TKV nói gì về mối lo bùn đỏ?

Quặng bauxite tập trung chờ chế biến thành alumin ở Nhà máy alumin Nhân Cơ - Ảnh: T.N.Q

Quặng bauxite tập trung chờ chế biến thành alumin ở Nhà máy alumin Nhân Cơ - Ảnh: T.N.Q

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban nhôm – bauxite, Tập đoàn than khoáng sản VN (TKV), cho biết TKV đã thành lập đoàn khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm từ Hungary, nhưng do phía Hungary chưa đồng ý nên chưa thực hiện được. Thanh Niên đã phỏng vấn ông về những lo ngại có thể xảy ra sự cố tràn bùn đỏ đối với các dự án bauxite.

* Công nghệ thải bùn đỏ của Hungary là thải ướt, đây cũng là công nghệ sử dụng tại hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ. Liệu nguy cơ nứt hồ chứa, tràn bùn đỏ ở Hungary có lặp lại ở VN?

Ông Nguyễn Thanh Liêm

Ông Nguyễn Thanh Liêm

– Chúng tôi đã xem xét sơ bộ và thấy điều kiện của Hungary và VN khác nhau. Hungary dung tích bể chứa rất lớn, nằm trên bề mặt đồng bằng, mặt bể chứa bùn đỏ lại đắp nổi. Các bể chứa bùn đỏ của TKV nằm trong thung lũng, chia khoang nhỏ hơn, việc chảy tràn rất khó xảy ra. Giả sử có tràn bùn thì dung tích tràn cũng rất nhỏ. Hơn nữa, thiết kế hồ chứa bùn đều có khoang dự phòng và đập dự phòng ở khoang cuối. Nước, bùn chảy ra sẽ vào khoang dự phòng.

* Dung dịch pH trong bùn đỏ có tính chất ăn mòn rất mạnh. Liệu các bể chứa, lớp vải lót, lớp chống thấm kim loại trong bể chứa có chịu đựng được?

– Theo thiết kế, hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ đều sử dụng màng chống thấm có độ chống thấm pH rất cao, trên 12pH, theo tiêu chuẩn nhiều nước đang thực hiện. Thiết kế chống thấm này là do Trung Quốc làm, nhưng chúng tôi đã yêu cầu họ tham khảo thêm các tiêu chí an toàn để điều chỉnh, và họ đã chấp nhận.

Về tính ăn mòn, công nghệ thu hồi sút giảm độ pH ngày càng cao, trước đây bùn đỏ sau khi xử lý vẫn còn 13, 14pH, nhưng hiện nay theo thiết kế ở Tân Rai, sau khi xử lý thì pH còn trong bùn đỏ chỉ là 10, 11pH (dưới 9pH là thải ra ngoài bình thường). Tức là khi thải ra, độ kiềm trong bùn đỏ đã giảm đi rất nhiều, kiềm dư không còn cao như mức ban đầu.

* Hồ chứa bùn đỏ của cả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều có độ cao trên mặt biển tới 700 m, trong khi Tây Nguyên thường xuyên có lũ lớn, sạt lở. TKV đã tính toán tới điều này trong thiết kế chưa?

– Khu vực xây dựng nhà máy là thung lũng, nhưng lại nằm trong vùng không có lưu vực sông suối, mưa rơi trực tiếp xuống, không có nước bên ngoài đổ vào. Có thể gọi những thung lũng chúng tôi chọn đều là “thung lũng chết”.

Ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết, dự án Tân Rai dự kiến tháng 4.2011 sẽ có sản phẩm ra thị trường. Theo thiết kế của dự án Tân Rai, hồ số 1 có diện tích 110 ha chia làm 8 khoang, khoang nhỏ khoảng 600.000m3, khoang lớn 1,6 triệu m3, tỷ lệ rắn lỏng 1,15. Tổng công suất của hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ là 1,25 triệu tấn/năm, lượng bùn đỏ thải ra ước tính 2,4 triệu tấn (lượng bùn đỏ của Nhà máy bauxite Ajka bị sự cố ở Hungary là 1 triệu tấn).

Theo chúng tôi đánh giá, trừ trường hợp động đất, làm cho nứt, vỡ mới xảy ra nguy cơ tràn bùn khỏi khoang. Trường hợp mưa, lũ đã có giải pháp là chia nhiều khoang nhỏ để thu hồi hết nước về lại nhà máy, không cho chảy ra ngoài.

* Có ý kiến để tránh rủi ro, nên chuyển quặng bauxite đã khai thác và làm giàu xuống chế biến tại Bình Thuận và chôn lấp dưới biển. Quan điểm của ông như thế nào?

– Theo chúng tôi, nếu chuyển được sẽ có rất nhiều thuận lợi. Hiện nay, do chế biến luôn tại khu vực Tây Nguyên nên sẽ phải vận chuyển nguyên liệu lên và sản phẩm xuống. Trong quá trình vận chuyển chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường và làm tăng chi phí vận tải.

Trường hợp bùn đỏ chứa trên cao, nếu xảy ra động đất, nguy cơ tràn bùn rất cao. Thiết kế của hồ chứa tránh được động đất cấp 7, nhưng nếu động đất vượt cấp 7 cũng không thể nói được điều gì sẽ xảy ra.

Nếu chuyển xuống biển, công nghệ trung hòa chính là sử dụng muối của biển trung hòa bùn đỏ. Trước kia, nhiều nước đã thải trực tiếp bùn đỏ ra biển. Nhưng nay do yêu cầu môi trường, nên không thải trực tiếp mà đặt sát biển để xử lý chất thải, bùn được dễ dàng hơn. Các dự án sản xuất alumin của Úc cũng đặt sát biển.

Quan điểm của TKV là đặt sát biển có nhiều cái lợi, so với Tây Nguyên an toàn hơn, chi phí, môi trường cũng được đảm bảo.

Theo quy hoạch, những dự án đang triển khai vẫn tiến hành như thiết kế, nhưng dự án sắp tới chúng tôi đang xem xét, luận giải và tính đến các yếu tố kinh tế xã hội.

* Việc hoàn thổ với bùn đỏ liệu có đảm bảo yếu tố an toàn môi trường, khi mà việc hoàn thổ với than là lĩnh vực sở trường của TKV cũng chưa tốt?

– Than với bauxite khác nhau. Với bauxite, hồ chứa bùn đỏ đều có lớp phủ, lớp quặng, đất dày tới 3-5m. Dự kiến, mỗi khoang chứa bùn đỏ trong 1 – 2 năm sẽ tiến hành đóng hồ, phủ một lớp đất dày, rải nhựa chống nước ngấm xuống và hơi bùn đỏ bốc lên, dùng tro bay núi lửa và lớp đất dày phủ lên trồng cây. Các nước trên thế giới đều thực hiện điều này bình thường và an toàn.

* Nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về hiệu quả kinh tế của dự án không cao nếu đặt trên bàn cân với các yếu tố môi trường, xã hội. Ông nhìn nhận thế nào?

– TKV đã tính toán và thấy hiệu quả kinh tế vẫn được đảm bảo, dù phải xây thêm nhiều tuyến đường vận chuyển sản phẩm, cả đường sắt và đường bộ. Nếu đặt tất cả các nhà máy trên Tây Nguyên sẽ buộc phải xây dựng tuyến đường sắt nối thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng xuống cảng Kê Gà vận chuyển theo đường biển đi tiêu thụ. Nhưng nếu xem xét điều chỉnh chế biến alumin xuống ven biển sẽ không cần đầu tư đường sắt.

Về đường bộ, với dự án Tân Rai, giai đoạn chưa có cảng Kê Gà, sẽ vận chuyển theo quốc lộ 20 xuống, chỉ phải cải tạo một số đoạn yếu. Chúng tôi đã tính toán và thấy khoảng 5-10 năm là thu hồi được vốn bỏ ra.

M.H

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201043/20101020234420.aspx

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.