lời của ông Phúc tiếp tục được các ĐBQH trong tổ bình luận.

Quốc hội cũng có phần trách nhiệm

Ở đoàn Thanh Hoá, sau khi chia sẻ những quan ngại về chuyện bùn đỏ, về biển đảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình day dứt: “Từ lâu, ĐBQH chất vấn nhiều, cũng quyết liệt, rồi dư luận nói không phải ít nhưng hầu như những người có trách nhiệm bỏ ngoài tai. 11 cuộc thanh tra kiểm toán giám sát nhưng chỉ phát hiện cái “râu ria” nhẹ nhàng”.

Đặt câu hỏi đầu tiên là về trách nhiệm Quốc hội, vì theo ông Bình, khi Quốc hội đi giám sát sử dụng vốn ở doanh nghiệp mà vẫn kết luận là không có gì, chỉ đưa lên để chất vấn.

Ông Bình băn khoăn, chính Thủ tướng phát hiện nhiều vấn đề, nêu ý kiến chấn chỉnh, thậm chí không cho mua tàu Hoa sen nhưng dưới tổng công ty cứ thực hiện. Nhưng kết quả cuối cùng, không ai bị xử lý cả.

“Pháp lệnh cán bộ, công chức cũ quy định rằng người nào, cấp nào có thẩm quyền đề bạt bổ nhiệm cũng có quyền cho thôi chức, kỉ luật. Thủ tướng đã có quyền đề bạt bổ nhiệm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị thì tại sao ra lệnh, họ không chấp hành mà cũng không kỷ luật?”, ông Bình nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh trăn trở, trong quân đội, không chấp hành mệnh lệnh là chỉ huy cách chức ngay.

Theo ông Bình, những việc trên đã gây bức xúc lo lắng trong nhân dân.

Chính phủ cũng thừa nhận, tồn tại lớn nhất hiện nay là tổ chức sắp xếp lại DNNN, đặc biệt là cổ phẩn hóa DNNN là triển khai chậm. Từ chuyện Vinashin, mong Chính phủ tổng kết sâu sắc rút kinh nghiệm, điều gì thuộc về chính sách, cơ chế, Quốc hội thì Chính phủ phải đề nghị Quốc hội lấp lỗ hổng bằng pháp luật. Điều nào thuộc cầm quyền của Chính phủ thì phải tự bịt lỗ hổng.

Theo báo cáo của Chính phủ, thất thoát, nợ nần của Vinashin là 86 ngàn tỉ nhưng tôi được biết sau khi Ủy ban Kiểm tra TƯ tuyên bố kết quả kiểm tra thì các ngân hàng cho Tập đoàn vay đã gửi phiếu đòi tập hợp lại khoảng 120 ngàn tỉ. Tôi muốn hỏi Chính phủ con số đó chính xác không?” (Ông Lê Quang Bình)

L. N. – L. A. – T. C.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201010/Vinashin-Co-hoi-the-hien-van-hoa-tu-chuc-943904/

This entry was posted in kinh tế and tagged . Bookmark the permalink.