SGTT.VN – Từ năm 2005 đến nay, đã có 13 – 14 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát ở Vinashin, phát hiện ra nhiều sai phạm, nhưng lãnh đạo tập đoàn này không những không nghiêm túc chấn chỉnh mà còn tìm cách báo cáo không đúng để lấp liếm. Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 21.10.
Cụ thể, ông Truyền cho biết: “Thanh tra của bộ Kế hoạch và đầu tư đã phát hiện Vinashin đầu tư ngoài ngành, tràn lan; thanh tra bộ Tài chính phát hiện việc sử dụng vốn không đúng mục đích, không hiệu quả; một số hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng thấy nhiều việc không đúng quy định pháp luật và có những thất thoát; giám sát của Quốc hội, kiểm tra của Trung ương về việc đổi mới doanh nghiệp cũng đã chỉ ra rất nhiều sai phạm…”.
Tại sao những vi phạm ở Vinashin vẫn kéo dài và để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng?
Đó là do Vinashin không nghiêm túc chấn chỉnh những sai phạm, thực hiện các kiến nghị của thanh tra. Không những thế, tập đoàn này còn tìm cách báo cáo không đúng sự thật để lấp liếm, như báo lỗ thành lãi. Rõ ràng, nếu thanh tra có toàn diện, kịp thời và chỉ ra hết những sai phạm nhưng Vinashin vẫn tiếp tục làm sai trái như vậy thì hậu quả như bây giờ là tất yếu. Cũng có thể thấy rằng, cơ chế giám sát, thanh tra của chúng ta đang có vấn đề vì chưa có quy định rõ cơ quan nào làm toàn diện, còn cơ quan nào làm theo chuyên ngành. Cũng chưa quy định rõ ai kiểm soát về cái gì. Từ đó dẫn đến có những nội dung bị chậm.
Đơn vị bị thanh tra cố tình không chấp hành kết luận, kiến nghị, không lẽ chúng ta chịu bó tay?
Chung quy lại là cơ chế có vấn đề. Chẳng hạn, ngay cả khi Thủ tướng có kết luận, nhưng họ không làm thì ai phúc tra? Chúng tôi không được giao nhiệm vụ phúc tra, thanh tra các bộ, ngành cũng vậy. Do đó, nếu đơn vị bị thanh tra có chấp hành nghiêm hay không các kiến nghị cũng chịu. Ngay cả nếu biết họ chấp hành không nghiêm thì cũng không có chế tài xử lý. Điều này dẫn đến sai phạm nhiều khi kéo dài hay bị lấp liếm… Tất cả những việc này đều phải được rút kinh nghiệm.
Đáng tiếc là khi xảy ra khủng hoảng thì cả lãnh đạo Trung ương cũng như bộ máy ngành đều cho rằng, phải giảm bớt áp lực về thanh tra để đơn vị này tự xử lý khó khăn về kinh tế.
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với sai phạm của Vinashin đến đâu, thưa ông? Thanh tra Chính phủ có xem xét vấn đề đó trong lần thanh tra toàn diện lần này?
Cùng với xem xét trách nhiệm của đơn vị trong diện thanh tra, chúng tôi cũng sẽ xem xét tới trách nhiệm của cơ quan cấp trên – có nhiệm vụ quản lý họ và kể cả những cơ quan đã vào thanh tra rồi mà không có giải pháp gì để chấn chỉnh. Việc truy trách nhiệm không để bắt lỗi hay chia sẻ lỗi mỗi chỗ một ít mà vấn đề là nhằm để tìm ra cơ chế để siết chặt trách nhiệm các cơ quan này thêm. Trong trường hợp phát hiện cố tình làm trái, thiếu trách nhiệm thì cũng kiến nghị xử lý.
Thanh tra Chính phủ có lo ngại khó kết luận, nếu những tồn tại thuộc về cơ quan cấp trên?
Với những cơ quan cùng cấp trong phạm vi quản lý của Chính phủ, ví dụ như các bộ ngành, UBND địa phương… thuộc thẩm quyền quản lý của Chính phủ thì Thanh tra Chính phủ sẽ kiến nghị xử lý. Đối với những việc vượt thẩm quyền lên trên, Thanh tra Chính phủ cũng có trách nhiệm theo dõi, báo cáo theo quy định. Vừa qua, chúng tôi cũng đã báo cáo nhiều trường hợp xem xét vượt thẩm quyền.
Thanh tra Chính phủ có bị sức ép nào trong quá trình thanh tra Vinashin không?
Tôi có thể khẳng định không hề có. Vừa qua, cũng có những vướng mắc nhưng là do mình chưa làm chứ không phải chịu sức ép. Hiện tại, chúng tôi đã triển khai suôn sẻ nhiều nội dung trong kế hoạch thanh tra và đã phát hiện được thêm nhiều vấn đề cụ thể để qua sự việc này, có thể thấy được cách quản lý đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói chung.
Xin cảm ơn ông.
Thảo Nguyễn (ghi)
Nguồn: http://sgtt.vn/Goc-nhin/131551/Thanh-tra-da-biet-sai-pham-nhung-khong-the-chan-chinh.html