Gần đây, trên trang Vnexpress.net có đăng bài phỏng vấn ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, bên lề hành lang Quốc hội chiều 20.10. Nội dung cuộc trao đổi với phóng viên báo chí tôi xin phép không đề cập vì cũng có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này, mà chỉ xin đưa ra một ý kiến nhỏ của mình về vấn đề của Vinashin và trách nhiệm của Chính phủ như sau:
Trong cuộc trao đổi trên, khi trả lời câu hỏi: Sự việc ở Vinashin đã được cảnh báo nhưng vẫn để kéo dài mà đến khi xử lý thì hậu quả cũng khá nặng nề, theo ông liệu có sự bao che?, ông Hà Văn Hiền cho rằng: “Vấn đề ở đây là do quản lý chưa chặt chẽ và bản thân doanh nghiệp thì báo cáo sai sự thật, quản lý cũng chưa tốt dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, quy trình ra quyết định đầu tư không chuẩn… Rồi có cả vấn đề bố trí cán bộ trong doanh nghiệp đấy, dẫn đến khó khăn của Vinashin.” Theo tôi đây là một câu trả lời chung chung, bản thân nó đã mang tính chất bao che cho người có trách nhiệm là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Tôi có cảm giác nó giống như một câu trả lời quen thuộc mà chúng ta dã từng nghe đâu đó, không thể hiện được trách nhiệm của một đại biểu của dân được giao đứng đầu một uỷ ban rất quan trọng của Quốc hội – Uỷ ban Kinh tế. Như vậy, những cảnh báo trước đó có được ai lắng nghe và xử lý không? Theo tôi, ông Hà Văn Hiền có ý bao che cho Chính phủ và cũng bao che luôn trách nhiệm của chính ông mà ông được Quốc hội và nhân dân giao phó.
Ở một câu hỏi khác, ông cho rằng: “Các cơ quan quản lý với chức năng là chủ sở hữu đã thực hiện chức năng của mình chưa rõ ràng, chưa đến nơi, đến chốn. Thế nhưng, ở đây có một lý do nữa là không có cơ quan nào làm đầu mối, chịu trách nhiệm chính, mà bị phân khúc, chia cắt…”. Như vậy sẽ không có cơ quan hay cá nhân nào chịu trách nhiệm về khoản nợ khổng nồ 86.000 tỷ đồng của Vinashin hay sao? Đó là câu trả lời thực sự vô trách nhiệm của người đại biểu của dân. Không cơ quan hay cá nhân nào chịu trách nhiệm sao cái lỗ đó đã đổ sang cho Petro Việt nam và Vinaline và Chính phủ đang oằn mình trả nợ đậy. Sâu xa của vấn đề, cho dù Chính phủ hay tập đoàn kinh tế nào của nhà nước phải gánh món nợ khổng lồ đó thì đều là tiền của nhân dân mà từng người dân phải đóng thuế để trả nợ thay cho một số quan chức yếu kém trình độ quản lý, tiêu tiền lãng phí mà lại được Chính phủ bao che gây nên.
Phải chăng cái sự chia cắt, chưa rõ ràng, chưa đến nơi, đến chốn không có cơ quan nào làm đầu mối, chịu trách nhiệm chính như ông Hiền đề cập ở trên là lỗi của cả một hệ thống chính sách của Chính phủ từ trên xuống dưới và tất nhiên là lỗi điều hành của Chính phủ – theo luật Tổ chức Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ phải là người chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân. Vậy không ai khác thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải trả lời trước Quốc hội và nhân dân.
Thiết nghĩ nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn chút liêm sỉ và còn có trách nhiệm với vận mệnh dân tộc, trách nhiệm với nhân dân và còn muốn được nhân dân tôn trọng thì trong diễn đàn Quốc hội lần này, ông nên nhận trách nhiệm và xin lỗi toàn thể nhân dân đồng thời tập thể Chính phủ nên từ chức để thể hiện trách nhiệm của mình. Xin lưu ý là 86.000 tỷ tương đương 10% GDP của nước ta, quả là một tổn thất rất lớn và còn để lại nhiều vết xước chưa thể gắn lành ngày một ngày hai trong dư luận xã hội.
Là người dân, chúng tôi mong rằng không còn nghe thấy những câu trả lời kiểu bao che cho nhau thật phản cảm của những đại biểu của nhân dân như trả lời của ông Hà Văn Hiền trước báo chí và nhân dân. Những câu trả lời kiểu như vậy không những không thể làm yên lòng dư luận mà nó chỉ có thể làm thổi bùng lên một cách mạnh mẽ hơn những phản ứng của những người dân đang hàng ngày, hàng giờ mỏi mòn mong đợi một Chính phủ thực sự vì dân, một xã hội thực sự dân chủ, công bằng, văn minh.
Hà Nội, 22/10/2010
N. V. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN